Iran vừa đánh vừa đàm

Thứ Hai, 27/02/2012, 07:40

Tình hình cuộc đối đầu giữa Iran với Israel và phương Tây đang diễn biến khá phức tạp. Một mặt, Iran đưa ra sáng kiến đàm phán liên quan đến chương trình hạt nhân, mặt khác, Tehran cũng ráo riết chuẩn bị tư thế "sẵn sàng chiến đấu" để bảo vệ các cơ sở hạt nhân, đồng thời tích cực "nghênh chiến" phương Tây trong cuộc chiến cấm vận liên quan chương trình hạt nhân.

Ngày 20/2, phái đoàn thanh sát hạt nhân của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế đã bắt đầu chuyến làm việc 2 ngày tại Iran. Theo kế hoạch, phái đoàn IAEA sẽ làm việc về chuyên môn với các nhà khoa học hạt nhân Iran, và sau đó sẽ yêu cầu Tehran cho tham quan một cơ sở hạt nhân chủ chốt để kiểm tra thực tế. Theo ông Herman Nackaerts, quan chức cao cấp của IAEA tham gia phái đoàn thanh sát, các chuyên gia IAEA đang yêu cầu Iran cho thanh tra khu phức hợp quân sự Parchin.

Đây cũng là nơi sản xuất vũ khí lớn nhất của Iran bên ngoài thủ đô Tehran. Việc IAEA yêu cầu thanh tra khu phức hợp Parchin cũng là xuất phát từ một báo cáo mật gần đây của tình báo phương Tây cho rằng, Iran đang làm giàu uranium đến 20%, là mức làm giàu vừa có thể dùng sản xuất điện vừa có thể chuyển sang sản xuất bom hạt nhân. Báo cáo này hiện đang làm tăng cao mức độ lo ngại ở phương Tây về khả năng Iran chế tạo vũ khí hạt nhân. 

Gần đây nhất, ngày 15/2, Iran tiếp tục làm cho phương Tây lo lắng khi Trưởng đoàn đàm phán hạt nhân Saed Jalili công bố "bước tiến vĩ đại" trong chương trình hạt nhân của mình là chính thức nạp nhiên liệu tự chế tạo trong nước vào các máy ly tâm, đồng thời công bố đã sản xuất được 9.000 máy ly tâm, tăng 50% so với con số 6.000 trước đây.

Cuộc "so găng" giữa Iran với phương Tây xoay quanh chương trình hạt nhân của nước này đang diễn biến theo chiều hướng phức tạp. Sau nhiều lần đàm phán bất thành, Mỹ và phương Tây chăm chăm áp dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế (mới nhất là lệnh trừng phạt nhắm vào hệ thống tài chính và xuất khẩu dầu) chống Iran, trong khi Israel thì hậm hực đòi tấn công bằng không quân vào các mục tiêu hạt nhân của Iran. Mỹ đã siết chặt hơn các hoạt động tài chính của Iran, với việc tịch thu tài sản của các ngân hàng Iran tại Mỹ, còn châu Âu thì dọa giảm nhập khẩu dầu Iran. Ngày 19/2, Iran đã hành động trước bằng thông báo tạm ngưng xuất khẩu dầu sang Anh và Pháp - 2 trong 6 quốc gia EU bị Bộ Dầu hỏa Iran lên kế hoạch cắt xuất khẩu dầu vào thượng tuần tháng 2/2012.

Trước những đe dọa tấn công của đối phương, Iran vừa tuyên bố sẽ tiến hành tập trận phòng không nhằm bảo vệ các cơ sở hạt nhân trước khả năng tấn công của Israel. Trong khi đó, hải quân Iran cũng ngày đêm tích cực tuần tra vùng eo biển Hormuz, nơi có sự hiện diện của các tàu chiến hiện đại của Mỹ. Theo báo chí quốc tế, thời gian gần đây đã chứng kiến việc Mỹ điều động quân lực tập kết tại các hòn đảo phía Nam eo biển Hormuz. Bên ngoài eo biển Hormuz, trong vùng Vịnh Persic, hàng chục tàu chiến của Mỹ và các nước đồng minh khối NATO cũng đang có mặt.

Ngoại trưởng Mỹ Hillary Rodham Clinton (phải) và Ủy viên Đối ngoại EU Catherine Ashton hoan nghênh đề xuất đàm phán của Iran.

Ngày 19/2, Ngoại trưởng Anh William Hague và tướng Mỹ Martin Dempsey (Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân) đồng thanh "can" Israel không nên tấn công quân sự vào Iran. Cả 2 ông Hague và Dempsey đều cho rằng, một cuộc tấn Iran vào lúc này là "kém khôn ngoan" và sẽ gây ra những hậu quả khó lường. Đây cũng là ý kiến chung của dư luận quốc tế. Đặc biệt, nước Mỹ một mặt đưa tàu chiến và quân đội vào vùng Vịnh Persic trong tư thế chuẩn bị sẵn sàng cho một cuộc chiến với Iran, mặt khác lại quyết liệt ngăn cản Israel "động tay động chân".

Trong 2 ngày 19 và 20/2, Cố vấn an ninh quốc gia Tom Donilon đã đến Israel gặp Thủ tướng Benjamin Netanyahu (19/2) và Bộ trưởng Quốc phòng Ehud Barak (20/2) để thống nhất quan điểm "phối hợp" xử lý vấn đề Iran. Ông Donilon cho rằng, một cuộc tấn công của Israel vào Iran lúc này sẽ gây mất ổn định cho cả khu vực Trung Đông, và hệ lụy không mong muốn là làm hỏng những mục tiêu lâu dài của Mỹ và các đồng minh tại khu vực này.

Với năng lực quân sự hiện có của Iran, một cuộc tấn công trực diện cho dù bằng  không quân cũng khó tránh khỏi sự đáp trả quyết liệt của Iran. Vì vậy, nước Mỹ đang "lựa thế" để tìm "chỗ hiểm" của Iran mà tấn công vào. Mỹ và EU đang "chờ và xem" Iran sẽ chịu đựng các biện pháp trừng phạt kinh tế đến đâu, và đang có kế hoạch gia tăng thêm mức độ siết chặt của các biện pháp trừng phạt nhằm buộc Iran phải cúi đầu "quy hàng". Tuy nhiên, Tehran đã hơn 1 lần tuyên bố không "nao núng" trước sức ép kinh khủng đó.

Trong một diễn biến được xem là trái ngược với tình hình nóng bỏng nêu trên, ngày 17/2, Trưởng đoàn đàm phán hạt nhân Iran Jalili đã gửi một lá thư phản hồi lá thư trước đó của Ủy viên đối ngoại EU Catherine Ashton, trong đó, ông Jalili một mặt thông báo những tiến bộ mới của Iran trong chương trình hạt nhân, mặt khác đưa ra một sáng kiến đàm phán mới liên quan đến chương trình hạt nhân. Đề nghị này của Tehran đã nhận được sự phản hồi tích cực từ Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton và Ủy viên đối ngoại EU Catherine Ashton.

Một tia hy vọng mới lại được thắp lên sau lần đàm phán thất bại gần nhất là tháng 1/2011. Lần này, Iran sẽ đàm phán trong tư thế vừa chuẩn bị "chiến tranh", vừa phải gồng mình chịu đựng sức ép bao vây cấm vận, vừa đẩy mạnh chương trình hạt nhân với những tiến bộ mới vừa đạt được. Đây chắc chắn sẽ là những vòng đàm phán không dễ dàng cho cả 2 bên, nếu chúng thực sự diễn ra

An Châu (tổng hợp)
.
.