Indonesia: Dự luật Hình sự mới gây tranh cãi

Thứ Ba, 01/10/2019, 17:10
Quốc hội Indonesia dự kiến thông qua luật hình sự mới thay thế cho hình luật cũ đã có từ cách đây khoảng 100 năm. Tuy nhiên, dự luật đã vấp phải sự phản đối quyết liệt của dân chúng, nhất là những người chịu tác động mạnh nhất từ dự luật, do nó chứa đựng quá nhiều điều bất lợi cho một bộ phận không nhỏ dân Indonesia.

Ngày 26-9 là ngày thứ ba các cuộc biểu tình phản đối luật hình sự mới diễn ra trên khắp các thành phố lớn ở các đảo chính của Indonesia. Tại thủ đô Jakarta, hàng ngàn người biểu tình vây kín trước cổng Nghị viện để phản đối. 18.000 cảnh sát Indonesia được huy động để bảo vệ tòa nhà Nghị viện trước sức ép của đám đông biểu tình. Cảnh sát Indonesia đã phải dùng hơi cay và vòi rồng để giải tán đám đông.

Chưa có sự đụng độ nào mang tính chất bạo lực xảy ra suốt 3 ngày qua nhưng hình ảnh này cũng đủ khiến dư luận quốc tế lo ngại nó có thể phát triển thành tình trạng bất ổn kéo dài ở đất nước vạn đảo, tương tự như cuộc biểu tình đang diễn ra tại Hong Kong, xuất phát từ việc người dân phản đối chính quyền thông qua dự thảo luật dẫn độ.

Việc sửa đổi luật hình sự đã từng được Quốc hội Indonesia mang ra bàn bạc, đề xuất từ cách đây 50 năm nhưng từ đó đến nay, ý tưởng sửa đổi luật giẫm chân tại chỗ. Năm 2015, Quốc hội Indonesia bắt đầu khởi động lại dự án luật này. Một ủy ban đặc trách soạn thảo luật hình sự mới được thành lập để tiến hành việc soạn thảo nhưng việc soạn thảo và lấy ý kiến của giới chuyên gia cũng còn nhiều vấn đề khiến cho tiến độ thực hiện khá chậm chạp. Đến ngày 15-9-2019, dự thảo luật mới được hoàn thành và chuẩn bị thông qua Quốc hội.

Đến đây thì dự luật bắt đầu làm phát sinh vấn đề không chỉ trong phạm vi đất nước Indonesia mà cả trong dư luận quốc tế. Các tổ chức nhân đạo, nhân quyền đã nhiều lần lên tiếng về những quy định quá khắt khe của dự luật được cho là tước mất nhiều quyền tự do, riêng tư của người dân Indonesia, nhất là những người thuộc các sắc tộc, tôn giáo thiểu số. Những quy định đó là gì?

Kênh truyền hình CNN của Mỹ dẫn nguồn nhà nghiên cứu Andreas Harsono của tổ chức Human Rights Watch Indonesia cho biết, dự thảo Luật Hình sự mới có nhiều sửa đổi so với phiên bản luật cũ. Cụ thể là luật mới có đến 18 điều khoản, quy định gây tranh cãi. Tại cuộc biểu tình, giới sinh viên Indonesia phản đối dự luật có những quy định xâm phạm đời sống riêng tư và kiểm soát đạo đức cá nhân của họ.

Tổng thống Joko Widodo đã ra lệnh tạm hoãn thông qua dự thảo luật do còn nhiều điều cần điều chỉnh lại.

Trong số những điều khoản gây tranh cãi nhất có các điều khoản xem quan hệ tình dục ngoài hôn nhân là tội phạm hình sự và điều này sẽ đặt ra ngoài vòng pháp luật những người đồng giới và những cặp sống chung như vợ chồng, không cưới hỏi. Bên cạnh đó, dự luật còn quy định kiểm soát chặt chẽ việc bàn bạc, thảo luận về giáo dục giới tính, đồng thời phạt tù đến 4 năm đối với hành động phá thai trái pháp luật.

Chưa hết, người ta lo ngại rằng một điều khoản không rõ ràng trong dự luật quy định về lối sống, sinh hoạt có thể được vận dụng nhằm hợp thức hóa hàng trăm giáo điều Sharia mang tính phân biệt đối xử, nhất là đối với những tôn giáo thiểu số. Dự luật cũng được xem là một công cụ mở rộng thêm phạm vi điều chỉnh của luật chống phỉ báng tôn giáo hiện hành, vốn được ban hành như một công cụ chống lại các thiểu số tôn giáo, đồng thời quy định việc xúc phạm tổng thống, phó tổng thống và nhà nước như tội phạm hình sự.

Đây sẽ là vấn đề nghiêm trọng đối với các cơ quan báo chí Indonesia. Ngoài ra, dự luật cũng cấm các hoạt động pháp thuật, cấm liên hệ với các tổ chức Marxism -Leninism.

Quốc hội Indonesia dự kiến thông qua dự luật hình sự mới vào ngày 24-9 vừa qua. Trước đó, do nhận thấy dự luật còn chứa đựng nhiều vấn đề chưa được giải quyết thỏa đáng có thể gây bất bình trong xã hội, ngày 20-9 Tổng thống Joko Widodo đã ra lệnh cho Quốc hội tạm dừng thông qua và tiến hành thêm các bước nghiên cứu xã hội, tham khảo ý kiến các chuyên gia để chỉnh lý cho hợp lý. Tuy nhiên, động thái này của Tổng thống Widodo chưa đủ giúp cho người dân, nhất là giới sinh viên, người đồng tính và các thiểu số tôn giáo yên tâm, tin tưởng.

Hàng ngàn người biểu tình ở trung tâm thủ đô Jakarta, Indonesia để phản đối dự thảo Luật hình sự mới.

Nỗi ám ảnh về cuộc sống quá khổ sở dưới chế độ cai trị hà khắc của cựu Tổng thống Suharto trong những thập niên cuối thế kỷ XX đã khiến một bộ phận người dân Indonesia không tin tưởng vào việc chính phủ sẽ điều chỉnh luật theo hướng “dễ thở” hơn. Họ nghi ngờ rằng chính phủ đang “hoãn binh” và sẽ tìm cách tiếp tục thúc đẩy Quốc hội thông qua dự thảo luật này.

Giới chuyên gia cho rằng, việc tạm hoãn thông qua chỉ là động thái tạm thời nhằm xoa dịu phản ứng của dư luận chứ chưa chắc sẽ có sự điều chỉnh nào trong bản dự thảo. Người đứng đầu cơ quan soạn thảo luật của Quốc hội Indonesia cho biết dự luật này sẽ tiếp tục được đưa vào nghị trình thông qua luật sắp tới. Vấn đề gay cấn sắp tới là Quốc hội Indonesia sẽ xử trí thế nào đối với dự luật này, một khi nó lại được mang ra xem xét và khi đó người dân Indonesia sẽ lại xuống đường phản đối rầm rộ như hiện nay.

Nếu được thông qua, luật hình sự mới của Indonesia phải chờ 2 năm mới có hiệu lực thi hành, theo một điều khoản ghi trong luật. Thế nhưng, ngay từ bây giờ, đã có phản ứng quốc tế đối với dự luật này, trước tiên là Australia. Ngày 20-9, Chính phủ Australia đã cập nhật thông tin khuyến cáo đối với người Australia đang sinh sống, làm việc hoặc sắp đi du lịch tại Indonesia, trong đó tóm tắt những điều sửa đối trong luật hình sự mới của Indonesia, đồng thời đưa ra lời cảnh báo “bạn có thể đối mặt pháp luật và hình phạt của địa phương”.

Văn Trương (tổng hợp)
.
.