Hỗn loạn sau cuộc bầu cử tổng tống

Thứ Ba, 11/03/2008, 16:45

Cuộc đối đầu giữa chính quyền và phe đối lập liên quan đến kết quả cuộc bầu cử tổng thống vừa qua đã khiến thủ đô Yerevan của Armenia rơi vào tình trạng hỗn loạn trong những ngày cuối tuần qua. Hậu quả từ những cuộc xung đột đẫm máu giữa cảnh sát và những người biểu tình khiến 8 người chết và hơn 100 người bị thương...

Theo tuyên bố chính thức của Chính phủ Armenia, cảnh sát nước này từ ngày 29/2 đã nhận được thông tin cho biết, những người biểu tình thuộc phe đối lập ủng hộ cựu Tổng thống Ter-Petrosian đang rất tích cực thu thập và tích trữ vũ khí để chuẩn bị cho cuộc bạo động dự tính bắt đầu từ ngày 1/3.

Khi cảnh sát triển khai lực lượng ở khu vực quảng trường trung tâm thành phố, họ bất ngờ bị những kẻ chống đối trang bị gậy, dùi cui và chai xăng tấn công. Tuy nhiên, cựu Tổng thống Ter-Petrosian trong một cuộc họp báo đặc biệt vào ngày 1/3 lại khẳng định ngược lại. Theo lời ông này, những người biểu tình ủng hộ ông đã buộc phải tự vệ sau khi cảnh sát sử dụng hơi cay và súng để tấn công họ. Tình hình leo thang căng thẳng đến mức Tổng thống sắp mãn nhiệm Robert Kocharian đã phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp ngay từ tối 1/3.

Những nguyên nhân bất ổn bắt đầu nảy sinh từ ngay sau khi kết quả cuộc bầu cử tổng thống Armenia được công bố, theo đó ứng cử viên Sarkisian (là đồng minh của Tổng thống Kocharian) đã giành thắng lợi với 53% số phiếu bầu.

Trong khi đó, ứng cử viên của phe đối lập - cựu Tổng thống Ter-Petrosian - chỉ  được 21,5% số phiếu bầu. Phe đối lập ngay lập tức lên tiếng khẳng định kết quả cuộc bầu cử đã bị chính phủ cố tình gian lận. Ter-Petrosian đã chính thức nộp đơn kiện lên Tòa án tối cao với yêu cầu bác bỏ kết quả bầu cử. Tiếp đó, một thủ lĩnh phe đối lập là Nicol Pashinian - người trước đó có mặt trong ban tham mưu tranh cử của Ter-Petrosian – đã kêu gọi những người ủng hộ xuống đường biểu tình và lập nhiều chướng ngại vật để ngăn chặn cảnh sát. Trung tâm thủ đô Yerevan đã xuất hiện một loạt các chướng ngại vật bằng thùng rác cho tới các xe hơi bị lật đổ. 

Đến chiều ngày 1/3, cảnh sát và lực lượng đặc nhiệm bắt đầu được triển khai để giải tán những đám đông biểu tình. Hãng thông tấn Armenia Today cho biết, cảnh sát đã bắn súng lên không trung để cảnh báo, tuy nhiên cũng có một số viên đạn trúng phải đám đông. Tuyên bố sau đó của chính quyền đã thừa nhận có tới 8 người thiệt mạng trong những cuộc xung đột này, bao gồm cả người biểu tình và nhân viên cảnh sát.

Bộ Y tế Armenia cho biết còn có tới 123 nạn nhân khác bị thương với các mức độ khác nhau (một số tờ báo địa phương đánh giá con số này phải lên tới hàng trăm). Tình hình càng trở nên nghiêm trọng hơn, khi một số nhóm biểu tình bắt đầu tấn công cướp phá nhiều cửa hàng và đốt cháy xe ôtô. Tòa nhà thị trưởng cũng bị tấn công và ném vỡ nhiều cửa kính.

Cảnh sát đã bắt giữ được hơn 50 người với các tội danh “gây rối”, “sở hữu vũ khí trái phép” và “tấn công các đại diện của chính quyền”.

Sau tuyên bố về tình trạng khẩn cấp của Tổng thống Kocharian, ứng cử viên Ter-Petrosian cũng có bài phát biểu kêu gọi những người ủng hộ mình nên giải tán và tuân thủ những quy định của chính quyền. 

Những sự kiện mới nhất tại Yerevan được đánh giá như một biểu hiện mới của làn sóng “cách mạng màu” trong không gian các quốc gia thuộc Liên Xô cũ.

Ngay trong năm 2007, những vụ hỗn loạn tương tự từng diễn ra tại Bishkek (thủ đô Kyrgyzstan) vào tháng 4/2007, và tại Tbilisi (thủ đô Gruzia) tháng 11/2007, nhưng kết quả đã không theo đúng ý muốn của phe đối lập.

Chẳng hạn như tại Kyrgyzstan, phe đối lập đã không thể “phục hồi” sau thất bại ngày 19/4 năm ngoái. Một số dự định tổ chức những cuộc biểu tình mới đã nhanh chóng phá sản, sau khi một số nhân vật đại diện của phe đối lập lại đứng về phía chính quyền sau một số thỏa thuận chia sẻ quyền lực. Còn tại Gruzia, Tổng thống Saakashvili vẫn trụ vững sau những nỗ lực biểu tình khá rầm rộ của phe đối lập. Thậm chí ngay cả sau vụ bê bối dùng hơi cay trấn áp người biểu tình, Saakashvili vẫn tiếp tục tái đắc cử thêm một nhiệm kỳ nữa.

Theo những diễn biến mới nhất tại Yerevan, cựu Tổng thống Ter-Petrosian vẫn kêu gọi những người ủng hộ tạm thời không xuống đường biểu tình và tạm chờ những chỉ thị mới.

Dù đã tạm thời lắng dịu, nhưng đất nước Armenia được đánh giá đang tiềm ẩn một làn sóng bất ổn mới. Theo quy định, tình hình khẩn cấp mới được ban bố tại thủ đô sẽ có hiệu lực trong 20 ngày. Còn lễ tuyên thệ nhậm chức của tân Tổng thống Sarkisian dự tính sẽ được tổ chức vào đúng ngày kết thúc nhiệm kỳ của người tiền nhiệm (tức là vào ngày 9/4 tới đây).

Như vậy, sau khi tình trạng khẩn cấp hết hiệu lực, phe đối lập vẫn còn 2 tuần nữa để triển khai các hành động phản đối gây sức ép lên chính quyền. 

Theo các chuyên gia, tình trạng bất ổn tại Armenia (hiện được coi là một đồng minh quan trọng của Nga) sẽ có nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến sự ổn định tại khu vực Kavkaz. Là một quốc gia nhỏ, nhưng Armenia lại nằm ở vị trí quan trọng tiếp giáp với Gruzia, Azerbaidjan, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ - những nước có vai trò hết sức quan trọng trong việc khai thác và trung chuyển dầu khí tới châu Âu

Đinh Linh (tổng hợp)
.
.