Iraq: Bạo lực gia tăng đột biến trước ngày Mỹ rút quân

Thứ Bảy, 27/06/2009, 05:25
Chỉ còn chưa đầy 10 ngày trước thời hạn binh lính Mỹ rút toàn bộ ra khỏi các thành phố và thị tứ của Iraq để tập trung vào các căn cứ nằm ngoài khu dân cư, tình hình bạo lực tại Iraq đã gia tăng một cách đột biến. Tình hình này đang khiến nhiều người nghi ngờ về khả năng của lực lượng an ninh Iraq trong việc bảo vệ người dân trước các vụ tấn công khủng bố.

Theo như cam kết đã đạt được ngày 16/11/2008 giữa Iraq và chính quyền của Tổng thống Mỹ W.Bush, ngày 30/6 tới, quân đội Mỹ sẽ rút toàn bộ khỏi các khu vực thành phố và thị tứ để lui vào các căn cứ quân sự ngoài vùng dân cư, và đến ngày 31/12/2011 sẽ hoàn toàn rút khỏi Iraq.

Tuy nhiên, ngày 21/6, một vụ tấn công khủng bố đẫm máu nhất nhằm vào một đền thờ dòng Shiite tại Iraq kể từ 18 tháng qua đã diễn ra tại vùng Kirkouk, phía bắc Iraq, làm 72 người thiệt mạng. Vụ tấn công đã tàn phá cả khu trung tâm thành phố với hơn 80 ngôi nhà bị san thành bình địa. Giới chức địa phương cho là do mạng lưới Al-Qaeda thực hiện. Vụ khủng bố này đã gây ra sự phẫn nộ tột cùng cho người dân địa phương, khu vực vốn từ trước tới nay rất yên bình.

Cảnh sát cho biết một kẻ tấn công liều chết đã cho nổ một chiếc xe tải chứa 1 tấn thuốc nổ đậu trên một đường phố ở trung tâm thành phố. Theo Cảnh sát trưởng Kirkouk, tướng Sarhad Qadir, nạn nhân chủ yếu là trẻ em, phụ nữ và người già. Ngoài ra còn có hơn 200 người khác bị thương. Thị trưởng Kirkouk, ông Abdel Rahman Moustapha cho biết: "Chủ nghĩa khủng bố vẫn chưa hoàn toàn bị xóa sổ ngay cả khi nó đã rất yếu".

Đại sứ Mỹ tại Baghdad, Christopher Hill và tướng Ray Odierno, Chỉ huy trưởng lực lượng liên minh quốc tế tại Iraq, đã lên án vụ tấn công này và cho biết sẽ ủng hộ Chính phủ Iraq. Ngay sau khi vụ tấn công đẫm máu xảy ra, lực lượng phòng vệ dân sự của Iraq đã được huy động để tìm kiếm những nạn nhân bị vùi trong các đống đổ nát cùng với sự giúp đỡ của binh lính Mỹ.

Chỉ một ngày sau vụ thảm sát kinh hoàng này diễn ra đã có hàng loạt vụ tấn công khác được các nhóm khủng bố thực hiện tại thủ đô Baghdad và thành phố Mossoul. 15 người, trong đó có 3 học sinh trung học và một em bé đã bị giết trong 4 vụ tấn công dồn dập bằng bom và súng trường vào 7 giờ sáng theo giờ địa phương ngày 22/6 tại trung tâm thủ đô Baghdad và các khu vực lân cận.

Vụ tấn công đầu tiên nhằm vào xe chở các em học sinh trung học đi thi tốt nghiệp xảy ra tại Sadr City, một khu phố nghèo với đa phần người Shiite ở Baghdad. 3 học sinh thiệt mạng, tài xế bị thương nặng. Ngày 20/5, Sadr City cũng đã chứng kiến một vụ khủng bố đẫm máu làm 40 người chết và 83 người bị thương.

Cũng trong ngày 22/6, tại Chaab, phía đông bắc Baghdad, một vụ tấn công khác nhằm vào đoàn xe của lực lượng cảnh sát đã làm chết 1 em bé 5 tuổi và 2 người khác cùng 30 người bị thương, trong đó có 3 cảnh sát viên. Ngoài ra, tại khu phố thương mại sầm uất Karrada ở thủ đô Baghdad, trong lúc đó cũng xảy ra một vụ nổ bom làm chết 5 người và làm bị thương 5 người khác.

Vụ khủng bố thứ 4 cùng lúc đó diễn ra tại một ngôi làng phía đông Baqouba (cách thủ đô Baghdad 60km về hướng đông bắc). 3 binh sĩ Iraq đã bị chết khi một quả bom phát nổ trong lúc một đoàn xe quân sự đi qua. Một sự kiện đáng chú ý khác là một cựu thành viên của mạng lưới khủng bố Al-Qaeda đã bị bắn chết bởi những kẻ lạ mặt tại Khalis, cách Baghdad 80km về hướng đông bắc. Người này vừa được trả tự do từ nhà tù Camp Bucca (phía nam Iraq).

Thủ tướng Iraq Nouri al-Maliki, trong một tuyên bố trước truyền hình, đã lên án các vụ tấn công trong mấy ngày liên tiếp vừa qua tại Iraq và coi đây là những hành động hèn hạ. Ông Maliki khẳng định những toan tính làm rối loạn an ninh tại Iraq trong thời gian này sẽ hoàn toàn bị thất bại.

Các vụ tấn công khủng bố liên tiếp diễn ra chỉ một ngày sau khi quân đội Mỹ hoàn tất việc rút khỏi căn cứ lớn cuối cùng của họ tại Sadr CityBaghdad, nơi trước đây từng là một ổ đề kháng của người Shiite.

Tìm kiếm nạn nhân sau vụ đánh bom.

"Ngày 20/6 vừa qua là ngày quan trọng đối với nhân dân Iraq và các lực lượng Mỹ đóng tại Sadr City. Vì nó đánh dấu một sự chuyển giao lớn trong việc hợp tác giữa quân đội Mỹ và Iraq" - tướng Daniel Bolger, Chỉ huy trưởng các đơn vị quân sự Mỹ đóng tại Baghdad cho biết. Việc chuyển giao căn cứ tại Sadr City, được các quan chức quân sự cấp cao coi như một biểu tượng, diễn ra đúng 10 ngày trước hạn cuối rút các đơn vị quân sự của Mỹ khỏi các thành phố của Iraq, một giai đoạn quan trọng trước khi thực hiện cam kết rút toàn bộ vào cuối năm 2011. Tuy nhiên, những gì diễn ra sau đó tại Iraq đã khiến cho nhiều người nghĩ rằng những lời nói trên của tướng Daniel Bolger là để mị dân.

Trong một diễn biến khác, ngày 21/6 vừa qua, Chính phủ Iraq đã thành lập một ủy ban bồi thường cho những nạn nhân của sự sai phạm do Mỹ và liên quân gây ra tại Iraq từ đầu năm 2009. Việc thành lập ủy ban này là theo tinh thần thỏa thuận ký kết giữa Chính phủ Iraq và Mỹ hồi tháng 11/2008. Nhiệm vụ của ủy ban này là tiếp nhận đơn thư khiếu nại của những công dân chịu thiệt thòi về vật chất, thể chất do các lực lượng liên quân do Mỹ đứng đầu gây ra.

Theo Bộ Tư pháp Iraq, ủy ban này sẽ do trưởng bộ phận hành pháp của bộ này lãnh đạo cùng với sự góp mặt của các thành viên khác đến từ Bộ Quốc phòng, Nội vụ, Tài chính và Nhân quyền. Sẽ có khoảng 12 văn phòng bồi thường tại Baghdad, 7 tại phía bắc Iraq, 2 tại phía tây và 2 ở phía nam.

Tất cả các văn phòng này sẽ bắt đầu hoạt động sau khi quân đội Mỹ rút khỏi các thành phố và thị tứ của Iraq, ngày 30/6 tới. Những người đòi bồi thường phải trình tài liệu chứng minh thiệt hại của mình, kèm hình ảnh và giấy xác minh của chính quyền địa phương

Quốc Hùng (tổng hợp)
.
.