Khi con cái đưa bố mẹ ra Toà

Thứ Hai, 30/05/2005, 07:01
Cha mẹ David chỉ là những người buôn bán nhỏ và đã nuôi David được 21 năm. Cho tới tháng trước đây, không cần thỏa hiệp, David quyết định kiện cha mẹ cậu ra tòa để buộc họ phải cung cấp cho cậu một khoản kinh phí nuôi dưỡng.

Sau 2 năm học dự bị đại học, David thi đậu vào một trường đại học thương mại của thành phố. Đây là một trường rất nổi tiếng cách gia đình David vài trăm kilômét và đương nhiên học phí cũng rất cao, trong khi David không đủ điểm để nhận học bổng của trường. Khi nhập học, David dự định không ở ký túc xá của trường mà thuê hẳn một phòng riêng ở ngoài để đưa cô bồ về sống cùng.

Do quá bận rộn với công việc cha mẹ David không có thời gian thăm nuôi đứa con trai, vả lại chi phí cho David mỗi lúc một tăng. Đã nhiều lần họ khuyên con trai nên học lấy một cái nghề nào đó rồi ra đi làm kiếm tiền trước, sau này học sau cũng chả muộn, nhưng David không nghe vì cậu muốn học lên cao.

Nhưng vì không có bất cứ khoản trợ cấp thuê nhà hay học phí nào từ phía nhà trường, David quyết định kiện cha mẹ cậu ra tòa. Phán quyết cuối cùng của tòa án: cha mẹ David phải cung cấp cho cậu 550 euro/tháng.

Theo luật pháp Pháp, nghĩa vụ nuôi dưỡng con cái của cha mẹ chỉ chấm dứt khi con cái họ tự làm việc và nuôi dưỡng được bản thân chứ không dựa vào việc con cái họ đã đến tuổi trưởng thành. Nghĩa vụ nuôi dưỡng con cái của cha mẹ sẽ chấm dứt nếu họ chứng minh được rằng họ không có khả năng tiếp tục chu cấp cho con cái hoặc đưa ra bằng chứng cho thấy con cái họ đã có thể tự kiếm sống được. Trong trường hợp người con thắng kiện, mức chu cấp tài chính sẽ là 10% thu nhập hàng tháng của cha mẹ.

Theo giới luật sư và thẩm phán, trong số 400.000 vụ án liên quan tới gia đình mỗi năm thì có đến 2.000 vụ con cái kiện cáo cha mẹ. Điều đáng nói hơn chính là tốc độ tăng của số vụ án kiểu này trong những năm gần đây.

Thống kê của Bộ Tư pháp Pháp cho thấy, nếu năm 1992, cả nước Pháp chỉ có khoảng 30 trường hợp con cái đưa cha mẹ ra trước vành móng ngựa, thì đến năm 1999, con số này tăng 600% lên 1.800 trường hợp và trên 2.000 vụ vào năm 2003.

Hiệp hội Afra 203 được một bà mẹ là nạn nhân của cậu con trai học trường Sciences - Po (dạy về khoa học chính trị) thành lập năm 1999 đến nay đã có gần 500 gia đình tham gia. Mục đích của việc thành lập này là đấu tranh đòi các nhà làm luật sửa đổi điều luật trớ trêu trên. Sự gia tăng của các thành viên Hiệp hội Afra cho thấy một thực trạng đau đớn rằng ngày càng có nhiều bậc cha mẹ bị những đứa con đưa ra tòa.

Còn Marie-France Ponelle, luật sư chuyên về luật gia đình thì nói rằng không thể kể hết những vụ như vậy. Ponelle cho biết, sự bùng nổ các vụ án như vậy bắt nguồn từ sự khủng khoảng quyền làm cha mẹ, từ sự "Mỹ hóa" các lối sống, nhưng cũng do con số các vụ ly hôn và xung đột gia đình tăng đáng kể, cũng như là việc kéo dài thời gian sống phụ thuộc vào cha mẹ của trẻ trưởng thành.

Yassir Fichtali, Tổng thư ký Unef (Tổ chức Nghiệp đoàn sinh viên lớn) cũng nhận định rằng: “Sự độc lập về tài chính muộn màng của tuổi trẻ là vấn đề cơ bản trong các vụ án con cái kiện cáo cha mẹ”.

Cách đây 4 năm, một số sinh viên đã đưa cha mẹ họ ra trước pháp luật theo những chỉ dẫn của một số CROUS (Các trung tâm phụ trách sự vụ đại học và xã hội của các vùng). Vụ việc trên sau đó đã gây tiếng vang rất lớn. Tuy nhiên, chẳng cần tới những lời tư vấn hay hỗ trợ của các tổ chức, sinh viên trực tiếp ra tay đối với cha mẹ họ.

Bị nhiều bậc phụ huynh phản đối, điều luật 203 của Bộ luật Dân sự Pháp từng được các nhà làm luật nhiều lần tính đến việc xem xét và sửa đổi. Chẳng hạn vào năm 2000, nghị sĩ vùng Isère là  Jean Boyer đã cố gắng thuyết phục Quốc hội Pháp xem xét sửa đổi bổ sung điều luật trên... Năm 2002, đại biểu đảng Liên minh Phong trào nhân dân, ông Pierre Cardo cũng có ý định như vậy nhưng đều không thành

Giang Khuê (tổng hợp)
.
.