Khi ông Netanyahu đi Mỹ…

Thứ Bảy, 15/03/2014, 21:35

Trong chuyến đi Mỹ 5 ngày (từ ngày 3/3/2014), Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu có một số chuyện lớn cần giải quyết, trong đó có 2 vấn đề quan trọng ông sẽ thảo luận trực tiếp với Tổng thống Mỹ Barack Obama tại cuộc hội đàm ở Nhà Trắng. Chuyến đi được giới quan sát đánh giá sẽ là "bài thuốc thử" để kiểm tra các vấn đề căng thẳng trong quan hệ song phương giữa 2 đồng minh cật ruột nhưng đang có nhiều mâu thuẫn.

Thông tin báo chí dọn đường cho chuyến đi của ông Netanyahu ngày 3/3 đã tạo nên một không khí trọng đại như chuyến đi của một vị lãnh đạo cực kỳ quan trọng đến một nơi mà ảnh hưởng đã tồn tại suốt nhiều chục năm qua. Đó là màn dọn đường của tổ chức vận động hành lang cho Israel, Ủy ban các sự vụ công cộng Israel tại Mỹ (AIPAC), để ông đến dự và phát biểu tại hội nghị thường niên của tổ chức này (diễn ra tại Washignton DC từ ngày 2 đến 4/3/2014).

Việc hai nhân vật có tiếng "thân Israel" là Ngoại trưởng John Kerry và Thượng nghị sĩ John McCain cùng tháp tùng với Netanyahu đến Hội nghị AIPAC vào ngày 4/3 cũng đủ cho thấy ảnh hưởng của Thủ tướng Israael ở Washington hơn hẳn mọi quốc gia đồng minh khác của Mỹ, kể cả EU. Nhưng tầm ảnh hưởng đó hiện nay được đánh giá là đang phần nào suy giảm, bị sứt mẻ đôi chút do những bất đồng giữa 2 đồng minh liên tục gây căng thẳng trong quan hệ song phương suốt hơn 5 năm qua.

Netanyahu đang rất cần AIPAC vận động Washington mạnh mẽ hơn nữa trong những vấn đề liên quan đến lợi ích của Israel, nhưng nhiệm vụ này hiện nay, khi ông Obama còn làm Tổng thống Mỹ, xem ra đang rất khó khăn. Một thất bại điển hình: Vừa qua, AIPAC đã không thể tác động nổi để Quốc hội Mỹ thông qua dự luật gia tăng trừng phạt Iran và ngăn chặn chính quyền Mỹ ký thỏa thuận hạt nhân với Iran - "kẻ thù" lớn nhất của Israel trong khu vực Trung Đông. Thất bại này có thể lý giải được, vì Israel đang cố chấp và bảo thủ các lợi ích của riêng mình, bất chấp lợi ích của đồng minh Mỹ, và nhất là đi ngược lại xu thế chung của thế giới là lấy đối thoại ngoại giao để giải quyết các vấn đề xung đột giữa các bên.

Trong vấn đề Iran, Israel cố chấp về việc Iran chế tạo "bom hạt nhân", mặc dù Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) đã có báo cáo thanh tra kết luận Iran không chế tạo bom hạt nhân. Tổng thống Iran Hassan Rouhani và cả Đại giáo chủ Ali Khamenei đã nhiều lần đưa ra những cử chỉ đầy thiện chí hướng đến đối thoại và hòa giải để giải quyết nhiều vấn đề gút mắc giữa các bên, trong đó có vấn đề hạt nhân, việc nối lại quan hệ giữa Iran với Mỹ, phương Tây và Israel, nhưng đáp lại chỉ là sự hoài nghi, đố kị từ Thủ tướng Netanyahu. Tổng thống Mỹ Obama chủ trương đối thoại ngoại giao để kéo Iran về phía mình nhằm giải quyết tốt nhất vấn đề chương trình hạt nhân, nhưng Israel thì một mực chủ trương "nói chuyện" bằng vũ lực quân sự.

Trong vấn đề hòa bình với người Palestine, Israel đã khăng khăng không chấp nhận nhượng bộ Tổng thống Obama trong vấn đề xây dựng nhà ở trong các khu định cư trên đất Palestine - vấn đề mấu chốt trong đàm phán hòa bình. Tổng thống Barack Obama, trong một phát biểu trên tờ Blommberg View trước khi tiếp đón ông Netanyahu, đã cảnh báo rằng, càng để lâu thì khả năng đạt được một thỏa thuận để cả Israel và Palestine đều chấp nhận được sẽ càng ít đi, "cánh cửa đang khép dần lại". Và nếu thỏa thuận hòa bình Israel - Palestine không thể đạt được, Mỹ sẽ khó lòng tiếp tục bảo vệ Israel trước những sự công kích, cô lập của cộng đồng quốc tế.

Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas nổi giận vì bị Mỹ và Israel o ép.

Trong phát biểu ngay khi đặt chân đến Mỹ, ông Netanyahu đã đáp trả bằng cách ví von khi nói về tiến trình thúc đẩy hòa bình Trung Đông: "Bản tăng-gô ở Trung Đông cần ít nhất 3 bên. Trong nhiều năm qua, mới chỉ có 2 - là Israel và Mỹ. Giờ cần thấy sự có mặt của người Palestine. Trong bất cứ trường hợp nào, chúng tôi đều phải bảo vệ các lợi ích sống còn của chúng tôi. Tôi đã chứng minh điều đó, với tất cả áp lực từ mọi phía, và tôi sẽ tiếp tục làm như thế".

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cũng lên tiếng thúc ép người Palestine mau chóng tham gia ký thỏa thuận hòa bình theo khung thỏa thuận mà ông đề xuất. Rõ ràng, cả hai ông Netanyahu và Kerry đang đẩy trách nhiệm thúc đẩy tiến trình thỏa thuận hòa bình vào tay người Palestine!

Giới phân tích nhanh chóng chỉ ra: Những phát biểu qua lại giữa các lãnh đạo Mỹ-Israel chỉ là tạo bức màn che mắt thế gian để tạo thế o ép người Palestine, thiên vị hẳn cho Israel. Dư luận thế giới đều đã biết rằng, tiến trình đàm phán hòa bình bị trì hoãn vô thời hạn chủ yếu là do phía Israel không chấp nhận dừng các dự án xây nhà trên đất chiếm đóng của người Palestine sau cuộc chiến Trung Đông năm 1967, do Israel đẩy mạnh việc thôn tính Đông Jerusalem của người Palestine, và do Israel không đáp ứng các yêu cầu của người Palestine về vấn đề trao trả tù nhân, hồi hương người Palestine, biên giới lãnh thổ trở về trước năm 1967,…

Nếu thuận theo yêu cầu của ông Kerry, người Palestine sẽ chịu nhiều thiệt thòi. Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas vào cuối tháng 2/2014 đã bày tỏ sự tức giận với Ngoại trưởng Mỹ khi ông này đưa ra đề xuất khung thỏa thuận hoàn toàn có lợi cho Israel, trong đó, người Israel hầu như mất hẳn Jerusalem nếu chấp nhận đề xuất của Mỹ là xây dựng thủ đô tương lai tại khu Beit Hanina, một khu thị tứ ngoại ô Jerusalem thay vì nằm ở trung tâm Jerusalem như từ trước đến giờ.

Chưa hết, bản đề xuất còn giao cho Israel toàn quyền kiểm soát Thung lũng Jordan, nơi mà người Palestine đã cư ngụ từ bao đời và vừa rồi bị quân đội Israel dùng vũ lực xua đuổi. Trong khi đó, người Palestine vẫn buộc phải công nhận Israel là Nhà nước Do Thái. Đổi lại các nhượng bộ của người Palestine, Israel chỉ phải "dừng lại ở phía bên này ranh giới tại 10 khu định cư".

Với những khoản đề xuất như thế, nhưng Israel cũng đang "làm khó" đối với Mỹ, và cuộc đối thoại tại Nhà Trắng được cho là để giải quyết những bất đồng xung quanh khung đề xuất đó

Văn Trương (tổng hợp)
.
.