Kết cục đã được báo trước

Thứ Hai, 10/03/2008, 10:30
Mấy ngày qua, dư luận xôn xao việc ông Trần Xuân Đính, nguyên Tổng giám đốc, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Xây dựng miền Trung (gọi tắt là Cosevco), cùng 6 cán bộ khác từng là tay chân thân cận của ông ta bị CSĐT tội phạm về tham nhũng (C37), Bộ Công an, bắt tạm giam về hành vi "Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng".

Thật ra, điều này không có gì bất ngờ, vì đã có một thời gian dài nhiều cán bộ Cosevco gửi đơn thư tố cáo ông Đính điều hành Cosevco chuyên quyền, độc đoán kiểu "gia đình trị", rồi báo chí liên tục phanh phui những dự án "làm nghèo đất nước" của Cosevco dưới thời ông Đính dẫn đến thua lỗ, nợ nần hàng nghìn tỉ đồng....   

"Lấy tay che mặt trời"...

Cosevco có trụ sở đóng tại 517, Trần Cao Vân, TP Đà Nẵng, là doanh nghiệp Nhà nước, thuộc Bộ Xây dựng. Đến giữa tháng 6/2006, Cosevco chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con, với 4 đơn vị trực thuộc, 13 công ty con và 21 công ty liên kết hoạt động trong lĩnh vực xây lắp và sản xuất vật liệu xây dựng...

Trụ sở tổng công ty Cosevco.

Thế nhưng, trong số 34 công ty thành viên, nơi nào được đầu tư tốt, ông Đính liền đưa người nhà: em ruột, con đẻ, con rể... và những người là tay chân thân tín lên nắm giữ các vị trí trọng yếu, khống chế sản xuất, biến Tổng công ty thành công ty gia đình.

Ông Nguyễn Công Huấn, nguyên Chủ tịch HĐQT, Phó tổng giám đốc Cosevco bày tỏ quan điểm của mình về sử dụng con người tại Cosevco: “Việc Tổng giám đốc (ông Đính) có nhận người thân, bạn bè vào làm việc tại các doanh nghiệp trong Tổng công ty là việc bình thường.

Tuy nhiên, Tổng giám đốc nên để họ tự phấn đấu trưởng thành. Việc bố trí sắp xếp vào các chức vụ phải đúng sở trường, đúng năng lực trên cơ sở bằng cấp quy định được mọi người tín nhiệm thì chẳng có việc gì để nói...”.

Nhưng, không phải đến bây giờ, khi ông Đính và một số cán bộ Cosevco bị C37 Bộ Công an bắt tạm giam ông Huấn mới nói điều này, mà quan điểm cũng đã được ông nói thẳng ngay lúc ông Đính còn ngồi trên chiếc ghế Tổng giám đốc Cosevco.   

Chuyện ông Trần Xuân Đính điều hành Cosevco, đưa người trong gia đình mình vào những vị trí “ngon ăn”. Điển hình như, đưa em ruột là Trần Xuân Đoát, mới học xong lớp 5 lên làm Trưởng ban Dự án Nhà máy thép tại Quảng Trị.

Khi nhà máy này không xây dựng được (do ngân hàng không cho vay vốn), thì bổ nhiệm Trần Xuân Đoát sang làm Phó giám đốc Nhà máy gỗ ván MDF Geruco Cosevco tại Quảng  Trị (dự án nhóm A, tức dự án có mức đầu tư lớn là do Chính phủ phê duyệt).

Đưa em ruột Trần Xuân Sơn, năng lực yếu kém, không có chuyên môn lên làm Phó giám đốc Công ty Cosevco 1; “đặc cách” cho em ruột Trần Xuân Tùng, công nhân nề, trình độ phổ thông cấp II, lên làm Trưởng ban Khách sạn Costar tại Đà Nẵng. Khi khách sạn này bán thì Tùng được nâng lên Phó giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển hạ tầng Cosevco...

Hai con đẻ của ông Đính là Trần Quang Minh và Trần Xuân Thông cũng được ông ta cho “hưởng lộc” rất lớn từ Cosevco. Như bổ nhiệm Trần Quang Minh làm Phó ban Quản lý dự án ximăng Sông Gianh, về sau “ra riêng” thành lập công ty có nhiều mối quan hệ buôn bán, giao hảo “đặc biệt” với Cosevco. Trần Xuân Thông chỉ tập sự 2 tháng đã bổ nhiệm làm Xưởng trưởng Xưởng thiết kế của Trung tâm Tư vấn đấu thầu...

Cũng vì ông Đính một tay thâu tóm quyền lực nên đã có nhiều cán bộ chủ chốt có tâm huyết với sự phát triển của Cosevco như ông Nguyễn Công Huấn đành phải ra đi...

Làm thì láo báo cáo thì hay...

Chỉ tính trong hơn 7 năm hoạt động, Cosevco đã đầu tư hàng trăm dự án lớn, nhỏ tại miền Trung, với tổng kinh phí đầu tư lên đến hàng ngàn tỉ đồng. Tuy nhiên, phần lớn các dự án đều rơi vào tình cảnh thua lỗ, thậm chí lãng phí của Nhà nước hàng trăm tỉ đồng.

Theo kết quả kiểm toán tại Cosevco năm 2005, đã phát hiện Cosevco đang “chìm” trong khoản nợ đến trên 4.383 tỉ đồng, trong đó: nợ ngắn hạn hơn 1.132 tỉ đồng, nợ dài hạn gần 3.227 tỉ đồng, còn lại các khoản nợ khác.

Đặc biệt, Cosevco đã có nhiều sai trái trong chấp hành chế độ kế toán – tài chính, như: Quản lý công nợ phải thu chưa được chặt chẽ, nợ đọng lớn kéo dài nhiều năm, nợ phải thu chiếm 54,89% tổng tài sản lưu động; nợ cá nhân dây dưa, nhiều cá nhân còn nợ lớn đã bỏ việc, hoặc chuyển công tác nơi khác. Cosevco chưa có biện pháp xử lý, hoặc kiến nghị với cơ quan chức năng xử lý theo pháp luật.

Cụ thể: Tại Văn phòng Cosevco, các khoản phải thu nội bộ số dư 215.232 triệu đồng bằng 110% tài sản ngắn hạn và công ty nợ không có khả năng thu hồi do các đơn vị trực thuộc lỗ, không có khả năng thanh toán. Công nợ tạm ứng 3.644 triệu đồng. Công nợ tạm ứng cá nhân phát sinh từ nhiều năm nhưng không có biện pháp hoàn tạm ứng, nợ từ các năm trước 3.366 triệu đồng và không thu được với số tiền 1.536 triệu đồng... Cosevco chưa thực hiện tốt nghĩa vụ nộp ngân sách Nhà nước, nợ đọng thuế đến 24.426 triệu đồng...

Theo thống kê chưa đầy đủ của cơ quan chức năng, từ năm 1999 đến nay, Cosevco đã ồ ạt đầu tư gần 200 dự án lớn, nhỏ; trong khi có hơn 90% số vốn là tiền vay từ các ngân hàng, công ty lớn. Hoạt động này có thể nhìn từ 2 phía, hoặc là nỗ lực của lãnh đạo Tổng công ty, hoặc là sự “liều mạng có mục đích”!

Tất nhiên không ai muốn điều thứ 2 xảy ra, nhất là đối với mảnh đất miền Trung còn quá nhiều khó khăn. Nhưng, sự thật đáng buồn... Bên cạnh số ít dự án do Cosevco đầu tư xây dựng đạt hiệu quả như: Nhà máy gạch Granite Long Hầu, Granite Huế; các trạm nghiền ximăng Hòa Khánh, Phú Yên, phần lớn các dự án còn lại đều rơi vào cảnh dở khóc, dở cười.

Chẳng hạn, dự án BOT đường Ngọc Hồi - Dốc Múi, công trình có tổng mức đầu tư 29 tỉ đồng, được xây dựng hoàn thành tháng 7/2003; nhưng do dự án lập thiếu tính khả thi nên sau khi đưa vào sử dụng tiền thu phí không đủ trả lương hàng tháng cho công nhân quản lý trạm; kinh phí duy tu, bảo dưỡng không có; bản thân dự án không trả được nợ ngân hàng. --PageBreak--

Đặc biệt, ở tỉnh Quảng Trị, dự án Nhà máy cán thép 250.000 tấn/năm với tổng vốn phê duyệt 254 tỉ đồng, sau nhiều năm thi công đến nay chỉ có một nhà 3 tầng không người ở, 1 gara chỉ với 1 chiếc xe đạp của 2 cha con ông bảo vệ! Bên cạnh đó, hàng chục công trình có vốn đầu tư rất lớn như: Công trình thủy lợi Bình Chánh, thủy lợi sông Vố, đường ngập lụt Đông Hà - Quảng Ngãi, Khu du lịch Lăng Cô... phải thi công kéo dài dẫn đến thua lỗ nặng nề...

Cùng bị bắt tạm giam với ông Trần Xuân Đính có đến 4 cán bộ chủ chốt là tay chân của ông ta liên quan đến dự án Nhà máy Gỗ ván MDF Geruco Cosevco tại Quảng Trị.

Đó là ông Nguyễn Anh Dũng, nguyên Giám đốc Trung tâm Khoa học công nghệ xây dựng Cosevco, thành viên tổ tư vấn xét thầu dự án Nhà máy; Hoàng  Công Uyên, nguyên Giám đốc Công ty Xây dựng & Sản xuất gỗ MDF Cosevco, chủ đầu tư dự án Nhà máy; Đặng Ngọc Thành, nguyên Trưởng ban Quản lý dự án xây dựng nhà máy, hiện đang là Tổng giám đốc Công ty cổ phần Xây dựng 78 và Hồ Sỹ Quảng, nguyên là kế toán trưởng dự án... Một dự án với nhiều cán bộ Cosevco phải dắt nhau vào “nhà đá” ắt phải có... vấn đề.

Khám xét nhà Hoàng Công Uyên.

Qua tìm hiểu, được biết: Năm 2002, Công ty Xây dựng 78, trực thuộc Cosevco, làm chủ đầu tư, xây dựng Nhà máy Gỗ ván MDF Quảng Trị, công suất 30.000m3 sản phẩm/năm, tại phường Đông Lương, thị xã Đông Hà (nay là Khu Công nghiệp Nam Đông Hà). Dự án được Bộ Xây dựng chấp thuận, với mức đầu tư 299.755.000.000 đồng.

Đồng thời, Cosevco tiến hành mở hợp đồng đấu thầu ngoại (hợp đồng gói số 1), mua thiết bị dây chuyền sản xuất phục vụ nhà máy. Sau nhiều lần điều chỉnh, Cosevco thống nhất với Công ty Xây dựng 78, nâng công suất 30.000m3 sản phẩm/năm lên 60.000m3 sản phẩm/năm. Hợp đồng đấu thầu lần này căn bản dựa trên hợp đồng lần trước. Kết quả, Hãng Maschinenfabrik J. Diffenbacher GmbH&Co (Đức) trúng thầu với giá 16.120.699 USD.

Thế nhưng, thật khó tin khi mọi sự đã an bày thì ngày 12/7/2007, ông Đính lại ký hợp đồng với ông Mr. Tilman Helmer, Giám đốc hãng trên, với giá 16.696.474 EUR. Ngày 10/1/2004, Hội đồng Quản trị Cosevco có Quyết định số 21/TCT-DA phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư Dự án Nhà máy Gỗ ván MDF Geruco Cosevco từ 299.755.000.000 đồng lên 386.999.949.000 đồng. Song, không dừng lại ở đó... Sau nhiều lần điều chỉnh, dự án này đã có số vốn đầu tư  “đội” lên đến 462 tỉ đồng!

Ngoài những khuất tất trong việc ký hợp đồng mua thiết bị ngoại, tăng vốn đầu tư lên gần 2 lần so với số vốn được duyệt ban đầu, khi thực hiện dự án, vốn tự có (vốn điều lệ) của Cosevco đối với dự án này chỉ có 4 tỉ đồng (?!). Đó là chưa kể đến giá trị sản phẩm làm ra có lớn hơn hoặc thậm chí là bằng lãi suất nợ ngân hàng hay không.

Trên thực tế, lãnh đạo Cosevco không chỉ mờ ám trong việc ký hợp đồng mua thiết bị ngoại, nâng vốn đầu tư nhằm trục lợi cá nhân mà còn rút mất 18 hạng mục cần thiết khi thi công Nhà máy Gỗ ván MDF Cosevco. Hậu quả, sản phẩm làm ra ít, môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng, nợ ngân hàng kéo dài...   

Bên cạnh dự án Nhà máy Gỗ ván MDF-Cosevco, năm 2002, lãnh đạo Cosevco phê duyệt dự án đầu tư xây dựng nhà máy thép công suất 250.000 tấn/năm cũng tại phường Đông Lương, thị xã Đông Hà với tổng mức đầu tư 254 tỉ đồng. Sau khi phê duyệt dự án, mặc dù chưa có vốn (chưa có ngân hàng nào đồng ý cho Cosevco vay), tháng 8/2002, lãnh đạo công ty này đã tiến hành khởi công xây dựng nhà máy.

Một nghịch lý khác, tại thời điểm khó khăn này Cosevco lại thông báo mời thầu thiết bị ngoại, đồng thời thương thảo ký hợp đồng với Hãng Simac. Năm 2004, sau một quá trình thương thuyết, Quỹ Hỗ trợ phát triển đồng ý về nguyên tắc cho vay 100 tỉ đồng.

Trên thực tế, tháng 1/2004, Cosevco chỉ nhận được 10 tỉ đồng của Quỹ Hỗ trợ phát triển chuyển về Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Quảng Trị để mở LC (thư tín dụng) đặt cọc đợt 1 là 350.000 euro (tương đương 7,5 tỉ đồng theo tỉ giá năm 2004).

Tuy nhiên, ngày 27/4/2004, ông Marco Fattori, Giám đốc điều hành Hãng Simac có công văn yêu cầu phía Cosevco mở LC chuyển tiền đợt 2. Nếu không Hãng Simac sẽ không chịu tổn thất gây ra, tức là Cosevco sẽ mất trắng 7,5 tỉ đồng đặt cọc đợt 1.

Mãi sau hơn 1 năm, do Cosevco không vay thêm được vốn xây dựng nhà máy thép kể trên nên Quỹ Hỗ trợ phát triển đã có công văn rút lại quyết định cho Cosevco vay 100 tỉ đồng như đã hứa trước đó.

Sự “liều mạng” của lãnh đạo Cosevco mà trong đó ông Đính với vai trò chủ chốt, vẫn chưa chịu dừng lại ở đó, mà như xe tụt dốc không phanh. Đó là việc, sau khi san lấp mặt bằng và xây dựng một số hạng mục của dự án như nhà làm việc 3 tầng, gara để xe..., còn lập nên Ban quản lý nhà máy rất... quy mô (!).

Theo ông Nguyễn Công Huấn: Việc đầu tư dự án nhà máy thép ở Quảng Trị gây thiệt hại khoảng 20 tỉ đồng. Số tiền đó bao gồm 7,5 tỉ đồng đặt cọc cho Hãng Simac, tiền lương và các chi phí hoạt động khác cho 6 đời làm Trưởng ban quản lý nhà máy, tiền xây dựng một số hạng mục của dự án, tiền chạy vay vốn trong 3 năm, tiền lãi ngân hàng... Dự án này, ông Phạm Văn Thìn, Ủy viên HĐQT Cosevco thanh minh: Do giá thép tăng đột biến và trượt giá ngoại tệ quá lớn nên tổng mức đầu tư tăng lên (!?)...

Có quá nhiều tiêu cực tại Cosevco để dẫn đến hệ quả ông Đính cùng những cán bộ dưới quyền từng là tay chân thân tín của mình bị bắt giam cũng là lẽ đương nhiên...

Long Vân - Thanh Bình
.
.