Khởi động lại vòng đàm phán 6 bên về vấn đề hạt nhân của CHDCND Triều Tiên

Thứ Sáu, 13/06/2008, 09:15
Hiếm có vấn đề quốc tế nào lại kéo dài và gặp nhiều trở ngại, khó đoán định, lôi cuốn nhiều cường quốc tham gia và khiến dư luận quốc tế quan tâm như các vòng đàm phán 6 bên về vấn đề hạt nhân của CHDCND Triều Tiên.

Nhưng hiện đang có những dấu hiệu khả quan tiến trình này có thể có sự đột phá. Các nước Mỹ, Trung Quốc, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc và Triều Tiên lại chuẩn bị cho việc nối lại vòng đàm phán mới ở Bắc Kinh nhằm tìm kiếm giải pháp để chấm dứt cuộc khủng hoảng này.

Ngày 2/6 mới đây, Trưởng đoàn đàm phán 6 bên của Hàn Quốc Kim Sook cho biết, CHDCND Triều Tiên gần như hoàn tất tài liệu thống kê về hoạt động hạt nhân nhưng Bình Nhưỡng muốn có sự bảo đảm từ phía Mỹ về việc bình thường hóa quan hệ, đưa Triều Tiên ra khỏi danh sách các nước thù địch (hỗ trợ cho khủng bố).

Theo Trưởng đoàn đàm phán 6 bên của Hàn Quốc Kim Sook, Mỹ và CHDCND Triều Tiên sẽ cùng có những tuyên bố về các vấn đề này. Điều còn lại là vào thời gian nào mà thôi. Cũng theo ông Kim Sook, phía Mỹ cần nhiều thời gian hơn là Bình Nhưỡng.

Xem xét kỹ vấn đề, điều mà ông Kim nói là có cơ sở. Con bài mà phía CHDCND Triều Tiên nắm trong tay có tính chủ động cao hơn. Trong lúc đó, chính quyền Bush cần có sự ủng hộ của chính giới Mỹ. Tuy nhiên, cũng có thể nhận thấy rằng, ông Bush và cộng sự đang nỗ lực giải quyết hồ sơ hạt nhân của CHDCND Triều Tiên bằng biện pháp hòa bình trước khi rời Nhà Trắng. Và không phải không có tính toán mà sau cuộc hội đàm với ông Kim tại Bắc Kinh, phái viên hạt nhân Mỹ Christopher Hill nhận định sẽ khó hoàn tất quá trình vô hiệu hóa các chương trình hạt nhân của CHDCND Triều Tiên vào cuối năm 2008.

Trước đó, ngày 30/5 vừa qua, các trưởng đoàn đàm phán hạt nhân của CHDCND Triều Tiên và Hàn Quốc đã hội đàm tại Bắc Kinh. Trưởng đoàn CHDCND Triều Tiên vẫn là Thứ trưởng Ngoại giao Kim Kye Gwan, nhưng đại diện Hàn Quốc lại là một nhân vật mới. Đó là ông Kim Sook, người đã được chỉ định kế nhiệm ông Chung Yung-woo làm trưởng đoàn đàm phán Hàn Quốc tại hội đàm 6 bên, từ tháng 2/2008.

Kim Sook năm nay 55 tuổi, là nhà ngoại giao kỳ cựu, từng giữ nhiều vị trí liên quan tới quan hệ với Mỹ trong Bộ Ngoại giao Hàn Quốc. Người Hàn Quốc vẫn nhớ rõ Kim Sook đã từng giữ vai trò vô cùng quan trọng trong việc giúp giảm bớt phần chi phí mà Seoul phải chịu đối với việc duy trì quân Mỹ tại nước này.

Mặc dù cuộc gặp giữa ông Kim Kye Gwan và Kim Sook tại Bắc Kinh chỉ vỏn vẹn khoảng một giờ đồng hồ, nhưng đây là một bước khởi đầu quan trọng trong bối cảnh quan hệ giữa Bình Nhưỡng và Seoul trở nên căng thẳng trong thời gian gần đây, nhất là từ khi Tổng thống Lee Myung-bak tuyên thệ nhậm chức ở Hàn Quốc hồi tháng 2/2008.

Và cũng trước đó, đại diện của Mỹ, Christopher Hill  đã tới Bắc Kinh và gặp đại diện CHDCND Triều Tiên Kim Kye Gwan vào ngày 28/5. Theo Trưởng đoàn đàm phán Mỹ, họ đã có các cuộc thảo luận suôn sẻ về thời gian biểu cho tuyên bố hạt nhân của CHDCND Triều Tiên. Tuy nhiên, ông Hill không tiết lộ khi nào Bình Nhưỡng sẽ đệ trình văn bản này. Sau đó Christopher Hill  bay sang Moskva để tham luận về vấn đề trên.

Mỹ và Triều Tiên mới đây đạt được tiến bộ trong nỗ lực giải quyết tranh cãi chủ chốt dẫn đến bế tắc trong tiến trình đàm phán. Vào trung tuần tháng 5 vừa qua, Bình Nhưỡng đã trao cho Washington hồ sơ hạt nhân gồm 18.822 trang.

Chính quyền Bush hôm 13/5 đã hoan nghênh việc CHDCND Triều Tiên giao tài liệu hạt nhân nhưng còn muốn nhận được nhiều tài liệu hơn nữa. Tài liệu do CHDCND Triều Tiên chuyển giao cho thấy nước này sản xuất ít plutonium dành cho vũ khí hạt nhân hơn số mà quan chức tình báo Mỹ ước tính trước đây.

Triều Tiên thừa nhận đã sản xuất 37kg plutonium, ít hơn mức 40 tới 50kg mà quan chức Mỹ đã tính toán song nhiều hơn 30kg mà quốc gia này thừa nhận lúc đầu. Tài liệu này không đề cập tới thông tin gì về chương trình uranium bị quốc tế nghi ngờ.

Một diễn biến mới là chính Bình Nhưỡng đã tuyên bố rằng nếu Mỹ đưa Triều Tiên ra khỏi danh sách các quốc gia tài trợ khủng bố, nước này sẽ cho cả thế giới thấy quyết tâm từ bỏ chương trình hạt nhân của mình bằng cách công khai phá hủy tháp giải nhiệt tại tổ hợp hạt nhân Yongbyon.

Tháp giải nhiệt là thiết bị thoát hơi nước phát sinh trong quá trình sử dụng các chất làm nguội để sản xuất plutonium nguyên liệu chế tạo vũ khí hạt nhân. Với độ cao trên 20m, tháp này được xem là biểu tượng của tổ hợp hạt nhân Yongbyon, cơ sở hạt nhân chính của CHDCND Triều Tiên. Có tin nói rằng Triều Tiên đã hoàn tất 8 trong số 11 bước tháo dỡ lò phản ứng hạt nhân của nước này...

Phía Mỹ muốn thiết lập một cơ chế mới nhằm xác minh những thông tin về chương trình hạt nhân của Triều Tiên công bố. Washington dự kiến cơ chế này trực thuộc quyền kiểm soát của nhóm công tác “phi hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên”, đây là 1 trong 5 nhóm được thành lập theo thỏa thuận hồi tháng 2/2007 giữa 6 nước tham gia hội đàm.

Với những động thái tích cực chuẩn bị của các bên liên quan, người ta hy vọng đàm phán 6 bên về vấn đề hạt nhân của CHDCND Triều Tiên có thể được tái khởi động trước ngày 15/6. Tất nhiên, là trong cuộc so kè mặc cả này, Bình Nhưỡng cũng chẳng dại gì mà trao hết “ruột” cho Mỹ khi Washington không bảo đảm thực hiện các điều kiện về quan hệ và an ninh mà họ đã cam kết.

Trong khi đó, các bên còn lại tham gia cuộc đàm phán 6 bên như Trung Quốc, Nga, Nhật Bản và Hàn Quốc cũng có những mục tiêu của mình. Đại diện Bộ Ngoại giao nước chủ nhà Trung Quốc nói rằng, Bắc Kinh muốn tiến trình giải giáp hạt nhân CHDCND Triều Tiên diễn ra với tốc độ nhanh hơn, nhưng điều này không hoàn toàn phụ thuộc vào Trung Quốc.

Câu chuyện về vấn đề hạt nhân của CHDCND Triều Tiên vẫn chưa hết những động thái bất ngờ

Nguyễn Khắc Đức
.
.