Khi Palestine ở vị thế mới

Thứ Ba, 07/04/2015, 16:25
Từ ngày 1/4/2015, Palestine chính thức là thành viên Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) sau một thời gian dài chính quyền Palestine và những quốc gia yêu chuộng hòa bình đấu tranh… mệt mỏi. Cùng lúc này, một tiến trình hòa bình mới giữa Israel và Palestine được Pháp đề xuất. Với vị thế là một thành viên ICC của Palestine, liệu tiến trình đàm phán mới sẽ bước đột phá hay lại chết từ trong trứng nước?

Ngày 1/4/2015, Palestine chính thức là thành viên ICC sau hơn một năm quyết định gia nhập định chế tư pháp quốc tế này.

Điều này mở đường cho việc truy tố các lãnh đạo Israel vì những tội ác chiến tranh trong bối cảnh tiến trình hòa bình Palestine-Israel đang bị ngưng trệ.

Theo các chuyên gia, để đưa các lãnh đạo Israel ra xét xử trước ICC, phía Palestine sẽ phải trình bày với ICC về tình hình, thông báo cho ICC các tội ác mà Israel gây ra, ví dụ trong cuộc xung đột gần đây nhất ở Dải Gaza.

Tiếp theo, Chưởng lý của ICC sẽ quyết định có mở cuộc điều tra hay không. Các thủ tục cần phải làm để ICC xét xử những lãnh đạo Israel sẽ rất lâu và không có gì là chắc chắn cả.

Chủ tịch Palestine Mahmoud Abbas ký hiệp định gia nhập ICC.

Ngay từ đầu, Israel đã phản đối việc Palestine gia nhập ICC và đã quyết định ban bố các trừng phạt tài chính nhắm vào chính quyền Palestine. Thế nhưng, ngày 27/3 vừa qua, Tel Aviv đã gỡ bỏ các trừng phạt này. Trong khi đó, quan hệ giữa các lãnh đạo Palestine và Israel vẫn rất xấu.

Bộ Ngoại giao Mỹ đã không nhẹ tay chút nào. Sau khi xác định thái độ vô cùng quan ngại của Mỹ về hành động của Palestine, phát ngôn viên Jeffrey Rathke lên án “một hành động leo thang phản tác dụng, không mang lại gì cho nguyện vọng của người dân Palestine muốn có được một nhà nước có chủ quyền và độc lập”.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ đánh giá hành động trên của Palestine không thể tạo ra không khí tốt cho một thỏa thuận với những người mà Palestine muốn làm lành.

Thật ra phản ứng gay gắt của Mỹ không có gì đáng ngạc nhiên. Mỹ luôn chống đối mọi hành động đơn phương của Palestine hướng tới các tổ chức quốc tế. Washington đánh giá là tranh chấp Israel-Palestine chỉ có thể được giải quyết qua đàm phán trực tiếp mà thôi, cho dù là đàm phán hai bên đã ngưng. Riêng Ngoại trưởng John Kerry thì vẫn nuôi hy vọng thúc đẩy trở lại tiến trình hòa bình.

Ngay sau thông báo của ICC, truyền thông Israel đưa tin: Trong vòng 12 ngày tới, Pháp sẽ trình một dự thảo nghị quyết lên Hội đồng Bảo an LHQ về quy chế Nhà nước của Palestine.

Theo giới ngoại giao Pháp, dự thảo này sẽ xác định các đường ranh giới trước năm 1967 để các bên tham khảo trong cuộc đàm phán hòa bình giữa Palestine và Israel, nhưng có thể cho phép đổi đất.

Đề xuất này cũng định rõ Jerusalem là thủ đô của cả Israel và một Nhà nước Palestine, đồng thời kêu gọi một giải pháp công bằng cho người tị nạn Palestine.

Thông tin trên xuất hiện vài ngày sau khi Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius công bố kế hoạch xúc tiến đàm phán tại LHQ về một nghị quyết mới của Hội đồng Bảo an nhằm khôi phục các triển vọng hòa bình Israel-Palestine.

Mặc dù nội dung không khác nhiều với những đề xuất từng thất bại trước đây, Pháp đang kỳ vọng văn kiện lần này sẽ tránh được lá phiếu phủ quyết của Mỹ tại LHQ trong bối cảnh Washington ngày càng tỏ ra thất vọng với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu.

Trong khi đó, ngày 31/3, Ủy viên Trung ương phong trào Fatah, Othman Abu Gharbieh cho rằng, Hiệp định hòa bình Oslo "đã chết" và ban lãnh đạo chính quyền Palestine sắp đề nghị Hội đồng Bảo an LHQ công nhận một Nhà nước Palestine trên cơ sở các đường giới tuyến trước năm 1967.

Ông Gharbieh khẳng định, Palestine sẽ không quay lại tiến trình hòa bình trước đây với Israel, nhất là sau kết quả bầu cử của Israel.

Ông nói: "Hiệp định Oslo đã chết dù chưa có giấy chứng tử. Chúng tôi sẽ phải sử dụng các biện pháp tẩy chay, trừng phạt của quốc tế và kháng chiến chống Israel". Palestine cũng sẽ thực hiện ý định ngừng phối hợp an ninh với Israel.

Ngày 1/4, thủ lĩnh chính trị của phong trào Hamas Khaled Mashal lên tiếng kêu gọi phương Tây gây áp lực đối với Israel hơn là đối với Palestine nhằm "chấm dứt sự ngoan cố của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu", đồng thời lên án cái mà ông này coi là "chủ nghĩa cực đoan Israel".

Thủ lĩnh Hamas cáo buộc "Israel với giới lãnh đạo cực đoan" đang giết chết tiến trình hòa bình Trung Đông, giải pháp hai nhà nước và tất cả các cơ hội nhằm đạt được một giải pháp chính trị đối với vấn đề Palestine.

Ông Mashal cũng cảnh báo, các cuộc tấn công của người dân Palestine nhằm vào Israel sẽ tiếp tục "chừng nào còn sự chiếm đóng, xâm lược, chiến tranh và sát hại", đồng thời nhấn mạnh: "Chúng tôi không tìm kiếm bất kỳ sự leo thang căng thẳng nào nhưng chúng tôi sẽ phải tự bảo vệ mình".

Trước đó ngày, 26/3, Tổ chức Ân xá Quốc tế cho biết các nhóm vũ trang ở Palestine, trong đó có Hamas, đã phạm tội ác chiến tranh qua việc bắn rốckét và những quả đạn tự chế vào Israel trong cuộc xung đột ở Dải Gaza hồi năm ngoái.

Hôm 1/4, Thiếu tướng Eyal Eizenberg, Tư lệnh mặt trận hậu phương Israel, đã tiết lộ rằng nước này có thể hứng chịu hàng trăm hoặc thậm chí hàng nghìn quả rốckét mỗi ngày trong một cuộc chiến tranh tương lai với lực lượng Hezbollah ở Liban, có nguy cơ gây thương vong lớn.

Ông Eizenberg cảnh báo người dân Israel cần sẵn sàng đối mặt với nguy cơ thương vong lớn. Quân đội Israel vừa cập nhật đánh giá mới nêu trên về khả năng diễn ra một cuộc tấn công của Hezbollah và đã bắt đầu phân phát tài liệu này cho các chính quyền địa phương trên khắp cả nước.

Chính quyền cũng đang phác thảo các kế hoạch chính thức cho khả năng sơ tán dân thường quy mô lớn để đối phó với kịch bản chiến tranh nói trên.

Căn cứ trên những diễn biến mới nhất sau khi Palestine gia nhập ICC, các nhà phân tích lo ngại rằng tiến trình hòa bình tại Trung Đông trong thời gian tới sẽ vô cùng phức tạp, rất có thể xảy ra giao tranh lớn.

Mộc Thạch (tổng hợp)
.
.