Khủng hoảng Ukraina – Bài toán hóc búa

Thứ Năm, 07/08/2014, 18:35

Cuộc khủng hoảng Ukraina đang gia tăng mức độ nghiêm trọng cả về tình hình nội bộ nước này lẫn những cuộc đấu đá giữa Nga và phương Tây. Một giải pháp ngoại giao đang được các bên xem xét liệu có đạt được đột phá gì?

Trước hết nói về tình hình bên trong Ukraina. Hiện tại, các cuộc giao tranh giữa quân đội chính phủ Kiev và lực lượng đòi liên bang hóa ở miền Đông vẫn tiếp diễn. Có vẻ như quân đội Ukraina đang thắng thế trong các cuộc tấn công vào những trọng điểm chiến lược do quân ly khai nắm giữ. Quân chính phủ tiếp tục tiến từ bắc xuống nam, áp sát thành phố Donetsk.

Trong khu vực này, các cuộc giao tranh đang tập trung tại thành phố Gorlivka, nơi đã trở thành một trong những chốt tiền tiêu của lực lượng ly khai kể từ khi phải rút lui khỏi thành trì Sloviansk. Một vị trí chiến lược khác nằm ở phía đông Donetsk, gần với hiện trường tai nạn của chiếc máy bay MH 17 của hàng không Malaysia.

Theo Kiev, quân chính phủ đã vào được các địa phương như Chakhtarsk và Torez và đã chiếm lại quả đồi Savour - Mouyla, một điểm chiến lược trong khu vực này. Ngoài ra, Phủ Tổng thống Ukraina thông báo đã lấy lại được Stepanivka, một địa phương nằm gần với nơi may bay MH 17 rơi về hướng nam.

Trong khi đó, nội tình chính trị tại Ukraina đang trở nên rối ren. Ngày 31/7, Quốc hội Ukraina đã nhóm họp và thông qua quyết định không chấp nhận giải pháp từ chức của Thủ tướng Yatsenyuk. Ông Yatsenyuk nộp đơn từ chức hồi tuần trước, sau khi hai đảng rời bỏ liên minh cầm quyền, nhằm phản đối việc Quốc hội không thống nhất được về dự luật tăng ngân sách cho cuộc chiến chống các phần tử ly khai ở miền Đông.

Quyết định từ chức của ông Yatsenyuk đẩy Tổng thống Poroshenko vào chỗ khó khăn vì chính phủ do ông thành lập mới được có 3 tháng và theo lời ông trình bày với dân chúng, đây không phải là thời điểm để tổ chức bầu cử quốc hội mới, nhắc lại chuyện quân ly khai vẫn đang làm chủ khu vực miền Đông Ukraina.

Trong bối cảnh khủng hoảng an ninh hiện nay, giới lãnh đạo Ukraina như đã ý thức được là họ không thể để cho một cuộc khủng hoảng chính trị phân tâm. Đây chính là lý do Quốc hội bác đơn từ chức của ông Yatsenyuk. Đi kèm với quyết định này, các nhà lập pháp Ukraina cũng  chấp nhận xem xét dự luật về ngân sách và thuế khóa.

Cuộc đối đầu Đông - Tây xung quanh vấn đề Ukraina đang ở mức cao nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh.

Trên bình diện quốc tế, cuộc đối đầu giữa Nga và phương Tây xung quanh vấn đề Ukraina ngày càng thêm căng thẳng. Ngày 29/7, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã quyết định mở rộng các biện pháp trừng phạt Nga. Các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ bao gồm: cấm xuất khẩu sang Nga một số mặt hàng đặc biệt và công nghệ trong lĩnh vực năng lượng, mở rộng trừng phạt thêm nhiều ngân hàng và công ty quốc phòng của Nga, đình chỉ các khoản tín dụng hỗ trợ xuất khẩu và các dự án phát triển kinh tế ở Nga.

Ngoài ra, Washington cũng cấm các cá nhân người Mỹ giao dịch với 3 ngân hàng lớn của Nga. Cùng ngày, EU đã nhất trí áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế sâu rộng nhằm vào Nga. Những biện pháp trừng phạt mới này áp đặt những hạn chế trong các lĩnh vực như tài chính, quốc phòng, năng lượng, hàng hóa lưỡng dụng và các công nghệ nhạy cảm của Nga. Bên cạnh đó, phương Tây cũng đang đi vận động các đồng minh châu Á bổ sung các biện pháp trừng phạt Nga.

Ngày 28/7, Chánh văn phòng nội các Nhật Bản Suga khẳng định sẽ trừng phạt bổ sung đối với Nga do nước này chưa có những động thái giúp làm dịu cuộc khủng hoảng ở Ukraina. Theo đó, những tài sản ở Nhật Bản của các cá nhân, tập thể trực tiếp liên quan tới việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea hoặc tình trạng bất ổn ở miền Đông Ukraina sẽ bị phong tỏa. Những biện pháp trừng phạt bổ sung trên sẽ có hiệu lực sau khi được nội các phê chuẩn.

Ngoài ra, ngày 31/7, lãnh đạo các nền kinh tế phát triển hàng đầu thế giới (G7) cảnh báo, Nga sẽ phải đối mặt với các biện pháp trừng phạt hà khắc hơn nữa nếu nước này không thay đổi chính sách đối với Ukraina.

Các biện pháp trừng phạt mới vừa được Mỹ và các nước phương Tây công bố đã đánh dấu một giai đoạn đối đầu mới trong quan hệ giữa Nga và phương Tây.

Lãnh đạo EU đã phải miễn cưỡng tăng cường trừng phạt Nga theo lời kêu gọi của Mỹ.

Phản ứng trước những tuyên bố về các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ từ Mỹ và EU, trong một thông cáo, Bộ Ngoại giao Nga đã nhận xét "chính sách của Washington mang tính phá hoại" và lên án Washington gây trở ngại cho đường lối ngoại giao độc lập của Nga. Đối với EU, chính quyền Nga chỉ trích Bruxelles không đủ khả năng phán xét, để bị lôi kéo về hùa với Mỹ.

Trong cuộc họp về cách đối phó với các biện pháp trừng phạt của phương Tây và Mỹ trong lĩnh vực kỹ thuật, công nghệ quân sự, Tổng thống Nga Putin ngày 30/7 tuyên bố, ngành công nghiệp vũ khí Nga đủ sức tự cung ứng mọi nhu cầu về thiết bị, linh kiện và công nghệ cho ngành này thay vì phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu.

Về những biện pháp trừng phạt mới cứng rắn hơn nhằm vào Nga trong lĩnh vực ngân hàng, mua bán vũ khí do EU thông qua ngày 29/7, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov khẳng định, lệnh cấm vận của Mỹ và EU đối với các quan chức và công ty Nga sẽ không có tác dụng mà sẽ chỉ làm cho Moskva độc lập hơn, tự tin hơn vào sức mạnh nội tại của mình.

Báo Izvestia của Nga ngày 30/7 cho rằng, các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ nhằm vào các ngân hàng của Nga sẽ không ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh của những ngân hàng này vì chúng không phụ thuộc nhiều vào nguồn vốn nước ngoài.

Các chuyên gia Nga tỏ ra tự tin vào sự vững vàng của nền kinh tế Nga trước những lệnh trừng phạt mạnh mẽ từ phương Tây. Họ cho rằng nó không phải là thảm họa đối với nền kinh tế Nga và phương Tây cũng phải cân nhắc rất kỹ về những tác động ngược của những biện pháp này. Ngày 30/7, Nga đã thực hiện một số động thái trả đũa nhất định khi ra lệnh cấm nhập toàn bộ rau quả từ Ba Lan, quốc gia lớn tiếng ủng hộ việc trừng phạt Nga, và cho biết có thể áp dụng lệnh cấm này trên phạm vi toàn châu Âu.

Trước đó, Moskva công bố lệnh cấm nhập khẩu nước trái cây từ Ukraina. Mặt hàng thịt nhập khẩu từ Moldova cũng đã bị hạn chế. Các chuyên gia dự báo, đòn đáp trả bằng năng lượng và khí đốt của Nga sẽ gây chí tử cho toàn châu Âu. Tuy nhiên, biện pháp này chưa được Moskva xem xét.

Trong lúc này một cuộc đối thoại về tình hình khủng hoảng ở miền Đông Ukraina, gồm Nga, Ukraina, Tổ chức Hợp tác và An ninh châu Âu (OSCE), cùng các nhóm nhân quyền quốc tế, dự kiến sẽ diễn ra tại Minks với sự chấp thuận của nước chủ nhà Belarus. Tin từ văn phòng Tổng thống Alexander Lukashenko của Belarus cho biết như vậy nhưng không nói rõ ngày giờ vòng đối thoại diễn ra.

Tổng thống Ukraina, Petro Poroshenko, đã yêu cầu Tổng thống Belarus cho mượn nơi hội họp trên lãnh thổ nước này. Không có dấu hiệu cho thấy phe ly khai tham dự vòng đàm phán dù theo như Tổng thống Poroshenko khẳng định các bên liên quan đều được mời

M.T. (tổng hợp)
.
.