Iran: Bất ổn sau cuộc bầu cử tổng thống

Thứ Ba, 23/06/2009, 13:15
Quốc gia Hồi giáo Iran đang trải qua một cuộc bầu cử được đánh giá là có tính "phân cực hóa" lớn nhất trong lịch sử hiện đại của mình.

Sau khi chiến thắng của đương kim Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad được công bố, hàng loạt vụ bạo động trên đường phố đã diễn ra khi những người ủng hộ phe cải cách tràn xuống đường phản đối kết quả này.

Thắng lợi lần này của ông Ahmadinejad cũng cho thấy, giới lãnh đạo tinh thần tại Iran nhiều khả năng sẽ không thay đổi đường lối đối ngoại kiên quyết chống phương Tây như trước kia, đồng nghĩa với khả năng "tái khởi động" trong quan hệ Iran - Mỹ sẽ khó có thể xảy ra... Tuy nhiên, ngày 15/6 đại Giáo chủ Khomeine vừa ra lệnh điều tra những cáo buộc gian lận trong cuộc bầu cử ngày 12/6. Đây được xem là một sự đổi mới ở giới lãnh đạo tinh thần tại quốc gia Hồi giáo này.

Theo những kết quả chính thức được công bố hôm 12/6, với tỉ lệ tới 85% số cử tri đi bầu, đương kim Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad đã giành thắng lợi thuyết phục với 62,63% số phiếu bầu. Còn đối thủ chính của ông - ứng cử viên thuộc phe cải cách cựu Thủ tướng Hossein Mousavi - giành được 33,75% số phiếu. Hai ứng cử viên còn lại chỉ nhận được tổng cộng hơn 2% số phiếu.

Ngay sau khi những thông tin cụ thể được công bố, hàng loạt những vụ lộn xộn và bạo động đã diễn ra, khi những người ủng hộ ứng cử viên phe cải cách đã tràn xuống đường phản đối kết quả với lý do đã có gian lận.

Thực tế cho thấy, thắng lợi thuyết phục của ông Ahmadinejad là một kết quả khá bất ngờ nếu căn cứ vào những nhận định và thăm dò trước cuộc bầu cử. Quay trở lại với thời điểm 4 năm về trước, việc ông Ahmadinejad được bầu làm tổng thống đã đánh dấu bước ngoặt cơ bản trong chính sách đối ngoại của Tehran - thay cho quan điểm "đối thoại của các nền văn minh" mà người tiền nhiệm Khatami theo đuổi là chính sách kiên quyết đối đầu với phương Tây. 

Trong lần tranh cử này, các phương tiện thông tin đại chúng của Iran trước đó đều khẳng định, hai ứng cử viên hàng đầu cho chiếc ghế tổng thống - Mahmoud Ahmadinejad và Hossein Mousavi - dù ở các mức độ khác nhau nhưng đều là những người gần gũi với thủ lĩnh tinh thần.

Hơn nữa những cuộc thăm dò trước đó đều cho thấy, cả hai ứng cử viên này đều có cơ hội giành chiến thắng tương đương nhau, chưa kể ứng cử viên đối lập Mousavi còn có phần vượt trội hơn một chút.

Ứng cử viên Hossein Mousavi thường được báo chí mô tả như một chính trị gia theo đường lối cải cách. Khả năng ông Mousavi đắc cử sẽ gần như chắc chắn dẫn tới sự thay đổi về chính sách đối ngoại của Iran.

Cựu Thủ tướng Iran này trong thời gian qua đã không ít lần chỉ trích gay gắt đương kim Tổng thống Ahmadinejad về những thất bại của ông này trong lĩnh vực kinh tế. Tuy nhiên những chính sách cải thiện tình hình được ứng cử viên này nêu ra khi tranh cử lại hoàn toàn không phải là những phương pháp tự do hóa kinh tế - đầu tiên là quốc hữu hóa hoàn toàn ngành công nghiệp khai thác dầu, tiếp đó là tăng cường tối đa khả năng can thiệp của nhà nước vào nền kinh tế.

Trong suốt 4 năm nhiệm kỳ đầu tiên của mình, Tổng thống Ahmadinejad đã kịp tạo dựng một "uy tín" trên trường quốc tế về một nhân vật không thể đàm phán. Thời gian gần đây, giới thương gia tại Iran càng tỏ ra hết sức "khó sống" đối với Tổng thống Ahmadinejad, nhất là đối với những chính sách kinh tế của ông này (tỉ lệ lạm phát đã tăng lên 23%, còn tỉ lệ thất nghiệp cũng lên tới 17%). Trong bối cảnh giá dầu sụt giảm vì khủng hoảng kinh tế, chính quyền Ahmadinejad lại gặp khó khăn cho việc tìm kiếm những thị trường tiêu thụ mới.

Chẳng hạn như Tehran trong thời gian gần đây đã không ít lần bày tỏ ý muốn trở thành một cơ sở cung cấp nhiên liệu cho tuyến đường ống dẫn khí đốt Nabucco của châu Âu. Tuy nhiên, cả châu Âu lẫn Mỹ đều tỏ ra né tránh trước những đề xuất trên với "gợi ý" rằng, triển vọng kết nạp Iran vào dự án quy mô trên chỉ có thể có khả năng trong trường hợp quốc gia này có những thay đổi, ít nhất là với viễn cảnh Tổng thống nước này không phải là Ahmadinejad.

Với tất cả những đánh giá như vậy, việc Mousavi được bầu chắc chắn sẽ mở ra một cánh cửa dẫn tới những triển vọng mới cho chính sách ngoại giao cũng như cơ hội kinh tế cho Iran.

Như vậy, việc Tổng thống Ahmadinejad tái đắc cử có ý nghĩa khẳng định một chiều hướng ngược lại - sẽ không có chuyện "tan băng" trong quan hệ giữa Iran với phương Tây, bất chấp những động thái mang tính thiện ý mới đây của chính quyền Barack Obama. Điều này càng thể hiện rõ hơn qua phản ứng có phần gay gắt của lãnh tụ Khamenei đối với bài phát biểu gửi thế giới Hồi giáo của Tổng thống Mỹ tại Trường đại học Tổng hợp Cairo.

Ngoài việc nêu ra những hiềm khích có nguồn gốc từ lâu trong lịch sử giữa Mỹ với người dân tại Trung Đông, ông Khamenei còn tuyên bố rằng, Tổng thống Obama sẽ không thể đạt được những thay đổi nếu chỉ sử dụng những lời nói suông và khẩu hiệu hay.

Quay trở lại với tình hình nội bộ tại Iran sau bầu cử, thủ đô Tehran hiện vẫn đang trong tình trạng bất ổn với sự xuống đường của đông đảo những người ủng hộ phe cải cách và cả đương kim tổng thống. Những người biểu tình thuộc phe đối lập đã phong tỏa nhiều đường phố, đốt nhiều đám lửa khắp nơi trong thành phố. Sau một loạt những vụ lộn xộn và xung đột, cảnh sát đã bắt giữ gần 170 người ủng hộ phe đối lập, trong đó có cả người em của cựu Tổng thống Khatami.

Ngay sáng 13/6 còn có thông tin nói rằng, trong số những người bị bắt còn có cả ứng cử viên Mousavi, dù phu nhân của ông này ngay buổi chiều hôm đó đã công khai bác bỏ. Ngoài biện pháp bắt bớ, các nhà chức trách còn triển khai một loạt các biện pháp mạnh tay khác như đóng cửa các trường đại học (được coi là những trung tâm của phe ủng hộ cải cách), ngừng hoạt động của mạng thông tin di động hay phong tỏa một số trang web trên Internet

Hồng Sơn (tổng hợp)
.
.