Israel – Palestine: Trở lại lộ trình đàm phán

Thứ Hai, 03/10/2011, 20:25

Trong khi Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đang xem xét đơn xin gia nhập LHQ của Palestine, cuộc đua maratông nhằm đưa Palestine và Israel trở lại bàn đàm phán theo đề xuất của nhóm "Bộ tứ" về hòa bình Trung Đông cũng đang diễn ra ráo riết. Trước mắt, gói đề xuất của nhóm "Bộ tứ" đang được đón nhận với nhiều cách khác nhau, và Palestine đang đón nhận các đề xuất một cách dè dặt.

Nhìn chung, Israel rất hăm hở với đề xuất đàm phán mới này của nhóm "Bộ tứ", vì đó cũng là điều mà Thủ tướng Benjamin Netanyahu yêu cầu ngay trước hôm Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas nộp đơn lên LHQ. Bộ trưởng Ngoại giao Israel Avigdor Lieberman phát biểu trên Đài Phát thanh Israel rằng, mặc dù ông không kỳ vọng nhiều vào các cuộc đàm phán sắp tới, song việc quay trở lại đàm phán như đề xuất của "Bộ tứ" chí ít cũng có lợi cho Israel hơn: đàm phán không điều kiện.

ở phía ngược lại, lãnh đạo Palestine hôm 29/9 vừa qua đã cho thấy một thái độ hết sức dè dặt khi đón nhận gói đề xuất đàm phán của "Bộ tứ". Gói đề xuất kêu gọi Israel và Palestine trở lại đàm phán trong vòng 1 tháng để thảo luận lộ trình và cách thức tiến hành đàm phán; đồng thời, trong vòng 3 tháng đầu, 2 bên phải đạt được những thỏa thuận quan trọng về lãnh thổ và an ninh; đến tháng thứ 6 thì phải đạt được tiến bộ "đáng kể"; và sau cùng là ký kết thỏa thuận hòa bình vào cuối năm 2012.

Trong khi quy chế thành viên LHQ của Nhà nước Palestine đang phải trải qua những bước thảo luận, bàn cãi dai dẳng, thì việc Israel và Palestine trở lại đàm phán hòa bình theo gói đề xuất của "Bộ tứ" về hòa bình Trung Đông là giải pháp hợp lý nhất. Trong tình huống này, Palestine có vẻ bị dồn ép vào thế "không còn lựa chọn nào khác". Hôm 28/9, sau một cuộc họp nội các tại thành phố Ramallah, thủ phủ khu Bờ Tây.

Ban lãnh đạo Palestine tỏ ra hết sức dè dặt, cho rằng việc trở lại đàm phán với Israel như đề xuất của "Bộ tứ" là điều rất khó khăn. Bởi vì cách đây 4 năm, Tổng thống Mỹ George W. Bush từng rất tham vọng khi tổ chức Hội nghị Annapolis ngày 17/11/2007 để tìm kiếm giải pháp giúp Israel và Palestine trở lại đàm phán, đồng thời đặt ra thời hạn để 2 bên đạt được hiệp ước hòa bình vào cuối năm 2008. Tuy nhiên, W. Bush đã thất bại hoàn toàn vì đến thời hạn cuối năm 2008, khoảng cách giữa Israel và Palestine càng xa hơn, thậm chí lãnh đạo 2 bên còn không thèm nói chuyện với nhau. Với cách tiến hành không khác mấy so với cách đây 4 năm, liệu kết quả đạt được có gì khác hơn?

Liệu cuộc đối đầu Abbas - Netanyahu sẽ mang đến kết quả gì cho đàm phán?

Trong khi đó, khoảng cách hiện tại giữa Palestine và Israel chưa thể gọi là thu hẹp được, khi mỗi bên đều có lý lẽ riêng và đều cứng lý. Ngay sau khi từ LHQ trở về, Tổng thống Palestine Abbas đã tuyên bố, và tiếp tục khẳng định vào hôm 29/9 rằng, các cuộc đàm phán với Israel chỉ có thể bắt đầu khi Israel dừng vĩnh viễn việc xây dựng các khu định cư trên phần đất chiếm đóng của người Palestine. ông Abbas khẳng định, đây là bước đầu tiên tạo cơ sở cho việc xem xét đường ranh giới của Nhà nước Palestine. Đường ranh giới đó phải được xác định theo đường biên giới có trước cuộc chiến năm 1967. Điều này có nghĩa là những phần đất bị Israel chiếm đóng, bao gồm các khu định cư với khoảng 500.000 người Israel sinh sống ở khu Bờ Tây và Đông Jerusalem, sẽ phải thuộc về Palestine.

Điều khiến ông Abbas không chấp nhận được ở gói đề xuất của nhóm "Bộ tứ" là trong nội dung không đề cập đến việc lấy đường biên giới trước cuộc chiến năm 1967 làm biên giới lãnh thổ Palestine. Tổng thống Palestine Abbas yêu cầu phải lấy đường biên giới đó làm cơ sở đàm phán, đồng thời thực hiện giải pháp "đổi đất", tức những khu đất nào người định cư Israel đã ở thì nhập vào Israel, đồng thời Israel sẽ phải cắt phần đất tương đương của mình để trả cho người Palestine. Israel không đồng ý giải pháp này.

Vấn đề chính là sự nghiêm túc của Israel trong việc đàm phán. Ngày 27/9, Israel đã có một động thái gây tranh cãi khi tiếp tục đẩy mạnh việc xây dựng 1.100 dự án nhà ở trong các khu định cư ở Đông Jerusalem. Từ lâu, dư luận đã chú ý đến tham vọng của Israel khi tiến hành các hoạt động xây nhà định cư ở Đông Jerusalem là nhằm từng bước "lấn đất" và thôn tính luôn khu Đông Jerusalem, đồng thời sử dụng quyền hành chính để trục xuất người Palestine ra khỏi thành phố Jerusalem nói chung, để dần dần biến Jerusalem thành thủ đô của người Do Thái. Mất Đông Jerusalem, người Palestine sẽ khó lòng thành lập nhà nước độc lập với thủ đô là Đông Jerusalem như đã khẳng định từ trước đến nay. Đây cũng chính là mục tiêu mà Israel, được sự hậu thuẫn vô điều kiện của Mỹ, đã năm lần bảy lượt gây ra những trục trặc trong đàm phán để kéo dài thời gian đàm phán, tạo thuận lợi cho việc xây dựng nhà ở trong các khu định cư. ở đây, dư luận được nhìn thấy một hành động ngang nhiên, bất chấp tất cả của Israel: Chỉ ít ngày sau khi được Mỹ lên tiếng bênh vực quyết liệt tại Đại hội đồng LHQ, Thủ tướng Netanyahu phát biểu cộc lốc: "Chúng tôi quy hoạch ở Jerusalem. Chúng tôi xây dựng ở Jerusalem. Chấm hết".

Hẳn nhiên động thái của Israel đã bị các thành viên "Bộ tứ", kể cả Mỹ, phê phán. Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton chê trách hành động của Israel là "đi ngược lại" các nỗ lực của Mỹ tái khởi động đàm phán hòa bình nhằm tìm kiếm cách giải quyết tốt đẹp nhất cho cuộc xung đột dai dẳng giữa Israel và Palestine. Trong khi đó, ủy viên phụ trách đối ngoại của EU Catherine Ashton yêu cầu quyết định của Israel "cần phải hủy bỏ". Liên Hiệp Quốc nhận định: "Điều này gửi một tín hiệu sai vào một thời điểm nhạy cảm. Hoạt động xây dựng nhà ở định cư đi ngược lại Lộ trình hòa bình và vi phạm luật pháp quốc tế đồng thời làm hỏng tiến trình tái khởi động đàm phán hòa bình hướng đến giải pháp 2 nhà nước"

Trương Hùng (tổng hợp)
.
.