Iraq và cuộc tranh giành ảnh hưởng của các nước lớn

Thứ Sáu, 28/10/2016, 08:45
Chiến sự tại thành phố Mossul, Iraq, đang là minh chứng sinh động cho thấy cuộc tranh giành ảnh hưởng của các nước lớn cả trong khu vực lẫn trên thế giới chưa bao giờ hạ nhiệt. Khi một đất nước bị chia rẽ vì chuyện phe phái cộng thêm với tác động bên ngoài từ các nước lớn, thường thì nước đó khó mà có được hòa bình.

Từ 1 tuần qua, liên quân quốc tế và Iraq mở chiến dịch tấn công IS giành lại Mossul, thành phố lớn thứ hai của Iraq ở miền bắc. Mossul được xem là cái nôi của “đế quốc Hồi giáo” (califat) tự xưng của IS, cho nên nếu thành phố này thất thủ, giấc mơ của lực lượng thánh chiến cũng sẽ tan thành mây khói.

Chính tại ngôi đền Nouri ở Mossul vào tháng 6-2014, lãnh đạo tổ chức Hồi giáo IS, Abou Bakr al-Baghdadi, đã tuyên bố thiết lập một “califat” trên các vùng lãnh thổ mà lực lượng này chiếm được ở Syria và Iraq. Lúc đó, IS kêu gọi mọi tín đồ Hồi giáo tham gia chiến đấu dưới lá cờ của “quốc gia” mới này.

Tham gia chiến dịch giải phóng Mossul, riêng Iraq huy động 30.000 quân, lực lượng Kurd Peshmerga 4.000 quân, Mỹ và liên minh thì không tiết lộ quân số. Phía bên kia, lực lượng tinh nhuệ của IS là khoảng 5.000, trong đó lực lượng đặc biệt của thủ lĩnh Abu Bakr al-Baghdadi được cho là khoảng 1.000 quân. Chiến dịch được dự đoán sẽ diễn ra ít nhất là trong 3 tuần, mặc dù phía chống IS có lực lượng hùng hậu.

Chiến dịch giải phóng thành phố Mossul khởi sự từ ngày 17-10.

Báo Libération (Pháp) ra ngày 18-10 có bài “Trận Mossul: Liên Hiệp Quốc lo sợ dòng người tị nạn” dẫn lời điều phối viên nhân đạo của tổ chức quốc tế này, dự đoán khoảng 200.000 người sẽ di tản trong hai tuần tới. Con số này còn có thể tăng lên đáng kể tùy thuộc vào tình hình các cuộc tấn công.

Ngày 19-10, Mỹ đã lên tiếng phủ nhận việc Thổ Nhĩ Kỳ tham gia vào liên minh chống khủng bố tại Mosul như tuyên bố của quan chức Ankara. CENTCOM - Bộ Tư lệnh khu vực Trung Đông - nói Thổ Nhĩ Kỳ không liên quan gì tới chiến dịch của Mỹ và liên minh tại Iraq.

Thông cáo của CENTCOM nói rõ: Ankara muốn vào Iraq thì nên thương lượng với chính quyền Iraq, nếu họ cho phép thì vào (còn không cho phép thì... đừng hỏi Mỹ). Đây rõ ràng là hành động “đá đểu” Thổ Nhĩ Kỳ của phía Mỹ.

Trước đó, Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ cho biết đã “đạt được thỏa thuận cho phép không quân Thổ Nhĩ Kỳ được tham gia không kích khủng bố ở Iraq, đặc biệt là tại Mosul”. Tuy nhiên, phía Iraq đã lên tiếng bác bỏ và nói “không hề mời Ankara”.

Thậm chí, Thủ tướng Abadi còn cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ tự ý cho chiến đấu cơ F-16 bay vào lãnh thổ Iraq chứ chẳng ai mời cả. Động thái của Mỹ có thể khiến quan hệ 2 đồng minh NATO thêm rạn nứt. Tại chiến trường Syria, Mỹ - Thổ đang ngày càng nảy sinh mâu thuẫn chiến lược, bắt nguồn từ việc Mỹ ủng hộ người Kurd.

Trong khi tại Iraq, Mỹ lại có dấu hiệu muốn “hất cẳng” Thổ Nhĩ Kỳ. Không biết Ankara sẽ phản công như thế nào khi bị đồng minh “làm nhục” như thế này.

Hiện Thổ Nhĩ Kỳ đang huấn luyện khoảng 3.000 quân ở miền bắc Iraq, cho lực lượng có tên Nineveh Guards (Cận vệ vùng Nineveh). Nineveh Guards trung thành với cựu Thống đốc Mosul - người thân Thổ Nhĩ Kỳ.

Người dân Iraq chạy nạn khỏi Mossul.

Một mâu thuẫn khác giữa Mỹ và Iraq liên quan tới dân quân Shia (PMU) có quan hệ với Iran. Ngày 20-10, PMU đã hành quân trong khuôn khổ chiến dịch Mosul. Mỹ không muốn PMU tham gia nhưng phía Iraq lại không chịu. Lãnh đạo PMU tỏ ra thấu hiểu và nói sẽ không vào Mosul, nhưng sẽ tham gia vào các trận đánh ở các thị trấn ngoại vi của Mosul như Tal Afar, Ninawa, Hawijah,... Lực lượng dân quân Shia từng là lực lượng chủ chốt trong việc tái chiếm thành phố Tikrit từ tay IS hồi tháng 4 vừa qua.

Ngày 17-10, Tổng thống Nga Putin đã có cuộc điện đàm với Thủ tướng Iraq Haidar al-Abadi để thảo luận về nguy cơ phiến quân IS có thể được... “chuyển hộ khẩu” sang lãnh thổ Syria và phía Iraq được cho là sẽ cắt cử lực lượng PMU đánh chặn các ngả đường từ Mosul về biên giới với Syria.

Nga sẽ giúp giám sát biên giới và sẽ thông tin cho phía Iraq để chặn đường qua Syria của phiến quân. Hiện nhiều nước châu Âu đang lo ngại, nếu IS bị đánh bại ở Iraq thì sẽ có một làn sóng “phiến quân thánh chiến” hồi hương và việc tìm kiếm một cơ chế để xử lý đám này không phải là đơn giản.

Theo bài xã luận của Le Monde (ra ngày 18-10), chiến dịch tại Mossul có thể đánh dấu một bước ngoặt quyết định trong cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo cực đoan. Sau 2 năm bị mất nhiều thành phố chiến lược ở Iraq và Syria, dự án thiết lập một califat của IS ngày càng khó thành hiện thực và nếu Mossul thất thủ, “Đế quốc Hồi giáo” này chắc sẽ tiêu vong.

Tháng 6 vừa qua, lực lượng Iraq đã chiếm lại được Fallouja, ở phía tây Bagdad, nơi mà quân Mỹ cách đây vài năm đã hứng chịu những tổn thất nặng nề nhất kể từ sau chiến tranh Việt Nam.

Tại Syria, tuần trước lực lượng chống quân thánh chiến đã chiếm lại được Dabiq, một thị trấn tuy nhỏ, nhưng có giá trị biểu tượng rất lớn đối với IS, vì đây là nơi quân khủng bố vẫn tuyên truyền về cái gọi là trận chiến hủy diệt liên quân “thập tự chinh”. Dabiq thậm chí còn được dùng để đặt tên cho một tạp chí tuyên truyền trên mạng của IS, phát hành bằng nhiều thứ tiếng. Số đầu tiên ra vào tháng 7-2014 được dành để nói về việc xây dựng “califat”, thuyết phục độc giả rằng đây là một dự án hoàn toàn khả thi.

Tuy nhiên, theo một chuyên gia về các phong trào thánh chiến Aymen al-Tamimi, được AFP trích dẫn ngày 18-10, IS đã dựa một phần vào cơ cấu nhà nước hiện có ở Mossul, tức là sử dụng những công chức mà chính quyền Bagdad tiếp tục trả lương. Vào năm 2015, Chính phủ Iraq đã ngưng trả lương cho công chức ở đây, khiến tổ chức Nhà nước Hồi giáo mất đi một nguồn thu quan trọng.

Ngoài việc là nơi mà IS tuyên bố thiết lập califat, Mossul còn góp phần nâng cao uy thế của lực lượng thánh chiến. Vào tháng 6-2014, khoảng 1.500 chiến binh của IS đã chiếm được Mossul một cách dễ dàng trước một lực lượng Iraq đã rệu rã. Mossul thất thủ lúc đó đã gây phản ứng dây chuyền, giúp lực lượng thánh chiến giành lấy nhiều vùng đất rộng lớn, gồm 1/3 diện tích Iraq và một phần lãnh thổ Syria.

Liên minh quốc tế và Iraq trước cửa ngõ thành phố Mossul ngày 17-10.

Trong trường hợp chiến dịch quân sự thắng lợi, sau đó thì sao? Đối với Le Figaro, đây mới chính là “vấn đề gai góc sau thắng lợi quân sự”. Làm thế nào phân chia quyền và nguồn lực giữa các phe phái Shia, Sunni và Kurdistan? Một thách thức chính trị lớn cần phải được giải quyết.

Theo một số nhà bình luận chính trị độc lập, dù Mosul hay miền bắc Iraq có vắng bóng IS, thì cuộc chiến tranh giành ảnh hưởng ở vùng đất này cũng sẽ tiếp diễn khốc liệt. Cả Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ đều muốn người của mình phải làm chủ những vùng đất chiến lược này. Cũng vì thế, để lấy lại độc lập chủ quyền như thời cố tổng thống bị lật đổ Saddam Hussein, Iraq có lẽ cần một phép màu. Rất khó khăn, trừ phi Iraq xuất hiện một “siêu lãnh tụ”, có tài năng và có tinh thần quốc gia, dân tộc để đoàn kết đất nước.

Iraq trong kỷ nguyên dân chủ do Mỹ bảo trợ, giống như những cộng đồng được kết nối lỏng lẻo, tinh thần quốc gia và dân tộc ngày một phai mờ, trong khi tính bè phái và tôn giáo lại được đẩy lên cao trào, sức mạnh quốc gia gần như tê liệt. Khi mà đất nước ở tình trạng gần như phân rã như vậy, dễ hiểu là quân đội Iraq cũng vô cùng yếu ớt. Họ đã dễ dàng thất bại trước đám giặc cỏ, mà vũ khí lớn nhất chỉ là sự hung bạo (với các kiểu hành hình man rợ).

Cũng may là Iraq vẫn còn cứu cánh, đó là những người theo dòng Hồi giáo Shia thân Iran. Chính lực lượng dân quân Shia (mà Mỹ ghét cay ghét đắng đó) đã “cứu vãn” Iraq...

Mớ bòng bong tại Iraq, nếu đổ lỗi hết cho Mỹ thì cũng hơi... quá. Vì thực sự Mỹ chắc cũng chẳng muốn Iraq quá lộn xộn, Mỹ chỉ muốn Iraq có một hệ thống (chính trị) thân Mỹ là đủ rồi. Đòi hỏi Mỹ xây dựng dân chủ cho Iraq thì Mỹ làm sao nổi? Đó phải là việc nội bộ của mỗi người dân Iraq.

Tất nhiên, Mỹ có lẽ “chơi chiêu” ở chỗ khi mà cảm thấy Iraq “khó chơi” quá thì Mỹ chuyển sang chiến lược “máu lạnh” của mình. Đó là lý do mà Mỹ góp phần làm cho cuộc chiến bè phái, sắc tộc ở Iraq thêm trầm trọng và có thời điểm Iraq từng đứng trước nguy cơ phân rã...

Bất kỳ quốc gia nào cũng có nhiều phe phái, ngay cả quốc gia độc tài thì nó cũng tồn tại phe phái (dù có thể không lộ ra). Nếu mâu thuẫn phe phái không được hóa giải bởi tinh thần quốc gia, dân tộc,... thì khi đó mọi thứ sẽ trở thành thảm họa.

Mặt khác, dù bây giờ có mất Mossul, IS vẫn chưa hết là mối đe dọa cho cả thế giới, vì lãnh thổ mà họ kiểm soát càng bị thu hẹp, lực lượng này lại càng kêu gọi các chiến binh của họ gia tăng những vụ khủng bố tự sát hoặc những vụ tấn công riêng lẻ. Nói cách khác, chiếm được Mossul chỉ là bước khởi đầu, quốc tế cần có thêm nhiều nỗ lực nữa để nhổ tận gốc hiểm họa IS.

Mộc Thạch (tổng hợp)
.
.