Israel: Bộ trưởng Quốc phòng Ehud Barak rời khỏi chính trường

Thứ Ba, 11/12/2012, 14:00

Dư luận Israel và thế giới đang quan tâm việc ông Ehud Barak, Bộ trưởng Quốc phòng nước này vừa tuyên bố hôm 26/11 rằng ông sẽ rời khỏi chính trường sau cuộc bầu cử Quốc hội vào ngày 22/1/2013. Có người tin, cũng có người không tin, nhất là cánh báo chí Israel, vì người ta đã thấy nhiều chính khách "quay trở lại" sau khi rời chính trường một thời gian. Có người hỏi: Tại sao ông Barak tuyên bố rời chính trường vào lúc này?

Tuyên bố "rời chính trường" của ông Ehud Barak được đưa ra đúng vào lúc Israel vừa giành thắng lợi trong "cuộc chiến 11 ngày" với lực lượng Hamas ở Dải Gaza khiến dư luận chú ý. Thường thì khi một chính khách cảm thấy mệt mỏi sau một cuộc chiến thất bại, hay bản thân gây ra nhiều vụ bê bối đến nỗi không thể gượng dậy thì mới có chuyện phải "ra đi". Bởi thế, tuyên bố của ông Barak đã khiến cho không ít người ở Israel và một số nước cảm thấy "bất ngờ" và tiếc nuối.

Cựu Bộ trưởng Ngoại giao, bà Tzipi Livni và lãnh đạo Công đảng Shelly Yachimovich, những người từng có thời gian làm việc gắn bó với ông Barak đều tỏ ra lấy làm tiếc cho sự ra đi này. Cách đây không lâu, người ta còn đồn rằng ông Barak đàm phán với bà Livni để hình thành một liên minh trung dung nhằm đối trọng với liên minh của ông Netanyahu trong cuộc bầu cử sắp tới.

Tuy nhiên, trong khi kế hoạch liên minh đó chưa được công bố, một số nhà phân tích nhìn nhận, đằng sau tuyên bố "ra đi" của ông Barak có vấn đề về chính trị khiến ông muốn có một thời gian nghỉ ngơi trước khi có quyết định quay trở lại hay không. Năm nay 70 tuổi, Ehud Barak từng có thời gian 2 năm làm Thủ tướng Israel (1999-2001), và từng được xem là niềm hy vọng của Israel trên bàn cờ chính trị ở Trung Đông. Khi đó, tỉ lệ cử tri ủng hộ ông rất cao, giúp ông đánh bại đối thủ rất nặng ký là ông Benjamin Netanyahu. Thế nhưng chỉ sau 2 năm cầm quyền, cách xử lý vấn đề an ninh đối với người Palestine đã khiến tỉ lệ cử tri ủng hộ ông Barak "rơi tự do", dẫn đến thất bại trong cuộc bầu cử Quốc hội sau đó.

Bộ trưởng Quốc phòng Israel Ehud Barak.

Hiện tại, dường như Barak đã nhìn thấy trước một tương lai không mấy sáng sủa cho bản thân và đảng chính trị của ông là đảng Atzmaut (Độc lập). Barak cùng với 4 đồng nghiệp đã tách ra khỏi Công đảng vào tháng 1/2011 vì những bất đồng trong nội bộ đảng xung quanh tình hình "tụt dốc không phanh" của đảng. Sau đó, ông cùng 4 đồng nghiệp thành lập đảng Atzmaut để tìm kiếm một chỗ đứng trong Quốc hội. Thế nhưng, từ khi thành lập cho đến nay, chưa bao giờ đảng Atzmaut của ông có đủ số lượng cử tri ủng hộ để bước qua ngưỡng quy định để có ít nhất 1 ghế trong Quốc hội. Thật đáng buồn, là một nhà chiến lược quân sự giỏi giang, một người lính giàu thành tích bậc nhất của Israel, nhưng hiện tại Barak không vượt qua nổi chính bản thân mình, không có được một tỉ lệ cử tri ủng hộ cần thiết để có thể an tâm có 1 ghế trong Quốc hội.

Người ta giải thích nguyên nhân của nghịch lý này lại nằm ở ngay bản thân ông Barak: Một người lính, một quan chức nhà nước mà dám bỏ ra đến 6,5 triệu USD để tậu một căn hộ ở một trong những cao ốc hoành tráng nhất ngay giữa trung tâm thủ đô Tel Aviv. Động thái này từng bị xăm xoi là "chơi ngông", là ngạo mạn, gây phản cảm trong công chúng cử tri. Chính những hành động tương tự đã tạo nên một khoảng trống khá lớn giữa giá trị đích thực của Barak với tỉ lệ ủng hộ của cử tri dành cho ông.

Mấu chốt vấn đề nảy sinh từ sau cuộc chiến tại Dải Gaza. Ngay sau khi thỏa thuận ngừng bắn được ký kết, Thủ tướng Netanyahu đã tỏ ra vui mừng vì đã "làm suy yếu Hamas", tiêu diệt được nhiều tay súng và phá hủy nhiều cơ sở vũ khí quan trọng của các tay súng vũ trang Palestine ở Dải Gaza. Netanyahu hy vọng tăng điểm trong cử tri trước ngày bầu cử 22/1/2013. Nhưng, thực tế, người dân Israel từ chỗ vui mừng ban đầu đã chuyển sang thất vọng và bất bình khi họ hiểu ra những điều khoản quy định trong thỏa thuận ngừng bắn đó có ý nghĩa như thế nào. Trong khi đó, Hamas cũng tuyên bố "thắng lợi" sau cuộc chiến.

Một báo cáo 22 trang của Nhóm giải quyết Khủng hoảng Quốc tế (ICG) cho biết, Hamas không những không bị "suy yếu" mà ngược lại còn gia tăng uy tín và tiếp tục đón nhận những chuyến viếng thăm quan trọng của các nhân vật uy tín trong cộng đồng Arập. Như đã phân tích, các quy định của thỏa thuận ngừng bắn đã giúp nới lỏng thế kiềm tỏa của Israel, cho phép thế giới bên ngoài ra vào tiếp tế cho người dân Dải Gaza dễ dàng hơn, đồng thời người dân ở Gaza cũng được phép đi lại làm ăn, du lịch,… dễ dàng hơn - một thành quả quan trọng đối với Hamas.

Một ngày sau khi thỏa thuận ngừng bắn có hiệu lực, các  ngư dân Palestine ở Dải Gaza đã có thể tự do ra khơi đánh bắt trong phạm vi 10km trên biển Địa Trung Hải - gấp đôi cự ly được phép trước đây. Và một điều không thể không nhắc đến: Hamas đã chứng tỏ được vai trò trung tâm của mình trong chính trị của người Palestine.

Bây giờ, Hamas và người dân Dải Gaza đang chờ đợi những động thái tiếp theo của các lãnh đạo Ai Cập và Israel trong việc thực thi thỏa thuận ngừng bắn. Đặc biệt, dư luận báo chí đang theo dõi khả năng Ai Cập sẽ mở cửa biên giới Rafah cho người dân Dải Gaza tự do qua lại làm ăn. Nếu động thái này được thực hiện, lệnh phong tỏa của Israel đối với Gaza coi như mất hiệu lực.

Từ "cuộc chiến Gaza mới", người ta xem lại các vụ việc trong 5 năm ông Barak làm Bộ trưởng Quốc phòng Israel, như vụ biệt kích Israel tấn công tàu MV Marmara làm 9 người chết, hầu hết người Thổ Nhĩ Kỳ, gây căng thẳng trong quan hệ Israel-Thổ Nhĩ Kỳ cho đến nay. Sau những vụ việc, người được lợi là Thủ tướng Netanyahu, còn người chịu trách nhiệm trước dư luận lại là ông Barak. Thất bại về chính trị đó chính là nguyên nhân khiến ông Barak quyết định "ra đi"

Văn Trương (tổng hợp)
.
.