Khi tập đoàn siêu thị “nuốt” chợ truyền thống

Thứ Năm, 06/01/2005, 07:37

Trong xã hội hiện đại, chuỗi hệ thống siêu thị đa quốc gia mọc lên như nấm ở các nước đang phát triển để phục vụ nhu cầu tiêu thụ khổng lồ, nhưng bên cạnh đó lại đe dọa tới khả năng kinh doanh của nông dân và những hộ buôn bán nhỏ ở những nước này. 

Thời gian gần đây, chuỗi siêu thị lớn chủ yếu là của các nước giàu, đã mọc lên nhanh tại những nước đang phát triển ở Mỹ Latinh, châu Á và châu Phi. Theo Giám đốc nghiên cứu về đường lối lương thực thế giới (IFPRI), hệ thống siêu thị của các nước giàu mọc lên nhanh nhất trong thời gian gần đây là ở các quốc gia thuộc Mỹ Latinh, nơi mà các ngành công nghiệp chế biến lương thực khá phát triển trong khi mạng lưới bán hàng nhỏ, lẻ không xứng tầm.

Tại Brazil, số siêu thị bán hàng thực phẩm chỉ chiếm 30% năm 1990, nhưng tới năm 2000, con số này đã là 75%, tại Guatemala từ 30% năm 1999 lên 35% năm 2001. Tại Đông và Đông Nam Á, tốc độ phát triển siêu thị cũng tăng mạnh. Tại Thái Lan, năm 1999, siêu thị thực phẩm chỉ chiếm 35% doanh số bán hàng, đã tăng lên 43% vào năm 2001. Cũng trong khoảng thời gian này, Trung Quốc tăng từ 30% lên 48%. Shoprite, tập đoàn siêu thị của Nam Phi đã có mặt ở 12 nước tại châu lục này như: Ai Cập, Angola, Ghana... và cả Ấn Độ.

Chiến lược xâm nhập thị trường bên ngoài của của các tập đoàn siêu thị lớn ở Mỹ và châu Âu bắt đầu xuất hiện từ những năm 90 của thế kỷ trước, khi họ thấy rằng, thị trường trong nước của họ quá chật hẹp. Điểm đặt chân đầu tiên của họ là tới những quốc gia đang phát triển để đẩy mạnh tự do hóa về kinh tế. Những quốc gia này cũng bị ép phải mở cửa để được nhận các khoản vay có điều kiện từ IMF, tổ chức lúc đầu do các nước giàu lập ra, luôn kêu gọi các nước nghèo xóa bỏ hàng rào bảo hộ, để thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài, tăng việc làm cho nhân công...

Tới thị trường các nước đang phát triển, các tập đoàn siêu thị tha hồ khai thác, vì những nơi này có thị trường đông dân cư, nhu cầu tiêu dùng khá lớn trong khi áp lực cạnh tranh không cao. Cũng giống như khách hàng của những nước phát triển, khách hàng ở những nước đang phát triển ngày càng chán với phong cách bán hàng nhỏ lẻ manh mún ở chợ hay cửa hàng, họ đã đổ xô tới những siêu thị lớn mua hàng, thuận tiện đủ đường: cơ sở hạ tầng hiện đại, hàng hóa chất lượng, kèm theo nhiều chương trình khuyến mãi...

Các siêu thị có khả năng phát triển nhất trong thời gian gần đây vẫn là Carrefoure (Pháp), Wal-Mart (Mỹ), Ahold (Hà Lan), Tesco (Anh), Shoprite (Nam Phi). Không chỉ những khách hàng được tận hưởng điều thuận lợi trên mà hệ thống thu mua sản phẩm của siêu thị cũng rất hiện đại với số lượng hàng hóa rất lớn, nên phần nào nông dân có lợi. Kho dự trữ hàng của họ rất nhiều và họ cũng có thể cung ứng hàng bằng đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp phục vụ khách suốt ngày đêm. Với tốc độ đô thị hóa nhanh trong tương lai, thu nhập người dân tăng, sự bùng nổ siêu thị tại các quốc gia đang phát triển sẽ ngày càng mạnh hơn.

Nông dân và buôn bán nhỏ bị đe dọa

Theo IFPRI, tình trạng bùng nổ siêu thị đang đe dọa tới các ngôi chợ truyền thống của người dân địa phương. Hàng triệu tiểu nông ở Mỹ Latinh, châu Phi, Trung Đông, châu Á lâm vào cảnh khó khăn do sự phát triển của các siêu thị.

Thông thường, khi đi mua hàng hóa những siêu thị thường ép nông dân để được mua hàng theo tiêu chuẩn riêng của mình, nếu đáp ứng thì họ sẽ thu mua với khối lượng khổng lồ. Ngoài ra, các siêu thị thường đưa ra các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn hay chất lượng sản phẩm theo thị trường ở nước họ và gây khó cho nông dân.

Hãng siêu thị Carrefoure đưa ra tiêu chuẩn hàng trăm sản phẩm của nông dân khi bán cho họ phải như nhau và không có gì khiếm khuyết. Khác với trước đây, người nông dân thường chất sản phẩm với đủ loại hình thức vào xe tải sau đó đem thẳng tới chợ bán. Điều này quả là rất khó khăn cho những lĩnh vực như chăn nuôi bò sữa, vì hàng trăm ngàn người nông dân chăn nuôi không thể đầu tư các trang thiết bị như nhau: bình làm lạnh, hệ thống khử trùng... để cho ra sản phẩm có chất lượng, cung cấp cho siêu thị.

Tiêu chí trên đối với những nông dân có quy mô sản xuất nhỏ quả là ngoài sức tưởng tượng. Do đó, người nông dân buộc phải mở rộng quy mô, phục vụ cho quá trình toàn cầu hóa của mình. Rất nhiều tin tức không tốt cho những nông dân khi tham gia quá trình toàn cầu hóa trong những năm tới.

Theo chuyên gia Braun, người làm việc cho một tổ chức của Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Phát triển liên châu Mỹ: “Các nước đang phát triển cần lập ra một chương trình nghiên cứu cho nông dân để hàng hóa của họ không bị một rào cản từ siêu thị tác động tới, nghĩ tới cảnh kiểm duyệt sữa tại Mỹ Latinh mà tôi sợ, đây quả là một câu chuyện buồn cho nông dân”.

IFPRI cho rằng, trước hoàn cảnh này, nông dân cần trang bị cho mình những thông tin cần thiết, xây dựng cơ sở hạ tầng, tập luyện các kỹ năng để thích nghi nhanh với những yêu cầu của siêu thị. Chỉ có như vậy thì những nông dân tại những nước đang phát triển mới cải thiện được doanh thu của mình từ việc bán hàng cho siêu thị, nếu không, họ sẽ ít còn có cơ hội sinh nhai bằng nghề của mình khi quốc gia hội nhập mạnh mẽ với toàn cầu

Văn Hùng (Tổng hợp)
.
.