Khi nước Nhật khôi phục quyền phòng vệ tập thể

Thứ Tư, 16/07/2014, 14:35

Từ khi Nhật bị đánh bại vào Thế chiến thứ hai, quân đội nước này bị trói tay bởi những hạn chế do Mỹ, quốc gia thắng trận, thiết lập. Từ đó người Nhật dần dà thích ứng với những hạn chế đó như là của chính họ. Nhưng nay dây xích đó đang được nới lỏng.

Ngày 1/7, chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe đã thông qua dự thảo nghị quyết cho phép Nhật Bản sử dụng quyền "phòng vệ tập thể", tức là sửa Điều 9 bản Hiến pháp 1947 cấm Nhật Bản tham gia chiến dịch quân sự bên ngoài lãnh thổ. Sau quyết định của giới hành pháp, dự thảo sẽ đưa sang Quốc hội để biến thành luật.

Theo đánh giá, với liên minh Tự do Dân chủ là đảng Komeito (Công minh đảng) chiếm đa số tại Quốc hội, Thủ tướng Shinzo Abe sẽ không gặp khó khăn trong kế hoạch sửa đổi học thuyết quân sự.

Nghị quyết mới của nội các Nhật Bản nói rõ Tokyo có thể sử dụng quân đội ở mức tối thiểu cần thiết  trong các trường hợp khi một nước có mối quan hệ chặt chẽ với Nhật bị tấn công và phải đáp ứng 3 điều kiện cần và đủ bao gồm: có một đe dọa thực sự với sự tồn tại của nhà nước Nhật Bản, có mối nguy hiểm rõ ràng tới quyền sống, tự do, theo đuổi hạnh phúc của người dân Nhật, và khi không còn một giải pháp thay thế nào khác.

Phát biểu tại cuộc họp báo sau đó, Thủ tướng Abe nói: "Hòa bình không phải là điều mà người ta mang lại cho mình mà chính là điều mà chúng ta phải tự tìm lấy", và nhấn mạnh rằng, sự chuyển hướng này là cần thiết để bảo vệ mạng sống của dân Nhật trong một môi trường an ninh đang ngày càng bị đe dọa trầm trọng. Ông Abe thêm rằng, tàu chiến Nhật cần phải có để bảo vệ tàu chiến Mỹ đang che chở cho nước Nhật.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (giữa) tại Tokyo.

Đây là một động thái đã được dự đoán từ lâu do những thách thức về an ninh trong khu vực thời kỳ mới mà Nhật Bản đang phải đương đầu. Quá trình bắt đầu từ hơn 20 năm trước, khi Nhật Bản đặt ra mục tiêu nâng cao vị thế quốc tế, và trên hết, nâng cao vai trò chính trị của mình trong các tổ chức quốc tế, trong Liên Hiệp Quốc (LHQ), trở thành không chỉ là một cường quốc kinh tế, mà còn có quyền lực chính trị lớn. 22 năm trước, một đạo luật về các tổ chức gìn giữ hòa bình được thông qua, cho phép các lực lượng vũ trang Nhật Bản tham gia nhiệm vụ quốc tế của LHQ.

Không phải là ngẫu nhiên mà nghị quyết cho phép sử dụng lực lượng quân đội ở nước ngoài được thông qua ở thời điểm này. Hành động này phản ánh tính chất đặc thù của thời điểm hiện tại, khi Nhật Bản đang đối mặt với những thách thức và mối đe dọa an ninh. Điều đó có liên quan với các yếu tố quân sự-chính trị trong sự trỗi dậy của Trung Quốc và các tình tiết gia tăng căng thẳng trong tình hình trên bán đảo Triều Tiên.

Ngoài ra, việc sửa đổi học thuyết quân sự của Nhật lần này cũng một phần bắt nguồn từ Mỹ. Mặc dù Thủ tướng Abe vẫn ủng hộ cho việc tăng cường liên minh Nhật-Mỹ, nhưng đồng thời Tokyo không hài lòng với lời hứa đơn thuần từ phía Mỹ. Nhật Bản muốn tự mình trở thành một đảm bảo nhất định cho sự ổn định trong khu vực và có thể dựa vào sức mạnh của chính mình.

Thực tế là trong năm qua, Tokyo có lẽ lo ngại là không chắc liệu Mỹ có đứng về phía Nhật Bản hay không trong trường hợp xung đột khu vực, nhất là với Trung Quốc do hai nước đang tranh chấp quần đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư). Nhật Bản có cơ sở để lo ngại như vậy.

Trước hết, cách cư xử của Washington khi Bắc Kinh đơn phương tuyên bố thành lập khu vực phòng không trong vùng biển quốc tế ở biển Hoa Đông, bao gồm cả quần đảo Senkaku. Trong trường hợp này Mỹ đã có lối xử sự không như Tokyo mong đợi. Họ rõ ràng không đứng về phía Nhật Bản, mà chỉ cố gắng giảm thiểu tình trạng này. Điều đó có lẽ là đáng báo động đối với Tokyo.

Người dân Nhật biểu tình phản đối việc sửa đổi Hiến pháp chủ hòa.

Việc thông qua nghị quyết là bước ngoặt quan trọng nhất trong chính sách quốc phòng của Tokyo kể từ năm 1954, đã dẫn đến nhiều cuộc biểu tình phản đối. Hơn 50% người dân Nhật Bản chống lại việc trao thêm quyền hạn cho quân đội, sợ rằng bằng cách thay đổi cơ sở hiến pháp hòa bình, đất nước của họ có thể bị lôi kéo vào các cuộc chiến tranh hoặc xung đột quốc tế.

Về phản ứng của các nước. Ngay từ trước khi nội các Nhật Bản ra nghị quyết mới, Tổng thống Philippines, Benigno Aquino, trong chuyến thăm Nhật ngày 24/6/2014, đã lên tiếng ủng hộ những thay đổi này. Trong thông báo sau cuộc gặp với Thủ tướng Nhật Shinzo Abe tại Tokyo vào cùng ngày, ông Aquino bày tỏ rằng, Philippines tin là các nước có thiện chí sẽ có lợi chỉ khi nào Chính phủ Nhật được tăng cường khả năng để giúp các nước khác và được phép trợ giúp những nước cần sự giúp đỡ, đặc biệt là trong lĩnh vực phòng vệ tập thể.

Thay đổi này từ phía Nhật cũng được coi là sẽ được Mỹ ủng hộ giữa lúc nước Mỹ đang phải thực hiện những cắt giảm đáng kể trong ngân sách và dư luận trong nước không mấy mặn mà với sự can thiệp sâu về quân sự của Mỹ ở nước ngoài. Ngày 1/7, Nhà Trắng, Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao Mỹ đồng loạt lên tiếng ủng hộ việc Nhật Bản mở rộng vai trò của quân đội để bảo vệ đồng minh trong khu vực.

"Chúng tôi đã theo dõi những cuộc thảo luận tại Nhật Bản về vấn đề thực thi các quyền theo Hiến chương LHQ về phòng vệ tập thể. Mỹ hoan nghênh chính sách mới của Nhật Bản về tự vệ tập thể và các vấn đề an ninh liên quan", Marie Harf, phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ, nói. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel cho rằng, chính sách quốc phòng mới của Nhật Bản sẽ khiến quan hệ liên minh Mỹ - Nhật hiệu quả hơn, ông nói: "Đây là quyết định quan trọng đối với Nhật Bản khi họ muốn đóng góp trách nhiệm lớn hơn đối với hòa bình và an ninh khu vực".

Phó trưởng nhóm cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Ben Rhodes cho biết, Tổng thống Barack Obama "rất ủng hộ" quyết định của Chính phủ Nhật Bản. Ông gọi đây là biểu hiện của sự chín muồi trong liên minh Mỹ - Nhật: "Quyết định của Nhật Bản tạo không gian để Nhật Bản thể hiện vị trí lớn hơn với cương vị một đối tác an ninh của Mỹ và là quốc gia tuân thủ trật tự quốc tế". Ông nói, Mỹ tin là điều này sẽ giúp Nhật Bản và Mỹ có thể hợp tác với nhau làm được nhiều điều hơn nữa vì sự thịnh vượng và an ninh trong khu vực.

Quân đội phòng vệ Nhật Bản từ nay có thể được gửi đi nước ngoài tham chiến.

Trong khi đó, việc mở rộng vai trò của quân đội trong phòng thủ tập thể của Nhật đã gây phản ứng mạnh tại Trung Quốc. Phát biểu với báo giới tại cuộc họp báo ở Bắc Kinh hôm 1/7, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi tuyên bố, Trung Quốc phản đối sự bịa đặt của Nhật Bản về những đe dọa từ Trung Quốc vì mục đích chính trị nội bộ của Nhật. Trung Quốc yêu cầu Nhật Bản phải tôn trọng những quan ngại về an ninh hợp lý của các nước láng giềng châu Á và nên xử lý các vấn đề có liên quan một cách cẩn trọng.

Giới truyền thông Trung Quốc dùng những lời lẽ gay gắt để phê phán việc Nhật Bản sửa Hiến pháp Hòa bình. Tân Hoa Xã cho rằng, “Thủ tướng Shinzo Abe đang kiến tạo một cuộc đảo chính nguy hiểm để hủy hoại Hiến pháp Hòa bình và các ý tưởng dân chủ”.

Tờ Thời báo Hoàn Cầu cáo buộc "Mỹ đang cố gắng kiềm chế Trung Quốc bằng cách lợi dụng Nhật, sau khi Nhật đưa ra một cơ hội đột phá chiến lược cho Chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe". Tờ báo này cho rằng, chừng nào mà Trung Quốc tiếp tục nổi lên thành một cường quốc, Mỹ sẽ triển khai nhiều lực lượng hơn nữa ở châu Á và huy động Nhật tham gia.

Tương tự, tờ Nhân Dân Nhật báo cho rằng, chính quyền của ông Abe đang "thổi phồng mối đe dọa Trung Quốc". Sự phản ứng mạnh của Bắc Kinh là điều dễ hiểu vì ngoài việc hai nước đang có tranh chấp chủ quyền biển đảo, thì theo đánh giá của giới chuyên gia quân sự tại châu Á chỉ có Nhật mới có khả năng đương đầu với một Trung Quốc đang hung hăng.

Về phần Hàn Quốc chỉ phản ứng một cách dè chừng khi nói rằng, nước này sẽ không chấp nhận bất kỳ thay đổi chính sách nào ảnh hưởng tới an ninh của Hàn Quốc mà không được phía Hàn Quốc chấp thuận. Hàn Quốc, giống như Nhật, cũng liên minh với Mỹ, nhưng quan hệ Nhật - Hàn có nhiều góc tối do quá khứ chiến tranh

M.T. (tổng hợp)
.
.