Italia: Cú vấp cuối của ông Berlusconi

Thứ Hai, 07/10/2013, 11:45

Một hành động vì lợi ích cá nhân của cựu Thủ tướng Italia Silvio Berlusconi suýt chút nữa đẩy đất nước Italia vào tình trạng tê liệt hoàn toàn do chính phủ sụp đổ. Rất may, giờ chót, chính phủ của Thủ tướng Enrico Letta đã vượt qua cửa ải khó khăn. Ông Berlusconi đã thất bại toàn diện.

Câu chuyện về việc Chính phủ Italia có nguy cơ sụp đổ đã được báo chí đăng tải ầm ĩ từ cuối tuần trước, gây dư luận quan tâm. Mọi chuyện bắt đầu vào ngày 27/9, cựu Thủ tướng Italia Silvio Berlusconi, Chủ tịch đảng Nhân dân Tự do (PDL), đã ra lệnh cho 5 bộ trưởng thuộc đảng này trong chính phủ liên hiệp của Thủ tướng Enrico Letta phải từ chức, rút khỏi liên minh chính phủ cầm quyền. Hành động bất ngờ này khiến dư luận hoang mang, vì không hiểu lý do vì sao.

Giới truyền thông đã nhanh chóng đưa ra lý giải cho hành động của ông Berlusconi: ông ta muốn gây ra tình trạng khó khăn, lộn xộn trong chính phủ để cứu vãn số phận chính trị đang nguy ngập của bản thân. Có vẻ như ông Berlusconi đã chơi một canh bạc mạo hiểm lần cuối trước khi đối mặt với nguy cơ nhận lãnh án phạt tù. Và canh bạc đó đã đẩy Chính phủ Italia vào tình trạng khủng hoảng trầm trọng chỉ sau 5 tháng hoạt động.

Thủ tướng Letta đã không chấp nhận đơn từ chức của các bộ trưởng PDL và lên tiếng kêu gọi họ hãy hành động có trách nhiệm vì lợi ích quốc gia. Ông kêu gọi Quốc hội sẽ phải tổ chức bỏ phiếu tín nhiệm đối với chính phủ, và hai là ông sẽ đi gặp trực tiếp Tổng thống Giorgio Napolitano để xin cứu viện.

Tổng thống Napolitano năm nay đã 88 tuổi nhưng vẫn chưa thể nghỉ ngơi và bị ép buộc phải tiếp tục cầm trịch để giữ cho nền chính trị quốc gia ổn định. Sau 5 tháng hoạt động của chính phủ liên minh tả-hữu, những kết quả bước đầu tuy rất tích cực nhưng vẫn chưa đủ để đưa đất nước Italia thoát ra khỏi khủng hoảng nợ công. Món nợ công hiện vẫn còn hơn 2.000 tỉ USD, tương đương 130% GDP, và những hệ lụy của khủng hoảng như tỉ lệ thất nhiệp, sản xuất, kinh doanh bị đình trệ,… vẫn đang cần những chính sách xuất thần của chính phủ Letta giải quyết.

Trong tình thế đó, sự ổn định chính trị là điều tối cần thiết đối với đất nước Italia. Tuy nhiên, nếu Chính phủ Italia không vượt qua được cuộc bỏ phiếu tính nhiệm, thì tình hình cũng rất gay go, vì khi đó Thủ tướng Letta buộc phải từ chức và đất nước Italia lại phải bước vào cuộc bầu cử mới. Điều này có lợi cho ông Berlusconi nhưng sẽ vô cùng bất lợi cho đất nước Italia, vì việc Chính phủ Italia sụp đổ, bầu cử được tổ chức lại sẽ ảnh hưởng mạnh lên tâm lý các nhà đầu tư, các chủ nợ của Italia hiện tại và tương lai. Khi đó, thị trường tài chính châu Âu có thể xáo trộn khiến cho những nỗ lực cải thiện tình trạng nợ của Italia càng thêm khó khăn.

Vì vậy, cả Thủ tướng Letta lẫn Tổng thống Napolitano, đa số các nghị sĩ và cử tri Italia đều không mong muốn tình trạng này xảy ra.

Dư luận Italia bắt đầu phẫn nộ khi thấy Chính phủ Italia rơi vào tình trạng nguy ngập chỉ vì lợi ích của một cá nhân. Công luận báo chí đã phải lên tiếng yêu cầu giới chính khách hành động vì lợi ích quốc gia. Đó cũng là lúc “vận may” của ông Berlusconi xoay chuyển theo chiều hướng xấu.

Trong cuộc họp nội bộ đảng PDL tối ngày 1/10, khi ông Berlusconi tiếp tục yêu cầu các nghị sĩ đảng PDL bỏ phiếu chống lại chính phủ, một loạt thành viên cao cấp trong đảng này đã bắt đầu “nổi loạn” chống lại ông, dẫn đầu là Carlo Giovanardi, một thành viên thân cận lâu năm của Berlusconi. Giovanardi đã lôi kéo 40 nghị sĩ PDL tuyên bố sẽ bỏ phiếu ủng hộ chính phủ.

Thủ tướng Italia Enrico Letta vui mừng sau cú thoát hiểm.

Tiếp sau Giovanardi là Phó Thủ tướng Angelino Alfano – người được xem là “hậu duệ” kế thừa ngôi vị lãnh đạo đảng PDL của Berlusconi – cũng lên tiếng ủng hộ chính phủ, một hành động được xem là chống lại ông Berlusconi.

Ngày 2/10, Quốc hội Italia đã nhóm họp để bỏ phiếu tín nhiệm Chính phủ. Trong bài phát biểu trước khi cuộc bỏ phiếu diễn ra, Thủ tướng Letta đã thuyết phục tất cả các đảng phái trong Quốc hội bằng những lý lẽ phân tích những thành quả chính phủ đạt được, những điều lợi và hại nếu chính phủ sụp đổ.

Đúng như đã tuyên bố trước, 40 đại biểu thuộc đảng PDL đã bỏ hàng ngũ chuyển sang bỏ phiếu ủng hộ chính phủ của Thủ tướng Letta. Berlusconi, trước tình thế “chẳng đặng đừng”, đã phải tuyên bố ủng hộ chính phủ để giữ một phần thể diện. Điều đó đủ để góp phần giúp cho chính phủ của Thủ tướng Letta vượt qua cuộc bỏ phiếu với 235 phiếu ủng hộ, 70 phiếu chống, 15 phiếu trắng.

Berlusconi đã chấp nhận thất bại do sự phản đối ngay chính trong đảng của mình. Và sau cú vấp ngã này, ông ta sẽ còn đối mặt với một ủy ban đặc biệt của Quốc hội khi uỷ ban này nhóm họp vào ngày 4/10 để xem xét quyết định việc tước bỏ tư cách đại biểu Quốc hội của cựu Thủ tướng để phục vụ cho phiên tòa xét xử ông đang diễn ra. Với những diễn biến như trong mấy ngày qua, không khó để nhận thấy gần như chắc chắn ủy ban đặc biệt này sẽ bỏ phiếu chống lại ông Berlusconi.

Theo giới phân tích, một khi không còn tư cách đại biểu, ông Berlusconi có thể phải đối mặt với án phạt tù lên đến 4 năm cho tội danh gian lận thuế. Một đạo luật thông qua vào năm 2012 có quy định rằng, bất kỳ chính khách nào bị tuyên án tù trên 2 năm đều bị cấm giữ các chức vụ dân bầu trong 6 năm. Đây sẽ là nguy cơ lớn nhất mà ông Berlusconi phải đối mặt, và nhiều khả năng nó sẽ chấm dứt luôn sự nghiệp chính trị của ông

An Châu (tổng hợp)
.
.