Iraq: Ai đứng sau những phát súng bắn tỉa?

Thứ Tư, 09/10/2019, 14:07
Trong khi giới chính khách cầm quyền ở Iraq chưa tìm ra phương án ứng phó với các cuộc biểu tình lan rộng tại thủ đô Baghdad và các thành phố miền Nam Iraq, bạo lực đã xảy ra khi người biểu tình đụng độ với cảnh sát làm hơn 100 người chết.

Đây là cuộc thời điểm khó khăn nhất của đất nước Iraq kể từ sau khi dẹp được IS cách đây 2 năm. Có ý kiến cho rằng ai đó không muốn Iraq được yên nên cố tình gây ra bạo lực và thương vong.

Tính đến ngày 7-10, hơn một tuần đã trôi qua kể từ khi các cuộc biểu tình chống Chính phủ Iraq bắt đầu diễn ra, lại có thêm gần 20 người biểu tình bị bắn chết, đưa số người chết vượt trên 100 và số người bị thương ước tính trên 6.100 người. Từ khi cảnh sát được lệnh dùng lựu đạn cay để giải tán đám đông biểu tình, con số người biểu tình bị bắn chết và số người bị thương cũng bắt đầu gia tăng nhanh chóng.

Khi số người chết đã gần chạm ngưỡng 100 hôm 4-10, báo chí quốc tế bắt đầu lên tiếng cảnh báo những cuộc đối đầu bạo lực giữa cảnh sát Iraq và người biểu tình. Đặc phái viên Liên Hiệp Quốc tại Iraq Jeanine Hennis-Plasschaert đã phải lên tiếng kêu gọi chấm dứt ngay việc gia tăng số người thương vong và lên án những kẻ đứng sau các hành động bạo lực đẫm máu đó.

Cuộc biểu tình phản đối chính phủ của người Iraq bắt đầu nổ ra vào ngày 1-10 tại thủ đô Baghdad và sau đó lan sang các thành phố phía Nam Iraq. Ban đầu, người biểu tình phản đối tất cả các đảng phái chính trị đấu đá và tham nhũng, không chăm lo đời sống người dân. Họ cho rằng, trong suốt 16 năm kể từ khi ông Saddam Hussein bị lật đổ, tham nhũng và bất công cứ tiếp tục tồn tại như một thực tế mới thay thế cho chế độ hà khắc của ông Hussein.

Nhiều người biểu tình cho báo chí biết họ chịu đựng như thế là đã quá đủ và họ muốn có sự thay đổi mạnh mẽ, toàn diện ở Baghdad. “Chúng tôi không sợ chết, không sợ súng đạn. Chúng tôi sẽ tiếp tục biểu tình và không lùi bước” - một người biểu tình tên Abbas Najim tuyên bố.

Người dân Iraq biểu tình phản đối chính phủ tham nhũng và bất công.

Hôm Thứ bảy 5-10, người biểu tình ở thành phố Nasiriyah thuộc miền Nam Iraq đã đốt phá trụ sở của 6 đảng phái chính trị khác nhau. Hàng ngàn người cũng tràn vào chiếm đóng các tòa nhà chính phủ tại thành phố Diwaniyah. Người phát ngôn Bộ Nội vụ Iraq Saad Maan cho biết, tính đến ngày 7-10, tổng cộng 51 tòa nhà công cộng và trụ sở 8 đảng phái đã bị đốt phá.

Ủy ban Nhân quyền của Quốc hội Iraq cho biết, hầu hết số người chết xảy ra ở Baghdad, chủ yếu do bắn tỉa. Đến thời điểm hiện tại, trong các bệnh viện ở Baghdad còn hàng trăm người bị thương đang nằm điều trị các vết thương bắn tỉa. Vậy các sát thủ bắn đó ở đâu ra, họ là ai, do ai phái đến, mục đích việc làm của họ là gì? Ủy ban này đã yêu cầu Chính phủ Iraq phải làm rõ vấn đề này.

Ngày 6-10, người phát ngôn Bộ Nội vụ Iraq Saad Maan khẳng định các lực lượng an ninh Iraq “không đối đầu” người biểu tình và rằng “có bàn tay hiểm ác” đằng sau những phát súng bắn tỉa nhắm vào người biểu tình và cả lực lượng an ninh. Ông Maan nhắc lại lời của Thủ tướng Abel Abdul-Mahdi hôm 5-10 rằng các lực lượng an ninh khi thực thi nhiệm vụ giải tán đám đông không được dùng đạn thật bắn vào người biểu tình, chỉ được phép tự vệ khi cần thiết.

Tuy nhiên, ông Maan không thể trả lời câu hỏi “các sát thủ bắn tỉa là ai, thuộc thành phần nào. Theo quan sát của báo chí, hôm 6-10, quân đội đã được triển khai để hỗ trợ ngăn người biểu tình và đã nổ súng về phía những người biểu tình

Chủ tịch Quốc hội Iraq Mohammed al-Halbusi đã lên tiếng xoa dịu người biểu tình, nói rằng “tiếng nói của các vị đã được lắng nghe”. Thủ tướng Abdul-Mahdi cũng kêu gọi chấm dứt biểu tình và tuyên bố ông sẵn sàng lắng nghe các yêu cầu của người dân. Tuy nhiên, nhiều người biểu tình đã bác bỏ lời nói xoa dịu của cả hai ông. Họ giận dữ tuyên bố “những người này không đại diện cho chúng tôi. Chúng tôi không cần đảng phái nào đại diện cho tiếng nói của chúng tôi”.

Các nhà phân tích Iraq cho rằng để xoa dịu tình hình, Thủ tướng Abdul-Mahdi cần đưa ra những thay đổi quyết định, chẳng hạn như mạnh tay xử lý, cách chức các quan chức, chính khách bị cáo buộc tham nhũng. Các nhà phân tích cũng cho rằng, để giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay cần phải có sự “phối hợp theo hướng tích cực” giữa các giáo phái và đảng phái chính trị.

Tình trạng phức tạp đang có chiều hướng gia tăng hiện nay, với việc giáo sĩ Moqtada al-Sadr lên tiếng bày tỏ thái độ đối với các vấn đề người biểu tình quan tâm. Hôm 5-10, 54 nghị sĩ thuộc đảng của giáo sĩ al-Sadr và một số phái khác đã tẩy chay đảng cầm quyền để ủng hộ người biểu tình khiến cho một phiên họp của quốc hội không thể nhóm họp như dự kiến.

Trước đó, ngày 4-10, giáo sĩ al-Sadr đã công khai lên tiếng ủng hộ người biểu tình và kêu gọi Thủ tướng Abdul-Mahdi từ chức. Tiếng nói của giáo sĩ al-Sadr có sức mạnh rất lớn, đã huy động hàng ngàn người ủng hộ ùa nhau xuống đường biểu tình, khiến cho tình hình càng trở nên phức tạp hơn. Giới quan sát lo ngại những người biểu tình ủng hộ giáo sĩ al-Sadr sẽ mâu thuẫn với người biểu tình “chống các đảng phái” ban đầu và tình trạng hỗn loạn sẽ lan khắp Baghdad và nhiều nơi khác.

Hiện, giáo sĩ al-Sadr đang chủ trương chính phủ hiện tại của Iraq phải từ chức để tổ chức bầu cử lại để loại bỏ những nhân tố gây bất ổn trong hàng ngũ chính khách các đảng phái. Giới phân tích cho rằng khối chính trị do đảng của ông đứng đầu đang chiếm số đông trong Quốc hội, vì vậy sẽ dễ dàng nắm lợi thế khi bầu cử lại. Vì thế, Chủ tịch Quốc hội Halbusi đang tìm cách xoa dịu người biểu tình, lôi kéo cử tri để tránh một cuộc bầu cử mới nhưng khả năng thành công xem ra không nhiều.

An Châu (tổng hợp)
.
.