Iraq: Cục diện chính trị mới ẩn chứa nhiều bất ổn

Thứ Sáu, 11/09/2009, 12:25
Tình hình an ninh - chính trị tại Iraq, vốn có chiều hướng xấu đi sau khi liên quân do Mỹ dẫn đầu rút đi trao lại quyền kiểm soát cho lực lượng quân đội và cảnh sát Iraq, nay lại đang ẩn chứa nhiều nguy cơ bất ổn mới. Đó là vấn đề xung đột tôn giáo và sắc tộc ngày càng gia tăng và những căng thẳng mới trong quan hệ với các quốc gia láng giềng.

Ngày 22/8 vừa qua tại thành phố Nadjaf, người ta đã tiến hành chôn cất Abdelaziz al-Hakim, lãnh đạo Hội đồng Hồi giáo tối cao Iraq (CSII), đảng phái chính của người Shiite tại Quốc hội. Người Shiite chiếm đa số tại Iraq. Cái chết của ông Al-Hakim (vì bệnh ung thư phổi) xảy ra giữa lúc có hàng loạt sự kiện khiến người ta nghi ngờ về sự thành công của cuộc bầu cử Quốc hội Iraq diễn ra vào tháng 1/2010.

Hai ngày trước khi Al-Hakim qua đời, Thủ tướng Nouri al-Maliki, cũng là người Shiite, thông báo từ chối tham gia liên minh tranh cử mới của người Shiite, trong đó CSII giữ vai trò trụ cột. Ông Nouri al-Maliki muốn ra tranh cử với tư cách đại diện của một phong trào mà chủ trương của nó là không có sự phân biệt sắc tộc và tôn giáo.

Bằng lựa chọn này, ông Maliki, muốn chìa tay ra với tất cả người dân Iraq bất kể là người Sunni, Shiite hay Kurds, mặt khác cho thấy ông đang bước vào một cuộc đối đầu với một liên minh người Shiite ô hợp, tập hợp bởi những người chống đối ông và được Iran hậu thuẫn.

Trong khi Thủ tướng Maliki cũng không được nhiều người Kurds ủng hộ vì họ nghi ngờ khuynh hướng tập trung quyền lực mà ông đưa ra khi tham gia tranh cử. Và ông Maliki cũng không có ý định hay phương tiện để mua chuộc sự liên minh ủng hộ của người Sunni, giống như người Mỹ đã làm. Quân đội Mỹ đã rút khỏi các thành phố và thị tứ của Iraq và dự định sẽ rút hoàn toàn trước cuối năm 2011.

Kết quả là theo giới phân tích, sau cuộc bầu cử Quốc hội, Iraq sẽ chìm vào một cuộc nội chiến mới mà các quốc gia láng giềng không thể vắng mặt. Ngày 19/8 vừa qua, "ngày thứ Tư đen tối", hai chiếc xe tải chở đầy bom đã phát nổ ở giữa thủ đô Baghdad làm chết 95 người. Thủ tướng Iraq cáo buộc Syria có dính líu tới vụ khủng bố này.

Ngay lập tức, chính quyền Baghdad cắt đứt quan hệ ngoại giao với Damas và tố cáo một "liên minh ma quỷ" giữa chính quyền Bachar el-Assad và những thành viên đảng Baas của cố Tổng thống Saddam Hussein đang sống lưu vong tại Syria và chi nhánh của mạng lưới khủng bố Al-Qaeda tại Iraq.

Ngày 27/8, Iraq yêu cầu Damas giao nộp những nghi can đã được xác định rõ ràng là chủ mưu trong cuộc tấn công khủng bố tại Baghdad hôm 19/8. Baghdad thậm chí đã chỉ đích danh tên từng kẻ khủng bố khi dựa trên những lời thú tội được truyền hình trực tiếp của một kẻ tình nghi tự coi là lãnh đạo đảng Baas tại Iraq. Người này cho rằng đã thừa lệnh hai lãnh đạo khác của đảng này hiện sống lưu vong tại Syria là Younes al-Ahmad và Sattam Farhan, để tiến hành vụ đánh bom trên.

Nếu những khẳng định của Thủ tướng Maliki là chính xác thì "ngày thứ Tư đen tối" có thể đã đạt được đỉnh điểm của tính hai mặt trong quan hệ ngoại giao: Những quả bom phát nổ ngay khi ông Maliki đang trên đường trở về sau chuyến thăm lịch sử tới Syria, trong đó Tổng thống Bachar el-Assad mong muốn chấm dứt mọi sự hành động gây hiểu lầm giữa Iraq và Syria xuất phát từ những người thân cận của Saddam Hussein, và sẽ mạnh tay hơn đối với những phần tử khủng bố Arập vào Iraq qua ngả Syria.

Sau phát biểu buộc tội trên của ông Maliki, Damas đã phản ứng lại gay gắt và cho đây là những bằng chứng bịa đặt nhằm mục đích chính trị bên trong Iraq và tuyên bố sẵn sàng tiếp đón một phái đoàn của Iraq sang giải quyết vấn đề liên quan tới vụ khủng bố trên.

Nếu cả hai bên tuyên bố đều chưa có gì chắc chắn bên nào đúng thì điều rõ ràng hiện nay là cuộc khủng bố hôm 19/8 nhằm vào ông Maliki và giáng một đòn mạnh vào uy tín của người đã tuyên bố muốn mang lại an ninh cho người dân Iraq.

Những quả bom phát nổ ngay gần văn phòng làm việc của ông Maliki và tại nơi mà ngài thủ tướng Iraq đã ra lệnh dỡ bỏ những bức tường bê tông bảo vệ có mặt khắp nơi tại Baghdad, để chứng tỏ rằng tình hình an ninh tại Iraq đã được cải thiện.

Ai là kẻ chịu trách nhiệm chính trong vụ khủng bố 19/8 vừa qua tại Iraq? Hình thức tổ chức và các chất nổ được sử dụng làm người ta nghĩ tới chúng xuất phát từ quân đội. Những tuyên bố của Ngoại trưởng Iraq, Hoshyar Zebari, chỉ rõ: "Tôi không loại trừ khả năng có bàn tay lông lá của các lực lượng an ninh Iraq trong vụ khủng bố này".

Những tuyên bố của ông Hoshyar Zebari như được minh họa thêm bởi án phạt vắng mặt của tòa án Baghdad đối với 2 thành viên của lực lượng bảo vệ Phó tổng thống Iraq vì đã tham gia vào một vụ ăn cướp đẫm máu xảy ra vào ngày 28/7.

Giới phân tích cho rằng những kẻ chỉ đạo vụ đánh bom tại Baghdad ngày 19/8 có thể rất đông và không nhất thiết chỉ giới hạn ở Syria. Đối với các quốc gia phương Tây, hành động đơn độc của Thủ tướng Nouri al-Maliki hiện ít làm hài lòng tất cả những ai đang muốn thiết lập sự bá chủ của họ lên Iraq. Bằng việc duy trì một quan điểm không rõ ràng về ảnh hưởng của Iran tới Iraq, ông Maliki đang tự tạo cho mình những điều bí hiểm.

Xét trong tổng thể, Thủ tướng Iraq Maliki hiện đang rơi vào tình trạng đơn độc. Bao quanh ông là những đối thủ, thậm chí là kẻ thù ngay bên trong nội các chính phủ và bị tước đoạt về an ninh. "Ngày thứ Tư đen tối" đã khiến Mohammed Shahwani, lãnh đạo Cơ quan Tình báo Iraq, người được quân đội Mỹ huấn luyện, buộc phải từ chức.

Cơ quan Tình báo Iraq, hiện đang được xây dựng dưới sự giám sát của Washington, vốn nổi tiếng là độc lập với những ràng buộc của quân đội và cảnh sát. Những ngày gần đây, hàng chục quan chức thuộc cấp của Shahwani đã xin tị nạn tại các quốc gia láng giềng

Quốc Hùng (tổng hợp)
.
.