Iraq: Nguy cơ xung đột leo thang

Thứ Bảy, 15/09/2012, 16:40

Phán quyết của Tòa án Baghdad đối với Phó tổng thống Iraq Tariq al-Hashemi là một sự trùng hợp với loạt vụ tấn công bằng bom tại 10 thành phố lớn nhỏ ở Iraq biến ngày 9/9 trở thành một trong những ngày đẫm máu nhất kể từ khi Mỹ rút quân, đồng thời cũng có thể nói là hành động châm ngòi cho nguy cơ xung đột sắc tộc, tôn giáo trong thời gian tới.

Tòa án Baghdad hôm 9/9 đã đưa ra phán quyết tuyên án tử hình vắng mặt Phó tổng thống Hashemi. Ông Hashemi bị tòa án này buộc tội chủ mưu giết người. Ông Hashemi hiện đang lưu vong ở Thổ Nhĩ Kỳ, và còn tuyên bố sẽ trở về Iraq để kháng án.

Theo cáo buộc của tòa án, Hashemi đã chỉ huy một đơn vị "biệt đội thần chết" tiến hành hơn 150 vụ tấn công nhắm vào các đối thủ chính trị, quan chức an ninh và người Hồi giáo Shiite hành hương trong giai đoạn từ năm 2005 đến năm 2011. Tháng 12/2011, 13 nghi can là thành viên "biệt đội thần chết" đã bị bắt. Ngày 19/12/2011, Hội đồng Tư pháp đã ra lệnh bắt Hashemi để điều tra các cáo buộc liên quan đến "biệt đội thần chết", Hashemi đã kịp "cao chạy xa bay" lên thành phố Arbil thuộc vùng người Kurd ở miền Bắc Iraq từ trước đó.

Tháng 2/2012, một ủy ban tư pháp Iraq đã cáo buộc Hashemi và con rể là Ahmed Qahtan tội chỉ huy biệt đội thần chết gây ra các vụ giết người như nêu trên. Tháng 5/2012, tòa án bắt đầu xét xử Hashemi và Qahtan, nhưng Hashemi lúc này đã đi khỏi Iraq.

Ở Thổ Nhĩ Kỳ, Hashemi đã bác bỏ mọi cáo buộc, cho rằng các cáo buộc nhắm vào ông và người của ông có động cơ chính trị, là hành động "thâu tóm quyền lực" của Thủ tướng Maliki. Từ lâu, Hashemi đã lên tiếng chống đối Maliki, liên tục chỉ trích các hành động "độc tài" của Maliki và cũng không ít lần bị Maliki trả đũa. Lần buộc tội này được xem là đòn mạnh nhất của Maliki nhắm vào Hashemi, có thể sẽ đặt dấu chấm hết cho sự nghiệp chính trị của ông tại Iraq.

Năm nay tròn 70 tuổi, Hashemi theo dòng Hồi giáo Sunni, thuộc bộ lạc Mashhadan. Ông là một trong 2 phó tổng thống của Iraq, là người có quan điểm cứng rắn đối với vấn đề người Kurd ở khu vực Kurdistan (gồm Bắc Iraq, Tây Bắc Iran, Bắc Syria và Đông Nam Thổ Nhĩ Kỳ), từng cam kết ủng hộ Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan xử lý dứt điểm vấn đề người Kurd.

Từ năm 1978, Hashemi lãnh đạo đảng Hồi giáo Iraq (IIP), và từ sau khi ông Saddam Hussein bị lật đổ, Hashemi và IIP bắt đầu tham gia chính trường Iraq. Sau cuộc bầu cử Quốc hội Iraq năm 2005, dù không chiếm đa số nhưng đảng IIP của Hashemi cũng trở thành đại diện đông nhất của người Sunni trên sân khấu chính trị Iraq thời hậu Saddam Hussein. Năm 2009, Osama al Tikriti lên thay Hashemi lãnh đạo đảng IIP.

Hiện trường một vụ đánh bom tại khu Sadr City, Baghdad.

Quan hệ chính trị của Hashemi ở Baghdad bắt đầu nổi sóng khi ông thể hiện quan điểm chống lại thể chế liên bang kiểu Mỹ, đấu tranh đòi hủy bỏ các quy định chống đảng Baath, đòi phân chia nguồn lợi dầu mỏ dựa trên tỉ lệ dân số và đòi quyền tham gia lực lượng vũ trang nhiều hơn cho người Sunni. Năm 2006, báo chí đưa tin ầm ĩ về việc Hashemi tham gia lập ra một liên minh chính trị đa sắc tộc, đa đảng phái nhằm thay thế chính phủ do ông Nuri al-Maliki lãnh đạo.

Quan điểm của Hashemi được thể hiện rõ ràng qua các phát biểu và hành động của ông là không chấp nhận sự lãnh đạo chuyên quyền độc đoán của Thủ tướng Maliki. Hashemi nhận được sự ủng hộ của Tổng thống Mỹ khi đó là George W. Bush và giáo sĩ Shiite nổi tiếng Muqtada al-Sadr. Tuy nhiên, Hashemi cũng thể hiện quan điểm không ủng hộ việc Mỹ tiếp tục chiếm đóng Iraq, cho rằng đó là nguyên do gây ra tình trạng bạo lực tại Iraq. Hashemi phân biệt rõ ràng giữa thành phần khủng bố Al-Qaeda hoạt động tại Iraq với các chiến binh "nổi dậy" theo cách gọi của người Mỹ và những người Iraq kháng chiến chống lại sự chiếm đóng của quân đội Mỹ và đồng minh.

Năm 2007, Hashemi soạn thảo bản "Giao ước Đoàn kết dân tộc Iraq" bao gồm 25 nguyên tắc lên án mọi hình thức cực đoan chủ nghĩa và chia rẽ sắc tộc, và kêu gọi đối thoại nghiêm túc giữa các đảng phái chính trị, tôn giáo ở Iraq. Tuy nhiên, những toan tính chính trị của Hashemi đã không thành hiện thực, những xung đột với đương kim Thủ tướng Nuri al-Maliki cũng bắt đầu gia tăng dần.

Tháng 5/2007, Hashemi gây sức ép, đòi rút khối Sunni khỏi Quốc hội và từ chức Phó tổng thống, phá hỏng kế hoạch "chia sẻ quyền lực" nếu Quốc hội do khối của ông Maliki nắm đa số không chấp nhận sửa đổi Hiến pháp. Rốt cuộc, Hashemi đã không thể đạt được điều mình mong muốn và khối Sunni vẫn buộc phải trở lại Quốc hội.

Ngay trong ngày 9/9, tại 10 thành phố lớn nhỏ khắp Iraq đã xảy ra hàng loạt vụ đánh bom làm chết hơn 100 người, khoảng 300 người bị thương, đa số là người Hồi giáo Shiite. Đây không phải là lần đầu Iraq chứng kiến bạo lực đẫm máu kể từ khi Mỹ rút quân, nhưng loạt tấn công này khiến cho giới quan sát liên tưởng đến phiên tòa xét xử và bản án tử dành cho ông Hashemi.

Từ nhiều tháng nay, các quan chức và nghị sĩ thuộc phái Sunni và Kurd đã liên tục công kích ông Maliki đang thực hiệm âm mưu thâu tóm quyền lực nhằm độc chiếm quyền lãnh đạo đất nước, đẩy Iraq đến gần hơn với nguy cơ tan vỡ. Hai phái này đã từng nỗ lực truất phế ông Maliki thông qua việc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại Quốc hội nhưng không thành công do phái của ông Maliki vẫn còn mạnh trong Quốc hội.

Người ta lo ngại rằng, những mâu thuẫn âm ỉ lâu nay giữa 2 phái người Kurd và Sunni với thành phần Shiite ở Iraq có thể sẽ bùng phát thành bạo lực, và nếu không kiềm chế được có thể dẫn đến rạn nứt sâu sắc trong liên minh "chia sẻ quyền lực" vốn gượng gạo và rất mong manh ngay từ những ngày đầu hình thành

An Châu (tổng hợp)
.
.