Israel - Hamas: Cuộc leo thang nguy hiểm

Thứ Tư, 16/07/2014, 15:35

Ngày 10/7, Israel và Hamas tiếp tục leo thang đấu pháo gây thương vong hàng chục người, chủ yếu là người Palestine. Cộng đồng quốc tế đang lo ngại cuộc leo thang bạo lực lần này có thể dẫn đến những hệ lụy nguy hiểm cho an ninh khu vực Trung Đông.

Sang ngày thứ ba liên tiếp, Israel đã đẩy mạnh hoạt động không kích nhắm vào các mục tiêu Hamas ở Dải Gaza. Theo Reuters, quân đội Israel đã huy động máy bay do thám không người lái để dò tìm mục tiêu, đồng thời dùng máy bay chiến đấu của không quân từ trên bộ và hải quân từ các tàu chiến trong Địa Trung Hải để oanh tạc các mục tiêu ở Dải Gaza xuyên suốt cả ngày lẫn đêm.

Thống kê của các cơ quan báo chí thông tấn đến ngày 10/7 là 750 mục tiêu Hamas ở Gaza bị máy bay Israel tấn công, bao gồm hệ thống địa đạo và các ổ bắn pháo, rocket. Con số thương vong đã lên đến trên 80 người, trong đó có nhiều dân thường.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tiếp tục tuyên bố cứng rắn sẽ tiếp tục chiến dịch tấn công nhằm dập tắt khả năng kháng cự của Hamas.

Chưa dừng lại đó, quân đội Israel còn đang chuẩn bị sẵn sàng cho khả năng tấn công xâm chiếm Gaza bằng bộ binh. Khoảng 40.000 quân dự bị đã được lệnh động viên. Xe tăng và các loại khí tài khác cũng đã được tập kết tại khu vực biên giới với Gaza.

Khói lửa ngút trời Gaza bởi bom đạn Israel.

Trong khi đó, Hamas vẫn kiên cường chống trả bằng những loạt pháo và rocket bắn sang các thành phố của Israel. Thủ tướng Israel Netanyahu cáo buộc Hamas đã bắn rocket sang tận thành phố Tel Aviv và nhiều thành phố khác như Beer Sheba, Sderot, Haifa, Jerusalem.

Theo báo chí quốc tế, rocket được các tay súng Hamas và các nhóm Palestine vũ trang khác tự chế tạo ở Gaza và đã có tầm bắn xa hơn mấy năm trước, gia tăng khả năng đe dọa lên các thành phố của Israel. Tuy nhiên, mức độ gây thiệt hại và tầm sát thương của các rocket này vẫn còn hẹp và chỉ làm bị thương rất ít người, hoặc bị hệ thống phòng thủ Iron Dome của Israel bắn hạ trên không.

Tình hình leo thang bạo lực giữa Israel và Hamas đã thu hút sự chú ý mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế. Một số quốc gia trong khu vực Trung Đông như Iran và Jordan đã lên tiếng phản đối hành động giết người vô tội vạ của Israel. Ngày 9/7, Bộ Ngoại giao Iran đã lên án hành động leo thang oanh kích Dải Gaza của Israel, đồng thời kêu gọi phương Tây cần có hành động cụ thể, quyết liệt để yêu cầu Nhà nước Do Thái chấm dứt "thảm họa con người".

Đáng chú ý là Jordan, một trong hai nước Arập duy nhất ký kết hiệp ước hòa bình với Israel đã trực tiếp yêu cầu Israel chấm dứt hành động không kích Gaza. Phát ngôn viên Chính phủ Jordan Mohammad Momani nêu rõ vụ bắn tên lửa làm chết 20 người ngày 9/7 là hành động "hung hăng man rợ" (barbaric aggression), đồng thời cảnh báo hành động của Israel có thể đe dọa an ninh toàn khu vực Trung Đông.

BBC tường thuật, một đợt ném bom của máy bay Israel chiều tối ngày 9/7 đã trúng vào một nhà dân ở thành phố Khan Younis và giết chết 17 người đang xem trận bán kết World Cup 2014 giữa Hà Lan và Argentina. Sự kiện này đã nói lên tính chất man rợ của hành động dùng máy bay ném bom và tên lửa xuống Dải Gaza.

Nhà cửa của dân thường Palestine bị bom đạn Israel tàn phá.

Trước tình hình leo thang dữ dội của Israel, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon hôm 10/7 đã lên tiếng bày tỏ lo ngại, cho rằng tình hình Gaza đang cực kỳ nguy hiểm, như được "đặt trên lưỡi dao". Ông Ban Ki-moon đã dành cả ngày 9/7 để điện đàm "con thoi" với Thủ tướng Israel Netanyahu, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas, Tổng thống Ai Cập Abdel-Fattah el-Sissi và nhiều nhà lãnh đạo khác về tình hình bạo lực leo thang ở Gaza nhằm tìm giải pháp kéo hai bên ngồi lại với nhau đàm phán ngừng bắn.

Trong khi đó, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ John Kerry và Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng đã điện đàm với Thủ tướng Israel Netanyahu và Tổng thống Palestine Abbas. Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc dự kiến họp vào ngày 10/7 để bàn khẩn cấp cuộc khủng hoảng bạo lực tại Dải Gaza. Tuy nhiên, kết quả cuộc họp vẫn chưa rõ ràng, và dư luận cho rằng chắc chắn sẽ lại tái diễn tình trạng Washington đứng ra bao biện cho hành động không cân xứng một cách vô lối của Israel. Vì thế, dư luận thế giới tiếp tục lo ngại khó có khả năng Israel sẽ giảm nhiệt các đợt không kích Dải Gaza.

Với hành động leo thang bạo lực một cách hung hăng ở Dải Gaza, Israel lại đang đứng trước nguy cơ bị cộng đồng thế giới lên án và cô lập. Trong những lần xảy ra xung đột trước đây, Israel cũng sử dụng không lực để oanh tạc, tàn phá nhà cửa, ruộng vườn và bắn giết các mục tiêu người Palestine không phân biệt dân thường hay dân quân vũ trang Hamas. Hàng ngàn người Palestine vô tội đã bị bom đạn và tên lửa Israel giết chết kể từ khi quân đội Israel rút ra khỏi Dải Gaza vào năm 2005, và những cái chết oan uổng đó được biện minh bằng hành động "tấn công khủng bố" mà Israel luôn gào to lên mỗi khi đấu pháo, đấu rocket với Hamas.

Rất nhiều tổ chức quốc tế, cả cộng đồng thế giới đều đã lên án hành động tàn bạo của Israel đối với cộng đồng người Palestine yếu thế hơn và không được trang bị vũ khí tự vệ. Tuy nhiên, sự lên án của dư luận quốc sẽ chẳng thể làm cho Israel chùn bước hoặc chịu từ bỏ hành động giết người dã man của mình, bởi vì đằng sau Israel luôn luôn có sự bảo vệ bằng mọi giá của Mỹ.

Thủ tướng Israel Netanyahu luôn bảo rằng Israel có quyền tự vệ trước sự tấn công bằng rocket của Hamas, nhưng báo chí quốc tế đều chứng kiến trực tiếp tại hiện trường và nói rằng, chỉ có tên lửa và bom Israel giết chết người Palestine chứ không thấy rocket Hamas làm hại được mấy người Israel

Văn Trương (tổng hợp)
.
.