Khi chuyện ốc vít đặt lên bàn nghị sự

Thứ Ba, 28/10/2014, 10:45

Thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội năm 2014 và dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015, nhiều đại biểu lo ngại về năng lực cạnh trạnh của doanh nghiệp thấp, đặc biệt là lĩnh vực công nghiệp phụ trợ.

Theo báo cáo của Chính phủ, 9 tháng qua cả nước có khoảng 53,2 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký khoảng 320,35 nghìn tỉ đồng, giảm 8,7% về số doanh nghiệp nhưng tăng 13,9% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước; vốn đăng ký bình quân/doanh nghiệp đạt 6 tỉ đồng.

Tuy nhiên, vấn đề nhiều đại biểu quan tâm là năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp hiện rất yếu, đặc biệt là lĩnh vực công nghiệp phụ trợ. Kinh nghiệm của các nước là chỉ nên tập trung vào một vài ngành công nghiệp hỗ trợ, từ đó hình thành một số doanh nghiệp có tiềm lực và quy mô lớn của thế giới, như Thái Lan tập trung phát triển mạnh công nghiệp hỗ trợ cho ngành ôtô, Malaysia chủ yếu hỗ trợ ngành điện và điện tử. Trong khi đó, công nghiệp phụ trợ của Việt Nam hiện hầu như không đáp ứng được yêu cầu của các tập đoàn lớn.

Công nghiệp phụ trợ của Việt Nam chưa tham gia được vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Cách đây hơn 1 tháng, Tập đoàn Samsung tổ chức buổi tiếp xúc với các doanh nghiệp Việt Nam và công bố các điều kiện để trở thành nhà cung cấp linh kiện cho Samsung. Theo đại diện Samsung Việt Nam, năm 2013 Samsung Việt Nam phải bỏ ra 19,8 tỉ USD để mua các thiết bị, linh kiện từ khuôn màn hình tinh thể lỏng, sạc pin, bộ ống nghe, loa, đến ăngten, bàn phím tới ốc vít, vỏ pin, tem nhãn... và khuyến khích doanh nghiệp Việt Nam  tham gia chuỗi cung ứng này. 

Để được tham gia chuỗi cung ứng, các doanh nghiệp phải đảm bảo được tám điều kiện cơ bản, như: công nghệ phải có đăng ký sáng chế, có hạ tầng cho nghiên cứu phát triển; chất lượng phải có chứng nhận ISO; giao hàng phải đáp ứng thời hạn, ngay cả khi có yêu cầu sản xuất nhanh hơn; giá cả phải cạnh tranh, có thể điều chỉnh theo hướng tích cực; tài chính phải đáp ứng về tỉ lệ nợ, tỉ lệ vốn lưu động; phải đáp ứng tiêu chuẩn về lao động, quyền con người... Ngoài ra, Samsung cũng đưa ra 13 mục tiêu phải tuân thủ như: bơm dập cháy tự động, vật liệu xây dựng chống cháy, phải có thiết bị chống ô nhiễm không khí, có công trình xử lý nước thải...

Tuy nhiên tất cả các doanh nghiệp tham gia cuộc tiếp xúc đều thừa nhận chưa thể đáp ứng hết 8 yêu cầu Samsung đưa ra.

Nhưng không chỉ ở lĩnh vực điện tử, ngành dệt may Việt Nam dù mỗi năm xuất khẩu hàng chục tỉ USD và đang đặt mục tiêu vào top 3 thế giới về xuất khẩu nhưng cũng phải nhập từ cây kim, sợi chỉ tới cái cúc.

Vì vậy, câu chuyện "doanh nghiệp Việt Nam không làm nổi con ốc vít cho Samsung" lại được các đại biểu dẫn chứng khi nói về sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Đại biểu Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh) đặt câu hỏi: "Đào tạo mỗi năm bao nhiêu tiến sĩ mà tại sao không sản xuất nổi con ốc vít, vậy làm sao tham gia được chuỗi giá trị toàn cầu?".

Theo đại biểu Lê Minh Thông (Thanh Hóa) thì: Vấn đề đặt ra vì sao doanh nghiệp của ta không tham gia được chuỗi giá trị của một tập đoàn... Một nền kinh tế như thế không làm được một chi tiết nhỏ trong một chuỗi giá trị thì không hiểu định hướng phát triển công nghiệp đến đâu".

Ông Thông đưa ra so sánh: "Campuchia làm được ôtô, còn ta thì làm gì có ôtô Made in Vietnam, mà chúng ta có chiến lược công nghiệp ôtô đã 20 năm nay. Vấn đề đặt ra là việc tham gia kinh tế toàn cầu của ta không ổn, chúng ta vẫn với một nền sản xuất thô là chính. Trong cùng khu vực, nhưng một số nước lại bứt phá rất mạnh như Lào, Myanmar… Không ít chuyên gia cảnh báo không khéo chúng ta tụt hậu".

Theo Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Trần Văn Túy, cơ sở của Samsung ở Bắc Ninh mỗi năm sản xuất khoảng 400 triệu sản phẩm, nhưng chủ yếu nhập khẩu linh kiện từ Trung Quốc về nước gia công, lắp ráp, với trình độ công nghiệp phụ trợ của ta hiện nay hầu như không tham gia được vào chuỗi giá trị toàn cầu đó.

Ông Túy cho biết lãnh đạo Tập đoàn Microsoft mới đây đã đến làm việc tại Bắc Ninh để đặt vấn đề dự kiến chuyển cơ sở sản xuất từ Trung Quốc, Mexico sang Việt Nam. Vì vậy, Bắc Ninh kiến nghị Chính phủ cần có chính sách mạnh mẽ hơn để phát triển ngành công nghiệp phụ trợ.

Ở một lĩnh vực khác, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Phước Thanh cho rằng việc phát triển công nghiệp phụ trợ hiện đang vướng ở cơ chế, chính sách. Quảng Nam rất quyết liệt trong phát triển công nghiệp ôtô, nhưng dù cố gắng vẫn chưa thể làm được động cơ ôtô. Theo ông Thanh, muốn nước ngoài chuyển giao công nghệ để làm lại vướng một số chính sách, các sở ngành ở địa phương không thể "vượt rào" cơ chế, chính sách chung nên lỡ mất cơ hội tiếp nhận chuyển giao công nghệ.

Còn Trung tướng Bế Xuân Trường (đại biểu Bắc Cạn) bày tỏ lo ngại lo ngại tình trạng "mất tự chủ" của nền kinh tế khi thiếu đi linh hồn là về khoa học công nghệ. "Hiện mới có mỗi khu công nghệ cao của TP HCM tham gia được chuỗi giá trị toàn cầu, còn lại hầu như không có".

Còn đại biểu Đinh Văn Nhã (Phú Yên) cho rằng nguyên nhân là do không có tiêu chí mang tính pháp lệnh với khoa học công nghệ. Ông dẫn chứng, từ năm 2005 trở về trước, tỷ lệ đổi mới khoa học công nghệ trong kinh tế là bắt buộc. Nhưng sau khi đưa ra khỏi pháp lệnh thì không có ai đôn đốc, kiểm tra hàm lượng đổi mới khoa học sụt giảm. "Nếu không có chỉ tiêu này thì đến năm 2020, nền kinh tế cũng không thể cạnh tranh được"

Nguyễn Thiêm
.
.