Huy động mọi nhân lực, phương tiện cứu người tại công trường Formosa

Thứ Năm, 02/04/2015, 11:26
Giàn giáo tại công trường Formosa - Samsung đổ sập, có 58 công nhân đang thi công, hầu hết họ là dân lao động có cuộc sống kinh tế khó khăn tại các vùng quê nghèo thuộc các tỉnh Quảng Bình, Nghệ An, Thanh Hóa. Trong đó có người vừa vào làm việc tại Formosa được 4 ngày đã tử nạn và bị thương.

Đến 6h sáng ngày 26/3, nạn nhân tử vong thứ 13 đã được tìm thấy, Và đến thời điểm này đã có 13 người tử nạn và 28 người bị thương, trong đó 1 người bị thương nặng được đưa ra Hà Nội cứu chữa hiện đang trong tình trạng hết sức nguy kịch.

Trưa 26/3, chúng tôi có mặt tại hiện trường xảy ra vụ tai nạn lao động thì thấy hàng trăm người cứu hộ chủ yếu là Công an, Bộ đội Biên phòng và lực lượng liên quan của tỉnh Hà Tĩnh vẫn đang tập trung cao độ cho việc khắc phục hậu quả.

Trước mặt chúng tôi là 2 giàn giáo thủy lực giống như một tòa nhà cao tầng thiết kế bằng khung sắt.

Được biết, giàn giáo thủy lực công trường Formosa - Samsung C&T thuộc Cảng Sơn Dương, Kỳ Anh, Hà Tĩnh là nơi đúc hầm dìm dựng ngăn đê chắn sóng cảng Sơn Dương có tổng chiều dài lên đến hơn 10km. Mỗi hầm chìm bêtông được đúc rỗng, kín cả 4 mặt, cao 15m, dài 40m và rộng 35m.

Sau khi đúc xong mỗi hầm chìm bê tông khủng có trọng lượng hàng nghìn tấn sẽ được tàu di chuyển ra cảng Sơn Dương lắp ghép với nhau bao quanh để chắn sóng.

Việc đúc hầm chìm xây dựng hệ thống đê chắn sóng bao, do nhà thầu NiBeLc (Ninh Bình, một nhà thầu phụ của Tập đoàn Samsung) thi công.

Khoảng 20h, ngày 25/3,  khi hàng chục công nhân Việt Nam đang đứng trên mặt giàn giáo thủy lực khổng lồ, cao khoảng 15 mét thì phát hiện giàn giáo bị lung lay.

Một số người lao động định rời bỏ vị trí, rời khỏi nơi thi công theo lối thoát hiểm nhưng người nước ngoài trực tiếp chỉ huy công trường lại bảo mọi người làm việc bình thường, khẳng định giàn giáo vẫn an toàn.

Khoảng 10 phút sau cả giàn giáo thủy lực khổng lồ nặng hàng nghìn tấn trên bỗng rơi tự do xuống đất, khiến gần 50 công nhân Việt Nam đang làm việc bị thương và tử vong.

Hiện trường vụ tai nạn.

Sau khi sự cố đau lòng xảy ra trong đêm, lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh đã huy động hơn 1.000 người thuộc nhiều lực lượng như Bộ đội, Biên phòng, Công an và lực lượng cứu hộ của tỉnh Hà Tĩnh, kết hợp với các nhà thầu tham gia giải phóng hiện trường, tìm kiếm nạn nhân với hy vọng làm sao hạn chế số người tử vong. Những thiết bị hiện đại có sức giải phóng đống sắt thép đổ nát đã được đưa đến hiện trường.

"Trong đêm tối, trời lại mưa tầm tã, nhìn giàn giáo thủy lực khổng lồ, dài 40m và rộng 35m được kết cấu bằng sắt thép đè lên những người thợ, cộng với những tiếng kêu cứu thất thanh… của các nạn nhân chúng tôi không hình dung nổi hậu quả sẽ đi đến đâu. Các anh cứ hình dung, cả giàn giáo thủy lực nặng hàng nghìn tấn chẳng khác như dầm cầu thì làm sao sức người chịu được. Những thiết bị hiện đại có sức giải phóng đống sắt thép đổ nát lập tức được đưa đến hiện trường, cắt từng thanh sắt, mới cứu được nạn nhân ra", một công nhân trực tiếp có mặt cứu nạn trong đêm xảy ra sự việc cho biết.

Sở Y tế đã huy động 100% phương tiện xe cấp cứu và đội ngũ y bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh cùng các bệnh viện địa phương: Lộc Hà, Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Kỳ Anh và Trung tâm cấp cứu 115 với hơn 300 y, bác sĩ, 150 học viên Trường cao đẳng Y tế đến hiện trường và bệnh viện để kịp thời cấp cứu cho các nạn nhân.

Tất cả các nạn nhân bị thương và tử vong sau khi đưa ra được khẩn trương chuyển tới Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh và Bệnh viện Đa khoa huyện Kỳ Anh.

Những nạn nhân đang bị hôn mê.

Sau 1 đêm thức trắng, đến 6h sáng 26/3 lực lượng cứu hộ đã tìm thấy thi thể một nạn nhân mắc kẹt dưới tấm thép và đây là nạn nhân cuối cùng bị tử nạn trong vụ sập giàn giáo.

Cũng ngay trong đêm xảy ra tai nạn lao động, Bộ Y tế  đã cử các y, bác sĩ của Bệnh viện Việt Đức và Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) mang theo dụng cụ, thuốc men khẩn trương có mặt tại Hà Tĩnh để cứu người.

Bác sĩ Trần Thị Dung, Phó giám đốc Bệnh viện Việt Đức, có mặt tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh cho biết, sau khi nhận được ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Y tế, bệnh viện đã cử 4 bác sĩ khoa ngoại, 1 bác sĩ gây mê hồi sức, 1 điều dưỡng viên khẩn trương vào Hà Tĩnh, kết hợp cùng các y bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh cứu chữa cho các nạn nhân.

"Với tinh thần tập trung cứu người nhanh nhất, an toàn nhất, đến giờ phút này, hầu hết những người bị thương nặng được đưa tới Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh sau khi được can thiệp đã qua cơn nguy kịch", lãnh đạo Bệnh viện Việt Đức cho biết.

Có mặt tại hiện trường, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh, ông Võ Kim Cự cho biết, sau khi sự cố xảy ra, lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo cơ quan chức năng thành lập đoàn kiểm tra liên ngành để làm rõ trách nhiệm của nhà thầu theo Luật Lao động nhằm đảm bảo quyền lợi cho người lao động.

Phía Cơ quan Công an Hà Tĩnh đã thành lập ngay Ban chỉ đạo điều tra vụ sập giàn giáo để làm rõ nguyên nhân.

Được biết, ngay trong đêm tai nạn xảy ra, Công an tỉnh đã cử cán bộ điều tra đến hiện trường phối hợp cùng lực lượng cứu hộ khẩn trương tìm kiếm các nạn nhân.

Nạn nhân tử vong cuối cùng được tìm thấy.

Trưa 26/3, sau khi thăm hỏi những người bị thương tại bệnh viện và làm việc với lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh để nghe toàn bộ thông tin vụ sập giàn giáo thủy lực, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng đã đến  hiện trường nơi xảy ra tai nạn lao động để động viên lực lượng cứu hộ.

Trả lời báo chí,  Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng yêu cầu các cơ quan chức năng sớm điều tra làm rõ nguyên nhân vụ sập giàn giáo; cần triệu tập những người trực tiếp quản lý công trường, chịu trách nhiệm về việc thiết kế, lắp đặt giàn giáo để phối hợp với cơ quan chức năng, chính quyền địa phương làm rõ vụ việc. Bộ trưởng cũng đề nghị cơ quan chức năng phải trả lời công khai minh bạch trước cơ quan báo chí…

Bộ trưởng Bộ Xây dựng nhấn mạnh: "Tới đây Bộ sẽ cử một đoàn công tác gồm: Cục Quản lý chất lượng xây dựng, Cục Giám định chất lượng công trình phối hợp với Viện Xây dựng và các đơn vị của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) vào Hà Tĩnh để xác định nguyên nhân, trách nhiệm trong việc để xảy ra sự cố”.

Bộ trưởng yêu cầu phải kiểm tra toàn bộ các công trình, các hạng mục đang thi công tại Vũng Áng, kiên quyết dừng, đình chỉ những dự án đang triển khai nhưng không đảm bảo an toàn, đồng thời kiểm tra kỹ năng lực của các nhà thầu, kiên quyết không để các nhà thầu không đủ năng lực vào thực hiện các gói thầu ở đây.

Tất cả những đơn vị thi công tại Vũng Áng, phải thực hiện nghiêm túc pháp luật Việt Nam, các nhà thầu phải thực hiện nghiêm túc các biện pháp an toàn trong quá trình thi công, đảm bảo an toàn về tính mạnh cho người lao động.

Bộ trưởng Bộ xây dựng cũng đề nghị chủ đầu tư, các nhà thầu phải có trách nhiệm hỗ trợ chăm sóc tận tình, chu đáo đối với các nạn nhân bị thương, gia đình có người tử nạn, không chỉ hỗ trợ trước mắt mà phải có biện pháp giúp đỡ cơ bản về sau này giúp họ ổn định cuộc sống.

Còn phía chủ đầu tư Fomosa khẳng định giàn giáo thủy lực được nhập khẩu từ nước ngoài, đã sử dụng an toàn suốt 2 năm qua. Nhưng khi được hỏi vì sao lại xảy ra sự cố đau lòng trên, có phải do chất lượng hay vì kỹ thuật không đảm bảo… vị chủ đầu tư chối câu trả lời của báo chí.

Có mặt tại bệnh viện, qua tiếp xúc với các nạn nhân bị thương chúng tôi mới hiểu được nỗi đau của những người thợ đến từ các vùng quê nghèo.

Anh Nguyễn Văn Quý (SN 1983), trú ở Bố Trạch, Quảng Bình bị gãy chân, kể lại, trước khi giàn giáo thủy lực sập xuống, anh đang đứng mài phom, phát hiện giàn giáo có vấn đề không bình thường, có thể xảy ra nguy hiểm nhưng tổ trưởng người nước ngoài không cho ra khỏi vùng thoát hiểm, bảo mài tiếp... Khoảng 10 phút sau thì giàn giáo thủy lực bị sập.

Nạn nhân cuối cùng được các y, bác sĩ cứu chữa là anh Nguyễn Ngọc Sơn, 23 tuổi, trú ở xã Quảng Trung, thị xã Ba Đồn, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình. Bà Trần Thị Hoa, 43 tuổi (mẹ của anh Ngọc) đứng bên ngoài phòng mổ nước mắt giàn giụa.

Bà cho biết, Ngọc là con trai đầu, chưa vợ con. Sau khi học xong THPT, Ngọc xin bố mẹ ra Vũng Áng làm công nhân, hy vọng kiếm đồng lương gửi về nuôi em ăn học… Nhưng mới làm việc được 4 ngày thì Ngọc bị nạn, gia đình Ngọc thuộc diện hộ nghèo.

Nằm cạnh giường anh Ngọc là nạn nhân Đàm Trung Hiếu (SN 1990), ở xã Quảng Tùng, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình. Anh Hiếu kể vừa vào làm việc được 2 tháng lấy tiền chữa bệnh cho bố bị bại liệt, giờ không may bị đa chấn thương (tháo khớp tay, bể xương chậu, rạn xương gò má phải) không biết sau này hồi phục trở về quê làm gì để nuôi sống bản thân mình.

Còn anh Phan Anh Dũng (SN 1992), trú ở xã Trung Trạch, huyện Quảng Trạch, cũng không kém phần khó khăn. Bà Nguyễn Thị Lý mẹ anh Dũng kể, Dũng đi làm để lấy tiền học nghề, sau đó mới tính chuyện vợ con. Năm 2014, Dũng dành dụm gửi về cho gia đình được 20 triệu đồng. Nạn nhân Nguyễn Thái Đức (SN 1984), quê ở xã Kỳ Trung, huyện Kỳ Anh vào làm tại Vũng Áng từ khi thành lập đến nay hiện bị chấn thương ở đỉnh đầu đã được can thiệp đang trong tình trạng hôn mê.

Chị Nguyễn Thị Thúy (chị gái anh Đức) cho biết, Đức trước đây học đại học nhưng do gia đình khó khăn nên đành phải nghỉ học kiếm tiền giúp đỡ gia đình. Khi nghe tin Đức bị tai nạn, gia đình phải vay mượn tiền của bà con hàng xóm để thuê xe taxi ra Kỳ Anh gấp trong đêm.

Chiều ngày 26/3, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Trọng Đàm đã có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ báo cáo nhanh nguyên nhân ban đầu vụ việc tai nạn nghiêm trọng tại khu kinh tế Vũng Áng.

Công văn  nêu rõ, bước đầu xác định do sự cố má phanh ở hệ thống thủy lực không đảm bảo dẫn đến toàn bộ hệ thống giàn giáo đúc trụ bê tông dìm (cao 25m, dài 40m và rộng 35m) bị sập, trong khi có khoảng 50 công nhân đang làm việc ở phía dưới (Nhà thầu thi công: Công ty Samsung C&T Hàn Quốc; Nhà thầu phụ là Công ty cổ phần xây dựng và cung ứng lao động quốc tế NIBELC).

Bộ LĐ-TB&XH đã cử đoàn công tác gồm Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp, Chánh thanh tra Bộ, Cục trưởng Cục An toàn lao động và một số cán bộ chuyên ngành tới hiện trường xảy ra vụ tai nạn để chỉ đạo việc điều tra, khắc phục hậu quả và hỗ trợ gia đình các nạn nhân.

Trần Lê
.
.