Iran: Cuộc đối đầu Khamenei - Ahmadinejad

Thứ Ba, 17/05/2011, 09:55

Những tin đồn gần đây về một cuộc khủng hoảng do mâu thuẫn trong giới lãnh đạo Iran đã có những bằng chứng mới nhất. Giáo chủ Ali Khamenei  - thủ lĩnh tinh thần đồng thời cũng là lãnh đạo tối cao tại Iran - đã bác bỏ quyết định của Tổng thống Mahmud Ahmadinejad về việc cách chức Bộ trưởng Thông tin Heydar Moslehi.

Các nhà quan sát nhận định, đây chính là bằng chứng cho thấy tình trạng đối đầu ngày càng tăng giữa Ahmadinejad và Kahmenei, người trong thời gian gần đây đang cố gắng hạn chế ảnh hưởng của Tổng thống, cụ thể là ngăn chặn các chiến hữu thân cận của Ahmadinejd nắm giữ những cương vị chủ chốt trong chính phủ.

Tại Iran, Tổng thống Ahmadinejad trong cả tuần qua đã không hề xuất hiện trước công chúng. Thậm chí, ông còn hủy bỏ chuyến đi tới trung tâm tôn giáo chủ yếu của đất nước là thành phố Qom. Hôm 4/5 vừa rồi, Ahmadinejad không tới dự phiên họp nội các, trong đó có sự tham gia của Bộ trưởng Moslehi, người bị ông cách chức trước đó.

Các nhà quan sát nhận xét rằng, hành vi kiểu "cấm cung" vừa qua là một động thái đặc biệt khác thường của Tổng thống Iran, người luôn nổi tiếng ưa thích xuất hiện trước công chúng, cũng như những tuyên bố kiểu "đao to búa lớn" trước giới truyền thông. Tất nhiên, hiện tượng này được giải thích như một phương pháp nhằm thể hiện sự bất bình của Ahmadinejad trước sự can thiệp của thủ lĩnh tinh thần Khamenei.

Còn nhớ mâu thuẫn đã nảy sinh giữa hai vị lãnh đạo  hàng đầu của Iran từ hai tuần trước, sau khi Ahmadinejad gây sức ép bắt quan chức đứng đầu Bộ thông tin (tên gọi khác của Cơ quan tình báo tại Iran) phải viết đơn xin từ chức. Nguyên nhân chính thức được đưa ra chính là những bất đồng của Moslehi với Tổng thống về việc, ai sẽ là người lãnh đạo Cục Kế hoạch và ngân sách trong bộ này. Còn có giả thuyết khác cho rằng, chủ mưu đứng đằng sau ý định cách chức Moslehi chính là Esfandiar Rahim Mashaie, một chiến hữu có ảnh hưởng của Ahmadinejad, người vẫn được đánh giá là một thủ lĩnh không chính thức trên chính trường Iran. Cựu phó Tổng thống Mashaie (hiện là Chánh văn phòng Tổng thống) còn là thông gia với Tổng thống, khi con gái của ông lấy con trai của Ahmadinejad.

Một số người thậm chí còn khẳng định, bản thân Giáo chủ Khamenei dường như cũng cho rằng, tổng thống trên thực tế hiện nay của Iran chính là tay chánh văn phòng này, trong khi Ahmadinejad từ lâu đã trở thành con rối trong tay ông ta!!?

Cũng cần phải nói thêm rằng, đây không phải là lần đầu tiên Tổng thống Iran tìm cách gạt bỏ những quan chức có quan hệ chặt chẽ với giới lãnh đạo tinh thần tại nước này. Trước đó, Ahmadinejad đã từng tống về vườn vị bộ trưởng tiền nhiệm của chính Moslehi là Gholam Hossein Mohseni-Ejehei, cùng với Bộ trưởng Ngoại giao Manouchehr Mottaki. Đáng chú ý là cựu Ngoại trưởng Iran đã bị cách chức trong thời gian đang có chuyến viếng thăm tới Senegal, và ông chỉ được biết về quyết định bất ngờ đối với sự nghiệp chính trị của mình qua… các quan chức chủ nhà.

Tuy nhiên lần này, cục diện đã có những chuyển biến bất ngờ sau khi có sự can thiệp của thủ lĩnh tinh thần Iran, người không những không chấp nhận việc từ chức của Moslehi, mà còn có những lời chỉ trích công khai nhằm vào Ahmadinejad.

Theo các nhà quan sát, đây là lần đầu tiên trong vòng 7 năm qua, thủ lĩnh tối cao Khamenei công khai đứng ra đối chọi với Ahmadinejad. Có những nhận định cho rằng, quyết định can thiệp của Khamenei bắt nguồn từ áp lực của một bộ phận những nhân vật "siêu bảo thủ" trong hàng ngũ giới chính trị gia hàng đầu tại Iran, những người đang quyết tâm không cho sử dụng Bộ Thông tin cùng nguồn lực của cơ quan này trong cuộc đấu chính trị đang ngày một nóng lên khi các cuộc bầu cử quốc hội năm 2012 và bầu cử tổng thống năm 2013 đang tới gần.

Nguyên nhân là những thông tin khai thác được từ các cơ quan mật vụ đã không ít lần trở thành "vũ khí hiệu quả" trên chính trường. Ví dụ rõ ràng nhất chính là cuộc đua tranh cử tổng thống vào năm 2009, khi Ahmadinejad đã "chơi" đối thủ chính của mình là Mir-Hossein Mousavi,  đe dọa sẽ công bố những bức ảnh các điệp viên mật chụp được, trong đó bà vợ của Mousavi không đeo khăn trùm đầu theo quy định của phụ nữ Hồi giáo.

Các đại diện tăng lữ lãnh đạo tinh thần cùng phe siêu bảo thủ - là lực lượng chính trị mà giáo chủ Khamenei đang đại diện - thật ra từ lâu đã nghi ngờ Ahmadinejad đang âm mưu cài cắm những tay chân trung thành của mình vào các vị trí chủ chốt trong Chính phủ Iran. Chẳng hạn như chỉ mới đây, một tờ báo thuộc về Quân đoàn cận vệ Hồi giáo Iran đã thẳng thừng buộc tội Mashaie đang âm mưu giành quyền kiểm soát Bộ Thông tin.

Một số tin đồn còn khẳng định, Tổng thống Ahmadinejad đã quyết định phải có những phản ứng cứng rắn, khi đưa ra những điều kiện trước khi mình có thể quay trở lại điều hành chính phủ, trong đó tất nhiên có việc cách chức Moslehi cùng với loại bỏ Saeed Jalili khỏi vị trí quan chức điều hành các hoạt động đàm phán về vấn đề hạt nhân của Iran.

Hiện khó có thể lường trước được diễn biến trong tương lai của cuộc đối đầu chính trị này. Dù đã nảy sinh nhiều bất đồng, nhưng giữa Khamenei và Ahmadinejad đều mong muốn duy trì sự thống trị của chính quyền Hồi giáo. Cũng vì mối bận tâm này, Giáo chủ đã ra sức ủng hộ Ahmadinejad trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2009, coi ông này như một công cụ hữu hiệu để bảo vệ chính quyền Hồi giáo

Hồng Sơn (tổng hợp)
.
.