Khát vọng mang tên hòa bình

Thứ Tư, 27/02/2019, 17:26
Chỉ còn ít giờ nữa là những vấn đề trọng tâm của Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên lần hai sẽ được bàn thảo. Chưa rõ kết quả thế nào nhưng việc hai nhà lãnh đạo của Mỹ và Triều Tiên thêm một lần nữa “ngồi” lại với nhau trong bầu không khí nồng ấm, kiến tạo hòa bình của nước chủ nhà Việt Nam đã cho thấy thiện chí từ các bên.

Mùa xuân được ví như sự khởi đầu của một năm thì cuộc gặp lần này được trông đợi sẽ biến khát vọng hòa bình của hàng triệu người thành sự thực.

Thuận nhiều hơn nghịch

Chắc chắn vấn đề phi hạt nhân hóa trên Bán đảo Triều Tiên và chấm dứt lệnh trừng phạt chống lại Bình Nhưỡng sẽ là những vấn đề chính được đưa ra để đàm phán. Bởi vấn đề này là vấn đề khó nhất và là rào cản khiến mọi nỗ lực hiện vẫn trong thế bế tắc. Câu hỏi đặt ra là phía Mỹ muốn gì?

Phi hạt nhân hóa là mục tiêu tối quan trọng mà Washington đang tìm cách đạt được. Điều đó có nghĩa là loại bỏ toàn bộ chương trình vũ khí hủy diệt hàng loạt - việc sản xuất các loại vũ khí đó cũng như tên lửa đạn đạo xuyên lục địa có thể mang theo chúng.

Lực lượng Công an Việt Nam sẵn sàng cho Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều tại Hà Nội.

Với mong muốn như vậy hội nghị thượng đỉnh lần này có thể giải quyết điều gì? Cách đây vài ngày, giới chức Mỹ ngày 21-2 cho biết tại hội nghị, Mỹ sẽ tìm cách để thiết lập một thỏa thuận chung với CHDCND Triều Tiên về cách thức phi hạt nhân hóa. Washington cũng hy vọng tìm cách thiết lập một lộ trình đặt ra các kỳ vọng và tiến trình cho các cuộc đàm phán về phi hạt nhân hóa sau hội nghị thượng đỉnh tuần này. Phong tỏa các chương trình tên lửa và vũ khí hủy diệt hàng loạt cũng có thể nằm trong chương trình nghị sự.

Vậy còn CHDCND Triều Tiên muốn gì? Nước này đã công khai kêu gọi chấm dứt các lệnh trừng phạt kinh tế do Mỹ và Liên Hiệp Quốc áp đặt. Tuy nhiên, quan điểm của Bình Nhưỡng về phi hạt nhân hóa trên Bán đảo Triều Tiên có thể bao gồm việc dỡ bỏ sự bảo trợ về hạt nhân của Mỹ đối với Hàn Quốc và các phương tiện có năng lực hạt nhân. Một số quan chức Hàn Quốc, nghị sĩ Mỹ và một số khác đã bày tỏ quan ngại rằng CHDCND Triều Tiên đang kêu gọi sự thay đổi về mức độ lực lượng Mỹ đồn trú tại Hàn Quốc.

Tuy nhiên, Tổng thống Trump ngày 22-2 cho biết không bàn thảo về việc này. Lâu nay, CHDCND Triều Tiên cũng đã kêu gọi về một thỏa thuận hòa bình với Mỹ để bình thường hóa quan hệ và chấm dứt tình trạng chiến tranh vốn tồn tại kể từ cuộc Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953 được kết thúc với một thỏa thuận đình chiến thay vì hiệp ước hòa bình.

Căn cứ vào thực tế trước khi hội nghị diễn ra, Washington không muốn ký vào hiệp ước hòa bình toàn diện trước khi CHDCND Triều Tiên tiến hành phi hạt nhân hóa hoàn toàn. Tuy nhiên, giới chức Mỹ đã tỏ ra có thể sẵn sàng ký vào văn bản này với một thỏa thuận được giới hạn nhiều hơn để giảm căng thẳng, mở văn phòng liên lạc và hướng tới bình thường hóa quan hệ giữa hai nước. Tháng 1-2018, Chủ tịch Kim Jong-un cho biết Triều Tiên “sẵn sàng mở cửa trở lại khu công nghiệp Kaesong và các tuyến du lịch đến núi Kumgang mà không cần đến bất kể điều kiện tiên quyết hay thỏa thuận nào”.

Hai dự án liên Triều đòi hỏi ít nhất phải dỡ bỏ phần nào lệnh trừng phạt để nối lại hoạt động. Ông Kim cũng cho biết CHDCND Triều Tiên đang tìm kiếm “những hành động thiết thực tương ứng từ phía Mỹ” cho “các biện pháp thực tế khác nhau”, cho thấy nước này đã sẵn sàng cho việc phi hạt nhân hóa hoàn toàn trên Bán đảo Triều Tiên.

Hình ảnh hai nhà lãnh đạo tại cuộc gặp lần thứ nhất ở Singapore. Ảnh: DtiNews.

Nhận định chung về hội nghị này, ngày 25/2, Giám đốc Trung tâm chiến lược Nga tại châu Á - Viện Kinh tế - Viện Hàn lâm Khoa học Nga, chuyên gia hàng đầu của Nga nghiên cứu về CHDCND Triều Tiên, ông Georgy Toloraya dự báo các quyết định bất ngờ nhiều khả năng sẽ được đưa ra trong các cuộc tiếp xúc giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un tại Hà Nội.

Hội nghị thượng đỉnh lần này diễn ra trong bối cảnh tình hình quốc tế cũng như tình hình hai nước Mỹ-Triều có thể tác động ít nhiều tới cục diện đàm phán hay kết quả có thể đạt được, kể từ sau hội nghị lần đầu tiên tháng 6-2018 tại Singapore. Xét về bối cảnh quốc tế rộng hơn, có thể thấy một đặc điểm nổi bật là căng thẳng gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc và đặc biệt là sự leo thang của cuộc chiến tranh thương mại giữa hai nước.

Điều này cho thấy Mỹ đang nhìn nhận Trung Quốc như là một thách thức an ninh chủ chốt, đe dọa vị thế siêu cường của Mỹ. Chính vì vậy có một lý do để tin rằng Mỹ mong muốn có thể giải quyết được vấn đề Triều Tiên để có thể tập trung các nguồn lực nhằm đối phó các ưu tiên an ninh hàng đầu của mình. Điều đó cũng cho thấy Mỹ có thể đưa ra một số nhượng bộ để giúp đạt được một số tiến triển trong hội nghị lần này.

Bản thân Triều Tiên trong thời gian qua, dù chưa có những bước đi cụ thể để hướng tới phi hạt nhân hóa nhưng bản thân Chủ tịch Kim Jong-un và bộ máy lãnh đạo dường như vẫn đang có sự cam kết mạnh mẽ đối với tiến trình hòa bình cũng như quá trình đổi mới đất nước. Cụ thể là những đổi mới ở các cấp độ khác nhau vẫn đang được tiến hành ở CHDCND Triều Tiên và nó mở ra một hy vọng rằng trong hội nghị lần này, họ cũng mong muốn sẽ đạt được những tiến bộ trong đàm phán với Mỹ, tiến tới sẽ được dỡ bỏ các lệnh cấm vận, từ đó có thể tiến hành đổi mới, mở cửa đất nước.

Những sự phân tích ở trên cho thấy không khí lạc quan về triển vọng cũng như kết quả của đàm phán Mỹ-Triều lần 2 là rất có cơ sở. Bởi nó xuất phát từ nhu cầu thực tế của cả hai bên. Nếu kết quả hội nghị diễn ra thuận lợi, CHDCND Triều Tiên muốn có tiến triển để khai thông quan hệ với Mỹ, từ đó tạo bước đột phá trong cải cách đất nước cũng như cải cách chính sách đối ngoại, thoát khỏi thế bao vây, cô lập, cấm vận. Phía Mỹ cũng vậy, muốn giải quyết vấn đề Triều Tiên để có thể tập trung nguồn lực đối phó với các thách thức an ninh chủ chốt cũng như tạo uy tín cho Tổng thống Donal Trump trước thềm bầu cử vào năm tới.

Một đoàn thám hiểm thể hiện sự ủng hộ đối với thành công của hội nghị. Ảnh: AP.

Vượt qua khác biệt

Tuy nhiên, cũng cần phải lưu ý rằng vấn đề hạt nhân ở Bán đảo Triều Tiên hết sức nan giải, đã tồn tại hàng chục năm nay và đã có nhiều nỗ lực khác nhau để tìm cách hóa giải. Cho tới gần đây, tiến trình này vẫn chưa có kết quả do vấn đề hạt nhân của Bán đảo Triều Tiên có tầm quan trọng sống còn đối với an ninh của CHDCND Triều Tiên và chính phía Mỹ cũng nhìn nhận vấn đề này như một mối đe dọa sống còn đối với an ninh của Mỹ và các đồng minh. Chính vì vậy, rất khó để hai bên có thể nhanh chóng đạt một thỏa thuận đột phá.

Mặt khác, cần hình dung rằng để giải quyết vấn đề, rõ ràng khoảng thời gian hơn một năm chắc chắn là chưa đủ mà vẫn cần phải có nhiều thời gian hơn. Đây là lý do tại sao mà dù đặt nhiều hy vọng, có sự lạc quan nhưng chỉ là lạc quan một cách thận trọng. Giới phân tích cho rằng, giữa Mỹ và CHDCND Triều Tiên tại hội nghị thượng đỉnh lần 2 này có thể đạt được những tiến bộ nhất định, rõ ràng hơn về “tiến trình phi hạt nhân hóa” của CHDCND Triều Tiên để từ đó gợi mở các bước đi tiếp theo.

Nói cụ thể hơn, đó là một lộ trình đàm phán giữa hai bên để có thể đi tới giải pháp cuối cùng và thực chất. Cũng có thể có một kết quả trong bối cảnh nếu hai bên muốn thể hiện thiện chí trong khi chưa thể đạt được bước đi thực chất về vấn đề phi hạt nhân hóa, đó là đưa ra tuyên bố chính thức chấm dứt cuộc Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953). Qua đó, mở đường cho việc xây dựng lòng tin giữa hai bên, cũng như tạo thuận lợi cho đàm phán vấn đề sống còn là phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên.

Cần nhìn nhận sự tích cực này bằng cả quá trình “có đi, có lại” với nhau. Nếu CHDCND Triều Tiên chưa có được sự nhượng bộ hoặc không có những đảm bảo từ phía Mỹ trong thỏa thuận thì nước này cũng không vội vàng tiến hành những bước đi để phi hạt nhân hóa. Có thể thấy rằng, vấn đề phi hạt nhân hóa đang là con bài chủ chốt của CHDCND Triều Tiên để đàm phán với Mỹ.

Vì vậy, nếu Mỹ không đưa ra được sự nhượng bộ hay lộ trình để đảm bảo hướng tới một kết quả hai bên cùng có lợi thì CHDCND Triều Tiên không dễ dàng từ bỏ con bài của mình. Chính vì vậy, trong cuộc đàm phán lần này, vấn đề mấu chốt là làm sao để hai bên có thể đưa ra một định nghĩa rõ ràng về như thế nào là “phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên” và từ đó vẽ ra một lộ trình để có thể đáp ứng được nguyện vọng của cả hai bên.

Sự kiện nhận được sự quan tâm đặc biệt của báo chí quốc tế. Ảnh: DtiNews.

Việt Nam - điểm đến hòa bình

Việc Việt Nam được Mỹ và CHDCND Triều Tiên lựa chọn là địa điểm tổ chức hội nghị thượng đỉnh lần này cho thấy cả hai bên đều rất tin tưởng Việt Nam và hy vọng rằng việc lựa chọn này sẽ góp phần thúc đẩy tiến trình hòa giải cũng như là tiến trình mở cửa, cải cách của CHDCND Triều Tiên. Cho dù chưa có kết quả hội nghị nhưng việc các nhà lãnh đạo của hai bên bày tỏ thiện chí với Việt Nam về cách mà Việt Nam tổ chức để hội nghị đi tới thành công đã thêm một lần khẳng định vai trò và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế ngày một gia tăng. Bên cạnh đó, quan hệ giữa Việt Nam với Mỹ cũng như với CHDCND Triều Tiên sẽ có thêm một điểm tựa, một nền tảng mới để phát triển vững mạnh hơn nữa trong tương lai.

Tờ Nikkei của Nhật Bản vừa có bài nhận định, Tổng thống Mỹ Donald Trump dường như tin rằng Chủ tịch CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un thực sự có ý định từ bỏ vũ khí hạt nhân tại hội nghị thượng đỉnh Hà Nội, nơi sẽ đòi hỏi sự nhượng bộ lớn từ cả hai nguyên thủ. Tổng thống Trump, người từng tuyên bố sau hội nghị thượng đỉnh ở Singapore rằng mối đe dọa hạt nhân từ CHDCND Triều Tiên đã chấm dứt. Tổng thống Trump tin rằng nhà lãnh đạo Kim rất nghiêm túc trong cải cách kinh tế, điều lần đầu tiên được khởi xướng tại đại hội Đảng Lao động Triều Tiên năm 2016, khi Bình Nhưỡng chuyển trọng tâm về chính sách kinh tế, từ an ninh dựa trên quân sự sang phát triển.

Trong thông điệp đầu năm mới vừa qua, nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên đã tiến thêm một bước nữa khi nhấn mạnh sự chuyển đổi nguồn lực từ các nhà máy sản xuất đạn dược sang sản xuất nông nghiệp và phi quân sự. Sự thay đổi chiến lược này rõ ràng chịu ảnh hưởng từ “tấm gương” Việt Nam, thể hiện ở sự “nhộn nhịp” các cuộc gặp song phương giữa quan chức hàng đầu của hai nước.

Trong khi đó, trang mạng tạp chí Foreignpolicy của Mỹ ngày 21/2 cho rằng, tại hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần này, nước chủ nhà Việt Nam có thể là bên chiến thắng lớn nhất. Theo bài viết, khi cả thế giới chờ xem liệu Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un có tiến được bước nào khi gặp nhau ở Hà Nội hay không, thì nước đăng cai sẽ chứng kiến bước nhảy vọt ngoại giao của chính mình. Việt Nam, quốc gia mà chỉ 30 năm trước vẫn nằm trong số những nước nghèo nhất thế giới, đang chứng tỏ là nước chủ nhà nhạy bén của cuộc đàm phán song phương nhạy cảm nhất thế giới này.

Đối với Việt Nam, hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều mang đến cả uy tín trên trường quốc tế lẫn cơ hội để tạo ấn tượng tốt với một Tổng thống Mỹ. Tổ chức các sự kiện quốc tế không phải là điều xa lạ với Việt Nam. Tuy nhiên, lần này, Việt Nam đã và đang thể hiện rõ nét một thành viên rất trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Chính quyền ông Trump cũng đã nhắc đến ý này trong thông điệp về CHDCND Triều Tiên.

Việc đăng cai tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần 2 tiếp tục khẳng định vị thế ngày càng cao của đất nước, đồng thời thể hiện vai trò và đóng góp tích cực, có trách nhiệm của Việt Nam đối với các vấn đề quốc tế.

Đúng như một tờ báo của Triều Tiên từng viết, Hà Nội có thể là điểm hẹn lịch sử khi các bên công nhận nhau, tôn trọng nhau.

Hoa Huyền
.
.