Khi nào lệnh cấm vận thương mại thực sự được dỡ bỏ?

Thứ Hai, 27/07/2015, 14:15
Khi Cuba và Mỹ mở lại đại sứ quán tại thủ đô của nhau, động thái này sẽ mang lại nhiều lợi ích thiết thực quan trọng khác. Song, những lợi ích sẽ dừng lại ở mức rất khiêm tốn nếu lệnh cấm vận thương mại chưa thực sự được dỡ bỏ và người dân cũng sẽ không thực sự cảm thấy “thỏa mãn” khi cơ hội làm ăn của họ bị hạn chế.

Ngay sau khi quốc kỳ Cuba và Mỹ được kéo lên bên ngoài trụ sở Bộ Ngoại giao mỗi nước, Stonegate có trụ sở tại Pompano Beach, Florida đã trở thành ngân hàng đầu tiên tại Mỹ ký thỏa thuận quan hệ ngân hàng đại lý với một đối tác Cuba.

Với thỏa thuận hợp tác với Banco Internacional de Comercio S.A. (BICSA), ngân hàng của Cuba có hơn 600 thỏa thuận quan hệ đại lý trên thế giới. Từ đây, việc chuyển tiền dễ dàng giữa hai quốc gia sẽ giúp thúc đẩy thương mại và tăng lợi ích cho các công ty Mỹ mong muốn kinh doanh ở Cuba.

Về du lịch, khi các điểm đến châu Âu đã quá quen thuộc với người Mỹ, thì Cuba sẽ trở thành địa điểm du lịch hấp dẫn người Mỹ. Hầu như các khách sạn trên quốc đảo này đều do châu Âu hay các công ty khách sạn Nam Mỹ xây dựng, nhưng các tập đoàn khách sạn lớn của Mỹ như Hilton, Marriott và Starwood sẽ sớm đưa “tầm ngắm” của mình vào các mảnh đất đắc địa tại Cuba.

Đối với nhiều người dân Mỹ, điều họ quan tâm hơn cả  là tương lai của các mặt hàng nông sản Mỹ cũng như triển vọng làm ăn của các nhà sản xuất, khi các cơ hội thương mại với đảo quốc này nở rộ. Ngành công nghiệp và dịch vụ Mỹ cũng đang rất hào hứng trước viễn cảnh làm ăn ở một thị trường mới mẻ đầy tiềm năng và gần gũi về mặt địa lý, với dân số vào khoảng 11 triệu người và nền văn hóa có nhiều khía cạnh tương đồng.

Giới phân tích cho rằng chính sự gần gũi về mặt địa lý của Cuba khiến quốc đảo này trở thành "thị trường đương nhiên" của Mỹ, nhất là các bang phía nam. Bên cạnh đó, với hỗ trợ tài chính từ Brazil, Cuba hiện đang tiến hành xây dựng một đặc khu kinh tế, bao gồm một cảng nước sâu lớn có tiềm năng đưa quốc gia vùng Caribbe này trở thành trung tâm vận tải đường biển của khu vực.

Tuy nhiên, thị trường đầy tiềm năng này vẫn còn nhiều hạn chế bởi sự tồn tại của lệnh cấm vận kinh tế mà Mỹ áp đặt suốt hơn 50 năm qua. Đối với Cuba, nếu lệnh cấm vận này không được dỡ bỏ, việc khôi phục quan hệ ngoại giao và mở cửa lại các đại sứ quán chỉ có thể được coi là “thành tựu” về mặt quan hệ giữa hai chính quyền chứ không phải là một việc làm thực sự có thể giúp đảo quốc này phát triển kinh tế và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.

Hẳn nhiều người còn nhớ, Tổng thống Mỹ Barack Obama từng nói rằng Mỹ thay đổi chiến lược “thất bại” trong chính sách đối với Cuba và thay thế bằng cách tiếp cận mới với mục tiêu "tăng cường sức mạnh" cho người dân Cuba. Tuy nhiên, chừng nào lệnh cấm vận thương mại chưa được dỡ bỏ, cuộc sống của người dân Cuba sẽ vẫn chưa được cải thiện.

Ngoại trưởng Rodriguez thừa nhận rằng "phần thưởng" có được từ hợp tác song phương sẽ là "hòa bình, phát triển, công bằng và ổn định trên toàn châu lục", song ông cũng nhấn mạnh rằng chừng nào lệnh cấm vận vẫn còn hiệu lực, chừng đó quan hệ song phương "vẫn còn nhiều thách thức".

Bảo Trân (tổng hợp)
.
.