Iraq trước nguy cơ tan rã

Thứ Bảy, 21/06/2014, 16:35

Cuộc tiến quân thần tốc của phiến quân Nhà nước Hồi giáo Iraq và vùng Cận đông (ISIS) từ miền Bắc Iraq thẳng tiến về Baghdad trong mấy ngày qua đã khiến cho không chỉ chính quyền của Thủ tướng Nuri al-Maliki tức giận mà ngay cả Washington cũng đang đứng ngồi không yên. Khả năng Mỹ buộc phải can thiệp trở lại vào Iraq là rất cao nếu những nỗ lực vận động Iran hỗ trợ bất thành.

Sáng 16/6, Thị trưởng thị trấn Tal Afar, Tây Bắc Iraq, cách thủ đô Baghdad hơn 400 km, cho báo chí biết vào rạng sáng cùng ngày, các phiến quân ISIS đã tiến vào chiếm giữ thị trấn này. Tal Afar là thị trấn nhỏ với khoảng 200.000 dân gồm 2 sắc người Shiite và Sunni Turkomen. Người tị nạn đã bắt đầu chạy khỏi Tal Afar.

Trước đó, vào ngày 13/6, sau loạt đấu súng dữ dội, các phiến quân ISIS đã làm chủ tình hình ở thành phố Mosul, miền Bắc Iraq và 2 ngày sau (15/6) đã tiến chiếm thành phố Tikrit, cách Baghdad khoảng 140 km về phía bắc. Ngoài ra, một số thị trấn nhỏ khác thuộc vùng Bắc và Tây Bắc Iraq cũng lọt vào tay phiến quân ISIS. Trong khi đó, người sắc tộc Kurd cũng lợi dụng tình hình làm chủ thành phố Kirkuk, Đông Bắc Iraq.

Điều khủng khiếp nhất trong loạt chiến sự này là việc phiến quân ISIS hôm 16/6 đã đăng lên trang mạng xã hội Twitter tuyên bố đã hành quyết 1.700 tân binh không quân Iraq đang trong giai đoạn huấn luyện sau tuyển dụng (theo lời phát ngôn viên Jen Psaki của Bộ Ngoại giao Mỹ) mà họ đã bắt được tại Tikrit, kèm theo lời tuyên bố là hình ảnh chụp cảnh hành quyết dã man.

Tướng Qassim al-Moussawi, phát ngôn viên quân đội Iraq nói trên Sky News rằng ông tin những bức ảnh đăng trên Twitter là thật. Tuy nhiên, báo chí Mỹ thì không tin rằng con số 1.700 binh sĩ là thật, và bình luận rằng đó có thể chỉ là sự thổi phồng nhằm kích động thù hận.

Các tay súng ISIS tiến vào chiếm thành phố Mosul.

Cuộc khủng hoảng an ninh giữa phiến quân ISIS với quân đội Iraq diễn ra không lâu sau khi Chính phủ Mỹ quyết định cử vài trăm sĩ quan an ninh và tình báo sang Iraq để hỗ trợ huấn luyện cho binh sĩ và an ninh Iraq nhằm đối phó mối đe dọa an ninh từ phiến quân ISIS. Có vẻ như, sự chuẩn bị ứng phó này chưa đủ độ khẩn trương, và các bước triển khai chưa kịp đáp ứng yêu cầu thực tế ở Iraq. Mới đây, Anh cũng lên tiếng sẵn sàng hỗ trợ Iraq về kỹ thuật quân sự nhằm đối phó với ISIS.

Thế nhưng, những gì đang diễn ra ở Iraq cho thấy, ISIS đã có cả một khoảng thời gian khá dài xây dựng và củng cố lực lượng khi tổ chức này mạnh dạn mở rộng địa bàn hoạt động từ phía Tây Iraq lấn sang vùng giáp ranh thuộc Đông và Bắc Syria, lợi dụng tình hình cuộc nội chiến Syria thu hút các tay súng thánh chiến ngoại quốc (từ châu Phi và châu Âu, cả Mỹ) để chiêu mộ, phát triển lực lượng, khuếch trương thanh thế. Tổ chức này từng tuyên bố sáp nhập với tổ chức Hồi giáo cực đoan Jabhad al-Nusra ở Syria nhưng sau đó lại quay sang đối đầu nhau do ISIS có âm mưu thâu tóm toàn bộ quyền lực, định kiểm soát cả Syria. ISIS cũng tuyên bố có quan hệ với Al-Qaeda nhưng đã bị thủ lĩnh mạng lưới khủng bố toàn cầu Al-Zawahiri đoạn tuyệt.

Hàng không mẫu hạm USS Goerge H.W Bush đang di chuyển vào vùng Vịnh Persic.

Washington có lý do chính đáng để xem xét chọn lựa can thiệp vào Iraq nhằm ngăn chặn đà tiến quân của ISIS. Thứ nhất, cuộc xung đột giữa ISIS (dòng Sunni) với quân đội Iraq (dòng Shiite) có thể xem là xung đột giáo phái giữa 2 dòng Sunni và Shiite vốn chưa bao giờ lắng dịu ở Iraq và luôn là mối đe dọa cho an ninh toàn khu vực Trung Đông. Điều này đồng nghĩa với việc Mỹ không thực hiện được lời cam kết thúc đẩy đối thoại để bảo đảm hòa bình, ổn định trong khu vực. Iraq bất ổn và đứng trước nguy cơ tan rã do chia rẽ về tôn giáo và sắc tộc là điều mà giới chuyên môn đã dự báo từ trước, khi Washington quyết định hạ bệ Tổng thống Iraq Saddam Hussein.

Vì thế nếu điều đó xảy ra, Mỹ sẽ bị xem là thủ phạm lớn nhất. Mặt khác, theo Kênh truyền kình CBS, các nghị sĩ thuộc đảng Cộng hòa đang lên tiếng cảnh báo về nguy cơ ISIS có thể sẽ triển khai một kế hoạch tấn công nước Mỹ theo cách gần giống với kịch bản ngày 11/9/2001.

Cụ thể, Thượng nghị sĩ Lindsey Graham, bang Nam Carolina, khẳng định trên chương trình "Đối diện Quốc gia" (Face the Nation) rằng các cuộc tấn công lớn sắp tới nhắm vào nước Mỹ sẽ xuất phát từ khu vực giáp ranh giữa Iraq và Syria và sẽ do ISIS tiến hành. Hàng loạt nghị sĩ và quan chức khác của Mỹ cũng phát biểu trên truyền hình nêu lên mối lo ngại tương tự.

Trong tình thế trước mắt Tổng thống Mỹ Barack Obama không thể đưa ra chọn lựa can thiệp trực tiếp bằng quân đội vào Iraq lần thứ hai, Nhà Trắng đang nỗ lực để triển khai một phương án mới phù hợp với chủ trương đối thoại của Tổng thống Obama: Đó là phải đàm phán với Iran để tìm kiếm sự hậu thuẫn của Tehran. Washington có thể hy vọng vào sự giúp đỡ của Iran vì hiện nay, Mỹ và Iran cũng đang chuẩn bị tiến hành đối thoại song phương về vấn đề hạt nhân tại Vienna (Áo).

Thông qua đối thoại, Mỹ có thể tìm được tiếng nói chung với Iran (dòng Shiite) trong việc khống chế tổ chức Hồi giáo Sunni ISIS. Vì vậy, sự hậu thuẫn của Iran là điều hết sức quan trọng đối với các nỗ lực giải quyết khủng hoảng ở Iraq.

Bên cạnh đó, Mỹ cũng không loại trừ khả năng phải can thiệp bằng hỏa lực không quân. Ngày 15/6, tàu sân bay USS George H.W Bush đang neo đậu ở Bắc vịnh Arập đã được lệnh lên đường tiến vào vùng Vịnh Persic để sẵn sàng chờ lệnh tấn công khi cần thiết

Văn Trương (tổng hợp)
.
.