Israel tuyên chiến với Nghị quyết Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc

Thứ Hai, 26/10/2009, 15:20
Các thành viên trong nội các Israel trong phiên họp hôm 18/10 vừa qua tại Jerusalem đã lên tiếng chỉ trích gay gắt, đồng thời thẳng thừng bác bỏ nghị quyết của Liên Hiệp Quốc (LHQ) về nhân quyền được Ủy ban Nhân quyền LHQ thông qua dựa trên báo cáo của Ủy ban Goldstone, trong đó chỉ trích Tel-Aviv về những tội ác chiến tranh của họ tại Dải Gaza vào đầu năm nay.

Thủ tướng Benjamin Netanyahu còn tuyên bố, sẽ tiến hành một cuộc đấu tranh ngoại giao và pháp lý lâu dài để chống lại những cáo buộc trên của LHQ. Cuộc chiến pháp lý này của Israel với đại đa số "phần còn lại" của thế giới đã khiến nhiều nhà phân tích phải đặt câu hỏi: Liệu Israel có lặp lại kịch bản trước đây của Liên bang Nam Tư hay không?

Cần nhớ nghị quyết về nhân quyền mới được thông qua trong tuần qua tại LHQ - trong đó đổ phần lớn trách nhiệm cho phía Israel - đã nhận được sự ủng hộ của đại diện 25 quốc gia (trong đó đáng chú ý có Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Jordan, Ai Cập v.v...). Kết quả thống kê ngay sau cuộc bỏ phiếu đã cho thấy, nghị quyết trên sẽ còn là một vấn đề phức tạp thực sự, tác động đến mối quan hệ của Israel với một loạt quốc gia trên thế giới. Đầu tiên là đại diện từ 11 nước - Nhật, Bỉ, Hàn Quốc v.v... - đã bỏ phiếu trắng. Chỉ có 6 quốc gia (Mỹ, Italia, Hà Lan, Ukraina, HungarySlovakia)  phản đối với lý do, đây là một nghị quyết "phiến diện". Chưa kể các đại diện của Anh, Pháp, Madagasca và Kyrgyzstan quyết định không tham gia bỏ phiếu, chủ yếu do ngại lâm vào tình huống "khó xử".

Từ trước đó, bản thân tác giả chính của bản báo cáo trên là thẩm phán Richard Goldstone cũng bày tỏ sự không hài lòng với tình trạng bất đồng ý kiến trong cuộc bỏ phiếu thông qua nghị quyết tại Ủy ban Nhân quyền LHQ.

Không quá khó để hình dung phản ứng của Tel-Aviv. "Chúng tôi sẽ không chấp nhận nghị quyết trên. Quốc gia Do Thái có quyền và nghĩa vụ bảo vệ nhân dân mình trước chủ nghĩa khủng bố, tương tự như Nga, Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ và bất kỳ một quốc gia có chủ quyền khác" - Thủ tướng Netanyahu tuyên bố. 

Giới lãnh đạo Israel cảnh báo, họ sẽ triển khai mọi nỗ lực tối đa để ngăn chặn khả năng vấn đề trên được đem ra bàn bạc tại các kỳ họp của Đại hội đồng. Tel-Aviv đang hy vọng sẽ nhận được sự ủng hộ hết mình không chỉ của Mỹ, mà còn từ phía Anh và Pháp. 

Thủ tướng Benjamin Netanyahu cho biết, không loại trừ khả năng thành lập một ủy ban tương tự để điều tra lại những vi phạm nhân quyền trong chiến dịch quân sự hồi tháng 1/2009, nhưng cho biết đây chỉ là phương án được tính đến trong trường hợp thật cấp thiết.

Phát biểu trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình cuối tuần qua, ông Netanyahu khẳng định, Israel sẽ không từ bỏ quyền tự vệ của mình, cụ thể là họ sẽ bắt đầu một chiến dịch trả đũa chống lại việc cộng đồng quốc tế đang loại bỏ những quyền lợi hợp pháp của mình. Trước mắt, Tel-Aviv đang chỉ trích về cái họ gọi là "sự im lặng" của LHQ trước việc những tên khủng bố sử dụng những lá chắn sống trong khi giao chiến với quân đội Israel.

Quan hệ song phương của Israel với các quốc gia bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết trên chắc chắn sẽ có những sóng gió nhất định. Bộ Ngoại giao Israel hiện đang dự định yêu cầu có lời giải thích rõ ràng từ phía Nga, Jordan, Ai Cập, Trung Quốc cùng một số nước được coi là "đồng minh" khác đã bỏ phiếu thông qua nghị quyết trên.

Ngoại trưởng Avigdor Lieberman cho biết, họ sẽ từ bỏ kế hoạch tham dự lễ kỷ niệm 60 năm ngày Lễ Độc lập như một dấu hiệu phản đối lá phiếu của nước này. Israel còn đe dọa sẽ từ bỏ tiến trình đàm phán hòa bình tại Trung Đông vì nghị quyết trên.

Chính quyền Palestine về phần mình đã lên tiếng hoan nghênh quyết định của Ủy ban Nhân quyền LHQ, trong đó khẳng định những tội ác chiến tranh của cả quân đội Israel và phe Hamas. Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas còn tuyên bố với vẻ hài lòng: "Giai đoạn tiếp theo sẽ là những phán quyết buộc tội các nhà lãnh đạo Israel tại Tòa án La Haye. Chúng tôi sẽ tiếp tục chứng minh lẽ phải và quyền lợi của mình".

Theo các nhà quan sát, khả năng đưa nghị quyết trên về Israel ra xem xét tại Hội đồng Bảo an rất có thể sẽ dẫn tới nhiều bước ngoặt khó lường khác. Cơ quan có vai trò quan trọng nhất tại LHQ này có quyền đưa ra những quyết định có ảnh hưởng thực sự - từ áp đặt các lệnh trừng phạt cho tới cả những hành động quân sự.

Vào năm 1999, Hội đồng Bảo an đã thừa nhận Nam Tư phạm các tội ác chiến tranh trong cuộc chiến chống lại cộng đồng người Hồi giáo tại Bosnia và Kosovo. Với việc bật đèn xanh này, quân đội NATO đã không kích ồ ạt Belgrad, còn Tổng thống Milosevic cùng nhiều quan chức thân cận của ông bị coi là tội phạm chiến tranh, phải ra trước Tòa án quốc tế ở La Haye.

Còn giờ đây có một câu hỏi được không ít người nhắc tới: Liệu Hội đồng Bảo an có đưa ra một quyết định trừng phạt nào đó đối với Israel trong trường hợp quốc gia này kiên quyết bảo vệ quan điểm của mình chống lại nghị quyết của LHQ? Dù đây là một khả năng có thể xảy ra trên lý thuyết, nhưng ý kiến chung của đa số các nhà phân tích đều cho rằng, tiềm lực và sự hậu thuẫn mà Israel đang sở hữu về cơ bản khác rất nhiều với Nam Tư trước đây. Trường hợp đơn giản nhất là Tel-Aviv chỉ cần một lá phiếu phủ quyết của Washington.

Nhiều người vẫn còn nhớ tới vụ việc hồi năm 1975, khi LHQ thông qua một nghị quyết coi chủ nghĩa phục quốc Do Thái có những tác động tai hại tương tự như chủ nghĩa phân biệt chủng tộc. Đại diện Israel tại LHQ khi đó là Chaim Herzog đã công khai xé bỏ biên bản bỏ phiếu để bày tỏ sự coi thường nghị quyết trên. Kết quả là đến những năm 1990, quyết định trên của LHQ đã được đưa ra xem xét lại trước khi bãi bỏ. Liệu lịch sử có một lần nữa được lặp lại?

Hồng Sơn (tổng hợp)
.
.