Hy Lạp: Người dân không chịu "thắt lưng buộc bụng"

Thứ Tư, 03/03/2010, 15:20
Nợ công, thâm hụt ngân sách kỷ lục đã khiến Chính phủ Hy Lạp bị Liên minh châu Âu (EU) áp đặt chính sách thắt lưng buộc bụng để cắt giảm chi tiêu. Tuy nhiên, chính sách này đang tạo ra những làn sóng phản đối mạnh mẽ của người dân Hy Lạp mà mở màn là cuộc tổng đình công trên toàn quốc hôm 24/2 vừa qua làm tê liệt toàn bộ đất nước. Vì sao Hy Lạp lại nợ nần nhiều đến thế?

"Không chỉ có những người lao động phải trả giá"

Từ 0 giờ ngày 24/2, không có bất cứ một chiếc máy bay nào trên bầu trời Hy Lạp, bởi vì những nhân viên ngành hàng không tham gia vào cuộc bãi công trong vòng 24 giờ, khiến toàn bộ các hoạt động tại quốc gia này bị ngưng trệ. Đây là một cuộc tổng bãi công của cả khu vực nhà nước và khu vực tư nhân. Rất ít các phương tiện giao thông hoạt động ngày 24/2 và không có bất cứ thông tin nào về chuyện này, bởi vì các nhân viên truyền thông Hy Lạp cũng tham gia đông đảo vào phong trào phản kháng chống lại việc thu nhập giảm sút, việc làm bấp bênh, kể cả trong khu vực nhà nước - vốn là điều chưa từng xảy ra. Và đồng thời họ cũng chống lại việc tăng giá và các khoản thuế gián tiếp, đã hoặc sẽ được chính phủ ban hành.

Theo ông Stathis Anestis, thành viên Ban chấp hành Tổng liên đoàn những người lao động Hy Lạp, thì thông điệp chính của cuộc tổng đình công là không chỉ có những người lao động phải trả giá cho cuộc khủng hoảng qua việc giảm lương bổng và xóa bỏ những thành quả xã hội đã đạt được. Cuộc đình công còn nhằm phản đối chính sách tự do kinh tế do EU muốn áp đặt đối với Hy Lạp.

Các nghiệp đoàn Hy Lạp đề xuất một chính sách rất khác với chính sách của chính phủ, cùng lúc hướng đến hỗ trợ cho đầu tư, tăng trưởng và việc làm. Các nghiệp đoàn yêu cầu việc đánh thuế phải công bằng và hiệu quả, và các biện pháp chống lại các hoạt động kinh tế ngầm, gian lận và đặc biệt là nạn tham nhũng.

Cuộc tổng đình công làm tê liệt Hy Lạp hôm 24/2 bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân mà giọt nước làm tràn ly chính là yêu sách của EU đối với quốc gia thành viên này. 

Từ cuối năm ngoái, Hy Lạp rơi vào tình trạng lâm nguy về tài chính công. Trong năm 2009, thâm hụt ngân sách đạt mức 12,7%, nợ của Nhà nước lên tới khoảng 300 tỉ euro, tương đương 125% GDP. Theo dự tính, trong năm nay 2010, tỉ lệ này sẽ lên tới 133% GDP.

Trước sức ép của EU, chính quyền Athens đã thông qua dự luật ngân sách 2010 với nhiều biện pháp bảo đảm nguồn thu ngân sách, đánh thuế đối với những khoản lợi nhuận lớn, đối với những người giàu, tăng thuế đánh vào rượu và thuốc lá, giảm mạnh các khoản chi trong vận hành bộ máy nhà nước. Tuy nhiên, EU vẫn đòi Hy Lạp phải có thêm các biện pháp, với mục tiêu là giảm thâm hụt ngân sách xuống còn 8,7% trong năm nay. Một trong những biện pháp gây bất bình trong giới lao động là việc cắt bỏ trả lương tháng thứ 14.

Tổng đình công hôm 24/2 làm tê liệt hoàn toàn đất nước Hy Lạp.

Khủng hoảng ngân sách của Hy Lạp đang trở thành một thách đố nghiêm trọng đối với khu vực đồng euro. Tính trên toàn bộ tổng sản phẩm nội địa của 16 nước thành viên khu vực đồng euro, Hy Lạp chỉ chiếm khoảng 3%. Nhưng cuộc khủng hoảng ngân sách của nước này lại gây lo ngại về tính vững chắc, thậm chí tính trường tồn của đơn vị tiền tệ châu Âu. Theo tờ La Croix, Pháp, đây là cuộc trắc nghiệm đầu tiên về sự đoàn kết giữa các nước thành viên khối euro, kể từ khi đơn vị tiền tệ này ra đời cách đây 10 năm. Có nên cứu trợ một quốc gia đang bên bờ phá sản do chính lỗi của họ? Hiện giờ, câu trả lời chính thức là không. Lý do cũng dễ hiểu: không thể thưởng cho học trò lười, nếu không sẽ chẳng còn kỷ luật nữa. 

Nhưng vấn đề là, theo tờ La Croix, trong những ngày qua, Hy Lạp gặp thêm khó khăn khi vay tiền để trả nợ đáo hạn và đã phải chấp nhận những lãi suất rất cao. Nếu tình hình này kéo dài, những nước khác như Bồ Đào Nha hay Tây Ban Nha cũng sẽ cùng chung số phận. Dần dần, toàn bộ khu vực đồng euro sẽ bị kéo vào một cuộc khủng hoảng tài chính nghiêm trọng.

Vì đâu nên nỗi?

Trong một diễn biến khác liên quan tới những khoản nợ khồng lồ hiện nay của Hy Lạp, sau một thời gian điều tra, giờ đây người ta mới biết được rằng, việc Hy Lạp mắc nợ quá nhiều và không đủ khả năng thanh toán những khoản nợ đáo hạn là "nhờ sự giúp sức" của Ngân hàng Mỹ Goldman Sachs. Theo báo The New York Times, Goldman Sachs đã giúp đỡ Athènes (trong 10 năm gần đây) lách những hàng rào cảnh báo được EU dựng lên để vay nhiều tỉ euro mà không cho các nhà giám sát ngân khố châu Âu biết.

Vào thời điểm Hy Lạp gần như vỡ nợ thì các ngân hàng nước này vẫn còn cố tìm cách vay tiền giúp nhà nước không phải hoãn trả nợ. Đầu tháng 11/2009, tức 3 tháng trước khi Athènes trở thành tâm điểm của những lo lắng về tài chính của thế giới, một nhóm của Goldman Sachs đã đến Hy Lạp mang theo một đề xuất rất hiện đại cho chính phủ nước này. Phái đoàn trên, do đích thân Chủ tịch Goldman Sachs là Gary Cohn dẫn đầu, đã giới thiệu một công cụ tài chính giúp Chính phủ Hy Lạp dời lại việc trả khoản nợ xã hội vào một tương lai xa - giống như một vị chủ nhà sắp đến hạn trả nợ ngân hàng bèn thế chấp căn hộ của mình lần thứ hai để lấy tiền trả nợ cho khoản vay lần trước.

Trước đây cách này dùng được. Năm 2001, tức là thời điểm Hy Lạp vừa gia nhập EU, Goldman Sachs cũng đã từng giúp Nhà nước Hy Lạp bí mật vay nhiều tỉ USD. Cụ thể là Goldman Sachs và một số ngân hàng đầu tư khác cho các chính phủ trước đây của Hy Lạp vay tiền dưới hình thức các hợp đồng tiền tệ nhưng không tính như là khoản nợ. Bằng cách này Athènes vẫn tỏ ra tôn trọng luật chơi của EU về thâm hụt ngân sách, đồng thời tiếp tục sống nhờ những đồng tiền đi vay.

Những công cụ được Goldman Sachs, JPMorgan Chase và một loạt các ngân hàng đã giúp giới lãnh đạo Hy Lạp, Italia và nhiều nước khác che giấu được những khoản vay của mình mà EU không hề hay biết. Không phải là Phố Wall đã tạo ra những khoản nợ cho các quốc gia châu Âu, nhưng các ngân hàng này đã giúp Hy Lạp và các quốc gia khác vay tiền vượt quá khả năng chi trả, nhờ vào những hợp đồng hoàn toàn hợp pháp. Để “lại quả”, Hy Lạp đã chi cho Goldman Sachs khoảng 300 triệu USD tiền hoa hồng vì đã giúp họ vay mượn được một khoản tiền lớn vào năm 2001.

Tại Hy Lạp, chính quyền nước này đã thế chấp các sân bay, đường cao tốc của nước mình để vay tiền. Hợp đồng mang tên Eole đã giúp Athènes trả bớt được khoản nợ công vào năm 2001. Hy Lạp đã nhận tiền vay trực tiếp từ các ngân hàng và cam kết sẽ thanh toán những khoản nợ trên từ tiền thuế thu tại các sân bay và đường cao tốc. Kiểu trao đổi như vậy từ nhiều năm nay đã gây tranh cãi trong giới chính khách châu Âu. Năm 2002, những công cụ kiểu như Eole bị buộc phải giải trình trước Quốc hội, thế nên chính phủ các nước thành viên EU đành phải xếp chúng thành những khoản nợ vay.

Tuy nhiên, năm 2005, Goldman Sachs lại ký hợp đồng tiền tệ với National Bank of Greece (NBG), ngân hàng thương mại lớn nhất Hy Lạp. Sau đó, năm 2008, Goldman Sachs còn giúp NBG sáp nhập hợp đồng trên vào vốn của công ty có tên gọi Titlos, rồi lấy công ty này thế chấp để vay tiền từ ngân hàng trung ương châu Âu. Theo nhà phân tích tài chính Edward Manchester, thuộc Hãng tài chính Moodys, thì hợp đồng tiền tệ trên cho phép Chính phủ Hy Lạp trả nợ trong thời gian dài nhưng xét về yếu tố hiệu quả kinh tế thì không bao giờ có lợi cho đất nước.

Trước những tiết lộ trên của báo chí, ngày 16/2, Quốc hội châu Âu đã lên tiếng yêu cầu các nước EU tiến hành điều tra vai trò của Goldman Sachs và một số ngân hàng đầu tư khác đã từng cho các chính phủ trước đây của Hy Lạp vay tiền dưới hình thức các hợp đồng tiền tệ nhưng không tính như là khoản nợ. Phó chủ tịch Ủy ban Kinh tế và Tiền tệ của Quốc hội châu Âu, ông Arlene McCarthy cho rằng, chính kiểu vay tiền dưới hình thức này là một trong các nguyên nhân đẩy mức nợ công của Hy Lạp lên cao, gánh nặng này đổ lên vai người dân Hy Lạp, để lại hậu quả xấu cho nền kinh tế Hy Lạp và ảnh hưởng đến các nước sử dụng đồng euro như hiện nay

Quốc Hùng (tổng hợp)
.
.