Khám phá kênh đào kớn nhất thế giới từ thời La Mã

Thứ Năm, 29/07/2010, 23:55
Các nhà khảo cổ người Anh đã khám phá ra một con kênh đào rộng khoảng 90mét tại Portus, hải cảng cổ xưa thời La Mã, đây là nơi vận chuyển hàng hóa từ khắp đế quốc La Mã chuyển đến Rome có từ cách đây hơn 400 năm.

Các nhà khảo cổ từ các trường đại học như Cambridge, Southampton và Trường Anh Ngữ ở Rome tin rằng, kênh đào này đã liên kết với Portus, trên vùng duyên hải thuộc cửa sông Tiber, nằm gần cảng sông Ostia, cách đó 2 dặm. Những con tàu chở hàng lớn trên đại dương lợi dụng kênh đào này để bốc dỡ hàng hóa thông qua các tàu hàng nhỏ hơn chạy trên sông Tiber và neo đậu tại các bến thuyền và nhà kho trên đất La Mã. Cho mãi đến ngày nay, người ta mới biết kênh đào này là một phần của tuyến đường thời La Mã có tên gọi là Via Flavia.

Theo ông Simon Keay, Giám đốc của công trình khai quật kênh đào, phát biểu: "Đây quả thật là một khám phá hết sức quan trọng. Thông thường những con kênh đào hiện nay có chiều rộng từ 20-40mét, riêng con kênh đào vừa mới phát hiện này có chiều rộng lên đến 90mét, quả thật là rất hoành tráng. Có một hòn đảo nhỏ nằm ở giữa kênh đào và một cây cầu bắc ngang qua nó. Mọi thứ đều ẩn giấu cho mãi đến thời điểm hiện tại".

Con kênh đào ngầm này được phát hiện trong một cuộc nghiên cứu của Giáo sư (GS) Martin Millett từ Trường đại học Cambridge, ông đã sử dụng các thiết bị nghiên cứu địa vật lý và khám phá ra tính khác thường về từ trường dưới lòng đất. Công cuộc khai quật được diễn ra dưới sự hỗ trợ của các nhà khảo cổ học người Italia, họ đã vén bức màn bí mật về một mạng lưới giao thương hoàn hảo mà người La Mã đã phát triển xuyên suốt qua khu vực Địa Trung Hải từ Tây Ban Nha đến Ai Cập và vùng Tiểu Á. Thậm chí các nhà khảo cổ học còn khám phá ra những bằng chứng cho thấy có một mối quan hệ giao thương từ con kênh đào này với khu vực Bắc Phi.

Kênh đào Via Flavia, một phần của tuyến đường giao thương thời La Mã.

Các nhà khảo cổ còn tìm thấy hàng trăm chiếc vò hai quai vốn xưa kia được dùng để vận chuyển dầu thực vật, rượu và loại nước mắm mang tên là "Garum", đến bán ở những vùng đất mà ngày nay thuộc về lãnh thổ hai quốc gia là Tunisia và Libya. Một số lượng lớn lúa mỳ được nhập khẩu từ các tỉnh thuộc về Ai Cập và châu Phi, vốn xưa kia là vùng đất đặt dưới quyền kiểm soát của đế quốc La Mã. GS. Simon Keay nói: "Những thứ vừa tìm thấy được cho thấy rằng xưa kia nơi đây từng là trạm trung chuyển một lượng lớn lúa mì từ Bắc Phi vào cuối thế kỷ Thứ II sau CN xuyên suốt qua các thế kỷ thứ V và VI".

Các nhà khảo cổ người Anh tin rằng, cảng Portus và cảng Ostia xưa kia là nơi sinh sống của một bộ phận lớn kiều dân Bắc Phi với nhiều gia đình làm nghề buôn bán và các văn phòng hoạt động thương mại sầm uất, thể hiện qua các mẫu tự được khắc họa trên các tấm bia đá còn sót lại. Cảng Portus là cảng chính dưới thời La Mã cổ đại trong suốt hơn 500 năm, đây là nơi tập kết các mặt hàng thủy tinh, gốm sứ, đá cẩm thạch và nô lệ cùng các loại thú rừng hoang dã bị bắt được ở châu Phi, sau đó được chất lên tàu chở đến La Mã.

Công trình xây dựng con kênh đào này đã được triển khai dưới thời Hoàng đế Claudius. Bạo chúa Nero đã khánh thành con kênh đào này, sau đó kênh đào được mở rộng dưới thời Trajan. Các nhà khảo cổ đã khai quật ra tàn tích của một nhà kho lớn từ thời La Mã, một toà nhà có dáng dấp của một cung điện cổ và một nhà hát nhỏ có thể nơi đây xưa kia là chỗ của các võ sĩ giác đấu thi thố tài năng.

Trong quá trình khai quật còn tìm thấy hàng tá bộ xương người và một tượng đầu người có râu quai nón làm bằng đá cẩm thạch trắng có niên đại từ thế kỷ thứ II hoặc thứ III, tượng đầu người này có lẽ là hình ảnh tượng trưng của Ulysses. Các nhà khảo cổ đang hy vọng rằng họ sẽ tìm thấy thêm nhiều phát hiện mới nằm bên dưới lòng đất nhằm có cái nhìn rõ hơn về mạng lưới thương mại hết sức phồn thịnh từ thời La Mã. Họ tin rằng cảng Portus đã trở thành phế tích sau khi nơi đây bị tàn phá vào thế kỷ thứ VI, nơi mà từng có thời kỳ được mệnh danh là một trong những đô thị cổ nổi tiếng nhất thế giới.

GS. Simon Keay phát biểu: "Portus phải là một trong những điểm khảo cổ học quan trọng nhất thế giới. Giá trị của Portus chắc chắn sẽ là vô giá một khi được bảo tồn kỹ lưỡng, nó đóng một vai trò quan trọng trong sự thành công của đế quốc La Mã"

Nguyễn Thanh Hải (theo Telegraph)
.
.