Iran – Israel: Không để “quá mù ra mưa”

Thứ Tư, 21/12/2005, 09:30

Trong hơn nửa thế kỷ qua, quan hệ giữa quốc gia Do Thái và đất nước của phiên chợ Ba Tư chưa bao giờ là tốt đẹp cả. Nhưng có lẽ cũng chưa bao giờ tâm lý thù địch lẫn nhau ở hai quốc gia này lại tăng đến mức độ đỉnh điểm như thời gian gần đây.

Những lời tuyên bố thẳng thừng của Tổng thống Iran, Mahmoud Ahmadinejad về một thế giới không có chủ nghĩa sion và về việc nạn diệt chủng người Do Thái (Holocaust) chỉ là huyền thoại đã buộc Tel Aviv phải bày tỏ thái độ cứng rắn nhất đối với Tehran. Israel không thể nào "mũ ni che tai" trước việc một nguyên thủ nước ngoài công khai phủ nhận tính hợp pháp trong sự tồn tại của quốc gia Do Thái như thế, đặc biệt khi Iran lại là nước đang có khả năng sở hữu vũ khí hạt nhân trong tương lai gần.

Và không chỉ riêng đối với Israel mà trong con mắt của không ít quốc gia khác, một nước Iran có khả năng sở hữu vũ khí hạt nhân cũng là một mối đe dọa tiềm ẩn rất lớn. Những thông tin tình báo mới được Cơ quan Tình báo đối ngoại CHLB Đức tung lên báo chí cho thấy, Tehran đang phát triển một số loại lên lửa tầm xa hơn có thể gây ảnh hưởng trực tiếp tới châu Âu trong thời gian trung và dài hạn sắp tới. Còn theo giới quân sự Israel, chỉ vài ba tháng nữa thôi là Iran có thể nắm vũ khí hạt nhân trong tay.

Máy bay Israel đã nhận được lệnh của Thủ tướng sẵn sàng chiến đấu chống lại Iran khi có lệnh.
Với trạng thái tâm lý đầy cuồng nộ như hiện nay, cũng theo nhận định của Tel Aviv, rất có thể Iran sẽ chọn Israel làm một trong những mục tiêu tấn công đầu tiên. Bản thân Bộ trưởng Quốc phòng Iran, Mustafa Mohammad Naijar, ngày 16/12 cũng đã công khai tuyên bố, trong trường hợp bùng nổ chiến sự, phản ứng của Tehran đối với một cuộc tấn công của "kẻ thù truyền kiếp Israel" sẽ là "nhanh chóng và mang tính huỷ diệt". Không cần giải thích thì ai cũng hiểu tên loại vũ khí có thể gây nên những đòn phản công "mang tính hủy diệt". Ông Naijar còn không ngần ngại nhắc nhở rằng, số phận bi đát của cựu Tổng thống Iraq Saddam Hussein hiện nay có thể trở thành "bài học cho các quan chức trong chính quyền Do Thái"(?!)

Theo nhận định của giới quan sát, theo đà "lộng ngôn" này, khả năng bùng nổ thực sự chiến sự giữa IsraelIran đang gia tăng từng ngày. Thế giới đã biết rõ phong cách quen thuộc của các nhà lãnh đạo Israel trong việc giành quyền chủ động khai hỏa trước theo kiểu "thà ta phụ người hơn là để người phụ ta" nhằm giải tỏa các mối nguy cơ tiềm tàng. Tự xác định mình sẽ có thể là mục tiêu thứ nhất của bất cứ cuộc đột kích hạt nhân nào từ phía Iran, quân đội Israel rất dễ manh động và sẽ tiến hành một cuộc tấn công phủ đầu bằng không quân để triệt thoái những khu vực mà họ nghi là các cơ sở hạt nhân của Iran.

Có thể hình dung kịch bản của cuộc tập kích phủ đầu đó như sau: các máy bay F-15I Ra'am, thuộc biên chế của Liên đội 69 đồn trú tại căn cứ quân sự Hatzerim, sẽ là lực lượng chủ đạo để đánh phá các cơ sở hạt nhân của Iran. Loại máy bay Thần Sấm này tính năng vượt trội về công nghệ so với máy bay khác, có khả năng mang bom và nhiều loại vũ khí chính xác. F-15I Ra'am có thể bay ở tầm thấp với tốc độ cao và dễ dàng đột nhập một cách bất ngờ vào không phận Iran để tiến hành đợt đột khích chớp nhoáng, tiêu diệt các cơ sở chế tạo vũ khí hạt nhân...

Không có một câu nhịn, làm sao có thể có được chín câu lành?! Cộng đồng quốc tế không thể an lòng trước một triển vọng u ám như thế trong quan hệ Israel-Iran. "Quá mù" rất dễ "ra mưa" và một khi chiến sự nổ ra, hậu quả tiêu cực sẽ không chỉ ảnh hưởng tới riêng hai quốc gia liên quan mà tới cả khu vực Trung Đông cũng như trên quy mô rộng lớn hơn

Thi Long
.
.