Iran có tuân thủ “tối hậu thư” của Hội đồng Bảo an LHQ?

Thứ Bảy, 12/08/2006, 08:45

Vấn đề hạt nhân Iran lại trở thành đề tài gây chú ý trong dư luận thế giới sau khi HĐBA LHQ ra "tối hậu thư" buộc Iran phải ngưng các chương trình làm giàu uranium trước ngày 31/8. Vẫn như thường lệ, Tehran không hề tỏ ra run sợ mà ngược lại còn "hăm dọa" trả đũa một khi bị phương Tây "chơi ép".

Phát biểu với báo giới tại Tehran ngày 6/8, Trưởng đoàn đàm phán hạt nhân Iran Ali Larijani đã tuyên bố úp mở về việc Iran rất có thể sẽ sử dụng đến “vũ khí” dầu mỏ một khi bị dồn đến chân tường.

Larijani nói: “Chúng tôi không muốn sử dụng vũ khí dầu mỏ. Chính họ (sẽ) buộc chúng tôi làm điều đó... Đừng ép chúng tôi làm cái điều khiến cho mọi người phải chịu cảnh rét run vì lạnh”.

Lời tuyên bố của ông Larijani một lần nữa khẳng định lập trường kiên định của Tehran trong vấn đề hạt nhân, đồng thời cho thấy Tehran không hề nao núng trước đòn “răn đe” của HĐBA LHQ.

Ngày 3/8, Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad cũng đã tuyên bố nước ông sẽ không chịu khuất phục trước “ngôn ngữ của sức mạnh và sự đe dọa”.

Những tuyên bố trên đây của Tehran là diễn biến mới nhất trong chuỗi những sự kiện vừa qua xung quanh vấn đề làm giàu uranium của Iran. Đầu tiên là việc nhóm 6 nước (gồm 5 nước thường trực HĐBA LHQ và Đức) đưa vấn đề hạt nhân Iran ra trước HĐBA hôm 12/7, sau khi đã thất bại trong việc thuyết phục Tehran ngồi vào bàn đàm phán về việc ngưng làm giàu uranium.

Ngày 31/7, HĐBA LHQ đã thông qua Nghị quyết 1696 yêu cầu Iran phải chấp nhận các ưu đãi cả gói do Liên minh châu Âu (EU) đề xuất, đổi lại nước này ngưng hoàn toàn các chương trình hạt nhân. Nghị quyết ra kỳ hạn Iran phải ngưng làm giàu uranium trước ngày 31/8, bằng không HĐBA LHQ sẽ xem xét áp dụng Điều 41, Chương 7 trong Hiến chương LHQ để trừng phạt nước này về kinh tế và chính trị.

Đại sứ Iran tại LHQ Javad Zarif đã bác bỏ nghị quyết ngay sau khi nó được thông qua, cho rằng hành động của HĐBA LHQ là không công bằng, và rằng Iran có đầy đủ cơ sở pháp lý để làm giàu uranium.

Thực ra, vấn đề hạt nhân Iran không phải không có cách giải quyết ổn thỏa. Điều quan trọng là mục tiêu nhắm đến và cách tiếp cận vấn đề của các bên liên quan. HĐBA LHQ từng ra “tối hậu thư” tương tự như hiện nay, buộc Iran trong vòng 30 ngày (hạn chót 28/4/2006) phải ngưng làm giàu uranium, nếu không sẽ bị “trừng phạt”. Thế nhưng, khi ngày 28/4 trôi qua, một nghị quyết trừng phạt Iran đã không thể thông qua vì bị Nga và Trung Quốc phủ quyết. Hẳn nhiên, ngoài lợi ích kinh tế (Nga và Trung Quốc đều có nhiều công ty đang đầu tư hợp tác tại Iran), lập luận chung của 2 nước này trước sau vẫn là, việc dùng vũ lực hay biện pháp cứng rắn (các đòn trừng phạt) đều sẽ không mang lại hiệu quả, không thể khuất phục được Iran từ bỏ chương trình hạt nhân của họ.

Tehran trước sau vẫn kiên quyết bảo lưu quan điểm của mình rằng, Iran có quyền làm giàu uranium và sở hữu công nghệ hạt nhân phục vụ mục đích hòa bình, như đã được ghi rõ trong Hiệp ước Cấm phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) mà Iran là một thành viên tham gia ký kết và phê chuẩn, và đây chính là điều mà Tehran dùng làm cơ sở pháp lý cho việc làm giàu uranium. Mặt khác, việc theo đuổi công nghệ, xây dựng nhà máy điện hạt nhân còn là một “niềm tự hào quốc gia” của người dân Iran, và họ xem đó như một biểu hiện của quyền tự chủ mà các nhà lãnh đạo của họ phải bảo vệ trước các cường quốc phương Tây.

Trong khi đó, phương Tây và Mỹ thường áp dụng chính sách “lá mặt lá trái” trong vấn đề hạt nhân: quan tâm thái quá và làm lớn chuyện khi các nước như Iran, CHDCND Triều Tiên,... phát triển công nghệ hạt nhân (cho dù phục vụ mục đích hòa bình), trong khi lại bỏ qua cho các nước đồng minh của Mỹ hoặc Mỹ có thể lợi dụng được họ cho mục đích nào đó (như trường hợp Ấn Độ và Pakistan). Điều này chắc chắn dẫn đến những sự hiểu lầm, tạo nên những đám mây nghi kị khắp nơi.

Trong trường hợp Iran, sự bất công đã rõ ràng và nằm ngay trong cách tiếp cận vấn đề của Mỹ và phương Tây đối với các chương trình làm giàu uranium của nước này. Mỹ và phương Tây cứ khăng khăng nghi ngờ một cách quả quyết rằng “Iran đã ngầm theo đuổi chương trình vũ khí hạt nhân trong nhiều năm” mặc dù không có bằng chứng nào được đưa ra, kể cả những gì mà IAEA cố gắng thu thập và soi xét tối đa trong các chuyến thanh sát các cơ sở hạt nhân của Iran mấy năm trước đây.

Cuộc đối đầu căng thẳng về vấn đề hạt nhân Iran, nhất là sau những lời phát biểu đầy “hăm dọa” của ông Larijani, đã khiến cho giá dầu thô trên thị trường thế giới tăng cao. Giá dầu từng tăng vọt qua mức 75USD/thùng vào đầu tháng 8 sau khi HĐBA LHQ thông qua Nghị quyết 1696. Ngày 6/8, giá dầu lại tăng vọt lên 76,5 USD/thùng ngay sau phát biểu của ông Larijani.

Iran là quốc gia xuất khẩu dầu thô lớn thứ 4 và là nước có trữ lượng dầu mỏ và khí đốt lớn thứ nhì thế giới (sau Arập Xêút). Một số nhà phân tích thị trường dự báo khả năng giá dầu thô sẽ đạt hoặc vượt ngưỡng 200USD/thùng nếu phương Tây kiên quyết áp đặt lệnh trừng phạt chống Iran khiến nước này có những hành động trả đũa bằng cách “cắt cung” dầu thô. Khi đó, chắc chắn thế giới sẽ có khá nhiều người phải chịu cảnh “rét run” trong mùa đông và nóng bức trong mùa hè, hoặc không thể sử dụng một số phương tiện đi lại, giải trí do giá nhiên liệu quá cao.

Ngày 22/8 tới, Iran mới chính thức có phản ứng đối với Nghị quyết 1696 của HĐBA LHQ. Tehran hiện đang tiếp tục xem xét các điều kiện ưu đãi cả gói của EU. Một lần nữa, người ta lại hy vọng rằng các điều kiện ưu đãi lần này của EU (được soạn thảo bổ sung vào tháng 6) – ngoài những điều khoản về việc trợ giúp kinh tế như đề xuất trước đây, còn có điều khoản cho phép Iran xây dựng nhà máy điện hạt nhân dân dụng sử dụng lò phản ứng nước nhẹ có công suất hạn chế. Và Iran sẽ được phép tự làm giàu uranium ở mức độ hạn chế - sẽ được Iran chấp nhận nhằm chấm dứt cuộc đối đầu căng thẳng bấy lâu nay

An Châu (Tổng hợp)
.
.