Israel ném bom Syria: Nguy cơ chiến tranh lan rộng

Thứ Hai, 13/05/2013, 15:15

Hai vụ máy bay Israel oanh kích các mục tiêu ngoại ô thủ đô Damascus của Syria vào ngày 3/5 và 5/5 vừa qua đang làm cho tình hình cuộc nội chiến ở Syria trở nên căng thẳng và phức tạp hơn. Syria doạ trả đũa, trong khi Mỹ hậm hực tính chuyện “can thiệp” là hai vấn đề khiến cộnh đồng thế giới quan tâm lo ngại.

Báo chí đưa thông tin khác nhau về mục tiêu của 2 vụ oanh kích của Israel vừa qua. Báo Mỹ và Israel cho rằng, mục tiêu của 2 vụ oanh kích là các chuyến hàng tên lửa Fateh-110 do Iran sản xuất đang chuẩn bị đưa sang Liban cung cấp cho lực lượng Hezbollah để bổ sung vào kho vũ khí của lực lượng này. Các mục tiêu gồm 1 cơ sở nghiên cứu khoa học quân sự và kho chứa vũ khí ở làng Jamraya, nằm gần núi Qasioun, ngay sát ngoại ô Damascus, còn theo Đài Truyền hình Al-Mayadeen TV của Liban, mục tiêu thứ 2 là một cơ sở quân sự ở làng Saboura, cách biên giới Liban chừng 15km.

Các nhân chứng địa phương cho biết: họ nghe những tiếng nổ lớn làm rung chuyển mặt đất Damascus, đồng thời lửa bốc cháy đỏ rực một góc trời. Theo báo cáo mới nhất của Tổ chức Đài Quan sát Nhân quyền Syria, tổng cộng đã có 42 người chết, gồm quân nhân và nhân viên dân sự phục vụ tại các cơ sở quân sự bị oanh kích. Chưa có thông tin về việc các mục tiêu tên lửa Fateh-110 như Israel tuyên bố có bị trúng tên lửa hay không.

Ngay sau 2 vụ oanh kích, Chính phủ Syria đã có phản ứng quyết liệt. Bộ trưởng Ngoại giao Faisal al-Miqdad phát biểu trên Đài CNN gọi vụ oanh kích vào ban đêm của Israel là "một lời tuyên chiến" và cho biết Syria "sẽ trả đũa theo thời gian và theo cách riêng của mình". Trong cộng đồng các quốc gia Arập ở Trung Đông, Ai Cập là nước đầu tiên phản đối hành động của Israel, trong khi Iran bày tỏ thái độ bất bình và kêu gọi các quốc gia trong khu vực "đoàn kết chống lại Israel".

Giới quan sát lo ngại khả năng Syria trả đũa Israel sẽ châm ngòi cho xung đột leo thang và lan rộng ra toàn khu vực, vì các quốc gia láng giềng của Syria, đặc biệt là Iran, chắc chắn sẽ không khoanh tay đứng nhìn nếu Israel trực tiếp xung đột vũ trang với Syria.

Hành động oanh kích Syria của Israel còn khiến cho Nga và Trung Quốc quan tâm, với việc Tổng thống Nga Vladimir Putin có cuộc điện đàm với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu về vấn đề này vào ngày 6/5, trong khi Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng đưa ra phát biểu chỉ trích Israel về hành động bất chấp luật pháp quốc tế của mình, ngay khi ông Netanyahu vừa đặt chân đến Bắc Kinh trong chuyến thăm Trung Quốc 5 ngày.

Hai Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ và Anh trong một cuộc họp báo ra tuyên bố về khả năng cung cấp vũ khí cho phe đối lập ở Syria.

Hành động quân sự vô lối của Israel diễn ra chỉ vài ngày sau khi nước này tung ra thông tin kết luận của một vị tướng tình báo quân đội cho rằng "có bằng chứng" quân đội Chính phủ Syria đã "nhiều lần sử dụng vũ khí hóa học". Thông tin này đã từng được giới quan sát và báo chí nhận định là cái cớ để Israel và Mỹ có những hành động vũ lực quân sự tùy theo ý muốn của mình, bất chấp chủ quyền quốc gia, ở đây là Syria, đã được quy định tại Hiến chương LHQ. Hành động của Israel còn được cho là để "thử phổi" không chỉ Syria mà cả đồng minh thân cận của nước này là Iran về việc Israel đặt ra "lằn ranh đỏ" đối với chương trình vũ khí hạt nhân của Iran, và Mỹ đặt ra "lằn ranh đỏ" đối với kho vũ khí hóa học của Syria.

Hành động oanh kích Syria khiến Israel bị cộng đồng thế giới phản đối, nhưng ở Washington, nó đang tạo ra một không khí sôi sục về việc Tổng thống Barack Obama đang "khẩn trương" tham khảo các cường quốc và các quốc gia trong khu vực Trung Đông nhằm sớm đưa ra quyết định về một hành động đối với Syria. Ông Obama đã tuyên bố không có lý do phù hợp cho việc đưa bộ binh vào Syria, nhưng tăng cường hỗ trợ phiến quân đối lập thì có khả năng.

Israel đã triển khai hệ thống phòng thủ Iron Dome lên vùng biên giới phía bắc để đề phòng tên lửa tấn công từ Syria và Liban.

Báo chí Mỹ, như tờ Washington Post và New York Times, thông tin giới chức chóp bu ở Washington đang xem xét việc cung cấp các thiết bị quân dụng như áo giáp, mặt nạ khí và súng hạng nhẹ, trong khi để ngỏ khả năng cung cấp các loại súng chống tăng và tên lửa đất đối không theo yêu cầu của tướng Salim Idriss, chỉ huy phe đối lập. Sau hành động liều lĩnh của Israel, Tổng thống Obama bắt đầu xem xét đến khả năng cung cấp cả vũ khí hạng nặng cho phe đối lập sau khi tướng Idriss bảo đảm kiểm soát chặt chẽ, không để rơi vào tay thành phần khủng bố thánh chiến.

Thậm chí, giới chức quân sự Mỹ còn bàn đến khả năng Mỹ sẽ tiến hành những vụ oanh kích tương tự như Israel đã làm nhằm vào các cơ sở quân sự, phòng không, các sân bay và các tuyến đường vận tải quan trọng để ngăn Syria vận chuyển vũ khí, cất, hạ cánh máy bay tấn công phiến quân.

Trong một diễn biến trái chiều vào hôm 6/5, bà Carla Del Ponte, thành viên Ủy ban điều tra độc lập của Liên Hiệp Quốc về vũ khí hóa học Syria, đã phát biểu trên truyền hình Italia và Thụy Sĩ rằng Đội điều tra của bà chưa phát hiện bằng chứng nào về việc quân đội Chính phủ Syria đã sử dụng vũ khí hóa học trong các cuộc giao tranh với phe đối lập.

Ngược lại, qua kiểm tra bệnh án và hiện trường các bệnh viện dã chiến, cũng như phỏng vấn những người được cho là nạn nhân vũ khí hóa học chạy nạn sang các nước láng giềng của Syria và các bác sĩ điều trị cho họ, bà Del Ponte khẳng định có những "bằng chứng mạnh mẽ, chắc chắn" (nhưng vẫn có thể gây tranh cãi) rằng vũ khí hoá học đã được sử dụng, bởi phe đối lập. Như vậy, có thể thấy rằng tuyên bố của Israel về việc quân đội Chính phủ Syria sử dụng vũ khí hóa học về cơ bản đã bị phá sản.

Tuy nhiên, đối với các lực lượng diều hâu hiếu chiến, quyết tâm thực hiện bằng được mưu đồ lật đổ Tổng thống Bashar al-Assad thì báo cáo của bà Del Ponte chưa đủ để ngăn chặn hành động vũ lực. Israel có thừa lý do khác để biện minh (hay ngụy biện) cho hành động phi pháp của mình trên đất Syria, ở đây Israel tự đưa ra cáo buộc Syria vận chuyển tên lửa Fateh-110 cho Hezbollah ở Liban, và mối đe dọa an ninh từ Hezbollah đã được Israel, với sự hậu thuẫn của Mỹ, tô đậm nét thành nỗi sợ hãi to lớn để dùng làm cứu cánh cho hành động quân sự của mình 

Văn Trương (tổng hợp)
.
.