Trước thềm Hội nghị Quốc tế về Afghanistan:

Khó khăn trăm bề cho Tổng thống Karzai

Thứ Sáu, 22/01/2010, 15:30
Chỉ 10 ngày trước khi diễn ra Hội nghị quốc tế về Afghanistan, uy tín của Tổng thống Hamid Karzai lại tiếp tục bị giảm sút thêm một mức mới sau khi Quốc hội Afghanistan bác bỏ lần thứ hai 10 trong số 17 đề cử thành viên nội các. Trong khi ông Karzai sẽ tới tham dự hội nghị London mà không thể thành lập xong chính phủ mới thì tầm quan trọng của hội nghị này đã bị đánh tụt xuống một mức.

Hôm 16/1 vừa qua, Quốc hội Afghanistan lại một lần nữa bác bỏ hơn một nửa số đề cử thành viên chính phủ trong danh sách mà Tổng thống Hamid Karzai đệ trình lên. Như vậy, sau hai lần đề cử, nội các mới gồm 25 ghế vẫn còn 11 ghế bộ trưởng bị bỏ trống cho đến nay. Theo giới quan sát, đây là một vố đau thứ hai đối với Tổng thống Hamid Karzai. Trong danh sách đề cử lần trước hôm 2/1, Quốc hội Afghanistan đã bác bỏ tới hai phần ba đề cử của ông Karzai.

Các dân biểu Afghanistan cho rằng những người được đề cử lần này không có kinh nghiệm hoặc được lựa chọn chỉ vì họ có quan hệ với giới chỉ huy quân sự các địa phương. Bộ trưởng Kinh tế, người vừa được bổ nhiệm là lãnh đạo một đảng có quan hệ chặt chẽ với một nhóm nổi dậy. Sự kiện này có thể được diễn giải là Tổng thống Karzai muốn có những cử chỉ hòa dịu với các nhóm nổi dậy. Một vị trí quan trọng khác cũng đã được chấp nhận. Đó là chức Ngoại trưởng, được trao cho Cố vấn An ninh quốc gia của Tổng thống Karzai. Trong số ba đề cử là phụ nữ, chỉ một người được Quốc hội chấp thuận.

Sau thất bại trên, phát ngôn viên của Phủ tổng thống Afghanistan cho biết, ông Hamid Karzai sẽ đệ trình một danh sách đề cử thứ ba. Tuy nhiên, sau lần bỏ phiếu hôm 16/1, Quốc hội Afghanistan ngưng làm việc đến ngày 20/2/2010. Điều này đồng nghĩa với việc ông Karzai sẽ tới tham dự hội nghị các nhà tài trợ cho Afghanistan tại London ngày 28/1 này mà không thể thành lập xong nội các mới.

Quốc hội Afghanistan bỏ phiếu bác phần lớn thành viên nội các mới ngày 16/1.

Trong khi đó, tầm quan trọng của Hội nghị quốc tế về Afghanistan cũng đang bị đặt vấn đề. Sáng kiến thành lập hội nghị này được Thủ tướng Anh Gordon Brown đưa ra theo dự kiến ban đầu sẽ là cuộc gặp gỡ giữa các nguyên thủ quốc gia (chủ yếu là Mỹ và phương Tây) để bàn về tương lai của Afghanistan, nhưng cho đến nay hội nghị này chỉ bó hẹp lại là cuộc họp của ngoại trưởng các nước. Tuy vậy, Ngoại trưởng Anh, David Miliband, trong một cuộc trả lời phỏng vấn tờ Figaro của Pháp, khẳng định rằng chương trình nghị sự chính của hội nghị này sẽ không đổi, đó là việc "Afghanistan hóa chiến tranh".

Mỹ và phương Tây muốn người Afghanistan tự làm chủ tình hình đất nước. Theo ông Miliband, việc tăng cường binh lính Mỹ tại chiến trường này theo quyết định của Tổng thống Obama cũng như việc tăng viện trợ cho các hoạt động dân sự trong thời gian này đều nhằm thực hiện mục đích trên. Hội nghị London sẽ đề cập tới 3 chủ đề chính. Thứ nhất là vấn đề an ninh, vì việc củng cố khả năng của Afghanistan trong việc bảo vệ chính đất nước của họ là điều không thể thiếu. Tiếp đến là vấn đề quản lý và điều hành đất nước, điều quyết định thành công của công tác chống các nhóm nổi dậy cả ở cấp địa phương lẫn trung ương. Cuối cùng là vấn đề quan hệ giữa Afghanistan với các nước láng giềng, đặc biệt là với Pakistan.

Không giống như phản ánh của một số phương tiện truyền thông gần đây, theo ông David Miliband, hội nghị này không nhằm đưa ra những cam kết, hỗ trợ tiền bạc hay số lượng binh lính tăng cường. Tổng thống Karzai sẽ mở màn hội nghị và đưa ra những điều cần làm cho Afghanistan vào lúc này. Cộng đồng quốc tế sẽ xem ông Karzai làm thế nào để chuyển giao thành công trách nhiệm từ các lực lượng quốc tế về tay lực lượng Afghanistan. Về mặt quản lý, điều hành chính phủ và phát triển đất nước, cộng đồng quốc tế sẽ hỗ trợ chính quyền ông Karzai trong việc tái hòa nhập những thành phần từng nổi loạn vào hệ thống chính trị Afghanistan.

Ngoại trưởng Miliband cho rằng Tổng thống Karzai đã có những tiến bộ đáng kể trong điều hành đất nước. Ông đã có 2 đến 3 sáng kiến quan trọng, trong đó có một hội nghị chống tham nhũng và thành lập một ủy ban chuyên trách chống tham nhũng.

Ông Miliband đánh giá rằng tình hình Afghanistan sau 7 năm chiến tranh đã có những cải thiện đáng kể: những bé gái được tới trường, người bệnh được chăm sóc y tế; những cuộc bầu cử được tổ chức, mặc dù chưa được tốt; quân đội Afghanistan được xây dựng gồm 96.000 người, bước đầu đã đảm bảo được công tác an ninh cho người dân... Đó là những dấu hiệu cho thấy Afghanistan đang đi đúng hướng. Tuy nhiên, điều đó cũng không có nghĩa là không còn nhiều vấn đề lớn cần giải quyết, mà nổi bật là vấn đề an ninh và tham nhũng. Bằng chứng là sáng ngày 18/1, khoảng 20 phần tử khủng bố Taliban đã tấn công vào Phủ tổng thống và trụ sở các bộ ở trung tâm Kabul.

Trong suốt 4 tiếng đồng hồ, trung tâm thủ đô Afghanistan đã trở thành chiến trường giao tranh ác liệt. Theo một phát ngôn viên của Bộ Nội vụ Afghanistan, trong cuộc tấn công này, 7 tên khủng bố đã thiệt mạng. Ngoài ra, có ít nhất 5 người chết và 71 người bị thương. Sau 4 giờ giao tranh, Tổng thống Hamid Karzai tuyên bố an ninh đã được tái lập

Nguyễn Bảo (tổng hợp)
.
.