Quanh việc hai ứng viên vị trí thủ tướng Hàn Quốc xin rút lui:

Khó xơi “miếng bánh giữa làng”

Thứ Năm, 10/07/2014, 17:45

Dẫu biết rằng tại Hàn Quốc, người đảm nhiệm vai trò thủ tướng không có nhiều thực quyền, bởi hầu như mọi quyền lực đều thuộc về Tổng thống, nhưng hoạt động của chính phủ vẫn bị xem là tê liệt vì sự vắng mặt của nhân vật này. Việc cả hai ứng viên chức danh thủ tướng phải rút lui là đòn giáng mạnh vào uy tín của Tổng thống Park Geun-hye đang ở mức thấp kỷ lục sau 16 tháng nhậm chức.

Dẫu biết rằng tại Hàn Quốc, người đảm nhiệm vai trò thủ tướng không có nhiều thực quyền, bởi hầu như mọi quyền lực đều thuộc về Tổng thống, nhưng hoạt động của chính phủ vẫn bị xem là tê liệt vì sự vắng mặt của nhân vật này. Việc cả hai ứng viên chức danh thủ tướng phải rút lui là đòn giáng mạnh vào uy tín của Tổng thống Park Geun-hye đang ở mức thấp kỷ lục sau 16 tháng nhậm chức.

Theo Hiến pháp Hàn Quốc, sau khi được tổng thống chỉ định và giới thiệu trước quốc dân, thủ tướng Hàn Quốc mới được chính thức bổ nhiệm với sự phê chuẩn của Quốc hội. Thủ tướng là trợ lý hành pháp chính cho Tổng thống, hỗ trợ tổng thống bằng cách giám sát các bộ và tiến cử các bộ trưởng. Nhân vật này sẽ là người tiếp quản văn phòng Tổng thống trong trường hợp tổng thống không còn khả năng thực hiện vai trò của mình.

Hơn một tháng trước, nhằm xoa dịu làn sóng chỉ trích của công luận về hành động tắc trách và phản ứng chậm chạp của các lực lượng chức năng gây ra thảm họa chìm phà Sewol, Thủ tướng Hàn Quốc Chung Hong-won đã đệ đơn từ chức và được Tổng thống Park Geun-hye chấp thuận.

Tuy vậy, bà Park đề nghị ông Chung sẽ tiếp tục lưu lại nội các cho đến khi tìm được người kế nhiệm. Số phận không cho phép ông Chung rời bỏ chiếc ghế mang tính biểu tượng này vì ai là người kế nhiệm ông cho đến nay vẫn là một ẩn số.

Những quan điểm cá nhân ngày trước của ông Moon chang-kouk đã biến thành “phát ngôn gây họa” khiến ông phải rút khỏi vị trí ứng viên thủ tướng.

Ngày 22/5, Tổng thống Park Geun-hye đã chỉ định ông Ahn Dai-hee, cựu thẩm phán Tòa án tối cao, người nổi tiếng trong cuộc chiến chống tham nhũng, giữ chức thủ tướng mới của nước này. Ahn Dai-hee chính thức trở thành thẩm phán của Tòa án tối cao vào năm 2006. Ông từng được mệnh danh là "thẩm phán có bàn tay sắt" vì từng trực tiếp chỉ đạo các vụ án tham nhũng có sự dính líu của những quan chức cao cấp cùng đội ngũ thuộc hạ thân tín của họ.

Tuy nhiên, cách đây 2 tuần, ông Ahn Dai-hee đã xin rút khỏi đề cử này do bị giới truyền thông soi mói và đặt dấu hỏi về khoản thu nhập của ông bất ngờ "phình ra" đến 1,6 tỉ won (khoảng 1,5 triệu USD) chỉ trong vòng 6 tháng sau khi rời ghế thẩm phán để làm việc trong lĩnh vực tư nhân.

Công luận có quyền đặt dấu hỏi cho sự giàu lên nhanh chóng và bất thường này vì có thể vị cựu thẩm phán đã tận dụng sức ảnh hưởng cùng mối quan hệ của mình trong công việc mới. Vì vậy, trong cuộc họp báo chính thức về quyết định xin rút khỏi chức danh thủ tướng, ông Ahn Dai-hee phát biểu rất chân thành: "Thành thật xin lỗi Tổng thống đã tin tưởng mà chỉ định tôi vào vị trí thủ tướng. Xin gác lại tất cả danh vọng và mọi điều dị nghị, tôi tha thiết muốn làm một công dân bình thường, sống một cuộc sống bình thường".

Quyết định này của vị cựu thẩm phán lão luyện được xem là một động thái khôn ngoan, nó đảm bảo cho sự nghiệp của ông (và có thể cho gia sản ông) không bị hoen ố và… hao mòn vì "thói đời và những luận điệu gièm pha". Tiến thêm một bước trong cách hành xử đầy mã thượng, ông tuyên bố sẽ "hiến tặng cho các quỹ phúc lợi xã hội Hàn Quốc số tiền 1,1 tỉ won".

Ngày 10/6, nữ Tổng thống Park Geun-hye tiếp tục tuyên bố bổ nhiệm cựu Tổng biên tập báo JoongAng Ilbo- Moon Chang-keuk, 66 tuổi, giữ chức tân thủ tướng. Tuyên bố này khiến dư luận Hàn Quốc một phen dậy sóng. Trong lĩnh vực báo chí, ông Moon Chang-keuk từng được ca ngợi là một nhà báo đầy bản lĩnh. Sau khi trở thành Tổng Biên tập của một trong những tờ báo lớn nhất Hàn Quốc, ông lại nổi tiếng trong vai trò một diễn giả và là giáo sư truyền thông tại Đại học Quốc gia Seoul.

Bổ nhiệm ông Moon vào vị thế thủ tướng "hữu danh vô thực", Tổng thống Park Geun-hye không quên ủy lạo tinh thần cho cánh tay mặt của mình rằng, "sẽ không ai phù hợp hơn ngài Moon Chang-keuk để thúc đẩy các chương trình nghị sự quốc gia, bao gồm việc cải tổ các cơ quan chính phủ”.

Giới truyền thông thêm một lần nữa, thể hiện ngay "sức mạnh của quyền lực thứ ba" trong xã hội bằng cách khơi ra những lời bình luận trước đây của ông Moon về một trong những đề tài dễ xoáy sâu vào vết thương lòng của những người dân Hàn Quốc sinh trưởng cách đây hơn nửa thế kỷ. Năm 2005, trong một bài xã luận, ông Moon bình luận việc quân đội phát xít Nhật Bản ép phụ nữ Hàn Quốc làm nô lệ tình dục thời chiến là lỗi của…lịch sử và của giới quân phiệt Nhật chứ không liên quan gì đến Chính phủ Nhật hiện tại.

Năm 2011, trong một lần diễn thuyết, ông Moon đã vô tư nói rằng, việc đế quốc Nhật Bản chiếm đóng bán đảo Triều Tiên giai đoạn 1910-1945 là "ý trời, là số phận của người dân". Giới truyền thông lập tức gán cho ông là "người thuộc phe thân phát xít Nhật" và đã châm ngòi cho những phản ứng dữ dội trong dư luận đến mức các thành viên của đảng cầm quyền cũng bắt đầu nghi ngờ về sự lựa chọn của Tổng thống Park.

Suốt 2 tuần qua, ông Moon khẳng định sẽ không chịu lùi bước, thế nhưng trước sức ép quá lớn từ dư luận, nữ Tổng thống đành cho phép ông tuyên bố thoái lui khỏi vị trí thủ tướng.

Và dường như để tránh có thêm những rắc rối khi đề bạt ứng viên mới, bà Park đã không còn lựa chọn nào khác ngoài việc rút lại quyết định đồng ý cho ông Chung Hong-won từ chức. Yoon Doo-hyun, người phát ngôn của Nhà Xanh, khẳng định quyết định của Tổng thống được đưa ra căn cứ trên sự cần thiết phải chấm dứt tình trạng tê liệt của chính phủ do thiếu vắng thủ tướng.

"Rất nhiều vấn đề nảy sinh trong quá trình rà soát (ứng viên thủ tướng) đã gây ra sự gián đoạn trong quá trình quản lý hành chính, và khiến công luận cũng bị chia rẽ" - ông Yoon khẳng định.

Xem ra, nếu không được sự ưu ái cất nhắc của Tổng thống Park Geun-hye thì đường sự nghiệp của hai ông Ahn Dai-hee và Moon Chang-keuk sẽ tiếp tục nối dài trong cảnh tươi sáng, nhưng vì lỡ dự phần vào "miếng bánh giữa làng" - chiếc ghế thủ tướng đầy trọng vọng - nên công luận trong một thể chế xã hội vốn xem trọng tính minh bạch và trách nhiệm công dân có quyền soi kỹ rằng, người dự phần vào “miếng bánh” ấy có đầy đủ tư chất hay không

Đinh Linh (tổng hợp)
.
.