Kế hoạch đáp trả kiên quyết của Nga đối với NMD

Thứ Năm, 08/12/2011, 11:30

Tổng thống Dmitri Medvedev trên một loạt các kênh thông tin Liên bang của Nga vừa chính thức tuyên bố về một kế hoạch tổng thể chống lại hệ thống phòng thủ chống tên lửa của Mỹ (NMD) đang được triển khai tại châu Âu.

Bản kế hoạch này được đánh giá là một bước đi kiên quyết và cụ thể của Nga trước những động thái thiếu hợp tác của Washington: từ chối tham gia hệ thống phòng thủ tên lửa chung do Moskva đề xuất, cũng như khước từ cung cấp những dữ liệu kỹ thuật về hệ thống trên v.v…

Mâu thuẫn mang tiền đề lịch sử

Còn nhớ xung đột giữa Nga và Mỹ xung quanh vấn đề NMD đã nảy sinh từ năm 2007, dưới thời Tổng thống George Bush (con). Khi đó, NATO bắt đầu các cuộc đàm phán chính thức về việc bố trí các thành phần của NMD tại Ba Lan và Cộng hòa Czech. Bất chấp áp lực mạnh mẽ của Nga, từ trước vẫn coi dự án trên của Mỹ như một mối đe dọa nghiêm trọng tới an ninh quốc gia của mình, Washington cho đến năm 2008 đã đạt được những thỏa thuận về mặt nguyên tắc với các nước Đông Âu trên. Nhưng đến ngày 17/9/2009, chính quyền mới của Tổng thống Barak Obama đã từ bỏ ý tưởng bố trí các hệ thống đánh chặn tên lửa và radar trên lãnh thổ Czech và Ba Lan. Đổi lại, Nga cũng tạm dừng triển khai chương trình trả đũa của mình.

Thay cho các radar và tên lửa, Mỹ quyết định triển khai một phương án NMD rẻ tiền hơn, chủ yếu dựa vào hệ thống tên lửa trên biển Aegis. Tháng 11/2011, Mỹ vừa đạt được thỏa thuận về việc bố trí một số thành phần NMD với Tây Ban Nha, Rumani, Thổ Nhĩ Kỳ và Ba Lan. Theo đó, chương trình này sẽ bắt đầu vào năm 2012 và hoàn tất vào năm 2018.

Tháng 10/2011, tân Đại sứ Mỹ, sắp tới nhận nhiệm vụ tại Nga, Michael McFaul đã nhắc tới tình trạng bế tắc trong các cuộc đàm phán Nga - Mỹ về NMD, đồng thời tuyên bố Washington không sẵn sàng đưa ra những đảm bảo pháp lý cho Nga về việc, hệ thống trên sẽ không làm hạn chế sức mạnh hạt nhân của Nga. Đó là lý do khiến Moskva quyết định triển khai ngay một kế hoạch đáp trả "vừa hiệu quả và không tốn kém" chống lại phương án NMD mới của Washington.

Tổ hợp tên lửa hiện đại Iskander của Nga đang được coi là một vũ khí đáp trả hữu hiệu đối với NMD.

Kế hoạch đáp trả kiên quyết

Những động thái bất hợp tác mới nhất của Washington là cơ sở để Tổng thống Nga quyết định triển khai một kế hoạch đáp trả chi tiết với nhiều điểm nhấn đáng chú ý.

Thứ nhất, Tổng thống Medvedev giao cho Bộ Quốc phòng "không được chậm trễ" đưa vào thành phần chiến đấu trạm radar cảnh báo tên lửa tấn công tại Kaliningrad. Bộ phận phục vụ tác chiến quan trọng này thật ra đã được nhắc tới từ mùa thu năm 2008, và giờ đây đã được hoàn tất trước hơn một tháng so với kế hoạch đã định.

Thứ hai, Tổng thống Medvedev hứa hẹn sẽ tăng cường mạng lưới bảo vệ cho các đơn vị vũ khí hạt nhân chiến lược của Nga trong khuôn khổ thành lập một hệ thống phòng thủ không gian -vũ trụ. Những nhiệm vụ chính của hệ thống này là cảnh báo, phát hiện, tiêu diệt, trấn áp cũng như bảo vệ các cơ sở chiến lược. Hệ thống phòng thủ không gian - vũ trụ này sẽ chính thức đưa vào chế độ trực chiến từ ngày 1/12/2011.

Thứ ba, ông Medvedev cam kết trang bị cho các đơn vị tên lửa đạn đạo chiến lược những khối tác chiến mới cùng "các tổ hợp khắc chế NMD có triển vọng" đã được nghiên cứu chế tạo từ thời Liên Xô cũ.

Thứ tư, Tổng thống Medvedev giao cho lực lượng vũ trang soạn thảo các biện pháp cho phép phá hủy các hệ thống thông tin và điều hành của NMD (những biện pháp tương tự cũng từng được soạn thảo từ thời Chiến tranh lạnh).

Tổng thống Nga nhấn mạnh rằng, tất cả những biện pháp nêu trên được đánh giá là thích hợp, hiệu quả và ít tốn kém. Ông Medvedev còn cảnh báo sẽ tiếp tục triển khai thêm tại khu vực phía tây và phía nam nước Nga "những hệ thống vũ khí tấn công hiện đại" có thể tiêu diệt mạng lưới NMD tại châu Âu. Cụ thể là Nga có thể triển khai các tổ hợp tên lửa "Iskander" tại Kaliningrad. Cuối cùng, Tổng thống Nga đe dọa sẽ rút ra khỏi Hiệp ước vũ khí tiến công chiến lược (START), mới được nguyên thủ hai nước ký vào tháng 4/2010 và bắt đầu có hiệu lực từ tháng 2/2011. 

Phản ứng của phương Tây

Những phản ứng ban đầu của Mỹ đối với tuyên bố của Tổng thống Nga là điều đã được dự đoán từ trước. Washington khước từ xem xét lại chương trình NMD với lời giải thích: Hệ thống trên chỉ nhằm chống lại Iran chứ không phải Nga.

Một số tờ báo phương Tây lại nhìn nhận kế hoạch của Tổng thống Medvedev theo khía cạnh khác. Theo họ, phát biểu của ông Medvedev chủ yếu chỉ là một động thái tranh cử vào giờ chót. Bản thân ông Medvedev không chỉ là đương kim Tổng thống Nga, mà còn đang dẫn đầu danh sách tranh cử của đảng "Nước Nga thống nhất" trong cuộc bầu cử Quốc hội sắp sửa diễn ra vào ngày 4/12 này.

Còn một chi tiết đáng chú ý khác, ngay sau phát biểu của Tổng thống Nga, phái đoàn ngoại giao của Mỹ tại NATO đã phải triệu tập làm việc ngay cả trong ngày nghỉ lễ

Hồng Sơn (tổng hợp)
.
.