Iran - Phương Tây: Hết đấu võ mồm đến giơ nắm đấm

Thứ Năm, 26/07/2012, 14:45

Chỉ trong vòng vài tháng, 3 vòng đám phán về chương trình hạt nhân giữa Iran và phương Tây đều thất bại, chưa kể vô số vòng đàm phán trước đó cũng không đi đến đâu. Cứ mỗi sau một vòng, hai bên lại đấu võ mồm một thời gian, căng lên là giơ nắm đấm (dàn quân dọa nhau, cùng các kiểu cấm vận…), nhưng rồi chuyện lại đâu vào đó. Làm sao để quan điểm hai bên nhích lại gần nhau?

Diễn biến mới nhất liên quan đến cuộc đấu võ mồm đang diễn ra giữa Iran và phương Tây sau vòng đàm phán tại Moskva, Nga  (ngày 18/6) thất bại là tuyên bố của Tư lệnh hải quân Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran (IRGC). "Iran hoàn toàn kiểm soát vùng Vịnh Ba Tư và eo biển Hormuz ... Nếu Mỹ và Israel có hành động thù địch chống Iran, họ sẽ phải trả giá đắt vì điều đó" - Hãng thông tấn IRNA dẫn lời ông Ali Fadavi ngày 14/7 cho hay.

Theo đó, ông nhấn mạnh, Iran có thể hoàn toàn đóng cửa eo biển Hormuz và nói rằng sẽ không có gì xảy ra miễn là an ninh và lợi ích của Iran không bị nguy hiểm, nhưng nếu Mỹ tìm cách "phá hoại" an ninh của khu vực, tất cả các bên sẽ bị ảnh hưởng như nhau. Vị chỉ huy hải quân cho rằng, bất kỳ cuộc xung đột nào ở vùng Vịnh Ba Tư cũng sẽ chỉ ra sự "ngu ngốc" của quân đội phương Tây.

Trước đó, ngày 11/7, Thứ trưởng Tài chính đặc trách chống khủng bố David Cohen nói rằng, Mỹ đang áp đặt thêm các biện pháp cấm vận đối với Iran, đồng thời đề ra những bước nhằm ngăn Iran sử dụng các công ty và ngân hàng làm tấm bình phong để tránh các biện pháp trừng phạt. Những biện pháp trừng phạt đưa ra nhắm vào 11 thực thể Iran và 4 cá nhân bị Bộ Tài chính Mỹ này mô tả là “thuộc một mạng lưới những kẻ phổ biến vũ khí” được Chính phủ Iran hỗ trợ. Cần nhắc lại rằng kể từ ngày 1/7, các biện pháp cấm vận của Liên minh châu Âu (trong đó có cấm các nước thành viên mua bán dầu của Iran) bắt đầu có hiệu lực.

Song song với cuộc chiến ngoại giao và kinh tế, ngày 12/7, Iran cho biết đã huy động mọi lực lượng, trong đó trọng tâm là tàu ngầm nhỏ và lực lượng đặc biệt "Người nhái", tới eo biển Hormuz và đe dọa sẽ đóng huyết mạch vận chuyển dầu mỏ bất cứ lúc nào. Đáp lại, tư lệnh lực lượng Mỹ trong khu vực tuyên bố: Hải quân Mỹ sẽ tăng gấp đôi số tàu quét mìn ở vùng Vịnh.

Iran nói họ đã huy động mọi lực lượng để sẵn sàng đóng cửa eo biển Hormuz.

Đương nhiên, theo giới quan sát quốc tế, một cuộc đụng độ quân sự lớn giữa Mỹ - phương Tây với Iran khó mà diễn ra vào lúc này. Đơn giản là vì Mỹ đang chuẩn bị bầu cử và còn quá nhiều mặt trận khác nóng bỏng hơn, trong khi châu Âu lại đang chìm trong khủng hoảng nợ nần. Về phía Iran thì vẫn được sự hậu thuẫn của Nga và Trung Quốc, hai thành viên trong Hội đồng thường trực Bảo an Liên Hiệp Quốc (LHQ). Nếu muốn đánh Iran, chí ít Mỹ phải vin vào một nghị quyết của LHQ, điều khó xảy ra với sự phản đối của Moskva và Bắc Kinh.

Sau rất nhiều vòng đàm phán, quan điểm của Iran và nhóm các cường quốc vẫn cách nhau một trời một vực. Tehran luôn đòi quyền được làm giàu uranium và cộng đồng quốc tế phải công nhận điều đó. Về phần mình, 5 nước thuộc Hội đồng Bảo an và Đức vẫn duy trì lập trường từ trước tới nay,  đó là yêu cầu Tehran ngưng chương trình tinh lọc uranium có cường độ phóng xạ 20%. Để đổi lại cộng đồng quốc tế sẽ cung cấp cho Iran chất uranium có độ phóng xạ thấp cần thiết để phục vụ các mục tiêu dân sự. Trong trường hợp Tehran chấp thuận đề nghị của quốc tế thì các biện pháp cấm vận nhắm vào Iran cũng sẽ được giảm nhẹ đồng thời quốc tế còn đề nghị hỗ trợ và hợp tác với Tehran trong phương diện hạt nhân sử dụng nhằm phục vụ các mục tiêu dân sự.

Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để lấp đầy hố ngăn cách giữa hai quan điểm trên? Theo các nhà phân tích, cách duy nhất để thuyết phục Iran ngừng ngăn cản cuộc điều tra của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA) thuộc LHQ nhằm vào chương trình nghiên cứu vũ khí hạt nhân bị tình nghi của nước này, là các cường quốc thế giới miễn trừ hoặc nới lỏng sức ép trừng phạt đối với Tehran. Sáng kiến này có thể là một phần trong cú huých ngoại giao mạnh mẽ hơn của các cường quốc lớn nhằm tháo gỡ bất đồng xung quanh chương trình hạt nhân của Iran và khiến cho cuộc điều tra của IAEA phụ thuộc vào diễn tiến của các cuộc thương lượng này.

Vòng đàm phán mới nhất giữa Iran và nhóm P5+1 tại Nga đã thất bại.

Theo Pierre Goldschmidt - cựu Trưởng thanh sát viên LHQ và hiện đang làm việc cho Quỹ Hòa bình quốc tế Carnegie Endowment, để phá vỡ thế bế tắc, các cường quốc nên "ưu ái" Iran trong một khoảng thời gian, để Iran không phải hứng chịu bất kỳ hậu quả tai hại nào nếu việc Iran minh bạch hoàn toàn với IAEA làm lộ ra những sai phạm trước đây của Tehran. Các cường quốc thế giới nên thực hiện theo đề xuất này và đưa ra lời đảm bảo với Iran.

Trong khi đó, Ali Vaez làm việc cho Nhóm Khủng hoảng quốc tế cho rằng mối quan hệ Iran-IAEA đã trở thành "con tin" cho tình trạng bên miệng hố chiến tranh hạt nhân của Tehran và các cường quốc thế giới. Sáu cường quốc yêu cầu Iran ngừng chương trình làm giàu uranium, đóng cửa cơ sở hạt nhân trong lòng đất, trong khi Iran muốn được quốc tế công nhận về quyền tinh lọc uranium của mình và bãi bỏ các lệnh trừng phạt kinh tế khắc nghiệt đang nhằm vào ngành xuất khẩu dầu lửa vốn đóng vai trò trụ cột về kinh tế của nước này.

 Ông Vaez nhận định: "Chúng ta đang trong tình trạng bế tắc kiểu "con gà có trước hay quả trứng có trước". Cuộc khủng hoảng hạt nhân của Iran không thể giải quyết được nếu IAEA không cho Iran một cơ hội. Tuy nhiên, IAEA lại không thể cho Iran cơ hội chừng nào cuộc khủng hoảng chưa được giải quyết". 

Mỹ và các đồng minh của Mỹ đã bác bỏ bất kỳ đề nghị nào đòi nới lỏng trừng phạt Tehran trước khi Iran có các hành động cụ thể nhằm giải tỏa bớt lo ngại của các nước này. Trong khi đó nhà nghiên cứu cấp cao Shannon Kile thuộc Viện Nghiên cứu Hòa bình quốc tế Stokhom (SIPRI) nhận định: Iran dường như đang lợi dụng các cuộc thảo luận với IAEA (đôi khi mở ra hy vọng về đạt được một thỏa thuận, rồi sau đó lại gây thất vọng) để làm đòn bẩy trong các cuộc gặp riêng với các cường quốc

M.T. (tổng hợp)
.
.