Italia: Thủ tướng Berlusconi rút lui để quay trở lại

Thứ Sáu, 29/04/2005, 09:34

Cuộc khủng hoảng chính trị tại Italia đã kết thúc sau khi một chính phủ mới được thành lập dưới sự điều hành của “thủ tướng cũ” Berlusconi. Nhiều chuyên gia đánh giá, đây là một “cú thoát hiểm ngoạn mục” của ông Berlusconi khi không chỉ giải quyết êm gọn những mâu thuẫn từ phe đối lập mà cả từ các đồng minh cũ, trong khi vẫn giữ được chiếc ghế thủ tướng của mình.

Thất bại nặng nề từ cuộc bầu cử địa phương

Trong cuộc bầu cử chính quyền địa phương vừa qua, liên minh trung hữu của đương kim Thủ tướng Berlusconi đã chịu một thất bại thảm hại sau khi đánh mất tất cả những khu vực đã giành được từ kỳ bầu cử trước, và khó khăn lắm mới giữ lại được hai vùng ở phía bắc là Lombardio và Veneto. Nguyên nhân một phần, theo như các nhà bình luận, bắt nguồn từ cái chết của Giáo hoàng John Paul II nên việc vận động tranh cử không đạt hiệu quả cao.

Tuy nhiên, nguyên nhân chính cho thất bại cay đắng này - theo cả phe đối thủ cũng như các chiến hữu của đương kim Thủ tướng - lại chính là... ông Berlusconi. Giai cấp trung lưu từng hết lòng ủng hộ ông trước đây đã coi ông là kẻ có lỗi trong việc giá cả thị trường tăng cao (kể từ khi chuyển đổi sang đồng tiền chung euro, giá cả đã tăng lên gần gấp đôi).

Ngoài ra, đương kim Thủ tướng còn bị buộc tội phá hoại hệ thống trợ cấp xã hội, cũng như nâng cao độ tuổi về hưu. Còn các doanh nghiệp nhỏ và vừa thì cho rằng, nhờ sự tăng cao mức độ cạnh tranh của nền kinh tế (điều mà Thủ tướng Italia tuyên bố là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu) nên các công ty của Berlusconi lại được hưởng lợi trước tiên. Ngoài ra, còn phải kể đến một nguyên nhân quan trọng nữa là việc Berlusconi đã đưa Italia vào cuộc chiến tại Iraq. Phong trào phản đối cuộc chiến này càng tăng mạnh, sau vụ lính Mỹ bắn chết 1 nhân viên mật vụ Italia tại đây.

Phát biểu về thất bại này, một trong những lãnh tụ của Liên minh dân chủ Thiên Chúa giáo (UDC) Bruno Tabacchi đã tuyên bố, những cuộc bầu cử địa phương vừa qua trên thực tế chính là “một cuộc trưng cầu dân ý về uy tín của Berlusconi”.

Về phần mình, các lãnh tụ của Liên minh quốc gia ngay lập tức đưa ra ý kiến về việc phân chia lại vai trò trong liên minh cầm quyền. Đồng minh trung thành của ông Berlusconi lúc này chỉ còn duy nhất lãnh tụ Liên minh phương Bắc Umberto Bossi, người đã tuyên bố thất bại trên là “của các tỉnh trưởng chứ không phải của ông Berlusconi”. Thật ra từ lâu, Berlusconi vẫn có truyền thống dựa vào Liên minh phương Bắc như một đối trọng đối với một đảng khác trong chính phủ cầm quyền - Liên minh quốc gia của Gianfranco Fini.

Thất bại này càng trở nên nặng nề hơn, sau khi UDC do Marko Follini đứng đầu đã tuyên bố rút khỏi chính phủ để gây sức ép bắt ông Berlusconi phải từ chức. Bốn bộ trưởng thành viên của đảng này đã đồng loạt từ chức với kêu gọi xây dựng một chính phủ mới.

Dù được coi là một đảng không lớn trong liên minh cầm quyền, sự rút lui của UDC thực ra lại có một vai trò quyết định. Trong Nghị viện Italia hiện có 616 nghị sĩ và 320 thượng nghị sĩ. Trước đó về mặt hình thức, Berlusconi và liên minh của ông ta có được 344 lá phiếu ủng hộ trong Hạ viện và 171 trong Thượng viện. Tuy nhiên, số phiếu của các nhà lập pháp từ UDC và đảng Xã hội chủ nghĩa mới (cũng rút lui khỏi nội các) là hoàn toàn đủ để có thể phế truất chính phủ. Thực tế này đã khiến cả hai viện của Quốc hội phải đưa ra xem xét vấn đề tín nhiệm chính phủ.

Trong khi đó, đối thủ chính Romano Prodi và liên minh trung tả của ông ta đã ngay lập tức tận dụng thời cơ công kích Berlusconi. Họ đã nhiều lần lên tiếng kêu gọi Berlusconi từ chức và đe dọa cho ngừng hoạt động của Quốc hội.

Rút lui để rồi… trở lại

Trước sự phản đối ngày càng tăng như trên, ông Berlusconi vẫn khăng khăng không chịu từ chức. Nhưng mọi chuyện gần như kết thúc khi Liên minh quốc gia - đảng lớn thứ hai trong liên minh cầm quyền sau đảng Forza Italia của Berlusconi - lại tiếp tục đe dọa rút hết các bộ trưởng (5 bộ trưởng, trong đó có Bộ trưởng Ngoại giao Gianfranco Fini) của mình khỏi nội các nếu thủ tướng không chịu từ chức. Nếu tính cả 4 bộ trưởng mới từ chức trước đó của UDC, thì sự kiện này chắc chắn sẽ đánh dấu chấm hết cho chính phủ đương nhiệm.

Thật lòng mà nói, ông Berlusconi rất muốn trở thành thủ tướng đầu tiên của Italia trong lịch sử sau Chiến tranh thế giới lần thứ 2 có thể dẫn dắt nội các của mình đi hết nhiệm kỳ 5 năm (kết thúc vào mùa xuân năm 2006). Nhưng cuối cùng Berlusconi cũng phải đệ đơn xin từ chức lên Tổng thống Carlo Ciampi và được chấp thuận ngày 20/4.

Thực ra, mọi chuyện đã được đưa lên bàn cân xem xét kỹ từ trước. Trước mắt có hai sự lựa chọn để có thể giải quyết được cuộc khủng hoảng này. Cách thứ nhất là tổ chức bầu cử Quốc hội trước thời hạn. Nhưng điều này chắc chắn đồng nghĩa với một thất bại hoàn toàn về chính trị của Berlusconi, do uy tín của ông ta trong nước hiện đang xuống rất thấp. Và nếu thất bại, khả năng quay trở lại nắm quyền của Berlusconi gần như là không còn. Đây là một nguy cơ bằng mọi giá Berlusconi không thể để xảy ra. Mất chức thủ tướng cũng có nghĩa là quyền bất khả xâm phạm cũng bị mất. Trong khi cơ quan pháp lý Italia đang “mơ ước” lôi được Berlusconi ra tòa vì những lời buộc tội tham nhũng.

Còn cách thứ hai được gọi là “từ chức về mặt kỹ thuật” để giải tán chính phủ đương nhiệm. Và Berlusconi đã chọn cách này. Vấn đề là chính Berlusconi (chứ không phải bất kỳ ai khác) là người vẫn giành được sự tín nhiệm của Tổng thống, và rất có khả năng Ciampi sẽ lại giao cho Berlusconi đứng ra thành lập một chính phủ mới. Theo Hiến pháp Italia, tổng thống có quyền giao trọng trách thành lập chính phủ mới cho một chính trị gia có uy tín và được tin cậy. Nhân vật này không ai khác chính là Berlusconi.

Mọi chuyện đều diễn biến đúng như theo kịch bản. Berlusconi cho biết sẽ không có thay đổi nhiều trong bản danh sách nội các trình lên Tổng thống có một số gương mặt mới nắm giữ các bộ như Bộ Thông tin, Bộ Y tế, Bộ Công nghiệp và Bộ Văn hóa. Trong đó, cựu Bộ trưởng Kinh tế Giulio Tremontias được đề cử làm Phó thủ tướng, còn Gianfranco Fini vẫn tiếp tục giữ chức Bộ trưởng Ngoại giao. Còn lại hầu hết những người đứng đầu các bộ chủ chốt khác trong chính phủ vẫn được tại vị. Ông Berlusconi quyết định không loại bỏ Bộ trưởng Kinh tế, bất chấp mọi sự phê phán gay gắt về chính sách kinh tế của chính phủ.

Với bước “rút lui chiến thuật” vừa rồi, Berlusconi được coi như đã thực sự “thoát hiểm”. Bởi nếu đối thủ chính trị Romano Prodi lên cầm quyền, Berlusconi không những chỉ bị mất chức thủ tướng mà còn mất cả... tự do. Cái mà đương kim Thủ tướng Italia lo ngại nhất chính là nguy cơ bị mất quyền bất khả xâm phạm và khả năng bị truy tố vì tội tham nhũng.

Nhiều nhà bình luận cho biết, đương kim Thủ tướng Berlusconi còn đang tính những nước cờ xa hơn khi nhắm đến chiếc ghế tổng thống. Đây là cương vị duy nhất mà Berlusconi còn có thể giành được để bảo đảm quyền miễn tố cho mình. Được biết là nhiệm kỳ của Tổng thống Carlo Ciampi sẽ kết thúc vào năm 2006, gần như cùng lúc với thời hạn bầu cử Quốc hội. Đó là thời điểm mà nhiều nhà phân tích dự đoán sẽ diễn ra những biến đổi quan trọng trên chính trường Italia

Đinh Linh (Tổng hợp)
.
.