Khủng bố ở Mumbai và vấn đề xử lý thảm họa sau khủng bố

Thứ Năm, 03/08/2006, 08:00

Cứu sống con người là ưu tiên cao nhất của bất cứ chiến lược giải quyết thảm họa nào. Nếu xe cứu thương và bác sĩ có mặt ở hiện trường các vụ khủng bố ở Mumbai sớm hơn thì nhiều người khác đã được cứu sống. Ngược lại, những công dân bình thường của thành phố Mumbai đã trở thành những người cứu nạn bất đắc dĩ.

Hầu hết cơ chế xử lý đối với thảm họa hiện nay vốn được lập ra để giải quyết thảm họa thiên nhiên như lũ lụt và động đất, hoặc các thảm họa khác như va chạm máy bay và tàu hỏa, các vụ cháy hay nhà cửa bị sập. Để đối phó với vụ động đất ở Gujarat năm 2001 và trận sóng thần vào tháng 12/2004, Chính phủ Ấn Độ đã thông qua Đạo luật xử lý thảm họa vào tháng 12/2005. Theo đạo luật này, các cơ quan xử lý thảm họa được lập ra ở trung ương và ở mỗi bang. Tuy nhiên, hiệu quả hoạt động của các cơ quan này vẫn chưa làm người ta yên lòng.

Ấn Độ một đất nước đông dân, đa tôn giáo, mâu thuẫn tôn giáo là không thể tránh khỏi do đó thường xuyên xảy ra các vụ khủng bố đẫm máu, đặc biệt là những nơi đông dân, trung tâm thương mại, các phương tiện giao thông. Bởi vậy rất cần thiết tăng cường an ninh, mở rộng dịch vụ cứu hộ để kịp thời cấp cứu nạn nhân khi xảy ra sự cố.

Dịch vụ cứu thương...

Ravi Krishna, đại diện của một dịch vụ cứu thương tư nhân có tên là Ambulance Access For All cho biết, tổ chức của họ có 7 xe cứu thương với các dịch vụ kết nối radio cho phép liên lạc không bị gián đoạn trong các vụ khủng hoảng. Một trong số 4 nhân viên của họ đã nhìn thấy các vụ nổ bom trên tivi và hai chiếc xe cứu thương đã đến ngay Mahim-Matunga. Đây là những chiếc xe đầu tiên tiếp cận hiện trường. Họ đã chở 8 nạn nhân trên chiếc xe cứu thương vốn được thiết kế chỉ dành cho 1 người. Chiếc xe cứu thương đầu tiên đến Bệnh viện công Sion. Chiếc thứ hai được hướng trực tiếp đến Bệnh viện KEM vì Bệnh viện Sion đang hoạt động quá tải.

Năm ngoái tổ chức này đã gợi ý thành lập 3 kênh phát thanh đặt ở Phòng Xử lý thảm họa, Phòng Điều hành cảnh sát và Bệnh viện Sion. Chi phí cho hoạt động này lấy từ các dịch vụ của đài. Tuy nhiên, chính phủ đã không có phản hồi nào. Krishna cho hay, chính phủ có ý coi nhẹ các dịch vụ cứu thương tư nhân.

Điều đáng nói ở đây là nhiều người trong số những người chịu trách nhiệm huấn luyện đang làm việc cho Ambulance Access For All đã được đào tạo ở London khi thành phố này phải hứng chịu các vụ đánh bom tàu điện ngầm hồi năm ngoái. Khi các vụ nổ bom xảy ra ở đường sắt phía tây, đội này đang tiếp cận hiện trường sau vụ nổ ở Borivili. Họ cho hay, có một sự khác biệt quá lớn giữa việc đối phó với thảm họa ở London và Mumbai. Từng người trong đội cứu hộ ở London ý thức được nhiệm vụ riêng của mình. Một đội làm việc dưới đường ray ngầm. Đội thứ hai trợ giúp và đội thứ ba phụ trách việc phối hợp chung.

Sự khác biệt cơ bản giữa kế hoạch xử lý thảm họa thiên nhiên và các cuộc khủng hoảng do con người gây ra nằm ở sự giám sát của các cơ quan tình báo và cảnh sát và sự phối hợp liên ngành. Điều này đã không tồn tại trong trường hợp các vụ đánh bom 11-7. Câu hỏi đặt ra ở đây là nếu các cơ quan tình báo biết trước được việc khả năng Mumbai đang bị đe dọa thì tại sao ngành đường sắt lại không được cung cấp thông tin này?

Cơ quan xử lý thảm họa của Delhi đã ở năm thứ ba của quá trình hợp tác và tính hiệu quả của việc hợp tác này đã được thử nghiệm qua các vụ nổ ở khu chợ Sarojini. Các kế hoạch đề phòng bất trắc đã được vạch ra, và đại diện của nhiều cơ quan chính phủ đã được huấn luyện để đối phó với những tình trạng khẩn cấp. Được sự thông báo của Phòng Quản lý của cảnh sát về một số vụ nổ bom ở khu chợ Sarojini, các cơ quan đã phối hợp trợ giúp y tế, thiết lập các trung tâm xử lý chấn thương và đường dây trợ giúp khẩn cấp cho người thân của các nạn nhân.

Biện pháp đối phó của các thành phố

Điều nguy hiểm là gần như người ta không ý thức được khả năng của các vụ tấn công khủng bố lớn có thể xảy ra ở Đông Bengal, thậm chí là cả lực lượng tình báo. Đông Bengal  là cửa ngõ tới vùng đông bắc, tới Nepal, BhutanBangladesh nên chính là địa bàn thâm nhập của những kẻ khủng bố.

Tamil Nadu, nơi đã phải hứng chịu một cuộc tấn công khủng bố lớn ở Coimbatore vào tháng 2/1998 làm chết 60 người, đã đẩy mạnh các biện pháp an ninh. Các quan chức đã chỉ thị cho cảnh sát ở đây tăng cường an ninh cho tuyến đường sắt, thậm chí còn cho phép họ lục soát hành lý của hành khách.

Bangalore có khả năng phải hứng chịu các vụ tấn công khủng bố vì đây là trung tâm công nghiệp phần mềm quốc tế và có nhiều cơ sở nghiên cứu khoa học và quân sự. Vụ tấn công nhằm vào cuộc hội thảo quốc tế được tổ chức tại Viện Khoa học Ấn Độ tháng 12/2005 là minh chứng cho những mối đe dọa đến từ các nhóm khủng bố.

Cũng như nhiều thành phố lớn khác, Bangalore hai tuần liền được đặt trong tình trạng cảnh giác cao độ với các hoạt động tuần tra được tăng cường ở những địa bàn nhạy cảm. Cơ quan xử lý thảm họa của bang này đang được huấn luyện để đối phó với các tình huống khẩn cấp. Họ được trang bị 35 xe chữa cháy với 150 viên chức, và trong hai tuần tới họ sẽ được nhận thêm 400 xe chữa cháy nữa thông qua các thỏa thuận với các tổ chức công và Không lực Ấn Độ. Cơ quan này cũng sẽ được trang bị 2 máy cứu hộ mini có thể xuyên bêtông và nóc thang máy. Bộ phận dịch vụ y tế cũng đã huy động các xe cứu thương ở tình trạng sẵn sàng.

Các vụ đánh bom khủng bố ở Mumbai như là một thử nghiệm quan trọng đối với tính hiệu quả của chiến lược đối phó với khủng hoảng của Ấn Độ. Cho đến nay, các mục tiêu của Đạo luật Xử lý thảm họa gần như chỉ nằm trên giấy tờ do khác biệt về khả năng của các bang trong việc xử lý thảm họa, nhất là các thảm họa do con người gây ra như đánh bom khủng bố

Võ Vinh (Theo Frontline)
.
.