Tranh chấp chủ quyền Trung – Nhật:

Khi mâu thuẫn cốt lõi chưa được giải quyết

Thứ Ba, 06/11/2012, 15:55

Cuộc khủng hoảng chủ quyền quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư giữa Nhật và Trung Quốc đã kéo dài hơn 2 tháng cùng rất nhiều diễn biến xung quanh. Đã có nhiều "kênh" đối thoại khác nhau nhưng cho đến giờ có thể khẳng định rằng cốt lõi của mối tranh chấp này chưa được giải quyết: Nhật Bản không thừa nhận có tồn tại tranh chấp tại quần đảo này trong khi "tham vọng" bước đầu của Bắc Kinh là điều ngược lại.

Những diễn biến trước đó liên quan tới quan hệ Nhật - Trung quanh quần đảo nằm trên biển Hoa Đông này không cần phải nhắc lại nhưng tóm gọn rằng, luôn trong tình trạng căng thẳng.

Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Chikao Kawai cuối tuần trước đã bí mật tới Trung Quốc để trao đổi cùng các quan chức nước này về quan điểm của Tokyo đối với vấn đề quần đảo Điếu Ngư/Senkaku. Tuy nhiên, quan hệ Trung-Nhật chưa có dấu hiệu cải thiện khi các tàu hải giám và tuần tra của Trung Quốc vẫn tiếp tục xuất hiện tại khu vực biển tranh chấp, và Nhật Bản hôm 24/10 vừa tuyên bố thực hiện các biện pháp "tăng cường cảnh giới lãnh hải". Giới học giả Trung Quốc cho rằng, việc quan chức Nhật Bản bí mật tới Bắc Kinh đã thể hiện thái độ tích cực thỏa hiệp của hai bên, song không thể coi đó là hành động "xuống nước" của Nhật và Tokyo vẫn chưa có nhượng bộ về lập trường cơ bản.

Thời Ân Hoằng, giảng viên Học viện Quan hệ quốc tế Đại học Nhân dân Bắc Kinh cho biết, bất đồng giữa Trung-Nhật trong vấn đề quần đảo Điếu Ngư/Senkaku vẫn rất lớn, mà cốt lõi của vấn đề nằm ở chỗ liệu Nhật Bản có từ bỏ "chủ nghĩa Maehara" hay không, có chịu thừa nhận quần đảo Điếu Ngư/Senkaku tồn tại tranh chấp hay không? Nếu Nhật Bản không nhượng bộ trong những vấn đề này thì cho dù Nhật Bản có dùng lời lẽ gì đi chăng nữa, Chính phủ Trung Quốc cũng ít có khả năng chấp nhận thỏa hiệp.

Chuyện là cựu Ngoại trưởng Nhật Bản Seiji Maehara năm 2010 từng công khai phủ nhận chủ trương gác lại tranh chấp chủ quyền quần đảo Điếu Ngư/Senkaku của Trung Quốc. Ông cho rằng đó chỉ là lời nói đơn phương của Đặng Tiểu Bình mà Nhật Bản chưa từng đồng ý. Chính tuyên bố này của ông Maehara đã khiến quan hệ Trung - Nhật trong hai năm qua luôn đối diện với "đèn đỏ" do vấn đề Điếu Ngư/Senkaku, đồng thời nó cũng phá hủy một trong những cơ sở chính trị quan trọng nhất trong quan hệ Trung - Nhật. 

Thời Ân Hoằng cho rằng, trong vấn đề quần đảo Điếu Ngư/Senkaku, giới hạn cuối cùng của Nhật Bản là giữ vững "chủ nghĩa Maehara", trong khi giới hạn cuối cùng của Trung Quốc là Chính phủ Nhật Bản phải thừa nhận quần đảo Điếu Ngư/Senkaku đang tồn tại tranh chấp chủ quyền. Nếu Nhật Bản thừa nhận điểm này, nghĩa là từ bỏ "chủ nghĩa Maehara", thì có thể coi rằng Trung Quốc đã giành được chiến thắng mang tính giai đoạn trong tranh chấp quần đảo Điếu Ngư/Senkaku. Nếu Nhật Bản tiếp tục kiên trì cách nói rằng, chủ quyền quần đảo Điếu Ngư/Senkaku không có tranh chấp, thì cho dù nước này có đưa ra những lời lẽ nhượng bộ nào đi chăng nữa, đó cũng không phải là sự nhượng bộ và thỏa hiệp thực chất. 

Chả thế mà tờ Wall Street Journal (Mỹ) ngày 28/10 cho rằng cuộc đối đầu giữa Trung Quốc và Nhật Bản xung quanh quần đảo Điếu Ngư/Senkaku đã leo thang nguy hiểm hơn nhiều so với người ta tưởng. Thống kê lại lịch sử các cuộc tranh chấp lãnh thổ trước đây của Trung Quốc, báo này đi đến kết luận: Cuộc đối đầu Senkaku sẽ còn leo thang và có nguy cơ dẫn đến một cuộc xung đột vũ trang thực sự.

Tàu Trung Quốc gần quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư hôm 25/10.

Từ năm 1949 đến nay, Trung Quốc có 23 bất đồng lãnh thổ trên bộ và trên biển với các láng giềng, trong đó 17 bất đồng đã được giải quyết thông qua các thỏa thuận thỏa hiệp và 6 lần sử dụng sức mạnh quân sự. Tất cả các trường hợp mà Trung Quốc sử dụng sức mạnh đều có diễn biến gần giống như tình trạng bế tắc hiện nay của Senkaku. Trung Quốc thường chỉ sử dụng sức mạnh quân sự trong bất đồng lãnh thổ với những láng giềng có khả năng quân sự mạnh. Đây là những đối tượng có khả năng nhất trong việc kiểm soát tham vọng lãnh thổ của Trung Quốc.

Trong các bất đồng với những nước yếu hơn như Mông Cổ hoặc Nepal, Trung Quốc tránh sử dụng sức mạnh bởi vì Bắc Kinh có thể đàm phán dựa trên thế mạnh của mình. Hiện nay, Nhật Bản là nước láng giềng biển mạnh nhất của Trung Quốc do Tokyo có lực lượng hải quân hiện đại và lực lượng bảo vệ bờ biển mạnh. Trung Quốc cũng thường xuyên sử dụng sức mạnh trong các bất đồng biển đảo. Dọc tuyến biên giới trên bộ, Trung Quốc chỉ sử dụng sức mạnh quân sự để xử lý khoảng 1/5 trong số 16 tranh chấp. Trung Quốc coi các quần đảo là nơi có nhiều giá trị kinh tế, quân sự, chiến lược và ảnh hưởng lớn đến an ninh cũng như có nhiều tiềm năng khí đốt và hải sản. Trung Quốc sử dụng sức mạnh để khẳng định vị thế trong các bất đồng ở những hòn đảo mà họ đã hoặc chưa chiếm trên cơ sở tuyên bố chủ quyền.

Trong một số trường hợp như tranh chấp biên giới với Kazakhstan, Trung Quốc giành được ưu thế mà không cần sử dụng sức mạnh quân sự. Tuy nhiên, ở biển Hoa Đông, Bắc Kinh hiện không quản lý bất cứ hòn đảo nào thuộc quần đảo Senkaku - hiện do Nhật Bản kiểm soát. Đáng chú ý, Trung Quốc thường sử dụng sức mạnh trong tranh chấp lãnh thổ ở giai đoạn mà nội bộ chính trị ở tình trạng dễ mất an ninh nhất.

Các nhà lãnh đạo Bắc Kinh cho rằng, các nước khác đang tìm cách khai thác sức mạnh của các kẻ thù trong nước của họ, do vậy phản ứng hạn chế hoặc yếu kém của chính phủ có thể làm tăng sự bất bình của công chúng. Hơn nữa, tình trạng tham nhũng có hệ thống, kinh tế tăng trưởng chậm có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của giai tầng lãnh đạo hiện thời và tiến trình chuyển giao thế hệ lãnh đạo. Những nhân tố này làm tăng khả năng Trung Quốc phải “hành động mạnh mẽ” nhằm thể hiện quyết tâm đối với cả công chúng Nhật Bản lẫn Trung Quốc.

Nhân tố cuối cùng gây mất ổn định trong cuộc đối đầu Điếu Ngư/Senkaku là hai bên đều có tranh chấp biển đảo với các nước khác. Gần đây, Tổng thống Hàn Quốc trở thành nhà lãnh đạo đầu tiên của Seoul đến thăm quần đảo Dokdo (Nhật Bản gọi là Takeshima) - hiện do Hàn Quốc kiểm soát nhưng Nhật Bản cũng tuyên bố chủ quyền. Cả Nhật Bản và Trung Quốc có thể nhận thấy rằng bất cứ ai chiến thắng ở Senkaku sẽ có cơ hội chiến thắng trong các bất đồng khác.

Mặc dù nguy cơ căng thẳng tại quần đảo Điếu Ngư/Senkaku không ngừng leo thang, song hai nước Trung-Nhật vẫn duy trì các cuộc hội đàm và thảo luận. Giới quan sát nhận định việc Nhật bí mật đàm phán với Trung Quốc hay việc Nhật Bản bày tỏ thái độ "hai nước (Trung-Nhật) duy trì tiếp xúc các cấp" tất cả đều cho thấy Trung-Nhật chưa từ bỏ nỗ lực cải thiện quan hệ song phương. Mặc dù cả hai đều muốn có được sự thỏa hiệp về mặt ngoại giao, song hiện vẫn chưa thấy được sự nhượng bộ cơ bản của hai bên về lập trường. Hai nước không công khai hội đàm có lẽ là bởi cả Bắc Kinh và Tokyo đều thấy được rằng đàm phán lần này khó có thể đạt được kết quả khả quan

Mộc Thạch (tổng hợp)
.
.