Iceland: Cựu Thủ tướng trắng án sau cáo buộc làm đất nước phá sản

Thứ Sáu, 04/05/2012, 11:35

Cựu Thủ tướng Iceland Geir Haarde - cựu nguyên thủ đầu tiên trên thế giới đã phải ra tòa vì tội… làm cho đất nước của mình phải phá sản vào năm 2008 - mới đây đã được tòa án phán quyết trắng án. Trước đó theo các dự đoán, nếu cựu quan chức này bị phán quyết có tội, ông ta có nguy cơ phải nhận bản án 2 năm tù. Ngay sau phiên tòa, Haarde vẫn như trước đây đã gọi phiên tòa là "một trò hề chính trị" cũng như "một hành động vô bổ làm tổn phí tiền bạc đóng thuế của người dân". Bản thân dư luận Iceland hiện vẫn đang bị chia rẽ xung quanh những nhận định về công tội của cựu Thủ tướng.

Cả nước trở thành nạn nhân

Thật trớ trêu khi đảo quốc từng được coi là kiểu mẫu của sự phồn vinh như Iceland lại trở thành một trong những nạn nhân hàng đầu bị hút vào vòng xoáy của cuộc khủng hoảng tài chính-kinh tế thế giới trong giai đoạn 2008-2009. Nguyên nhân chính là do hệ thống ngân hàng của Iceland - từng có bước phát triển rất nhanh chóng trong thời kỳ cuối những năm 1990 và đầu những năm 2000 -  đã bất ngờ đứng trên bờ vực sụp đổ.

Như cây bút Michael Lewis viết trên tạp chí Vanity Fair, tổng số vốn của 3 ngân hàng lớn nhất Iceland - Kaupthing, Landsbanki và Glitnir - vào năm 2003 đã bao gồm hàng tỉ đôla, tức là gần như bằng 100% GDP của quốc gia này. Chỉ trong vòng ba năm rưỡi tiếp theo, tổng số vốn của "Big Three" này còn nhảy vọt lên hơn 140 tỉ USD, bỏ xa GDP của Iceland ở một khoảng cách khó ai có thể tin nổi.

Thế nhưng khi cuộc khủng hoảng toàn cầu nổ ra, các khách hàng nước ngoài đã ồ ạt rút vốn của mình ra khỏi các ngân hàng Iceland, khiến cho cả hệ thống này lâm vào nguy cơ phá sản. Chính quyền Iceland để cứu vãn tình hình đã buộc phải quốc hữu hóa cả 3 ngân hàng lớn nhất trên, đồng thời kêu gọi sự giúp đỡ tài chính từ Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF). Kết quả là Iceland đã trở thành quốc gia phương Tây đầu tiên kể từ năm 1976 phải ngửa tay nhận một khoản tín dụng lớn của IMF (2,1 tỉ USD).

Chính từ hậu quả cuộc khủng hoảng, GDP của Iceland đã sụt giảm tới 20%, tỉ giá đồng Krona đã bị giảm gấp đôi (nếu vào năm 2007 1 đôla đổi được 67 Krona, thì đến đầu năm 2012 này đã là 125). Nền kinh tế của đảo quốc này lâm vào tình trạng suy thoái trong suốt hơn một năm và chỉ bắt đầu có dấu hiệu khởi sắc từ quý 3 năm 2010.

Theo quy luật, khủng hoảng kinh tế thường kéo theo khủng hoảng chính trị. Tháng 1/2009, Chính phủ Iceland do Thủ tướng Geir Haarde dẫn dắt đã buộc phải ra đi trước thời hạn sau hàng loạt những làn sóng biểu tình phản đối. Thay thế cho họ là tân chính phủ của Thủ tướng Johanna Sigurdardottir với trọng trách bằng mọi cách phải giải quyết "di sản" nặng nề của người tiền nhiệm. Dù đã có một số tiến triển, nhưng đa phần người dân Iceland vẫn đang phải gánh chịu những hậu quả nặng nề từ cuộc khủng hoảng trên. Chính vì vậy trong mắt của nhiều người dân, Geir Haarde vẫn được coi là một "tội đồ" đã khiến họ phải lâm vào tình cảnh khốn khó này.

Có tội hay không?

Ngay từ cuối năm 2008, Iceland đã thành lập một Ủy ban điều tra đặc biệt (SIC) với nhiệm vụ phải làm rõ nguyên nhân vì sao các ngân hàng lớn nhất của họ nhanh chóng lâm vào tình cảnh có nguy cơ bị phá sản. Kết quả là đến tháng 4/2010, SIC đã công bố một bản báo cáo dày tới 2.000 trang, trong đó nêu tên một loạt các quan chức, theo ủy ban này đánh giá là những tội nhân trong cuộc khủng hoảng tài chính của Iceland.

Cụ thể theo các số liệu của SIC, cựu Thủ tướng Geir Haarde cùng một vài quan chức khác là những người đã đẩy Iceland rơi vào nguy cơ vỡ nợ. Trong số này còn phải kể tới cựu Bộ trưởng Tài chính Arni Mathiesen, cựu Bộ trưởng Thương mại Bjorgvin Sigurdsson, cũng như người đứng đầu Ngân hàng Trung ương David Oddsson, trước đó cũng từng có thời gian nắm chiếc ghế thủ tướng.

Kiểm tra của ủy ban này cho thấy, tất cả những người này đã cố tình che giấu thông tin về cuộc khủng hoảng đang đến gần, không phổ biến ít nhất 5 cuộc họp kín của giới lãnh đạo đất nước diễn ra trong tháng 4/2008 để bàn về tình hình nghiêm trọng trong lĩnh vực ngân hàng nói riêng và cả nền kinh tế nói chung.  

Kết quả là đầu tháng 9/2011, Iceland bắt đầu mở phiên tòa xét xử Geir Haarde. Ông này nhờ đó đã trở thành chính trị gia đầu tiên trong lịch sử phải ra tòa vì cáo buộc đẩy đất nước vào khủng hoảng. Phiên tòa được thụ lý tại Tòa án đặc biệt Landsdomur, được thành lập từ năm 1905 chuyên xem xét các cáo buộc liên quan đến các thành viên trong chính phủ. Tuy nhiên kể từ khi thành lập, Haarde mới "vinh dự" trở thành bị cáo đầu tiên tại tòa án này.

Haarde ngay lập tức đã bác bỏ tất cả những lời cáo buộc, đồng thời khẳng định tòa án chỉ là một trò hề chính trị và trò trả đũa của chính quyền mới. Ngay như quan điểm của người dân Iceland cũng bị chia rẽ xung quanh phiên tòa này. Những người ủng hộ Haarde cho rằng ông chỉ là nhân vật "giơ đầu chịu báng". Còn phe chống đối thì tuyên bố: hoàn toàn công bằng nếu như có ai đó trong giới lãnh đạo đất nước phải chịu trách nhiệm vì sự sụp đổ của hệ thống tài chính.  

Các thủ tục điều trần trong phiên tòa của Haarde đã bắt đầu từ tháng 3/2012. Nhìn chung, cựu quan chức chính phủ này vẫn khăng khăng về yếu tố chính trị trong phiên tòa, tuy vẫn tuyên bố sẵn sàng hợp tác với tòa án để chứng minh sự vô tội của mình. "Lần đầu tiên tôi đã có cơ hội để công khai trả lời các câu hỏi về vụ việc trên. Và tôi vui mừng vì điều này" - Haarde đã tuyên bố như vậy ngay trong phiên xét xử đầu tiên.

Trắng án!

Tòa án Landsdomur đã không mất quá nhiều thời gian để đưa ra phán quyết. Ngày 23/4 vừa qua, quan tòa thừa nhận Haarde vô tội trước gần như tất cả những cáo buộc liên quan đến sự sụp đổ hệ thống tài chính Iceland, cho dù trước đó ông được đánh giá có nguy cơ phải nhận mức án 2 năm tù.

Quan tòa dù sao vẫn thừa nhận một tội danh của Haarde - đó là không nghe theo đề xuất của một ủy ban chính phủ để có thể tránh tình trạng "bong bóng" trong lĩnh vực ngân hàng. Để bào chữa cho mình, Haarde tuyên bố kể cả chính phủ cũng như các ông chủ ngân hàng đều không thể nhận thức kịp thời quy mô cuộc khủng hoảng, nên khi nó nổ ra thì tất cả đã quá muộn.

Theo khẳng định của Hãng tin IceNews, cáo buộc duy nhất dành cho Haarde chỉ hoàn toàn mang tính hình thức. Trong khi Associated Press còn thông báo, Haarde đang xem xét khả năng đưa quyết định của tòa án này ra xem xét tại Tòa án Nhân quyền châu Âu. Nhiều khả năng những "tội đồ" khác trong chính phủ của Haarde cũng sẽ không phải ra trước tòa. Chẳng hạn theo Business Week, cựu Giám đốc Ngân hàng Trung ương David Oddsson chắc chắn tránh được nguy cơ bị truy tố với lý do, Viện Kiểm sát ngay từ năm 2010 đã khẳng định những kết luận của SIC không đủ cơ sở để đưa ra những cáo buộc dù là hình thức để chống lại ông ta.

Nhiều người dân Iceland mong muốn "công lý được thực thi" đang hy vọng có thể đưa một vài ông chủ nhà băng ra tòa. Như Viện Kiểm sát mới đưa ra lời buộc tội đối với hai cựu quan chức hàng đầu của Ngân hàng Kaupthing (hiện đã được quốc hữu hóa). Hai nhân vật trên dự kiến sẽ phải ra trước tòa vào khoảng cuối năm nay

Hồng Sơn (tổng hợp)
.
.