Kazakhstan: Liệu có xảy ra một kịch bản Libya mới?

Thứ Ba, 27/12/2011, 11:35

Tổng thống Kazakhstan Nursultan Nazarbayev đã ban bố tình trạng khẩn cấp tại thành phố Zhanaozen (tỉnh Mangystau) cho tới ngày 20/1/2012, kèm theo đó là cả lệnh giới nghiêm đến 5/1/2012. Trong suốt thời gian trên, Chính phủ sẽ nghiêm cấm tất cả những cuộc mít tinh, tụ tập đông người, hạn chế đi lại, chụp ảnh, quay phim tại khu vực này. Đây được coi là một phản ứng kiên quyết của Chính phủ Kazakhstan trước hàng loạt những vụ bạo động, gây rối tại khu vực miền Tây nước này vào những ngày cuối tuần qua.

Một số nhà quan sát còn nhận định, đây là những hành động có sự giật dây của nước ngoài, theo một kịch bản tương tự đã từng lật đổ chính quyền của Tổng thống Gaddafi tại Libya…

Một mặt, bùng phát bất ổn tại Zhanaozen là điều đã được lường trước, khi có đến 1.500 công nhân dầu khí (những người trước đó bị sa thải sau khi đòi hỏi tăng lương và cải thiện điều kiện làm việc) đã liên tục tụ tập tổ chức các hành động phản đối. Các cuộc đàm phán sau đó của đại diện chính quyền với công nhân đã có một bước ngoặt bất ngờ - thay vì những yêu cầu về xã hội - kinh tế như trước đây, phía những người biểu tình lại chuyển sang các yêu sách chính trị, kể cả chuyện đòi Tổng thống Nazarbayev phải từ chức.

Mặt khác, ngay trước ngày Quốc khánh Kazakhstan (15/12), trên các mạng xã hội đã tràn ngập những lời kêu gọi lật đổ chính quyền. Một phần không nhỏ những kêu gọi này có nguồn gốc từ nước ngoài - đó là lý do khiến chính quyền hiện nay đã cho phong tỏa Facebook và các mạng xã hội tương tự, thậm chí cả liên lạc di động riêng tại Zhanaozen. Bạo động tại Zhanaozen còn bùng phát mạnh vào đúng thời điểm Tổng thống Nazarbayev dự lễ khánh thành Khải hoàn môn, công trình xây dựng kỷ niệm 20 năm Ngày độc lập của Kazakhstan.

Những trùng hợp này đã làm nảy sinh một số nghi ngờ về việc, đã có một kịch bản tổ chức giật dây cho làn sóng bạo động tại miền Tây Kazakhstan, hậu quả từ các vụ xô xát giữa phe bạo loạn với cảnh sát đã khiến ít nhất 12 người thiệt mạng, gần 100 người bị thương, trong đó có những trường hợp nguy kịch.

Bản thân thành phố Zhanaozen đã bị cướp phá, các cơ sở của chính quyền, văn phòng, thậm chí cửa hàng bị đốt cháy. Tính chất nghiêm trọng của bạo động đã được thể hiện trong nhiều đoạn băng hình được Bộ Nội vụ công bố. Còn Tổng thống Nazarbayev trong một phiên họp khẩn của Hội đồng An ninh quốc gia đã bày tỏ sự ủng hộ đối với những hành động kiên quyết của lực lượng cảnh sát, trong đó khẳng định "các nhân viên hành pháp đã hành động trong khuôn khổ quyền hạn theo quy định của pháp luật".

Nhờ một loạt biện pháp kiên quyết nên đến ngày 18/12, tình hình tại Zhanaozen đã bình ổn trở lại. Bộ trưởng Nội vụ Kalmukhanbet Kasymov xác nhận, những kẻ chủ mưu trong làn sóng bạo loạn trên chính là các công nhân dầu mỏ bị sa thải. Khoác trên mình bộ áo đồng phục của công ty, các phần tử quá khích này đã cùng nhau ngăn cản các hành động chuẩn bị cho Lễ Quốc khánh, đập phá sân khấu được dựng lên từ trước tại quảng trường rồi tràn đi cướp bóc ở khắp nơi. Cho tới thời điểm này, cảnh sát đã bắt giữ được gần 70 tên bị tình nghi tham gia vào các cuộc bạo động.

Những kẻ nổi loạn tham gia đập phá và cướp bóc tại Zhanaozen.

Theo giới quan sát, những mâu thuẫn tại Zhanaozen thật ra đã tiềm ẩn từ lâu. Có điều "đám lửa âm ỉ" này đã bị các thành phần đối lập chủ yếu ở nước ngoài lợi dụng thổi bùng lên. Các phần tử này đã lựa chọn đúng dịp Kazakhstan kỷ niệm 20 năm Ngày độc lập để tung ra hàng loạt những lời kêu gọi phá hoại ngày lễ, cũng như phản kháng chính quyền.

Những phần tử đối lập hàng đầu được nhắc tới trong nhóm này chính là chàng rể cũ Rakhat Aliev của ông  Nazarbayev và nhà tài phiệt cỡ lớn Mukhtar Abliazov - cả hai đều từng có xung đột với đương kim Tổng thống nên đã chạy khỏi Kazakhstan tới cư trú tại London. Hai người trên còn tập hợp quanh mình không ít những phần tử đối lập lưu vong khác. Phe này đã không từ bỏ thủ đoạn nào - từ "bơm" tiền cho lực lượng đối lập trong nước cho tới các hành vi bạo động mang tính khủng bố - tất cả chỉ nhằm gây bất ổn tình hình trong nước, kêu gọi lật đổ chế độ để hy vọng có thể trở về quê hương.

Bên cạnh những phần tử đối lập lưu vong trên, nhiều nhà quan sát cũng không loại trừ khả năng vụ bạo động có sự dính líu của cả những "tay chơi quốc tế" đang rất thèm muốn nguồn dầu mỏ của Kazakhstan. Theo họ, tình hình tại khu vực biển Caspian (nơi có mặt của Kazakhstan), đặc biệt là tại vùng duyên hải với các tỉnh có nguồn tài nguyên dầu mỏ dồi dào, hiện có nguy cơ cao bị các "tay chơi bên ngoài" làm phức tạp hóa. Kinh nghiệm tại Libya cho thấy, một kịch bản gây bất ổn tại những khu vực giàu tài nguyên dầu mỏ nhưng xa trung tâm rất có thể sẽ được đem ra áp dụng lại ở Kazakhstan. Mũi nhọn tấn công đầu tiên thường sẽ nhằm vào các tỉnh có cảng biển, nguồn tài nguyên dầu mỏ phong phú và nằm cách xa trung tâm - đó là những điều kiện ban đầu để hình thành những "tiểu quốc gia ly khai".

Phương án kiểu này đã được áp dụng thành công tại Libya với cái tên "Benghazi" (ban đầu là thủ phủ của phe nổi dậy). Khu vực miền Tây xa xôi nhưng nhiều dầu mỏ của Kazakhstan cũng là một nơi có điều kiện lý tưởng để dựng lên một chính phủ bù nhìn tại đây. Cần nói thêm, phương Tây từ trước đó đã tỏ ra đặc biệt khó chịu trước những chính sách ngoại giao của Tổng thống Nazarbayev, người đang nỗ lực phấn đấu cho ý tưởng xây dựng một liên minh thuế quan, và sau cùng là một liên minh Âu - Á (The Eurasian Union - thực chất là một tổ chức liên kết về chính trị và kinh tế đối với hàng loạt quốc gia trong thành phần Liên Xô cũ). Những công nhân dầu khí bất mãn tại Zhanaozen rất có thể mới là những "con rối" đầu tiên trong tay các thế lực chống đối lại chính quyền của Tổng thống Nazarbayev

Đinh Linh (tổng hợp)
.
.