Hwasong-15 và động thái các nước lớn

Thứ Hai, 11/12/2017, 10:39
Tình hình trên Bán đảo Triều Tiên vẫn là điểm nóng được báo chí đặc biệt quan tâm những ngày qua. Sau khi CHDCND Triều Tiên tiến hành phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICMB) Hwasong-15 được cho là có tầm bắn bao phủ toàn nước Mỹ, và một cuộc tập trận chung được cho là lớn nhất từ trước đến nay giữa Mỹ - Hàn Quốc diễn ra một tuần sau đó, dư luận đặt ra câu hỏi rằng liệu điều gì sẽ xảy ra tại khu vực vốn luôn trong tình trạng “miệng hố chiến tranh” này?

Tiếp tục trừng phạt Bình Nhưỡng hay các bên sẽ thỏa hiệp để tìm ra một giải pháp cho vấn đề hạt nhân Triều Tiên có lẽ cũng không thể ngăn được quốc gia Đông Bắc Á này tuyên bố trở thành cường quốc hạt nhân và muốn được công nhận điều này. Dường như mọi tuyên bố của các bên lần này không tỏ ra quá căng thẳng cho dù đều nhất trí tăng cường các biện pháp trừng phạt.

Chính quyền của Tổng thống Nga Vladimir Putin đang tiếp tục thúc đẩy các mối quan hệ bằng nhiều kênh với chính quyền CHDCND Triều Tiên, bất chấp một thực tế rằng Bình Nhưỡng đang khiến cộng đồng quốc tế hết sức lo ngại và bất an sau vụ thử tên lửa hôm 29-11.

Trong bối cảnh quan hệ Nga-Mỹ cũng đang có những dấu hiệu xấu đi do có những chỉ trích rằng Nga can dự vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, phải chăng Nga tìm cách tiếp cận vấn đề Triều Tiên và dùng đó làm con bài đàm phán trong quan hệ với Mỹ?

Trái ngược với “cơn mưa” chỉ trích từ cộng đồng quốc tế nhắm vào Bình Nhưỡng, Moscow lại bênh vực CHDCND Triều Tiên và lên tiếng chỉ trích Mỹ, cho rằng các hành động khiêu khích có ý đồ của Mỹ - như liên tục tiến hành tập trận xung quanh Bán đảo Triều Tiên - đang đẩy CHDCND Triều Tiên lún sâu hơn vào các chính sách cứng rắn.

Chính phủ của ông Vladimir Putin tiếp tục lên án các hành động khiêu khích của Washington, cho rằng Mỹ mới chính là nguyên nhân khiến nhà lãnh đạo Kim Jong-un phải có các hành động gây căng thẳng trong khu vực.

Giới phân tích cho rằng với cách hành xử trên, mục đích của Moscow là muốn kiềm chế các hành động quân sự của Mỹ, đồng thời qua đó bắn đi tín hiệu muốn tiếp cận gần hơn với Bình Nhưỡng. Sau khi CHDCND Triều Tiên thử hạt nhân vào tháng 9-2017, Nga, ban đầu kiên quyết không thông qua nghị quyết gia tăng trừng phạt CHDCND Triều Tiên của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, nhưng sau đó đã chấp thuận sau khi có sự đồng ý của Trung Quốc.

Tập trận Mỹ - Hàn luôn là động thái khiến Bình Nhưỡng cảnh giác cao độ.

Việc này ít nhiều cũng khiến chính quyền Bình Nhưỡng mất lòng tin với chính quyền của ông Putin. Do đó, Nga đã có những bước tiếp cận ngoại giao với CHDCND Triều Tiên để khôi phục quan hệ hai nước.

Thậm chí Chủ tịch Thượng viện Nga Valentina Matvienco, nhân vật đứng thứ 3 trong bộ máy lãnh đạo Nga (chỉ xếp sau Tổng thống Vladimir Putin và Thủ tướng Dmitry Medvedev) tuyên bố sẽ thăm Triều Tiên trong năm 2018. Phải chăng chính quyền Nga đang muốn sắp xếp một cuộc gặp giữa bà Matvienco với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un?

Cuộc gặp này, nếu diễn ra, sẽ mang ý nghĩa rất quan trọng vì sẽ giúp Nga có tiếng nói trọng lượng và mang tính quyết định hơn trong vấn đề Triều Tiên.

Trước nay, giới ngoại giao phương Tây thường chỉ trích cách tiếp cận của Nga với vấn đề Triều Tiên là lảng tránh, không chủ động và thiếu tích cực. So với Trung Quốc, Nga và CHDCND Triều Tiên không có quan hệ mật thiết về kinh tế, do đó Nga dường như cũng không có sự can thiệp tích cực để giải quyết căng thẳng trong vấn đề Triều Tiên.

Tuy nhiên, Nga cũng tránh làm mếch lòng CHDCND Triều Tiên. Điện Kremlin thường chờ đợi Trung Quốc tỏ thái độ rồi mới đưa ra quyết định của mình trong các cuộc thảo luận về nghị quyết trừng phạt đối với Bình Nhưỡng. Có vẻ như với Nga, việc xây dựng mối quan hệ với nhà lãnh đạo Kim Jong-un về thực chất là chỉ nhằm đảm bảo cho Moscow có tiếng nói quan trọng hơn trong vấn đề Triều Tiên, từ đó lấy vấn đề Triều Tiên để làm con bài mặc cả trong đàm phán các vấn đề quan trọng với Mỹ.

Với nước lớn láng giềng Trung Quốc, giới phân tích cho rằng vấn đề Triều Tiên đang là một trong những chủ đề nóng khiến không gian trở nên “bức bối” hơn bao giờ hết, nhất là khi Bắc Kinh tăng cường sự hiện diện của máy bay chiến đấu ở những khu vực có tranh chấp như một màn “diễu võ dương oai” thể hiện sức mạnh để cảnh báo Mỹ và các đồng minh châu Á.

Mặc dù Trung Quốc không tiết lộ thời gian và địa điểm chính xác tiến hành màn “phô diễn sức mạnh”, nhưng chọn đúng ngày liên quân Mỹ-Hàn tổ chức tập trận không quân (với quy mô lớn nhất từ trước đến nay) để tiết lộ về cuộc diễn tập này với việc cho các máy bay chiến đấu bay ở những đường bay và khu vực chưa từng bay trước đó hẳn không phải là một việc vu vơ?

Còn đối với Mỹ, không ít người đã phải đặt dấu hỏi về tác động thực sự của quyết định mà chính quyền ông Trump đưa ra. Khác với lời đe dọa hủy diệt CHDCND Triều Tiên mà Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra sau vụ bắn tên lửa hồi tháng 9 của Bình Nhưỡng.

Lần này, dù Mỹ vẫn tuyên bố rằng một cuộc tấn công phủ đầu đang được đặt trên bàn làm việc, song dường như Washington không muốn hiện thực hóa điều này cũng như không tuyên bố sự can thiệp quân sự. Có lẽ nước Mỹ hiểu thấu được rằng một cuộc chiến tranh là quá liều lĩnh và nếu xảy ra, không thể lường hết hậu quả của nó.

Các đòn trừng phạt quốc tế đối với CHDCND Triều Tiên đã được áp đặt trong nhiều năm và gần đây càng được siết chặt song không mấy hiệu quả. Thời điểm chính quyền ông Trump đưa ra quyết định này cũng khiến người ta cảm thấy khó hiểu.

Trước hết, nếu nó là để phản ứng trước chủ nghĩa khủng bố thì đây thực sự là một phản ứng chậm chạp và dè dặt sau hàng loạt vụ việc nghiêm trọng liên quan đến công dân người Mỹ Otto Warmbier và người được cho là Kim Jong-nam bị sát hại. Thứ hai, nếu quyết định này là nhằm vào chương trình vũ khí của CHDCND Triều Tiên thì điều đáng nói ở đây là vụ thử gần nhất trước khi Washington đưa ra quyết định của mình là từ 2 tháng trước đó.

Để cải thiện tình hình, có lẽ tất cả các bên nên tính đến một chiến lược mới, mềm dẻo hơn thay cho những tuyên bố thậm chí hành động tuyên chiến như trước đây.

Bảo Trân (tổng hợp)
.
.