Iran mở rộng vòng tay thân thiện

Thứ Hai, 09/12/2013, 16:00

Hai tuần sau khi ký kết thành công thỏa thuận hạt nhân sơ bộ với các cường quốc phương Tây, ban lãnh đạo Iran đang tiếp tục thực hiện thêm những động thái ngoại giao đầy thiện chí nhằm hiện thực hóa những tuyên bố, phát biểu đầy lạc quan đã đưa ra trong thời gian qua. Và thiện chí đó đã được đón nhận.

Cạnh tranh ngoại giao, nâng cao vị thế

Động thái thiện chí nổi bật nhất hiện nay chính là chuyến công du của Ngoại trưởng Mohammad Javad Zarif một vòng quanh các quốc gia trong khu vực Trung Đông, đặc biệt là các nước theo hệ phái Hồi giáo Sunni vốn đang nghi ngờ những cam kết thỏa thuận hạt nhân của Iran, hoặc cạnh tranh quyền lực chính trị với Tehran trong khu vực.

Ngày 4/12, ông Javad Zarif đã đến Các Tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE) sau khi đã ghé thăm các nước Kuwait, Qatar và Oman trước đó vài ngày. Mục tiêu chung của các chuyến thăm mang tính xã giao này là mở đầu cho một quá trình mới - giải tỏa căng thẳng trong quan hệ giữa Iran với các quốc gia trong nhiều năm, không chỉ về vấn đề tôn giáo mà còn về những mâu thuẫn phát sinh từ chính sách đối đầu dưới thời Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad.

Diễn biến và kết quả từ các chuyến thăm UAE, cũng như loạt quốc gia Sunni khác, đã nhen nhóm lên tia hy vọng về bước chuyển mới trong quan hệ ngoại giao và sự cân bằng quyền lực trong khu vực Trung Đông. Khác với các quốc gia Sunni khác, UAE là nơi có dân số người Iran sinh sống đông đảo nhất, chủ yếu là những người đến đây để làm ăn buôn bán, quản lý các tổ chức, công ty kinh doanh làm đầu mối liên hệ làm ăn giữa các công ty nước ngoài với Iran. Chính vì vậy, Ngoại trưởng Javad Zarif đã được lãnh đạo UAE đón tiếp khá nồng hậu.

Đặc biệt là Thủ tướng UAE, Tiểu vương Sheikh Mohammed bin Rashid al-Maktoum của xứ Dubai, nơi có hơn 400.000 người Iran sinh sống và làm việc trong các công ty.

Đáng chú ý, Tổng thống UAE Khalifa bin Zayed Al Nahayan đã khẳng định nước ông sẵn sàng hợp tác với Iran trên nhiều lĩnh vực, nhấn mạnh đến việc "thăm viếng nhau" thường xuyên hơn để duy trì quan hệ tốt đẹp giữa hai nước.

Thủ tướng Sheikh Mohammed bin Rashid al-Maktoum cho biết, UAE đang xem xét các khả năng, tiềm năng và các lợi thế hợp tác giữa UAE với Iran, và có khả năng hai nước sẽ mở rộng thêm các hoạt động hợp tác kinh tế.

Giới quan sát xem chuyến công du loạt quốc gia Trung Đông của Ngoại trưởng Javad Zarif là hành động "cạnh tranh ngoại giao" của Iran đối với Arập Xêút khi ông Javad Zarif trực tiếp tấn công vào các đồng minh cùng phái Sunni của Riyadh. Động thái mang ý nghĩa xã giao này cho thấy một Iran hoàn toàn mới đang muốn gia tăng vị thế của mình bằng giải pháp ngoại giao mềm mỏng thay vì đối đầu căng thẳng như thời ông Mahmoud Ahmadinejad.

Tehran và Riyadh đã và đang "so kè" nhau trên nhiều mặt trận, từ Bahrain, Iraq, Liban cho đến Syria và Yemen, và ưu thế hiện tạm gọi là nghiêng về phía Shiite - tức Iran.

Sau thắng lợi trên bàn hội nghị hạt nhân Geneva cuối tháng trước, Tehran tiếp tục chìa ra nhành ôliu, lần này là với các quốc gia trong khu vực theo hệ phái Sunni vốn được xem là phe cánh của Arập Xêút, "đối thủ" cạnh tranh trực tiếp của Iran trong vai trò cường quốc khu vực.

"Ưu tiên hàng đầu của Cộng hòa Hồi giáo Iran là có mối quan hệ hữu nghị với các quốc gia láng giềng, và mục đích chuyến thăm khu vực của tôi là chuyển đến thông điệp hữu nghị" - Ngoại trưởng Javad Zarif phát biểu trong chuyến thăm Qatar hôm 2/12.

Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif hội đàm cùng Thủ tướng Sheikh Mohammed bin Rashid al-Maktoum và Ngoại trưởng Abdallah Bin Zayid Al Nahyan của UAE.

Ngoài khu vực Trung Đông, Iran cũng đang đón nhận thái độ thân thiện của các quốc gia phương Tây. Đó là những chuyến thăm Tehran đã và sắp diễn ra của các phái đoàn ngoại giao, thương mại của Anh và Áo. Ngày 3/12, đại sứ mới của Anh, Ajay Sharma đã đến Tehran thực hiện chuyến chăm chính thức đầu tiên sau khi nhận nhiệm sở với vai trò Đại sứ lưu động, đánh dấu bước mở đầu cho việc nối lại quan hệ ngoại giao giữa Tehran và London sau 2 năm gián đoạn bởi sự cố hàng ngàn người Iran tràn vào tấn công Đại sứ quán Anh (năm 2011). Đây cũng là động thái hiện thực hóa tuyên bố hồi tuần trước của Bộ Ngoại giao Anh về việc nối lại quan hệ ngoại giao với Iran.

Vào cuối tuần này, một phái đoàn gồm 10 doanh nghiệp Áo do Phòng Thương mại nước này dẫn đầu cũng thực hiện chuyến thăm tìm hiểu cơ hội đầu tư nhằm đón đầu chuẩn bị cho bước làm ăn sau khi các lệnh cấm vận, trừng phạt Iran được Mỹ, LHQ và EU gỡ bỏ hoặc nới lỏng từ tháng 1/2014…

Những động thái ngoại giao bước đầu này tuy chưa phải là nhiều, nhưng đó là những dấu hiệu của sự nồng ấm trở lại trong quan hệ giữa phương Tây, châu Âu đối với Iran sau một thời gian bị gián đoạn do những căng thẳng nghiêm trọng trong việc giải quyết những vấn đề liên quan chương trình hạt nhân của Iran.

Trong chừng mực rộng hơn, tuy Ngoại trưởng Javad Zarif chưa đặt chân đến Riyadh, nhưng động thái hòa giải của Iran, chìa nhành ôliu ra với các quốc gia cùng hệ phái xung quanh Arập Xêút là bước đầu để Tehran đi đến hòa giải với Riyadh. Đây sẽ là một bước nữa trong tiến trình xóa bỏ dần những hoài nghi, định kiến trong quan hệ giữa Iran với Arập Xêút, và xa hơn là với Mỹ. Bởi trong số các quốc gia Trung Đông mà ông Javad Zarif đến thăm và tìm kiếm sự mở rộng hợp tác hữu nghị, Qatar được xem là có vị trí quan trọng nhất vì nơi đây có căn cứ quân sự lớn của Mỹ ở Trung Đông.

Việc lôi kéo được sự hợp tác của Qatar đồng nghĩa với việc hóa giải phần nào thế lực đồng minh của Mỹ, sẽ tạo thuận lợi hơn cho Tehran trong tiến trình nối lại quan hệ ngoại giao với Mỹ. Đó chính là mục tiêu quan trọng nhất đối với Tehran.

Thủ tướng Israel hậm hực vì “quả bom Iran”

Sự phản đối của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu trước, trong và sau khi Iran cùng với nhóm P5+1 ký kết thỏa thuận hạt nhân tại Geneva hôm 24/11 leo thang từng bước: Đầu tiên ông gọi đó là một thỏa thuận "tồi", rồi sau đó là "rất tồi", sau đó nữa, khi thỏa thuận sắp được ký kết thì ông gọi đó là một thỏa thuận "hết sức tồi". Và cuối cùng, khi thỏa thuận đã được ký, Netanyahu không thể kiềm chế được nữa, đã giận dữ gọi đó là một "sai lầm lịch sử". Netanyahu còn thể hiện sự giận dữ của mình bằng lời đe dọa sử dụng vũ lực đối với Iran để "tự vệ trước mối đe dọa bất kỳ".

Đi cùng với Netanyahu, nhiều bộ trưởng trong Nội các Israel cũng lên tiếng phản đối thỏa thuận Geneva, cho rằng thỏa thuận sẽ tạo điều kiện cho Iran sớm đạt được năng lực chế tạo bom hạt nhân, rằng thỏa thuận Geneva sẽ "làm cho thế giới này trở nên nguy hiểm hơn". "Thỏa thuận Geneva đã làm cho Bibi tổn thương về chính trị" - tờ Jerusalem Post bình luận. Vì thế, việc Netanyahu thể hiện thái độ giận dữ cũng là điều bình thường.--PageBreak--

Daniel Levy (chuyên gia của Hội đồng Quan hệ đối ngoại châu Âu) nhận định rằng, sau khi thỏa thuận hạt nhân tạm thời đã được ký kết giữa Iran với nhóm P5+1, Netanyahu có 3 sự lựa chọn là: ủng hộ thỏa thuận, tấn công Iran hoặc tìm cách phá hỏng thỏa thuận. Ném bom thì Israel không thể, vì Israel sẽ không bao giờ động đến vũ lực quân sự mà không có sự đồng tình, phối hợp của Mỹ, mà hiện tại thì Mỹ lại đang chọn giải pháp ngoại giao để thỏa hiệp với Iran, vì thế sẽ không có chuyện đi cùng Israel tấn công các mục tiêu Iran. Vì vậy, Netanyahu phải chọn lựa ủng hộ hay tìm cách "phá hỏng cuộc chơi" của Mỹ và Iran.

Netanyahu đã tự đặt cho mình sứ mệnh trọn đời "bảo vệ Nhà nước Do Thái trước mối đe dọa tiềm tàng từ Nhà nước Hồi giáo Iran". Tờ Jerusalem Post viết, Netanyahu là người luôn hô hào "không thỏa hiệp" với Iran, được xem là một cỗ máy tuyên truyền vô cùng ghê gớm trong cuộc chiến sống mái với "kẻ thù truyền kiếp" Iran. Netanyahu đã không bỏ sót cơ hội nào trên diễn đàn quốc tế để xây dựng một không khí sợ hãi chung trong cộng đồng quốc tế về mối đe dọa từ việc Iran có thể chế tạo "bom hạt nhân", và cảnh báo rằng nếu không ngăn chặn, "Iran sẽ gieo rắc nỗi kinh hoàng trên khắp thế giới". Quả thực, Netanyahu đã gây được chú ý của thế giới.

Vấn đề "quả bom hạt nhân Iran" đã được cơ quan LHQ xem xét một cách nghiêm túc; Mỹ và đồng minh đã có nhiều biện pháp trừng phạt để kìm hãm khả năng sản xuất bom của Iran, để buộc Iran từ bỏ "chương trình sản xuất vũ khí hạt nhân". Nhưng bấy nhiêu chưa đủ với Netanyahu. Năm lần bảy lượt dưới thời Tổng thống Mỹ Barack Obama, Israel hậm hực đòi đơn phương ném bom các cơ sở hạt nhân của Iran để bảo đảm nước này không còn khả năng làm giàu uranium nữa. "Lằn ranh đỏ" là một khái niệm ông Netanyahu vạch ra và sử dụng triệt để nhằm "trói chặt" đối thủ Iran.

Dưới các chính quyền cũ ở Tehran, xu hướng đối nghịch và cứng rắn đã đánh trúng bài của Netanyahu. Tehran càng cương quyết bảo vệ quyền làm giàu uranium và không chấp nhận thỏa hiệp càng chứng minh luận điểm của Netanyahu là đúng, càng khiến thế giới tin theo "lằn ranh đỏ" của ông. Thế nhưng mọi chuyện đã thay đổi kể từ tháng 6/2013, khi Hassan Rouhani được bầu lên làm Tổng thống Iran và thay đổi hoàn toàn cách tiếp cận giải quyết vấn đề với Mỹ và phương Tây.

Chiến thuật "nhành ôliu" của Tổng thống Rouhani đã có hiệu quả tức thì: phá vỡ bức tường quan điểm về "quả bom Iran" mà Netanyahu dày công xây dựng bấy lâu nay; lằn ranh đỏ nhanh chóng mất tác dụng. Bài phát biểu tham luận tại Đại hội đồng LHQ khóa 68 vừa qua là tín hiệu mạnh mẽ nhất được Tổng thống Iran Rouhani phát đi và đã được Tổng thống Mỹ Obama đón nhận một cách thận trọng. Và Nhà Trắng đã quyết tâm theo đuổi giải pháp ngoại giao, lấy đối thoại để giải quyết vấn đề hạt nhân Iran.

Nhân chuyến thăm Trung Đông của Ngoại trưởng Mỹ, Thủ tướng Israel lại đem “quả bom hạt nhân Iran” ra mặc cả.

Thỏa thuận tạm thời được Iran và nhóm P5+1 ký kết hôm 24/11 là kết quả cụ thể nhất cho tiến trình đối thoại hòa giải giữa Iran với phương Tây. Nó mở ra cho Iran cơ may thoát khỏi sự trừng phạt của Mỹ, LHQ và EU sau khi nước này cam kết đóng băng các lò làm giàu uranium trên 5% và dừng làm giàu uranium 20%. Iran có thể mừng thắng lợi sau thỏa thuận, nhưng đối với Netanyahu thì đó là một thất bại nặng nề.

Từ thế thượng phong, là kẻ đi đầu dẫn dắt dư luận thế giới ngăn chặn "quả bom hạt nhân Iran", Netanyahu bỗng thấy mình lạc lõng, trở thành kẻ đứng bên lề nhìn Tehran và các thủ đô phương Tây "tay bắt mặt mừng" tính chuyện hàn gắn quan hệ ngoại giao, nới lỏng, tháo bỏ cấm vận, xây dựng tương lai tốt đẹp cho cả đôi bên,… Bởi thế mà Netanyahu không thể không nổi giận.

Ngay sau khi thỏa thuận Geneva được ký kết, Tổng thống Mỹ Obama, rồi Tổng thống Pháp Francois Hollande đã điện thoại "trấn an" Netanyahu nhưng đều không có tác dụng. Netanyahu tiếp tục gào thét phản đối, la lối, chỉ trích Mỹ và đồng minh đã thỏa hiệp với Iran - "kẻ thù" của Israel, đồng thời tuyên bố thỏa thuận Geneva phải bị vô hiệu hóa. Và Netanyahu không chỉ nói suông.

Tờ Sunday Times của Israel hôm 1/12 dẫn lời các quan chức quốc phòng Israel cho biết, ông Netanyahu đã ra lệnh cho MOSSAD và Cơ quan Tình báo quân đội Israel mở chiến dịch tìm kiếm bằng chứng Iran vẫn tiếp tục các hoạt động làm giàu uranium đã bị cấm trong thỏa thuận Geneva nhằm chứng minh thỏa thuận Geneva vô hiệu.

Để xoa dịu cơn giận của Netanyahu, báo chí đưa tin, từ ngày 2 đến ngày 7/12, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đến Tel Aviv hội đàm với ông. Tuy nhiên, chuyến đi đó còn mang một ý nghĩa khác: thúc đẩy tiến trình hòa bình Israel - Palestine, một vấn đề khác trong quan hệ Mỹ - Israel. Có lẽ ông Netanyahu sẽ có cái để mặc cả với ông Kerry xung quanh vấn đề Iran, nhưng giới quan sát nhận định, sẽ không có thay đổi gì đối với thỏa thuận Geneva, vì đó không phải là thỏa thuận song phương giữa Mỹ với Iran.

Chí ít, quan điểm và thái độ của ông Netanyahu đã nhận được sự đồng tình của khoảng 58-60% người Israel. Họ tin rằng thỏa thuận Geneva đe dọa đất nước họ. Theo chuyên gia Daniel Levy (Hội đồng Quan hệ đối ngoại châu Âu), Netanyahu có được tỉ lệ ủng hộ đó là vì hiện tại ở Israel không có chính khách nào đủ bản lĩnh và uy tín đứng ra cạnh tranh quan điểm với ông.

Tuy nhiên, đối với người dân Israel trong những năm gần đây, kinh tế đời sống mới là vấn đề họ quan tâm nhất, "mối đe dọa từ Iran" đã cũ rích, được nhai đi nhai lại nhiều lần và bây giờ vẫn thế, cho nên sự ủng hộ cũng chỉ là do Netanyahu độc diễn mà thôi

V.Trương - An Châu (tổng hợp)
.
.