ISIS – Bài toán nan giải của Nhà Trắng

Thứ Năm, 04/09/2014, 11:30

Đã 2 tháng trôi qua kể từ khi Nhà nước Hồi giáo Iraq và al Sham (viết tắt: ISIS - trong tiếng Arập còn gọi là Daash mang nghĩa: vùng Trung Cận Đông hoặc Địa Trung Hải bao gồm Cyprus, Palestine, Jordan, Syria và miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ) chiếm giữ thành phố lớn thứ 2 của Iraq. Nhà Trắng ước tính có khoảng 6 triệu người Iraq Sunni ủng hộ hoạt động vũ trang của ISIS. "Nhà nước Hồi giáo" tin rằng, đang nhận được sự ủng hộ để nhanh chóng mở rộng “cuộc đấu tranh cách mạng giải phóng người bị áp bức” (?!)

Hệ quả nhãn tiền của chính sách chia rẽ thế giới Hồi giáo

Chính sách chia rẽ tôn giáo của CIA ở Trung Đông không những gieo rắc chiến tranh mà còn làm nền tảng tạo ra Nhà nước Hồi giáo do Abu Bakr al Baghdadi thành lập. Lính đánh thuê từ các quốc gia phương Tây sẽ không thể gia nhập hàng ngũ ISIS nếu như không có sự hỗ trợ từ Cố vấn An ninh quốc gia Arập Xêút - Thái tử Bandar bin Sultan.

Hoạt động của CIA chủ yếu chống lại các nhóm Thiên Chúa giáo và Hồi giáo Shitte cấp tiến sẽ không thể thực hiện nếu không có sự hỗ trợ về mặt đối ngoại do bộ đôi bà đầm thép: Cố vấn An ninh Quốc gia Susan Rice và Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp  Quốc Samantha Power - tín đồ của trường phái mang "trách nhiệm bảo vệ" mà thực chất ra đó là chính sách can thiệp dưới lớp vỏ bọc nhân đạo.

Một cuốn cẩm nang bí mật của CIA có tiêu đề "Thế giới Hồi giáo và nền chính trị: Bản toát yếu" - tháng 4-1984 phác thảo chi tiết các chính sách mà CIA áp dụng để gây chia rẽ và chinh phục thế giới Arập (Hồi giáo). Cuốn cẩm nang được ấn hành khi Giám đốc CIA John Brennan còn là một nhân viên cấp thấp của CIA. Bản toát yếu này do phân bộ Phân tích Cận Đông và Nam Á xuất bản đã nhấn mạnh tầm quan trọng của hầu hết các nhóm Hồi giáo cực đoan là "đồng minh tự nhiên với CIA" trong cuộc tranh giành quyền ảnh hưởng giữa Mỹ và Nga ở Trung Đông và Nam Á.

Mối quan hệ của Mỹ với thế giới Hồi giáo cực đoan đạt đến đỉnh điểm trong cuộc chiến chống Liên Xô ở Afghanistan. Sự can thiệp của CIA vào Afghanistan trong những năm 80 thế kỷ XX đã khai sinh ra các lực lượng khủng bố quốc tế như Al-Qaeda, những  nhóm Hồi giáo cực đoan được sinh ra sau thời kỳ đó hiện đang tàn phá Syria, Iraq, Liban, Libya, Yemen, Mali, Somalia và các quốc gia khác.

Trong thực tế, tự bản thân CIA là một mắt xích quan trọng gắn kết các nhóm cực đoan như một phần quá trình tuyển dụng của họ hỗ trợ cho lực lượng mujaheddin (thánh chiến chính thống) ở Afghanistan và Pakistan do John Brennan nắm quyền điều hành. Khi đề câp đến chủ nghĩa bè phái trong thế giới Hồi giáo, tư liệu CIA chỉ đề cập đến 2 nhánh Hồi giáo  Sunni và Shitte, mặc dù còn có một số nhóm khác.

Theo nhãn quan của CIA, dòng Shitte được coi là mối đe dọa gây mất ổn định chính trị nhất cần phải xử lý, đôi khi mềm mỏng, đôi khi cứng rắn bằng đàn áp chính trị. CIA gọi hệ phái Hồi giáo Sufi là dị giáo, mặc dù hệ phái đó có nguồn gốc đạo Hồi từ Tây Phi, đặc biệt ở Mali và miền Bắc Nigeria, trước khi các nhóm Hồi giáo cực đoan Sunni bị CIA kích động, chẳng hạn Ansat Dine và Boko Haram, được trang bị vũ trang thu được từ cuộc nội chiến do CIA "ủng hộ" ở Libya phá hủy các đền thờ Sufi ở Timbuktu, Gao, Kidal và giết hại vô số tín đồ Sufi trong thời gian vừa qua.

Lực lượng chiến binh thánh chiến ISIS đang gây ám ảnh cho người Mỹ hơn cả al-Qaeda?

Học thuyết CIA được nêu trong tư liệu cách đây gần 30 năm chỉ rõ: Cơ quan tình báo của Mỹ ủng hộ tuyệt đối dòng Hồi giáo Sunni chống lại dòng Hồi giáo Shitte. CIA từng "nhúng tay" lật đổ chế độ trung lập của người Hồi giáo Sunni ở Libya và Iraq. Ngoài việc dùng đôla, vũ khí để nuôi dưỡng, kích động thù địch giữa người Hồi giáo và người Thiên Chúa giáo, CIA còn tuyên truyền "tư tưởng phục quốc" Do Thái với mục đích gây chia rẽ, thù nghịch.

Do đó, cho đến tận ngày hôm nay, Trung Đông vẫn đang phải oằn mình chịu đựng nỗi đau chiến tranh bởi những toan tính sai lầm của CIA. Bởi thế, cộng đồng tình báo Mỹ như "ngồi trên thùng thuốc súng", họ vẫn đang phải cố công tìm giải pháp hữu hiệu ngăn chặn lực lượng chiến binh thánh chiến đã cố truy sát tộc người thiểu số Yazidis còn lại ở Iraq và hiện đang đe dọa tàn phá thủ phủ các tỉnh của người Kurq.

Chiến tích của “Nhà nước Hồi giáo” trong lòng cộng đồng thánh chiến

Giới chức tình báo Mỹ thừa nhận, ISIS đang trở thành một bài toán rất nan giải. Một quan chức Mỹ cho biết ISIS thu nạp hàng ngàn chiến binh nước ngoài cho chiến trường Syria và Iraq, một số trở về quê nhà và "cấy tế bào khủng bố ở khắp châu Âu". ISIS cũng chứng minh: họ có thể thích ứng với mọi điều kiện chiến trường. Mặc dù nhanh chóng chiếm gọn Mosul - thành phố lớn thứ 2 của Iraq, ISIS đủ tỉnh táo để không cố liều lĩnh tiến hành một cuộc tấn công vào Baghdad trong mùa hè này.

Theo tình báo Mỹ, ISIS có thể thua đau trong trận chiến đó vì thành phố Bagdad có hơn 5 triệu người Shitte, không đồng "tư tưởng" với ISIS. Trong khi ISIS hạn chế tấn công vũ trang vào Baghdad, các quan chức tình báo Mỹ không loại trừ khả năng "Nhà nước Hồi giáo" đang "cài cắm" những phần tử khủng bố ngay trong lòng thủ đô Iraq và sẽ khai hỏa một đợt tấn công hoặc đánh bom khủng bố trong tương lai.

Một quan chức tình báo Mỹ suy luận ISIS sẽ trở nên suy yếu, nếu quân đội Iraq tiếp tục nhận được "hỗ trợ từ bên ngoài" bao gồm: trang bị vũ khí, huấn luyện binh sĩ, luôn có thông tin chính xác về lực lượng ISIS, đặc biệt phải có loại công nghệ do thám giám sát được cả bầu trời lẫn mặt đất nhằm mục đích cung cấp thông tin trinh sát, phản gián và giám sát.

Tình báo Mỹ chỉ rõ: ISIS đã có điều gì đó thành công hơn Al-Qaeda, và các nhánh của tổ chức khủng bố chưa hề thành công khi giữ quyền kiểm soát vùng đất mà Al-Qaeda chiếm được. Ở các khu vực do ISIS kiểm soát, những dịch vụ công ích cơ bản như điện, nước vẫn đang vận hành thông suốt.

Bản đồ "nhà nước" ISIS tự xưng

Ngoài việc chiếm đóng các vùng đất, một chiến tích lớn khác mà ISIS đã giành được là tuyên truyền chiến tranh ngay trong lòng "cộng đồng thánh chiến". ISIS trực tiếp biểu lộ sự đối nghịch về ý thức hệ với "cha đẻ" Al-Qaeda, bởi vì không giống như Al-Qaeda, ISIS quyết định tự tạo ra caliphate, tức một thể chế Hồi giáo dưới quyền lãnh đạo của một lãnh tụ tối cao gọi là Khalip - người kế tục Đấng tiên tri Muhammad.

Theo quan điểm của người Mỹ, các yếu tố caliphate ngấm sâu vào trong công tác tuyên truyền chiêu binh của ISIS với hy vọng sẽ khôi phục lại đế chế Hồi giáo.

ISIS đang giành chiến thắng trong cuộc chiến truyền thông - thông tin trước Al-Qaeda. Người ta tìm thấy có đến hàng chục ngàn tài khoản Twitter nói về hình ảnh của ISIS. Ở một số trường hợp, các nhóm thánh chiến khác cũng bày tỏ sự ủng hộ dành cho ISIS.

Bản đồ "Nhà nước" ISIS tự xưng.

Vào tháng 7 vừa qua, một lãnh đạo của tổ chức vũ trang cực đoan Jamah Anshorut Tauhid (Indonesia) khi bị kết án tù đã kêu gọi tín đồ ủng hộ ISIS. Tình báo Mỹ cho biết thêm một số thành viên đầu não của Al-Qaeda cùng các nhánh ở Bắc Phi cũng lên tiếng hậu thuẫn cho ISIS, mặc dù "tư tưởng" chiến đấu gắn liền với lãnh đạo Al-Qaeda là Ayman al Zawahiri.

Tuy nhiên, một số quan chức tình báo Mỹ tự tin khẳng định bí quyết để đánh bại ISIS sẽ chỉ bằng cách đợi tổ chức này tự giăng lưới bắt chính mình với đánh giá: "Họ đang chiến đấu trên quá nhiều mặt trận và họ ngày càng đông. Nếu ISIS buộc phải hợp tác với một lực lượng có thực lực sức mạnh, thì áp lực sẽ tiếp tục gia tăng và tổ chức sẽ trở nên suy yếu hơn, dù có một số nhóm Sunni tham gia tổ chức, "cuộc hôn phối" không thuận lợi sẽ bắt đầu đổ vỡ (?!)

Nhưng liệu ISIS có đổ vỡ như mong ước của cộng đồng tình báo Mỹ? Khi mà kể từ ngày "lập quốc",  ISIS đã thúc giục cộng đồng tín đồ  học kỹ lịch sử "đáng tự hào" của "nhà nước" giành được kể từ sau năm 2003, khi thủ lĩnh Abu Mus'ab Zarqawi thoát khỏi nhà tù ở Jordan và đến Afghanistan, thuộc lòng những bài học quý báu kể từ dạo chiếm được lòng tin của trùm khủng bố quốc tế Osama bin Laden, và sau dó vượt biên qua Iraq lãnh đạo cuộc "thánh chiến" chống Mỹ.

Những người ủng hộ ISIS tuyên bố họ đã nhận được sự ủng hộ của hàng chục nhóm thánh chiến Sunni để thống nhất thành lập ra Binh đoàn Chiến binh Tuân lệnh Tinh thần Tuyệt thánh Naqshbandia, gọi tắt theo (phiên âm chữ cái) tiếng Arập  là JRTsN kể từ năm 2007, sau khi Mỹ xử tử cựu lãnh đạo Saddam Hussein, đồng thời thu nhận cả nhân viên tình báo, binh sĩ từ Đội Vệ binh Cộng hòa trung thành với ông. Nếu liên minh ISIS và JRTN tiếp tục giữ vững, JRTN có thể cung cấp hàng chiến binh có tư tưởng thù hận Mỹ tận xương tủy cho ISIS.

Trên trang thông tin của tổ chức vào đầu tháng 1-2014, JRTN đăng lời kêu gọi: "Hỡi tất cả huynh đệ hữu đạo, bộ tộc và các hệ phái, chúng tôi muốn nói với anh, chị, em rằng, anh, chị, em không được buông xuôi trong cuộc chiến này. Chúng ta dã man, tàn bạo hơn những tên khủng bố Do Thái đã gây ra thảm sát ở Dier Yassin, Shatilia, gây tội ác đến 2 lần ở Qana và thực hiện hàng chục cuộc tàn sát ư? Lịch sử sẽ phán quyết chúng ta sau khi chúng ta giải phóng cho Palestine".

Người Mỹ đã phải ngao ngán thừa nhận: Chiến tranh chỉ là chủ nghĩa khủng bố với một ngân sách lớn hơn.

Vài năm trước, CIA cùng một số cơ quan tình báo đối tác "quan ngại" sự chiếm đóng của Israel đối với lãnh thổ Palestine sẽ sụp đổ chỉ chưa đầy một thập niên. Trong khi đó, ISIS tuyên bố cứng rắn sẽ "tống khứ" quân đội Israel ra khỏi những vùng đất của người Palestine chỉ trong vòng 72 tháng (?).

Những người ủng hộ ISIS cho biết "chính phủ mới" đã thành lập chính quyền địa phương trong các khu vực mà họ chiếm được gồm: hệ thống tòa án, lực lượng cảnh sát bất thù nghịch với nhân dân bản xứ, đảm bảo an ninh cộng đồng bằng các biện pháp như đóng cửa các cửa hàng thương mại "móc túi" người nghèo, phá hủy cửa hàng bán thuốc lá, phạt roi những cá nhân thiếu tôn trọng và xúc phạm hàng xóm, tịch thu thuốc tây giả, ngoài ra, xử tử hình một số người bội giáo.

Những người ủng hộ ISIS cũng hãnh diện "ca ngợi": ngay sau khi "giải phóng", ISIS lập tức đầu tư vào những công trình công ích như chợ mới ở Raqqa, lắp đặt hệ thống lưới điện mới, mở các khóa đào tạo nghề công nghiệp để công dân có thể tự sửa chữa cơ sở hạ tầng khi gặp sự cố. Ngoài ra, ISIS còn sửa đường sá, điều hành hệ thống xe buýt giá rẻ, thiết lập một "dự án xanh" để xây dựng công viên, vườn bách thảo, giúp đỡ nông dân thu hoạch mùa màng và thành lập một tổ chức zakat (từ thiện) và một số trường học cho phép học sinh nam và học sinh nữ học chung với nhau, sách giáo khoa chủ yếu từ Kinh Koran.

Tuy nhiên, Mỹ không tin ISIS có những "chính sách" tốt đẹp đó và khẳng định đó là sự sáo rỗng. Trong khi đó, khác với những thông tin mà báo chí phương Tây thường đưa, ISIS tuyên bố họ không đào tạo hoặc trực tiếp chỉ đạo chiến binh nước ngoài tấn công châu Âu và một số khu vực khác trên thể giới, họ khẳng định mục tiêu chính: thành lập một đế chế Al Sham Caliphate và giải phóng Palestine

Phạm Anh Trúc (tổng hợp)
.
.