Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - EU: Tiến tới một thế giới phi vũ khí hạt nhân

Thứ Ba, 14/04/2009, 22:45
Cuộc họp thượng đỉnh lần đầu tiên giữa Liên minh châu Âu (EU) với Mỹ trong bối cảnh Cộng hòa (CH) Séc, nước hiện giữ chức Chủ tịch luân phiên EU, đang gặp bất ổn chính trị. Trọng tâm của hội nghị là vấn đề biến đổi khí hậu và chống phổ biến vũ khí hạt nhân.

Sau khi kết thúc hội nghị tại Praha, thủ đô CH Séc, trong tuyên bố chung cho rằng EU và Mỹ hiện nay cần phải xây dựng quan hệ đối tác vững mạnh xuyên Đại Tây Dương, đồng thời bày tỏ hai bên sẽ trao đổi ý kiến về nhiều vấn đề tại hội nghị cấp cao hàng năm vào tháng 6 năm nay.

EU và Mỹ đã đóng góp to lớn cho thành quả hội nghị cấp cao nhóm G20 tại London trước đó, đồng thời cam kết sẽ tiếp tục cố gắng thúc đẩy vòng đàm phán Doha của Tổ chức Thương mại thế giới.

Tổng thống Mỹ Barack Obama (trái) được Tổng thống CH Séc Vaclav Klaus tiếp đón tại Praha ngày 4/4/2009.

Tuyên bố chung nêu rõ, vấn đề biến đổi khí hậu là một nhiệm vụ cấp bách mang tính toàn cầu, EU và Mỹ sẽ cùng nỗ lực để đạt được nhận thức chung rộng rãi tại Hội nghị biến đổi khí hậu Liên Hiệp Quốc sẽ diễn ra tại Copenhagen vào cuối năm nay, chuẩn bị cho thời kỳ hậu Kyoto.

Trong bài diễn văn tại hội nghị, Tổng thống Obama đưa ra viễn cảnh về một thế giới phi hạt nhân. Ông tuyên bố Mỹ sẵn sàng dẫn đầu các nước có vũ khí nguyên tử tiến tới việc giảm bớt các kho vũ khí của họ. Ông Obama nói Mỹ vẫn xúc tiến những kế hạch nhằm xây dựng một lá chắn chống tên lửa ở châu Âu, chừng nào Iran còn đặt ra một mối đe dọa với chương trình hạt nhân của họ.

Tại thủ đô của CH Séc, từng là một tiêu điểm trong cuộc Chiến tranh lạnh giữa phương Tây và Liên bang Xôviết, ông Obama cam kết sẽ thực thi hiệp ước Chống phổ biến vũ khí hạt nhân và thực thi những biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn đối với những nước vi phạm các quy định về việc cấm phổ biến vũ khí hạt nhân.

"Mỹ sẽ thực hiện các bước đi cụ thể hướng tới một thế giới không có vũ khí hạt nhân. Để chấm dứt lối suy nghĩ thời Chiến tranh lạnh, chúng tôi sẽ giảm bớt vai trò của các vũ khí hạt nhân trong chiến lược an ninh quốc gia của chúng tôi và thúc giục các nước khác cũng làm như vậy. Chúng tôi sẽ tìm cách lôi kéo những nước có vũ khí hạt nhân vào nỗ lực này" - ông Obama phát biểu.

Cùng với Ba Lan, CH Séc là một trong hai địa điểm tại Đông Âu được lựa chọn để đặt hệ thống lá chắn chống tên lửa của Mỹ, được xúc tiến dưới thời Chính phủ Bush và bị Moskva lên án như một hành vi gây hấn nhằm chống lại Nga. Cựu Tổng thống George W. Bush nói lá chắn cần thiết để đáp lại những đe dọa từ cái mà ông gọi là những quốc gia “bất hảo” như Iran.

Chính phủ mới của ông Obama ít cương quyết hơn trong việc xúc tiến kế hoạch, nhấn mạnh rằng kế hoạch sẽ được duyệt xét về phí tổn và tính khả thi. Mỹ đã cố thuyết phục Nga tham gia vào nỗ lực khuyên Iran từ bỏ chương trình hạt nhân của họ, chương trình mà Iran nói có tính cách hòa bình.

Theo nguồn tin Bộ Ngoại giao Mỹ, ông Obama đã nói với các lãnh đạo Ba Lan trong một cuộc họp bên lề Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-EU rằng, Mỹ sẽ tiếp tục nghiên cứu và phát triển lá chắn chống tên lửa.

Nhưng ông nói thêm rằng, phòng chống tên lửa không phải là liều thuốc bách bệnh, đặc biệt nếu việc phòng chống tên lửa tỏ ra không hiệu quả. Điều này nói lên một thực tế rằng, ông Obama không trông mong thành công một sớm một chiều trong các nỗ lực nhằm loại các vũ khí hạt nhân khỏi thế giới

Nguyễn Bảo (Tổng hợp)
.
.