Hội nhập và khủng bố

Thứ Hai, 25/07/2016, 16:30
Thế giới dường như chưa hết bàng hoàng trước hàng loạt vụ tấn công khủng bố đẫm máu tại châu Âu trong vài tháng qua, việc nước Pháp chứng kiến một vụ tấn công khủng bố nghiêm trọng vào đúng ngày Quốc khánh 14-7, càng cho thấy các vụ tấn công khủng bố thực sự đang có xu hướng lan tràn ở phương Tây.

Tại sao một xã hội phương Tây phát triển lại phải bó tay trước các vụ tấn công khủng bố, sau mỗi vụ tấn công như vậy chỉ có thể lặng lẽ chờ đợi vụ tấn công khủng bố tiếp theo?

Lý giải cho điều này có lẽ trước tiên phải nhìn nhận đến sự thất bại của hội nhập văn hóa. Phương Tây có truyền thống của "một thần giáo". Ở điểm này phương Tây và thế giới Hồi giáo không có gì khác nhau, điểm khác nhau là thượng đế khác nhau mà mọi người tín thờ.

Trong lịch sử, tín ngưỡng tôn giáo khác nhau đã dẫn đến những xung đột và chiến tranh vô tận. Cựu Tổng thống George Bush (con) từng gọi cuộc chiến chống khủng bố là cuộc chiến tranh tôn giáo mới không phải là không có lý lẽ.

Trong những thập kỷ gần đây, phương Tây đã khởi xướng văn hóa đa nguyên hay đa nguyên văn hóa, hy vọng các tín ngưỡng, tôn giáo có thể chung sống hòa bình. Nhưng điều này chỉ là lý tưởng, muốn chuyển thành hiện thực có hiệu quả là vô cùng khó khăn. Ví dụ, Pháp được coi là một nền "cộng hòa" điển hình, một nền dân chủ tự do cởi mở.

Tuy nhiên, về bản chất, Pháp vẫn là một quốc gia được xây dựng trên cơ sở văn hóa tôn giáo thống nhất, bởi vì chỉ khi chấp nhận tinh thần của nền "cộng hòa" Pháp thì mới đủ điều kiện trở thành công dân Pháp. Lịch sử hàng chục năm qua cho thấy khả năng thành công của đa nguyên văn hóa không cao. Cho dù đó là văn hóa phương Tây hay Hồi giáo, bản chất của nó là "đồng thuận mà hợp tác, chứ không phải "hợp tác mà chấp nhận bất đồng".

Xét từ quan điểm này, có thể dự đoán rằng làn sóng người tị nạn ồ ạt vào châu Âu  sẽ có những tác động rất lớn đối với phương Tây. Nếu những người nhập cư mới không thể hội nhập một cách hiệu quả thì họ sẽ làm thay đổi bản đồ văn hóa và tôn giáo của châu Âu. Từ góc độ lịch sử cho thấy trong quá trình này, rất khó tránh khỏi hành vi bạo lực của "máu và lửa".

Căng thẳng giữa chính quyền Pháp và cộng đồng người nhập cư Bắc Phi ngày càng lên cao.

Thứ hai là sự thất bại của chính sách kinh tế và xã hội. Mặc dù phương Tây chủ trương công bằng xã hội, nhưng giá trị mà bất cứ xã hội nào đều có thể chấp nhận lại không được phản ánh trong đời sống kinh tế và xã hội của các nhóm người khác nhau trong xã hội. Thông thường các nhóm thiểu số ở phương Tây (đặc biệt là người Hồi giáo) luôn ở bên lề của xã hội, có trình độ học vấn thấp, thiếu việc làm hoặc thất nghiệp, thường là những người đang tham gia các công việc mà xã hội chính thống không sẵn sàng làm, có sự khác biệt lớn về mức thu nhập với xã hội chính thống, không gian sống lang thang ngoài xã hội chủ lưu. Rõ ràng, mặc dù xã hội phương Tây thường có chính sách xã hội tương đối hoàn chỉnh, nhưng chính sách xã hội dường như không mở đủ rộng tới các nhóm thiểu số.

Thứ ba, quan trọng hơn là chủ nghĩa cá nhân của phương Tây đã được đẩy đến cùng cực. Chủ nghĩa cá nhân mà xã hội phương Tây tôn thờ đã mang lại đầy sức sống từ dưới lên trên cho xã hội phương Tây. Tuy nhiên, không phải việc gì cũng chỉ có mặt tốt, mà không có kết quả tiêu cực. Ví dụ, trong vấn đề chủng tộc tôn giáo, tự do ngôn luận đứng trên chủ nghĩa cá nhân của phương Tây đã gây ra sự lúng túng khó xử và thậm chí tức giận cho người Hồi giáo.

Kể từ khi phương Tây tiến hành các chiến dịch chống khủng bố quy mô lớn tới nay, giới văn hóa và trí thức phương Tây cũng tận dụng lợi thế của tự do ngôn luận, mỉa mai một số tập quán dân tộc, tôn giáo và văn hóa khác mình. Kiểu tự do ngôn luận hoặc nói "thoải mái như vậy" không những làm tổn thương tình cảm tôn giáo của người Hồi giáo chiếm đa số, mà còn kích động sự giận dữ của những người Hồi giáo cực đoan. Những sự thể hiện trong nhiều năm qua đã gây ra thiệt hại chung cho xã hội phương Tây.

Trên thực tế, lâu nay tự do ngôn luận đều có biên giới của nó. Cho đến nay, rất nhiều quốc gia phương Tây vẫn mắc "tội phỉ báng". Nếu ngôn luận không có biên giới thì hành vi cũng sẽ không có biên giới. Nếu ý chí tự do của mỗi cá nhân đều có thể hoàn toàn được phát huy mà không chịu bất cứ sự ràng buộc nào, thì chuyện gì cũng đều có thể xảy ra, điều khác nhau là mỗi người có cách "định nghĩa" không giống nhau về tính chất hành vi của người khác. Những người ủng hộ tự do ngôn luận có cách định nghĩa của mình thì những người theo đường lối cấp tiến cũng có cách định nghĩa của họ.

Vụ tấn công khủng bố 11-9-2001 đã trôi qua nhiều năm, mọi người đã có thể đúc rút được rất nhiều bài học kinh nghiệm từ các các chiến dịch chống khủng bố trong những năm qua. Sự không hiệu quả của chống khủng bố và sự thịnh hành của chủ nghĩa khủng bố chứng tỏ mọi người chưa tổng kết được bài học kinh nghiệm. Ngược lại vì rất nhiều chính sách không hiệu quả thậm chí sai lầm, chiến dịch chống khủng bố lại cung cấp nguồn tài nguyên vô tận, mở rộng không gian vô hạn cho sự phát triển của chủ nghĩa khủng bố.

Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) quả thật đúng là "đội quân liên hợp quốc" của thế giới Hồi giáo. Hàng chục nghìn người từ các nước phương Tây đã tới Trung Đông hỗn loạn để gia nhập tổ chức này. Sự hình thành của một mạng lưới rộng lớn này báo hiệu một tương lai đáng lo ngại.

Bảo Trân (tổng hợp)
.
.