Iran: Thanh lọc quy mô lớn cơ quan tình báo

Thứ Sáu, 11/09/2009, 08:40
Một cuộc chiến đang ngầm diễn ra bên trong bộ máy quyền lực nhất của Cơ quan Tình báo Iran do đích thân Tổng thống Ahmadinejad chỉ đạo kể từ sau khi ông tái đắc cử Tổng thống nhiệm kỳ hai.

Đầu tháng 8 vừa qua, Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad đã giải nhiệm ít nhất 4 viên chức cao cấp thuộc Bộ Tình báo trong một cuộc thanh trừng nhắm vào các giới chức không đồng ý về việc đối phó với các thành phần đối lập sau cuộc bầu cử tổng thống gây nhiều tranh cãi hồi tháng 6/2009.

Hasan Younesi, con trai của cựu Bộ trưởng Tình báo Ali Younesi, cho biết trên trang web của ông ta rằng, những người trên bị giải nhiệm vì họ không ủng hộ các tố giác của chính quyền Ahmadinejad rằng có một cuộc "cách mạng nhung" do phe đối lập tiến hành với sự hậu thuẫn của các cơ quan tình báo phương Tây mà cụ thể là Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) và Cơ quan Tình báo nước ngoài của Anh (MI-5). Ali Younesi giữ chức bộ trưởng trong chính quyền cải cách giai đoạn từ năm 1997 đến 2006, và cả ông lẫn người con trai đều giữ mối liên lạc chặt chẽ với những người trong ngành tình báo Iran.

Những thay đổi này diễn ra sau khi ông Ahmadinejad bãi chức Bộ trưởng Tình báo của ông Gholam Hossein Mohseni Ejehi, hồi cuối tháng 7/2009, đánh dấu sự củng cố quyền hành của tổng thống tại cơ quan nhiều thế lực này. Ông Ahmadinejad đã kiêm nhiệm luôn Bộ Tình báo cho tới khi bổ nhiệm ông Heyder Moslehi làm Bộ trưởng Tình báo trong nội các mới hôm 20/8. Tuy nhiên, chức vụ này vẫn còn phải chờ được Quốc hội Iran thông qua.

Bộ trưởng tình báo Iran Mohseni Ejehi vừa bị sa thải.

Ông Ejehi bị bãi chức một phần vì đã chỉ trích quyết định của Tổng thống Ahmadinejad nhằm đề cử một phụ tá, ông Esfandiar Rahim Mashaie, lên làm Phó thủ tướng thứ nhất. Người này, ngoài việc là thông gia của gia đình Ahmadinejad, còn bị phản đối vì từng có lời lẽ thân thiện với Israel. Chính việc bổ nhiệm Mashaie đã gây chia rẽ lớn trong nội bộ phe bảo thủ cầm quyền.

Tình hình căng thẳng tới mức, đích thân Đại giáo chủ Ayatollah Ali Khamenei, lãnh đạo tối cao ở Iran, một người thân cận của Tổng thống Ahmadinejad, đã phải viết thư cho người đứng đầu đất nước và yêu cầu xem xét lại việc bổ nhiệm ông Mashaie. Trước sức ép dữ dội này, ngày 25/7, sau 8 ngày cầm quyền, Phó tổng thống thứ nhất Mashaie tuyên bố từ chức.

Iran hiện đang có phiên xử chính trị lớn nhất từ nhiều thập niên qua, với khoảng 100 người bị cáo buộc tội âm mưu lật đổ nhà nước bằng một cuộc "cách mạng nhung", dùng các cuộc biểu tình rầm rộ  trên đường phố tiếp theo sau cuộc bầu cử ngày 12/6. Một số bị cáo nổi tiếng đã nhận tội trước ống kính truyền hình.

Hành động thanh trừng trong Cơ quan Tình báo Iran chắc chắn sẽ làm tăng thêm sự hiềm khích giữa Tổng thống Ahmadinejad và phe bảo thủ, với các lời tố cáo cho rằng ông duy trì quyền lực trong tay một nhóm nhỏ những người thân cận. Việc bãi chức ông Ejehi cũng đã tạo ra phản ứng giận dữ từ phe bảo thủ.

Việc thanh lọc cơ quan tình báo này được đánh giá là lớn nhất trong lịch sử nước Cộng hòa Hồi giáo Iran. Khi lên nắm quyền 1979, Giáo chủ Khamenei muốn sử dụng lại một phần lực lượng tình báo của chế độ cũ (Savak) thay vì thành lập một lực lượng mới hoàn toàn. Những năm gần đây, các quan chức tình báo Iran, nổi tiếng trung thành với chế độ hiện nay, đã có xu hướng ngả theo những cải cách của cựu Tổng thống Mohammad Khatami.

Năm 1998, việc phát hiện những dính líu của cơ quan tình báo này vào một loạt vụ ám sát các nhân sĩ tại nước này đã khiến Bộ trưởng Tình báo khi đó phải từ chức. Nhìn chung, đây là vụ việc nhằm chấm dứt lối hành xử bạo lực của tình báo Iran.

Trong một diễn biến khác, ngày 28/8 vừa qua, bằng lời lẽ cứng rắn, Tổng thống Ahmadinejad tuyên bố "cần phải có những biện pháp nghiêm khắc chống lại các thủ lĩnh và những kẻ kích động gây rối, phải trừng trị những người truyền bá tư tưởng kẻ thù". Đây là lần đầu tiên đích thân Tổng thống Iran kêu gọi trừng phạt các đối thủ như Hossein Moussavi và nhà cải cách Mehdi Karoubi.

Từ đầu tháng 8 đến nay, khoảng 140 người trong đó có nhiều nhân vật thuộc phe cải cách bị đưa ra "tòa án cách mạng" sau các đợt biểu tình. Phe đối lập lên án các phiên tòa này là "những vụ án dàn dựng". Họ còn tố cáo nhiều vụ tra tấn người bị giam và đã cung cấp bằng chứng cho một Ủy ban Quốc hội đặc trách theo dõi tình trạng những người biểu tình bị bắt. Tehran buộc phải đóng cửa nhà tù Kahrizac sau khi có 2 tù nhân chết vì thương tích trong tù.

Thế nhưng, Tổng thống Iran trong bài diễn văn hôm 28/8 quy cho phe đối lập tạo ra những cái chết trong nhà tù để "mưu đồ lật đổ chính quyền cách mạng". Ông Ahmadinejad giải thích là "người cách mạng không bao giờ có những hành vi tồi tệ" như tra tấn tù nhân.

Ngày 30/8 vừa qua, Quốc hội Iran bắt đầu thảo luận để thông qua danh sách nội các mới gồm 21 thành viên mà Tổng thống Ahmadinejad đệ trình hồi tuần trước.

Tranh luận tại phiên họp đầu tiên diễn ra khá gay gắt khi phe cải cách đối lập chỉ trích khá nhiều lựa chọn của ông Ahmadinejad là thiếu năng lực và kinh nghiệm lãnh đạo. Họ cho rằng ông chưa đưa ra một kế hoạch cụ thể nhằm vực dậy nền kinh tế Iran đang khủng hoảng nghiêm trọng. Một số nghị sĩ đối lập dự báo, cả 3 vị trí nữ bộ trưởng cùng 4 ghế khác có thể sẽ không được thông qua. Nội các mới của ông Ahmadinejad được giới phân tích đánh giá tương đối ôn hòa so với nhiệm kỳ đầu tiên

Nguyễn Bảo (tổng hợp)
.
.