Kết thúc cuộc họp Thượng đỉnh EU: Một thoả hiệp kịp thời

Thứ Tư, 04/07/2007, 09:15

Cuộc họp thượng đỉnh EU được nhìn nhận như một thời điểm bước ngoặt mang tính quyết định đối với tương lai của châu Âu. Dù gặp phải những phản đối gay gắt từ phía Anh và Ba Lan, nhưng cuối cùng bản dự thảo hiến pháp mới cũng được thông qua đúng vào thời điểm đang trên bờ nguy cơ phá sản.

Đây không chỉ  được xem là một thành công của EU, mà còn là một thắng lợi chính trị của thủ tướng Đức Angela Merkel.

Những trở ngại ban đầu

Cuộc họp Thượng đỉnh EU kéo dài suốt 36 giờ được đánh giá là một cuộc họp căng thẳng và khó khăn nhất trong lịch sử những cuộc họp Thượng đỉnh EU kể từ năm 2003 đến nay.

Theo kế hoạch, cuộc họp sẽ diễn ra trong 2 ngày, nhưng trên thực tế đã phải kéo dài sang cả ngày thứ 3. Mục đích chính của kỳ họp lần này là phải bàn bạc và thông qua bản dự thảo hiến pháp chung châu Âu, được nước Đức soạn thảo và giới thiệu trước đó với tên gọi “Thỏa thuận về các cải cách”, với hy vọng sau khi thông qua sẽ trở thành những đạo luật cơ bản của EU.

Phải nói là trong suốt nửa năm qua, Thủ tướng Angela Merkel trên cương vị Chủ tịch đương nhiệm của EU đã tập trung rất nhiều nỗ lực với hy vọng bản hiến pháp mới sẽ được chính thức thông qua tại kỳ họp lần này. Đó là lý do trong bản dự thảo hiến pháp, phía Đức đã cân nhắc tính toán sao cho nội dung của nó có thể đáp ứng được tất cả những ý muốn của các đồng nghiệp.

Chẳng hạn như Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy không muốn để những đạo luật mới này gọi là hiến pháp. Còn Thủ tướng Anh Tony Blair lại không muốn EU có một bộ trưởng Ngoại giao chung, vì theo ông vấn đề chính sách đối ngoại phải là công việc riêng của từng quốc gia.

Hà Lan lại yêu cầu Quốc hội các nước thành viên có quyền phủ quyết các đạo luật chung của châu Âu. Tất cả những yêu cầu trên đều đã được tính đến trong bản “Thỏa thuận về các cải cách”. Tuy nhiên, những nỗ lực trên của bà Merkel vẫn là chưa đủ.

Trở ngại chính trên con đường thông qua bản hiến pháp này chính là Ba Lan, quốc gia hiện được ví von là “sự kìm hãm cải cách hiến pháp” tại EU. Ngay trước Hội nghị Thượng đỉnh tại Brussels  (Bỉ), hai anh em Kaczynski (là Tổng thống và Thủ tướng Ba Lan) đe dọa sẽ phủ quyết bản dự thảo cải cách hiến pháp này. Nguyên nhân chính được Warsaw đưa ra là bản dự thảo có những điều khoản mới ảnh hưởng tới hệ thống thông qua quyết định của Hội đồng châu Âu (EC).

Theo sơ đồ hiện nay, những vấn đề mang tính nguyên tắc của EU phải được thông qua với sự nhất trí của tất cả các thành viên, những vấn đề còn lại được quyết định theo nguyên tắc đa số.

Quy định này trên thực tế đã đánh đồng vai trò của các nước đông dân với những nước ít dân (như Đức với 82 triệu dân chỉ có được 29 phiếu tại EC, tức là chỉ nhiều hơn 2 phiếu so với Ba Lan, quốc gia chỉ có 38 triệu dân). Đức đã quyết định thay đổi “sự không công bằng này” bằng cách đưa vào một điều khoản cải cách, theo đó việc phân chia số phiếu trong EC phải tỉ lệ với số dân của từng quốc gia thành viên.

Nếu quy định mới này được thông qua, Ba Lan sẽ có số phiếu chỉ bằng một nửa so với Đức. Anh em nhà Kaczynski (những người đang rất nỗ lực tăng cường ảnh hưởng của Ba Lan tại EU) đã phản đối quyết liệt điều khoản sửa đổi trên.

Thái độ phản đối gay gắt không kém còn đến từ một quốc gia có ảnh hưởng hàng đầu tại EU là nước Anh.

Thủ tướng Tony Blair trước đó cũng tuyên bố, sẽ không đặt bút ký vào thỏa thuận chung, nếu như vẫn tồn tại những điều khoản chung của EU nhằm áp đặt vấn đề nhân quyền tại Anh. Cụ thể là London kiên quyết phản đối một số điều khoản mới cải cách Hiến chương về những quyền cơ bản của con người phải trở thành bắt buộc tại tất cả các nước EU.

“Chúng tôi muốn nhìn thấy châu Âu là một cộng đồng các quốc gia có chủ quyền, chứ không phải một siêu quốc gia của chung” – Ngoại trưởng Anh Margaret Beckett đã tuyên bố như vậy.

Thoả hiệp kịp thời!

Với tất cả những lý do đã nêu trên, Hội nghị Thượng đỉnh EU được cảnh báo là rất dễ xảy ra thất bại. Tình hình căng thẳng tới mức theo một số nguồn tin, Thủ tướng Angela Merkel đã chuẩn bị sẵn một kế hoạch dự phòng táo bạo, theo đó sẽ triệu tập một hội nghị quốc tế về thỏa thuận hiến pháp chung mà không có Ba Lan, sau khi có được sự đồng thuận của 26 quốc gia còn lại trong EU.

Trong lịch sử EU từng xảy ra một tiền lệ, Cộng đồng kinh tế châu Âu hồi năm 1985 đã triệu tập một hội nghị  bất chấp sự phản đối của Thủ tướng Anh Margaret Thatcher.

Dù sao, bước khai thông bế tắc như mong đợi cũng đạt được, sau một loạt cuộc đàm phán căng thẳng trong đêm 22, rạng sáng 23/6. Theo lời bà Merkel, 27 quốc gia thành viên EU đã thông qua một thỏa thuận hiến pháp mới đã được đơn giản hóa sẽ chính thức có hiệu lực vào giữa năm 2009. “Hy vọng từ năm 2009, chúng ta sẽ có một chủ tịch châu Âu và đại diện cao cấp về chính sách đối ngoại và an ninh chung” – bà Merkel giải thích.

Để có được bước nhượng bộ từ phía Ba Lan, các thành viên EU đã thống nhất sẽ chỉ triển khai những thay đổi bị quốc gia này phản đối theo lộ trình từ năm 2014 đến 2017.

Trước thời điểm này, EU vẫn bảo lưu hệ thống bỏ phiếu như hiện nay. Một “happy-end” (kết thúc có hậu) của hội nghị này cũng đạt được nhờ những thỏa thuận vào giờ chót với nước Anh.

Nước Anh sẽ được quyền tạm thời không tuân thủ một số điều khoản trong Hiến chương nhân quyền. London đồng thời còn có thể duy trì một chính sách đối ngoại độc lập theo xu hướng tiếp cận dần các hệ thống tiêu chuẩn chung của châu Âu.

Theo Thủ tướng Bồ Đào Nha Jose Socrates (người kế nhiệm chức Chủ tịch luân phiên EU thay bà Merkel từ ngày 1/7), nước này dự kiến sẽ chính thức thông qua thỏa thuận mới của EU vào kỳ họp Thượng đỉnh tháng 10 tới tại Lisbon.

Quá trình thống nhất châu Âu vừa vượt qua một thử thách quan trọng, trong hàng loạt bất đồng và mâu thuẫn giữa các thành viên. Một EU thống nhất và mạnh mẽ vẫn là mục tiêu đòi hỏi nhiều nỗ lực trong thời gian tới

Hồng Sơn (Tổng hợp)
.
.