Pháp y - Bộ Công an:

Kết luận về nguyên nhân chết của sản phụ ở BV Nguyễn Đình Chiểu, tỉnh Bến Tre

Thứ Bảy, 10/12/2011, 21:35

00h15' vừa hồi sức, vừa phẫu thuật, các bác sĩ nhanh chóng lấy ra 1 bé gái nặng 3.600gr. Nhưng sau đó diễn biến của sản phụ Thủy rất nặng có dấu hiệu rối loạn đông máu, trụy mạch, hôn mê. Đến 5h20' ngày 2/11 thì sản phụ tử vong…Nghe thông báo sản phụ tử vong trên bàn mổ, gia đình chị Thủy phản ứng dữ dội đề nghị bệnh viện phải có câu trả lời về tinh thần thái độ phục vụ, năng lực chuyên môn và tại sao không quyết định mổ sớm để cứu bệnh nhân?

Ngày 2/11/2011, 19h30', chiếc A320 của Hãng Hàng không quốc gia Việt Nam hạ cánh xuống sân bay Tân Sơn Nhất, Tp HCM. Trong số hành khách đang vội vã qua cửa kiểm soát có các giám định viên pháp y của Viện Khoa học Hình sự - Bộ Công an đến từ thủ đô Hà Nội. Các anh thực hiện chuyến công tác khẩn cấp theo yêu cầu của Công an tỉnh Bến Tre để làm rõ nguyên nhân tử vong của sản phụ Phạm Thị Bạch Thủy, sinh năm 1979 hộ khẩu thường trú ở xã Mỹ Thạnh An, Tp Bến Tre vào sinh tại Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu ngày 31/10/2011. Bác sĩ - giám định viên đã có mặt tại Tp Bến Tre tiến hành khám nghiệm, giám định pháp y trường hợp tử vong của sản phụ Phạm Thị Bạch Thủy.

Sau đây là tóm tắt nội dung sự việc: Khoảng 14h30' ngày 31/10/2011 chị Thủy có dấu hiệu chuyển dạ sinh con nên được gia đình đưa vào khoa Sản Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu. Sau khi khám, bác sĩ yêu cầu chị Thủy nhập viện chờ sinh. Đến khoảng 23h30' ngày 2/11, chị Thủy được đưa vào phòng mổ vì không thể sinh thường được, quyết định sinh mổ được kíp trực và lãnh đạo Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu lựa chọn sau khi đã hội chẩn chuyên môn với Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ, Tp HCM. Lúc này sản phụ xuất hiện những triệu chứng bất thường như gồng cứng người, tím tái toàn thân, ngừng thở. Mạch, huyết áp chập chờn. Tiên lượng nặng.

00h15' vừa hồi sức, vừa phẫu thuật, các bác sĩ nhanh chóng lấy ra 1 bé gái nặng 3.600gr. Nhưng sau đó diễn biến của sản phụ Thủy rất nặng có dấu hiệu rối loạn đông máu, trụy mạch, hôn mê. Đến 5h20' ngày 2/11 thì sản phụ tử vong…

Nghe thông báo sản phụ tử vong trên bàn mổ, gia đình chị Thủy phản ứng dữ dội đề nghị bệnh viện phải có câu trả lời về tinh thần thái độ phục vụ, năng lực chuyên môn và tại sao không quyết định mổ sớm để cứu bệnh nhân?

Chiều ngày 2/11, bác sĩ Phạm Quốc Tuấn, Phó giám đốc Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu tỉnh Bến Tre thống nhất ý kiến với gia đình là phải giám định pháp y làm rõ nguyên nhân tử vong của sản phụ Thủy. Căn cứ quyết định trưng cầu giám định số 305 ngày 2/11/2011 của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Tp Bến Tre các chuyên gia pháp y Viện Khoa học hình sự đã có mặt tại Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu tiến hành khám nghiệm. Toàn bộ hồ sơ, bệnh án của sản phụ Thủy cũng đã được Cơ quan điều tra giao cho Cơ quan giám định nghiên cứu. Với tinh thần khẩn trương, đầy trách nhiệm, sau hơn hai tuần nghiên cứu hồ sơ, bệnh án và làm các xét nghiệm vi thể kết hợp kết quả giải phẫu pháp y, tại bản giám định số 2849 pháp y - Bộ Công an đã kết luận: Nguyên nhân chết của sản phụ Phạm Thị Bạch Thủy là rối loạn đông máu do tắc mạch ối!

Tắc mạch ối là một cấp cứu sản khoa tiên lượng rất nặng. Lý do là do nước ối xâm nhập vào máu mẹ gây hậu quả trụy tim mạch, ngừng hô hấp... Nó thường xảy ra trong quá trình chuyển dạ, tuy hiếm gặp song nếu chẳng may gặp phải thì tỉ lệ tử vong khá cao. Điều đặc biệt ở đây nằm ở chỗ tắc mạch ối thường xuyên xảy ra đột ngột, không hề có triệu chứng báo trước. Sản phụ khi vào viện hoàn toàn bình thường, khỏe mạnh, chỉ đến khi chuyển dạ mới bắt đầu xuất hiện dấu hiệu tắc mạch ối, với diễn biến nhanh, mạnh, nhiều lúc còn không kịp mổ cứu con...

Cái chết bất ngờ, khủng khiếp này được giới y học đặt tên là "đột tử sản khoa" do tắc mạch ối dẫn đến tử vong nhanh chóng trên sản phụ trước đó vào đẻ hoàn toàn bình thường nên rất dễ gây ra bức xúc cho gia đình. Trường hợp tử vong bất ngờ của sản phụ Phạm Thị Bạch Thủy qua khám nghiệm các chuyên gia pháp y Bộ Công an thấy rõ tình trạng đông máu trong phủ tạng, xét nghiệm đông máu của Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu ngày 2/11/2011 thể hiện chị Thủy rối loạn đông máu nặng (trước đó xét nghiệm này bình thường). Qua nghiên cứu người ta thấy trong nước ối có chứa chất gây rối loạn đông máu, vì thế khi tràn vào máu mẹ gây ra hàng loạt hiện tượng đông máu rải rác, hiện tượng thiếu chất fibrinogien làm chảy máu nhiều nơi, rỉ máu vết mổ...

Mặc dù tắc mạch ối được mô tả lần đầu vào năm 1941 trong y văn thế giới, nhưng ngày nay nó vẫn được coi là một cấp cứu sản khoa đáng lo ngại nhất bởi tỉ lệ tử vong cao. Đáng ngại hơn nữa là tắc mạch ối hoàn toàn không có triệu chứng báo trước, tuy thế chúng ta còn một điều an ủi rằng, nó xảy ra tương đối hiếm. Hãy thông cảm và chia sẻ với các cán bộ y tế sản khoa một khi họ đã cố gắng cấp cứu mà sản phụ bị tắc mạch ối vẫn không qua khỏi

NoeN
.
.